Donald Trump nên làm gì với Trung Quốc? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Donald Trump nên làm gì với Trung Quốc?


Ông Trump nên nhận ra rằng các thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi một bên có niềm tin vào bên kia. Cho tới nay, dường như phía Bắc Kinh cho thấy bản thân nước này không đáng được tin cậy. Theo đó, Trump nên được chuẩn bị để ăn miếng trả miếng với một Trung Quốc thiếu tinh thần hợp tác và có ý định thay đổi trật tự thế giới vốn do Mỹ xác lập.


Tề Thiên Đại Thánh giơ Gậy như ý của mình lên, và có sự náo loạn lớn trên Thiên cung. Bầu trời xanh ngọc bích không còn một hạt bụi. 

Với câu nói này, Mao Trạch Đông đã bắt đầu cuộc Cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại của Trung Quốc. Như hầu hết mọi người dân Trung Quốc đã biết, câu nói này đến từ một cuốn tiểu thuyết thế kỷ 16 mà có nguồn gốc từ các tín ngưỡng dân gian có từ ít nhất một thiên niên kỷ trước. Trong số các quyền lực của Tề Thiên Đại Thánh, có khả năng biến mỗi sợi tóc trên đầu trở thành một con khỉ nhỏ giơ gậy. Bằng phép ẩn dụ này, Mao Trạch Đông đã ra tín hiệu về một cuộc tấn công vào cái mà ông coi là một giới quyền uy ngày càng mất nhiệt huyết và đáng nghi về mặt tư tưởng: những chiếc gậy của cuộc Cách mạng văn hóa sẽ được giương lên bởi hàng triệu thành viên trẻ tuổi của lực lượng Hồng Vệ binh. 

Ở đây, sự tương đồng với nền chính trị Mỹ có sự khác biệt nhỏ. Trong khi lối nói tranh cử của Donald Trump ra tín hiệu về mong muốn của ông tấn công giới quyền uy để khiến nước Mỹ vĩ đại lần nữa, những người ủng hộ ông chủ yếu là tầng lớp lao động da trắng đã trưởng thành hơn là thanh niên, với nhóm thứ hai ủng hộ kiểu nổi loạn cánh tả chống lại giới quyền uy do ứng cử viên thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ Bernie Sanders lãnh đạo, và đã xuống đường biểu tình với số lượng lớn sau cuộc bầu cử để phản đối chiến thắng của Trump. Một trong số những vấn đề nóng hổi của chiến dịch tranh cử là điều gì, cho dù thế nào, nên được thực hiện – hoặc có thể được thực hiện – với Trung Quốc. Một phần trong công thức của Trump để khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa là ứng xử kiên quyết với Trung Quốc, quốc gia cùng với văn hóa tập đoàn tham lam của Mỹ, mà những người phản đối Trump chỉ ra rằng ông cũng thuộc về, được ông coi là lý do chính cho việc nước Mỹ không còn vĩ đại nữa. 

Theo Trump, các chính quyền liên tiếp của Mỹ đã sai lầm về Trung Quốc. Trong suốt 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, cả 2 đảng phái chính trị đã khuyến khích sự phát triển của Trung Quốc với niềm tin rằng một Trung Quốc thịnh vượng sẽ là một Trung Quốc hòa bình. Ngược lại, một Trung Quốc nghèo và không thỏa mãn sẽ có xu hướng hung hăng, thậm chí đi tới chiến tranh. Sự thịnh vượng sẽ có một tác động tích cực tới một hệ thống chính trị quốc tế và sẽ hội nhập tốt vào trật tự quốc tế. Theo lời nói thường được nhắc đến của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick năm 2005, Trung Quốc sẽ trở thành “một bên tham gia quốc tế có trách nhiệm”. Lấy sự miêu tả của chính Bắc Kinh về “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, chính sách của Mỹ đã chính thức chào đón sự phát triển đó, trong khi những người ra quyết định và hầu hết các nhà bình luận đều tư vấn về sự cần thiết phải hỗ trợ quyền lực mới nổi. 

Họ tin rằng cuộc cách mạng chỉ là vấn đề về thời gian. Chính quyền Clinton đã bảo vệ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) như là một “viên thuốc độc” đối với Trung Quốc. Thế nhưng gần như ngay lập tức, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vốn đã là một quan ngại, bắt đầu phình to. Tính tới tháng 9/2016, tổng thâm hụt đạt mức 1557 tỷ USD, với Trung Quốc nắm giữ 30% tổng nợ của đất nước với các chủ nợ nước ngoài. Các công đoàn lao động chỉ trích dữ dội về vấn đề việc làm, và đôi khi về toàn bộ các công ty chuyển sang Trung Quốc, nơi mức lương thấp, các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo, sự lơ là đối với ô nhiễm, và kiểm soát chất lượng kém cho phép hàng hóa Trung Quốc có mức giá rẻ hơn so với các mặt hàng tương tự được sản xuất tại Mỹ. 

Các tập đoàn của Mỹ phàn nàn rằng cho dù các công ty Trung Quốc có thể tương đối dễ dàng tham gia thị trường Mỹ, Bắc Kinh lại đặt ra những rào cản hạn chế đối với họ khi tham gia thị trường Trung Quốc: cuộc chơi không hề công bằng. Các khó khăn khác về thương mại liên quan tới nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ lan rộng, các cáo buộc rằng Bắc Kinh đang cố tính giữ giá trị đồng tiền của mình ở mức thấp để kích thích xuất khẩu, và bán hàng hóa trên thị trường Mỹ với mức giá thấp hơn chi phí nguyên liệu được sử dụng để sản xuất. Khi các doanh nghiệp trở nên phụ thuộc hơn vào Internet, tình báo mạng và tấn công máy tính đã được đưa vào danh sách các quan ngại. Những vấn đề này được bổ sung vào các vấn đề gây bất đồng lâu nay giữa 2 bên như nhân quyền và vị thế của Đài Loan. 

Quả thực, trong khi Trung Quốc trở nên ngày càng thịnh vượng, ban lãnh đạo nước này lại không trở nên hòa hợp hơn với sự bất đồng trong nước, và hành vi của nước này cũng không trở nên hòa bình hơn. Sự gia tăng ở mức 2 con số trong ngân sách quốc phòng được báo cáo của nước này – mà nhiều người tin rằng đã giảm bớt đáng kể các khoản chi tiêu thực sự – tiếp tục được duy trì gần như mỗi năm bắt đầu vào năm 1989 – năm diễn ra cuộc thảm sát Thiên An Môn – ngay cả khi hầu hết các nước đã giảm ngân sách quốc phòng trong một phản ứng trước sự tan rã của Liên Xô. Ban đầu bị bỏ qua như là một phản ứng “bình thường” đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nước này, và được Chính phủ Bắc Kinh giải thích là để đáp đứng nhu cầu tiêu chuẩn sống tốt hơn cho quân đội, và để bù đắp – hay bù đắp quá mức, khi xét tới mức tăng trong giá tiêu dùng được chính thức báo cáo – cho lạm phát, tác động tích lũy của việc này và kiểu vũ khí Trung Quốc mua đã trở nên đáng lo ngại. Những lo ngại trở nên trầm trọng hơn bởi thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ bên trong đường 9 đoạn do Bắc Kinh vạch ra, mà bao trùm 80% diện tích Biển Đông và xung đột với các tuyên bố chủ quyền của 6 nước khác, đã bắt đầu được thực thi mạnh mẽ hơn. Tại một diễn đàn về an ninh của ASEAN năm 2010, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton tuyên bố rằng “Các tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với không gian biển trên Biển Đông chỉ nên được bắt nguồn từ các tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc địa hình” và đề xuất tạo điều kiện cho các nỗ lực hình thành một bộ quy tắc ứng xử trong khu vực, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, sau đó được thăng chức thành Ủy viên Quốc vụ viện, đã tức giận rời khỏi cuộc họp. Khi quay trở lại 1 tiếng sau, ông tuyên bố dứt khoát rằng khu vực này là nơi Trung Quốc quản lý, bất kể luật pháp quốc tế, và cáo buộc Mỹ âm mưu chống lại Trung Quốc. Nhìn thẳng vào Ngoại trưởng Singapore George Yeo, Dương Khiết Trì nói thêm: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước còn lại là nước nhỏ, và đó là thực tế”. Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động của mình tại biển Hoa Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tuyên bố thiết lập một Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm khu vực tranh chấp, đi kèm với những điều kiện chặt chẽ hơn so với các điều kiện được các nước khác tuyên bố. 

Lối nói trong chiến dịch tranh cử của Trump 

Như các chính trị gia của mọi đảng phái trong vô số cuộc bầu cử có thói quen làm, Trump chỉ trích mạnh mẽ các chính sách lố bịch của một giới quyền uy bảo thủ tại Washington. Điều khiến Trump khác biệt và, ít nhất ở điểm này, đáng tin, là ông thực sự là một kẻ ngoài cuộc: một người chưa bao giờ nắm giữ, hay thậm chí tìm kiếm, một chức vụ chính trị. Đối với những người phản đối ông, việc này khiến Trump không đủ trình độ một cách lạ thường và vì vậy nguy hiểm: không có kinh nghiệm về “lề thói của Washington” – vì vậy ông sẽ không thể đương đầu với các thách thức của chức vụ tổng thống. Hơn nữa, họ chỉ ra rằng cá tính của ông, cũng rất độc đáo, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều khó khăn khi làm việc với cả Quốc hội lẫn bộ máy hành chính. Khi xét tới các tuyên bố mạnh bạo và cực đoan, nhất là về phụ nữ và các nhóm thiểu số, mà đôi khi ông buộc phải rút lại, Trump, cho dù là một kẻ mới học nghề trong chính trị, được hàng triệu người biết tới như là người dẫn chương trình của show truyền hình thực tế Người học việc, với câu nói hay được dùng là “Bạn bị sa thải”. Trong chiến dịch tranh cử, câu nói này được chuyển thành một lời cam kết của Trump là “rút cạn đầm lầy” của sự lãng phí, gian lận, lạm dụng quyền lực và các thông lệ không đúng nguyên tắc tại thủ đô của đất nước, với một khía cạnh của nó là lệnh cấm các nhà vận động hành lang tham gia chính quyền của ông và áp đặt một lệnh cấm cả đời các thành viên trong chính quyền ông trở thành nhà vận động hành lang khi rời chính phủ. Nếu được thực thi, nó sẽ cấm các quan chức hy vọng tìm kiếm việc làm sau khi rời chính phủ với các tập đoàn của Trung Quốc hay các tập đoàn làm ăn với Trung Quốc giành sự đối đãi ưu tiên cho các thỏa thuận mà sẽ không chỉ tăng cường lợi ích của họ, mà trong một số trường hợp còn làm tổn hại tới an ninh quốc gia. 

Về vấn đề thương mại, ông Trump trình bày một kế hoạch gồm 7 điểm, phần lớn trong số đó đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp tới quan hệ với Trung Quốc: 

1. Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn chưa được thông qua. 

2. Bổ nhiệm các nhà đàm phán cứng rắn và thông minh để chiến đấu cho người lao động Mỹ. 

3. Chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại nhận diện mọi vi phạm các thỏa thuận thương mại mà một quốc gia nước ngoài đang sử dụng để gây hại tới người lao động Mỹ, và chỉ đạo tất cả các cơ quan thích hợp sử dụng mọi công cụ theo luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế để chấm dứt những sự lạm dụng này. 

4. Nói với các đối tác trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) rằng Mỹ dự định đàm phán lại các điều kiện của hiệp định để có được một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ. Nếu họ không đồng ý đàm phán lại, Mỹ sẽ gửi thông báo rằng nước này dự định rút khỏi thỏa thuận. Loại bỏ thuế quan cửa sau 1 chiều của Mexico thông qua VAT và chấm dứt các công xưởng bóc lột tại Mexico mà bán hàng hóa với giá thấp hơn so với hàng hóa do người lao động Mỹ làm ra. 

5. Chỉ thị cho Bộ trưởng Tài chính liệt Trung Quốc là một nước thao úng tiền tệ. 

6. Chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ tiến hành các vụ kiện thương mại chống Trung Quốc, ở cả trong nước lẫn trong WTO. Hành vi trợ cấp không công bằng của Trung Quốc bị cấm theo các điều khoản cho việc nước này gia nhập WTO. 

7. Sử dụng mọi quyền lực hợp pháp của tổng thống để giải quyết các tranh chấp thương mại nếu Trung Quốc không chấm dứt các hành động bất hợp pháp của nước này, trong đó có việc đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ - bao gồm việc áp dụng các thuế quan phù hợp với Mục 201 và 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. 

Về các hệ quả của việc rút cạn đầm lầy, hay ít nhất cắt bỏ các thông lệ có phần không đẹp đẽ của nó, các nhóm vận động hành lang đã cảnh báo về một sự hạn chế như vậy, lập luận rằng nó sẽ gây nản lòng các ứng cử viên tiềm tàng tìm kiếm công việc trong chính quyền; nó chắc chắn sẽ làm giảm số lượng người có trình độ phục vụ trong chính phủ. Ở mức nào lập luận này là có lý và ở mức nào nó chỉ là một nỗ lực bảo vệ các lợi ích cố hữu của họ là một câu hỏi để ngỏ. Tuy vậy, có những quan ngại hợp lý về sự phục vụ hậu chính phủ của những người rõ ràng có hiểu biết. 

Một ví dụ điển hình như sau, Timothy Geithner giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong Chính quyền Obama, trong thời gian đó báo cáo hàng năm của Bộ Tài chính liên tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc không phải là nước thao túng tiền tệ, và liên tục bị chỉ trích về điều này. Khi là Bộ trưởng Tài chính, Geithner cũng chịu trách nhiệm về Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), mà có nhiệm vụ gửi báo cáo hàng năm tới Quốc hội về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ với sự quan tâm cụ thể tới các khoản đầu tư liên quan tới cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp then chốt ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Theo một bài viết gần đây trên tờ Forbes, trong nhiệm kỳ của Geithner, CFIUS đã thông qua thương vụ Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), tập đoàn hàng không vũ trụ quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc, mua lại công ty sản xuất máy bay Cirrus có trụ sở tại bang Minnesota. Cirrus sau đó đã tiếp cận được các quan chức của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge để tìm kiếm hoạt động nghiên cứu và phát triển chung mà sẽ tạo điều kiện cho họ nhận được thông tin công nghệ từ phòng thí nghiệm. Oak Ridge, được tài trợ bởi tiền thuế của người dân Mỹ, phát triển các vật liệu tinh vi cho sử dụng trong thương mại và cho quân đội Mỹ. Sau khi rời chính phủ, Geithner gia nhập công ty đầu tư cổ phần tư nhân Warburg Pincus, nơi ông đi đầu thương vụ khép kín mua lại 680 triệu USD cổ phiếu của Huarong, một tập đoàn nhà nước quản lý tài sản của Trung Quốc. Như Forbes lưu ý, việc này có thể được phân tích như là một sự tưởng thưởng hậu hĩ cho Geithner vì đã dàn xếp ổn thỏa việc thông qua thương vụ AVIC mua Cirrus. Do nguyên nhân và hệ quả thường rất khó chứng minh, quy định được đề xuất là nhằm loại bỏ sự nghi ngờ về hành động sai trái.

Liên quan tới chính sách thương mại của Trump, một trong số các cố vấn nổi bật nhất của ông, nhà kinh tế được đào tạo tại Đại học Harvard Peter Navarro, chỉ ra rằng trên thực tế, Trump đã thề áp đặt thuế quan bù đắp lên tới 45% không chỉ đối với Trung Quốc, như đã được đưa tin trước đây, mà còn đối với bất cứ đối tác thương mại nào của Mỹ mà có hành vi gian lận trong các thỏa thuận thương mại, sử dụng các thông lệ như thao túng tiền tệ hay trợ cấp xuất khẩu trái phép. Củng cố lập luận của mình với ví dụ từ George Washington, người đã ký kết thông qua thuế quan và biện minh nó như là một sự phòng vệ cần thiết trước một châu Âu theo thuyết trọng thương, tới Ronald Reagan, Navarro tin rằng thuế quan như vậy nên được coi là mang tính phòng vệ, chứ không phải mang tính bảo hộ như những người chỉ trích đã gọi. Với những người cáo buộc rằng chính sách thương mại của ông tạo thành chủ nghĩa bảo hộ nguy hiểm, Navarro tuyên bố rằng các ngành công nghiệp do nhà nước sở hữu của Trung Quốc đã bán hàng hóa với mức giá thấp hơn đáng kể so với các nhà sản xuất nước ngoài. Khoảng 39% lợi thế giá của Trung Quốc đến từ chi phí lao động thấp hơn, với 5 thông lệ thương mại không công bằng khác – trợ cấp xuất khẩu trái phép, định giá thấp đồng tiền để không khuyến khích xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong khi giảm giá hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ, ăn cắp sở hữu trí tuệ, các biện pháp an toàn lao động lỏng lẻo, và các quy định môi trường chiếm phần còn lại. Theo ước tính của Navarro, các yếu tố này chiếm tới 43,7% mức giá cao nhân tạo của hàng chế tạo của Trung Quốc, hay gần như bằng với mức thuế quan Trump đề xuất. Đối với Trump, thuế quan cao là một chiến lược đàm phán chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác có hành vi gian lận trong các thỏa thuận thương mại quốc tế, và có vai trò then chốt trong việc đưa việc làm ngành chế tạo quay trở lại và khởi động tăng trưởng GDP, qua đó tạo ra nguồn thu thuế cần thiết để trả cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và nhu cầu quốc phòng để khiến nước Mỹ vĩ đại lần nữa. 

Khi đưa việc làm quay trở lại Mỹ, Trump có thể nhận được một số sự trợ giúp bất ngờ: Hon Hai Precision Industries, nhà sản xuất hợp đồng lớn của Đài Loan cho các sản phẩm của hãng Apple, vừa tuyên bố rằng họ đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Mỹ. Hon Hai – vừa mua lại Sharp, người khổng lồ điện tử gặp rắc rối về tài chính của Nhật Bản – có 1,2 triệu nhân viên tại Trung Quốc. 

Những người khác lập luận rằng việc rút khỏi TPP, mà sẽ chấm dứt hiệu quả thỏa thuận này, sẽ trực tiếp đem lại lợi ích cho Bắc Kinh. Do TPP được thiết lập để làm đối trọng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thất bại của TPP sẽ tạo điều kiện cạnh tranh cho Bắc Kinh. Bị Chính quyền Obama thúc giục, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải tiến hành một chiến dịch vận động mạnh mẽ để TPP được Quốc hội nước này thông qua trước sự phản đối mạnh mẽ của nhóm vận động hành lang ngành nông nghiệp đầy quyền lực của nước này, và chắc chắn ông không hài lòng với lập trường của Trump. Quan ngại về điều gì sẽ xảy ra với TPP được cho đã là một trọng tâm chính trong cuộc trò chuyện của Abe với tổng thống đắc cử Mỹ. Đài Loan, với Tổng thống mới Thái Anh Văn cam kết giảm cái mà bà và đảng của mình coi là sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc, cũng sẽ gặp bất lợi bởi thất bại của TPP. 

Tạp chí The Economist đã dự báo rằng sự sụp đổ của TPP sẽ để lại một khoảng trống tại châu Á, làm suy yếu vai trò của Mỹ như là một quyền lực kinh tế trong khu vực và cho phép Bắc Kinh đặt ra các quy định của hệ thống tài chính quốc tế theo một cách thức đem lại lợi ích cho sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Lý do tồn tại của TPP cũng mang tính chiến lược nhiều như tính kinh tế. Các thỏa thuận song phương sẽ nổi lên, và do không quốc gia nào có được quy mô và sức mạnh của Trung Quốc, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra giữa các thực thể rõ ràng không bình đẳng. Hơn nữa, trong khi TPP bao gồm các biện pháp mạnh mẽ hơn về quyền của người lao động, nhiều biện pháp bảo vệ môi trường hơn và một điểm độc đáo là các biện pháp hạn chế sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công ty nhà nước, RCEP ngược lại lại yếu về tất cả những mặt này. Các quan ngại tương tự đã được nêu ra về ý định được công khai của Trump về việc rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, mà ông tin rằng gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc có lá phiếu 

Đất nước mà Trump cáo buộc thực hiện hành vi ăn cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới đã thề đáp trả. Tờ Thời báo toàn cầu của Trung Quốc cho rằng bất cứ thuế quan mới nào sẽ ngay lập tức châm ngòi cho các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh, cảnh báo rằng nếu việc này xảy ra, các đơn đặt hàng cho Boeing sẽ được thay thế bằng Airbus, hoạt động kinh doanh ô tô và điện thoại iPhone tại Trung Quốc sẽ bị hạn chế, và nước này sẽ tìm kiếm nhập khẩu đậu nành và ngô từ các nước khác. Trung Quốc cũng có thể hạn chế số lượng sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ. Các trường đại học của Mỹ coi sự hiện diện của sinh viên Trung Quốc là một ống dẫn quan trọng để giới thiệu sinh viên tới các tiêu chuẩn dân chủ của Mỹ. Cho dù hiếm khi được nhắc đến bên ngoài giới học giả, học phí của sinh viên Trung Quốc đóng góp vào sự ổn định tài chính của các đại học cũng như nền kinh tế Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ mang tính ngoại giao hơn để cảnh báo Trump, với người phát ngôn Lục Khảng nói với các phóng viên rằng ông tin tưởng bất cứ chính trị gia Mỹ nào đặt lợi ích của người dân họ lên trước sẽ áp dụng một chính sách có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Các cố vấn của Trump có thể thấy ví dụ về một nỗ lực tương tự của Nhật Bản là một bài học. Năm 2001, chính phủ nước này đã phản ứng trước các áp lực từ nhóm vận động hành lang ngành nông nghiệp đầy quyền lực bằng cách áp đặt thuế quan lên sợi được dùng để sản suất chiếu tatami, hành tươi và nấm shiitake. Khi đạo luật này đang được Quốc hội Nhật Bản xem xét, Bắc Kinh đã cảnh báo về những hậu quả nếu nó được thông qua. Khi nó được thông qua, Trung Quốc áp đặt thuế quan trả đũa lên ô tô, máy điều hòa không khí và điện thoại di động của Nhật Bản. Do cả 3 mặt hàng này đều có giá trị gia tăng cao hơn so với các hàng hóa nông nghiệp mà Tokyo muốn loại trừ, Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng chùn bước. Sự thỏa hiệp có phần giữ thể diện là các nhà sản xuất của cả hai nước sẽ “trao đổi thông tin về nhu cầu của thị trường, chất lượng sản phẩm, số lượng sản xuất và giá cả”. Không khó để hình dung một kịch bản trả đũa tương tự chống lại các tập đoàn lớn của Mỹ và kiểu áp lực mà đại diện của các tập đoàn này – dù được gọi là nhà vận động hành lang hay có tên gọi khác – có thể đặt lên Chính quyền Trump để khiến họ chùn bước. 

Hầu hết các nhà phân tích của Trung Quốc đã không lo ngại về Trump trước cuộc điện thoại của Thái Anh Văn, mà sẽ được thảo luận ở dưới. Họ lý luận rằng là một doanh nhân, Trump sẽ thấy mối nguy hiểm của việc áp đặt thuế quan mà sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại lớn. Cho dù hành vi của Trung Quốc trong quá khứ có như thế nào, liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ giờ sẽ có ít tác động thực tế: gần đây, chính phủ nước này đã rót một lượng lớn vốn để cố gắng củng cố một đồng nhân dân tệ đang suy yếu, trước sự lo ngại của các nhà kinh tế, những người cảnh báo rằng các biện pháp như vậy không chỉ không bền vững, mà còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn. 

Quốc phòng 

Trong khi Trump đã cam kết giảm vai trò của Mỹ trên thế giới, nhưng ngược lại với cáo buộc của những người chỉ trích ông, điều này không giống với chủ nghĩa biệt lập, một sự chứng minh rằng lời nói của ông sẽ dẫn tới một kết quả vô lý. Và Trump cũng ít có khả năng giảm đáng kể vai trò của Mỹ. Khi xét tới các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc ở nhiều khu vực trên thế giới, để Mỹ rút lui sẽ trực tiếp đi ngược lại lời hứa của Trump là đứng lên chống lại Trung Quốc. Khẩu hiệu cho rằng không có giải pháp cho các vấn đề như hoạt động phổ biến hạt nhân của Triều Tiên và Iran có vẻ ít thuyết phục hơn bao giờ hết: cho dù là không có ý chí hay không có khả năng, Bắc Kinh đã không đem lại giải pháp cho các vấn đề này. Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt, và có những lo ngại rằng Iran đang vi phạm thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân đạt được dưới thời Chính quyền Obama. Đối với nhiều người, Bắc Kinh không phải là giải pháp cho các vấn đề lớn của thế giới, mà là nguồn gốc của chúng. 

Lối nói của Trump trong chiến dịch tranh cử về giảm lực lượng Mỹ tại châu Á trừ phi các đồng minh của Mỹ làm nhiều hơn cho hoạt động phòng thủ của chính họ, và tuyên bố rằng ông ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng là một lợi điểm thương lượng khác: hoặc trả toàn bộ hoặc Mỹ rút lui. Theo các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Trump, ông hoàn toàn nhận thức rõ về tầm quan trọng của châu Á. Nhà phân tích chính trị Thái Lan Thitinan Pongsudhirak đã lên tiếng cho nhiều bên, cả người Mỹ lẫn các đồng minh, khi ông miêu tả chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Chính quyền Obama là “hời hợt và không đáng tin cậy, được chống đỡ bởi lời nói với rất ít lực đẩy thực chất”.Thitinan so sánh chiến lược “xoay trục” với ranh giới đỏ nổi tiếng của tổng thống tại Trung Đông. Chưa bao giờ được tài trợ đầy đủ, nó đem lại cho Bắc Kinh cái cớ để khẳng định rằng Trung Quốc đã bị khiêu khích để tăng cường tư thế phòng thủ của nước này, tuyên bố thiết lập ADIZ đã nêu ở trên, và khi lính thủy đánh bộ Mỹ được điều chuyển tới Darwin, Úc, nước này đã giành được hợp đồng thuê cảng Darwin trong 99 năm. 

Trong việc rút ra được hợp tác tốt hơn từ các đồng minh, Trump nhiều khả năng sẽ thành công, ít nhất một phần. Do Nhật Bản, vốn đã đóng góp vài tỷ USD hàng năm cho cái gọi là ngân sách thông cảm mà đảm bảo chi phí cho binh lính Mỹ trên đất Nhật Bản, sẽ bảo vệ một nền kinh tế đình trệ, các cuộc đàm phán có khả năng là rất khó khăn. Nhưng Abe có thể chào đón cái cớ này để theo đuổi một lập trường quyết đoán hơn trước Trung Quốc. Nhiều người coi thuật ngữ gaiatsu, theo nghĩa đen có nghĩa là áp lực của nước ngoài nhưng thực ra được dùng để chỉ áp lực từ Mỹ, là một lời giải thích hợp lý cho việc làm những gì đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã cố gắng làm trong nhiều thập kỷ. Trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia được chỉ định của Trump là Trung tướng Michael Flynn (hiện đã từ chức), Ishiba Shigeru, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và được coi là người kế nhiệm cho Abe, đã tuyên bố rõ ràng rằng Tokyo nên sử dụng lời kêu gọi của Trump để thay đổi tư thế quốc phòng của Nhật Bản và đảm đương một số vai trò mà quân đội Mỹ đang thực hiện. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố rằng nước này đang xem xét triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mà Bắc Kinh cho rằng hệ thống này có thể được sử dụng để chống lại họ. 

Tại Hàn Quốc, bước ngoặt đã tới sau khi Tổng thống Park Geun-hye không thể liên lạc được với Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 4 và quyết định đồng ý triển khai THAAD, trước sự bất mãn của Trung Quốc. Điều này củng cố lo ngại đã được bày tỏ của một số nhà phân tích Trung Quốc rằng việc nước này không đối phó với thái độ hiếu chiến của Triều Tiên sẽ đẩy Hàn Quốc tới gần liên minh Mỹ-Nhật hơn. Tuy vậy, các vấn đề chính trị của Park Geun-hye không báo trước điềm tốt cho hợp tác trong tương lai. Bất cứ người kế nhiệm nào sẽ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ cánh tả của Hàn Quốc nhằm hủy bỏ thỏa thuận THAAD cũng như thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản mà Park Geun-hye vừa mới ký kết trước khi cơn bão chính trị chống lại bà bùng nổ. 

Đối với NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã đồng ý rằng các nước thành viên phải làm nhiều hơn: Mỹ hiện đang chi trả 70% chi phí, với chỉ 4 trong số 27 nước thành viên đóng góp mức chuẩn là 2% GDP. Nếu Đức đáp ứng tiêu chuẩn này, ngân sách của NATO sẽ tăng thêm 30 tỷ USD. 

Đài Loan 

Bất chấp sự khó chịu của Bắc Kinh, cuộc bầu cử tháng 1/2016 đã đem lại cho đảng Dân tiến (DPP) một chiến thắng vững chắc trong quốc hội cũng như trong bầu cử tổng thống. Tổng thống Thái Anh Văn đã từ chối những lời xu nịnh của Bắc Kinh muốn bà chấp nhận cái được coi là Đồng thuận 1992, trong đó các đảng chính trị nắm quyền của mỗi nước (vào thời điểm đó không phải là DPP) tuyên bố rằng họ chấp nhận khái niệm một nước Trung Hoa trong khi duy trì những khác biệt của họ về việc nước Trung Hoa đó là như thế nào. Một nhân tố chính trong chiến thắng của Thái Anh Văn và đảng của bà là cảm giác rằng chính quyền tiền nhiệm đã đi quá xa trong việc kết nối nền kinh tế Đài Loan với nền kinh tế Trung Quốc, khiến hòn đảo này ngày càng dễ bị tổn thương trước các áp lực từ Trung Quốc mà sẽ dẫn tới việc thống nhất, điều mà Bắc Kinh đã tuyên bố là một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình – được hiểu một cách rộng rãi là một lợi ích mà nước này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ. Đài Loan đã tìm kiếm tư cách thành viên trong TPP như một cách thức để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu hiệp định này sụp đổ, nền kinh tế Đài Loan sẽ trở nên mong manh hơn – một quan ngại chính đối với đại đa số người dân Đài Loan, vốn phản đối sự thống nhất với Trung Quốc và lo sợ bị Trump bỏ rơi. 

Những người tham gia một diễn đàn được tổ chức tại Đài Bắc vài ngày sau cuộc bầu cử đã nhất trí rằng họ chưa bao giờ cảm thấy xa lạ như vậy với một tổng thống đắc cử. Một số cho rằng, với tư cách một người có kinh nghiệm trong nghệ thuật đàm phán, Trump sẽ tìm cách sử dụng Đài Loan như là một lợi điểm thương lượng trong đàm phán với Trung Quốc, những người khác lại nghĩ tổng thống mới sẽ không bao giờ hy sinh một khu vực với tầm quan trọng chiến lược như là một mắt xích then chốt chống lại kế hoạch của Hải quân Trung Quốc thoát khỏi chuỗi đảo thứ nhất để đi ra Thái Bình Dương. Một nhóm thứ 3 tin rằng Đài Loan từ lâu đã mất đi giá trị chiến lược đối với Washington. 

Vậy Trump nên làm gì… và ông có khả năng làm gì? 

Đa phần người Mỹ không quan tâm tới các lời hứa được đưa ra trong chiến dịch tranh cử: George H.W. Bush đã có lời hứa nổi tiếng là không tăng thuế, nhưng sau đó lại làm như vậy; Clinton chỉ trích Bush chiều chuộng các nhà độc tài từ Bắc Kinh tới Baghdad, nhưng sau đó lại bảo vệ việc Trung Quốc gia nhập WTO và tiếp đón các ban lãnh đạo doanh nghiệp của nước này tại Nhà Trắng. Trump đã hòa giải với một số nhân vật trong giới quyền uy từng phản đối ông trong chiến dịch tranh cử và từ bỏ lời nói của ông về việc tống giam Hillary Clinton bằng cách nói rằng ông không quan tâm đến việc truy tố bà. Ông cũng thể hiện rằng mình sẽ có lập trường cởi mở đối với Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nhưng những người ủng hộ theo chủ nghĩa dân túy đã bỏ phiếu cho Trump không phải là lực lượng Hồng vệ binh của Trung Quốc, những người có thể được cử đi lao động tại vùng nông thôn khi họ đã phục vụ mục đích của Mao Trạch Đông. 

Việc Trump có thể thực hiện lời hứa của ông, đứng lên chống lại Trung Quốc, ở mức độ như thế nào là một câu hỏi gây lo ngại. Một bước đi đầu tiên, cho dù hầu như mang tính biểu tượng, là tuyên bố của tổng thống đắc cử rằng ông có kế hoạch gặp Dalai Lama, một bước đi dường như gây bối rối cho các trông đợi là Trump sẽ không đưa vấn đề vi phạm nhân quyền trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ năm 1959 sau thất bại của cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng, Dalai Lama đã bị lên án như là một phần tử ly khai, bất chấp các tuyên bố chính thức được nhắc lại của Dalai Lama rằng tất cả những gì ông tìm kiếm là quyền tự trị nội bộ bên trong Trung Quốc. Tổng thống Obama đã gặp Dalai Lama 4 lần, cho dù những người ủng hộ sự nghiệp Tây Tạng phàn nàn rằng, để chiều lòng cảm xúc của Bắc Kinh, Dalai Lama đã được bí mật đưa tới và ra khỏi Nhà Trắng, với rất ít sự công khai cho sự kiện này. Cuộc gặp này sẽ diễn ra trong bối cảnh nào vẫn là một vấn đề còn để ngỏ. Một cuộc gặp thu hút sự chú ý, cụ thể nếu nó đi kèm với những biểu lộ thể hiện sự ủng hộ sự nghiệp Tây Tạng, nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh. 

Trump cũng đã nhận cuộc gọi, được cho là được đội ngũ của ông dàn xếp trước, từ Tổng thống Đài Loan, trong đó 2 bên đã thảo luận về các vấn đề quốc phòng và kinh tế. Cũng vào ngày đó, Hạ viện đã thông qua ngân sách quốc phòng năm 2017, mà bao gồm một mục kêu gọi gia tăng hợp tác quốc phòng với Đài Loan và trao đổi quân sự cấp cao giữa 2 bên. Do ngôn từ như vậy đã xuất hiện trong quá khứ trước khi bị xóa đi sau khi nhánh hành pháp cảnh báo rằng nó có thể gây tổn hại tới quan hệ Mỹ-Trung, sự hiện diện tiếp tục của nó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. 

Về các vấn đề có tầm quan trọng địa chiến lược lớn hơn, một số cố vấn của Trump có quan điểm rõ ràng là Chính quyền Obama đã ngầm nhường lại ảnh hưởng ở Biển Đông cho Trung Quốc, ngoại trừ một số cuộc diễn tập tự do hàng hải đôi khi diễn ra mà không thách thức nghiêm túc quyền quản lý của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn, do Mỹ làm vậy trong khi khẳng định mình có quyền đi qua vô hại. Họ tin rằng thái độ yếu ớt này phải được chấm dứt, cũng như quá trình cắt giảm lực lượng vũ trang mà đã khuyến khích các hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Trên thực tế, Trump đã cam kết làm việc với Quốc hội để hủy bỏ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Hải quân Mỹ, được coi là nguồn chính cho sự ổn định khu vực tại châu Á, sẽ được tăng cường lực lượng từ 274 tàu hiện nay lên 350, với những cải tiến dành cho lực lượng không quân cũng được lên kế hoạch, theo các kế hoạch được công bố. Một sự hiện diện được tăng cường của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tuần tra tự do hàng hải đều đặn – mà không khẳng định quyền đi qua vô lại. 

Những thay đổi khác trong chính sách nằm dưới mức hành vi hung hăng nên bao gồm các phản ứng được cân nhắc đối với các hành vi coi thường và khiêu khích của Trung Quốc. Nếu một hành động như việc Trung Quốc hủy chuyến thăm được lên kế hoạch từ lâu của một tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong tái diễn, tàu sân bay này nên được đổi hướng, có thể là tới Singapore hoặc tới cảng hải quân của Đài Loan tại Tsoyi. Lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng năm Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) cũng nên được rút lại. Và các tiếp xúc giữa quân đội 2 nước nên được đình chỉ. Hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan, vốn được ủy quyền theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 nhưng thường được thực hiện một cách chậm chạp, có thể được đẩy nhanh. Không quá khó để trông đợi các phản ứng tương tự đối với các hành vi coi thường của Trung Quốc dành cho một tổng thống đang rời khỏi máy bay để tham dự một hội thảo quốc tế và sự đối xử thô lỗ đối với cố vấn an ninh quốc gia của ông. Niềm tin của các đồng minh vào cam kết của Mỹ đối với an ninh sẽ được củng cố. 

Nếu các đồng minh của Mỹ sẽ được trấn an, Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào? Trong một bức thư gửi tới tờ South China Morning Post của Hong Kong, James Woolsey, cựu giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ và cố vấn chính sách đối ngoại của Trump, đề xuất một thỏa thuận lớn, trong đó Mỹ sẽ chấp nhận cấu trúc chính trị và xã hội của Trung Quốc và cam kết không phá vỡ nó theo bất kỳ cách thức nào để đổi lấy việc Trung Quốc chấp nhận không thách thức nguyên trạng tại châu Á. Tuy nhiên, như việc Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài về đường 9 đoạn cho thấy, nước này có ý định xác định nguyên trạng theo cách của riêng mình. 

Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông, đã cam kết hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” được xác định có phần mơ hồ. Cam kết của ông đưa Trung Quốc quay trở lại một tầm nhìn được hình dung lại về địa vị ưu việt của nước này trong quá khứ giống với cam kết khiến nước Mỹ vĩ đại lần nữa của Trump một cách kỳ lạ. Như được tóm tắt trong một thành ngữ cổ xưa của Trung Quốc, không thể có 2 mặt trời trên bầu trời. Việc này không báo hiệu điềm hay cho một thỏa thuận lớn. Trên trường quốc tế, Tập Cận Bình đã thách thức nguyên trạng và thể hiện rõ rằng ông có ý định thiết lập một trật tự dựa trên nguyên tắc mới, trong đó Trung Quốc xác định các nguyên tắc. Sự tăng cường hoạt động quân sự tiếp tục diễn ra mà không giảm bớt; chiến lược cắt lát salami của nước này đang dần thay đổi nguyên trạng và ít có khả năng thay đổi trong tương lai. Việc hồi sinh cái được cho là con đường tơ lụa cả trên đất liền và trên biển, mà đặt Bắc Kinh ở vị thế trung tâm, và việc hình thành các cấu trúc tài chính như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cũng chứng tỏ ý đồ thiết lập một trật tự kinh tế thay thế. Không điều nào trong số này cho thấy Tập Cận Bình sẽ làm theo việc công nhận nguyên trạng. 

Là một người tự coi mình là bậc thầy của nghệ thuật đàm phán, Trump nên nhận ra rằng các thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi một bên có niềm tin vào bên kia. Cho tới nay, dường như phía Bắc Kinh cho thấy bản thân nước này không đáng được tin cậy. Sẽ có một thời kỳ kiểm tra, khi mỗi bên cố gắng tìm hiểu bên kia. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thách thức tổng thống mới. Trump nên được chuẩn bị để ăn miếng trả miếng, trong trường hợp ông, giống như Obama, cảm thấy Bắc Kinh thiếu tinh thần hợp tác.

June Teufel Dreyer, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Miami.  Bài viết được đăng trên The Asan Forum.

Trần Quang (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad