Cái bánh chưng 700 kí của Nghệ An |
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An vừa dâng lên thân mẫu của Bác Hồ cặp bánh chưng 700kg. Loan tin, được nấu suốt ba ngày từ 600kg nếp, 100kg đỗ xanh, lá dong, thịt... chia đều mỗi cái 350kg.
Ông Lê Minh Thông - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An hân hoan, Lễ dâng bánh là truyền thống tốt đẹp, nét văn hóa nhằm giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi nguồn cội qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người xứ Nghệ...
Tôi không bàn đến việc Nghệ An là một trong 12 tỉnh xin gạo cứu đói từ Chính phủ trong dịp Tết vừa qua. Bởi tôi nghĩ, thân làm lãnh đạo mà không chăm sóc được cho nhân dân trong Tỉnh đến độ phải xin gạo cứu đói rồi vẫn ngồi xe công mát lạnh lại hoan hỉ với chiếc bánh chưng gần một tấn là việc không có liêm sĩ rồi. Với loại không có liêm sĩ, không cần phí lời.
Từ khi Giỗ tổ Hùng Vương được nâng tầm thành Quốc giỗ, người ta đã chứng kiến rất nhiều chuyện kỳ dị. Từ bánh chưng, bánh tét đến rượu Vodka, tách cà phê khổng lồ...được dâng cúng. Thậm chí có năm, bánh khổng lồ còn bốc mùi, lên mốc xanh vì quãng đường vận chuyển quá dài.
Tuy nhiên, đó là tư thương dâng cúng. Tâm thành thì ít còn để quảng bá thương hiệu thì nhiều (mặc cho cách làm thương hiệu ấy là vô văn hoá). Còn đây, là lãnh đạo một Tỉnh.
Xuyên suốt trong năm 2016 và những ngày đầu năm 2017, có hai câu chuyện về cách hành xử của quan chức địa phương tôi nghĩ cần phải lưu tâm.
Thứ nhất, Bí thư Tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến đăng đàn khẳng định mình không có bồ nhí. Trong lúc, dân Thanh Hoá oằn mình vì lạm thu. Lãnh đạo Sở ký nhận người vào làm sai nguyên tắc thì lại ậm ờ cho qua. Thanh Hoá cũng là địa phương xin gạo cứu đói dịp Tết vừa qua.
Thứ hai, lãnh đạo Nghệ An với hành động dâng bánh khổng lồ cúng tế.
Công tác cán bộ là công tác được xác định quan trọng nhất trong giai đoạn hiện tại. Thế nhưng, với những lãnh đạo địa phương mang nặng tư duy hình thức, thích cãi nhau với tin đồn thay vì lo lắng cho người dân trong Tỉnh thì không có quá nhiều hy vọng.
Có lẽ, Chính phủ nên có ý kiến về điều này. Bởi va chạm với nhân dân nhiều nhất vẫn là cán bộ địa phương. Chính phủ có tuyên ngôn, có quyết tâm đến đâu đi chăng nữa thì nhân dân cũng chỉ nhìn vào hành động của cán bộ địa phương mà đánh giá.
Quan trọng hơn, sinh thời lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh về cần kiệm liêm chính, giản dị.
Nay quan chức ngay nơi sinh quán của lãnh tụ lại lấy hình thức khoa trương, phản cảm nhân danh sự hiếu thuận là điều không chấp nhận được.
Đấy đích xác là hành động mất dạy, thiển cận.
Ngô Nguyệt Hữu
(Vấn Đề)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét