Lần đầu tiên Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bật ra tán thán đáng chú ý phủ nhận “vương quốc riêng”, tính từ ngày ông Thăng nhậm chức Bí thư thành ủy TP.HCM từ đầu năm 2016.
Bí thư Thành uỷ - Đinh La Thăng cho rằng TP HCM cần được tự chủ tối đa nhưng không phải là “vương quốc riêng”. Ảnh: HT |
Ngày 20/2/2017, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù với TP HCM. Nhân việc này, ông Đinh La Thăng cho báo chí biết là TP HCM đang chuẩn bị một đề án không chỉ tăng ngân sách một con số mà sẽ tăng trưởng kinh tế hai con số. Nhưng muốn vậy, địa phương phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó cả về tài chính, về tổ chức và cả về biên chế. “Phải có sự tự chủ lớn nhất, không phải vì thành phố muốn trở thành vương quốc riêng đâu mà mong muốn tự chủ nhiều hơn để làm ra nhiều tiền hơn” – ông Thăng nhấn.
Vì sao ông Đinh La Thăng lại bật ra ‘vương quốc riêng’ trong ngữ cảnh trên?
Lịch sử của các triều đại chính trị ở P.HCM từ trước khi ông Đinh La Thăng vào nhậm chức bí thư vốn đã không mấy yên tĩnh. Đặc biệt trong suốt thời gian 15 năm của “triều đại Lê Thanh Hải”, từ lúc ông Hải còn là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố cho đến lúc ông Hải trở thành bí thư thành ủy, rất nhiều dư luận đã đề cập không chỉ về chế độ “gia đình trị” của ông Lê Thanh Hải, mà còn về một thể chế “cộng hòa miền Nam” hay “nước cộng hòa Nam bộ”.
Dư luận cũng cho rằng không phải vô cớ mà ông Lê Thanh Hải từng ít nhất 3-4 lần từ chối “ra trung ương” để nhận một chức vụ có vẻ cao hơn chức bí thư thành ủy TP.HCM, chẳng hạn như chức trưởng ban kinh tế trung ương hay trưởng ban dân vận trung ương.
Vào tháng 10/2015, tại đại hội đảng bộ TP.HCM, ông Lê Thanh Hải phải “nghỉ” và chỉ còn mang danh nghĩa “phụ trách đảng bộ TP.HCM” – gần tương tự với danh nghĩa của ông Phạm Quang Nghị khi phải thôi chức bí thư thành ủy Hà Nội.
Sau đó là Đinh La Thăng thay Lê Thanh Hải, do “Bộ chính trị phân công trực tiếp”. Nhưng chẳng bao lâu sau khi ông Thăng vào TP.HCM, đã xuất hiện dư luận ở cả Nam lẫn Bắc cho rằng ông Thăng muốn âm thầm gầy dựng và phát triển một cơ chế hoàn toàn riêng biệt và tách rời trung ương như thể “vương quốc riêng”. Cơ chế này được mô tả thông qua một biểu hiện là đã từ lâu TP.HCM xin trung ương cho cơ chế riêng về một số mặt, trong đó đặc biệt về “tự chủ tài chính”. Trước đại hội 12, vào cuối năm 2015, “trung ương” cũng đã cử một ủy viên bộ chính trị vào TP.HCM để “nghe” báo cáo đề xuất về cơ chế đặc thù, và đã hứa hẹn sẽ cho TP.HCM cơ chế đặc thù này.
Nhưng vào nửa cuối năm 2016, trong bối cảnh ông Đinh La Thăng chịu một số tai tiếng về quá khứ “liên quan PVN”, trung ương bất ngờ cắt giảm ngân sách TP.HCM, chỉ để lại cho thành phố này 18% số thu ngân sách hàng năm trên địa bàn, thay vì 23% như trước đây. Ngay lập tức, có dư luận cho rằng trung ương, mà cụ thể là Tổng bí thư Trọng, không muốn TP.HCM có quá nhiều tiền để có thể “tự tung tự tác” và “cát cứ sứ quân”.
Chẳng biết dư luận trên là đúng hay sai, chỉ biết rằng ông Đinh La Thăng có cơ sở khi đề cập đến hình ảnh “vương quốc riêng”. Hẳn ông Thăng không muốn làm mất lòng Tổng bí thư Trọng và muốn khẳng định TP.HCM vẫn chỉ là một thành phố trực thuộc trung ương, trung thành với Hà Nội theo truyền thống chứ không hề âm mưu trở thành “nước cộng hòa Nam Bộ”.
Minh Quân
(Việt Nam Thời Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét