PricewaterhouseCoopers (PwC) – một trong những công ty kiểm toán chuyên nghiệp nhất thế giới – vừa công bố một báo cáo trong đó đưa ra dự báo về danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Báo cáo có tựa đề “Quan điểm dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao vào năm 2050?”, trong đó xếp hạng 32 quốc gia theo GDP toàn cầu dựa trên tiêu chí sức mua tương đương (PPP).
PPP được các chuyên gia kinh tế sử dụng để xác định sản lượng kinh tế và mức sống giữa các quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có thể sẽ đứng vị trí thứ 29 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, và đến năm 2050, thứ hạng này còn có thể cải thiện lên vị trí thứ 20, thậm chí còn vượt cả Canada và Italia.
Trong 13 năm tới, cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi.
PwC nhận định 32 nền kinh tế mạnh nhất thế giới sẽ chiếm 85% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Theo danh sách này, Trung Quốc sẽ thay thế vị trí hiện tại của Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP tính theo PPP đạt 38.008 tỷ USD.
Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai với GDP đạt 23.475 tỷ USD.
Ấn Độ sẽ để vươn lên vị trí thứ ba với GDP đạt 19.511 tỷ USD, trong khi Nhật Bản rơi xuống vị trí thứ tư với GDP đạt 5.606 tỷ USD.
Nằm trong top 5 là Indonesia với đạt 5.424 tỷ USD.
Việt Nam được PwC xếp hạng ở vị trí thứ 29, với GDP tính theo sức mua tương đương đạt 1.303 tỷ USD.
Các nước xếp hạng trên Việt Nam còn có Nga (với GDP đạt 4.736 tỷ USD), Đức (4.707 tỷ USD), Brazil (4.439 tỷ USD), Mexico (3.661 tỷ USD), Pháp (3.377 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (2.996 tỷ USD), Ả-rập Xê-út (2.755 tỷ USD), Hàn Quốc (2.651 tỷ USD), Italia (2.541 tỷ USD), Iran (2.354 tỷ USD), Tây Ban Nha (2.159 tỷ USD), Canada (2.141 tỷ USD), Ai Cập (2.049 tỷ USD), Pakistan (1.868 tỷ USD), Nigeria (1.794 tỷ USD), Thái Lan (1.732 tỷ USD), Australia (1.663 tỷ USD), Philippines (1.615 tỷ USD), Malaysia (1.506 tỷ USD), Ba Lan (1.505 tỷ USD), Argentina (1.342 tỷ USD), và Bangladesh (1.324 tỷ USD).
Hai nước xếp sau Việt Nam trong danh sách này là Nam Phi và Colombia.
Hạo Nhân
(Đại Kỷ Nguyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét