Nghi can Đoàn Thị Hương (bên trái) và nghi can người Indonesia Siti Aisyah (bên phải). |
Nghi phạm người Việt Đoàn Thị Hương sẽ bị Malaysia truy tố vì tham gia sát hại ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Theo luật Malaysia, nếu bị kết tội mưu sát Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, được Bộ Ngoại giao ở Hà Nội xác nhận là công dân Việt Nam, và một nữ nghi phạm 25 tuổi người Indonesia cùng tham gia vụ giết hại, sẽ bị treo cổ.
Truyền thông quốc tế trích lời tổng chưởng lý Mohamed Apandi Ali nói 2 nghi phạm này sẽ bị đưa ra tòa tại Sepang vào ngày 1/3.
Bộ Ngoại giao chưa chính thức lên tiếng trước công bố này của Malaysia. VOA đã đặt câu hỏi với người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhưng không nhận được trả lời.
Bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng đã không trả lời câu hỏi của VOA Việt Ngữ về vụ việc này. Chúng tôi cũng không liên lạc được với cảnh sát Malaysia để biết thêm chi tiết về vụ xét xử.
Theo một cựu thứ trưởng bộ Công An, Malaysia sẽ có toàn quyền xét sử vụ án.
"Theo nguyên tắc, công dân nước mình phạm tội ở nước ngoài, khi nước ngoài họ bắt thì họ sẽ xử lý theo luật pháp của họ còn mình chỉ phối hợp thôi. Mình cũng phối hợp với các cơ quan ngoại giao để mình bảo vệ quyền chính đáng của công dân của mình. Còn vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì họ căn cứ vào luật của họ để xử."
Theo truyền thông trong nước và quốc tế, Đoàn Thị Hương cho rằng cô bị lừa tham gia vào “một trò chơi khăm” được quay hình và không biết rằng đó là một vụ ám sát. Nhưng theo cảnh sát Malaysia, nghi phạm Việt Nam được “trả tiền” và được “huấn luyện” để thực hiện vụ ám sát. Theo camera an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nơi xảy ra vụ sát hại người được cho là ông Kim Jong Nam ghi lại cảnh nghi phạm Hương và Siti Aisyah phối hợp tấn công nạn nhân hôm 13/2. Cảnh sát Malaysia nói họ đã dùng chất độc thần kinh VX do nhóm nghi phạm người Triều Tiên cung cấp để bôi lên mặt nạn nhân. Người đàn ông này tử vong trong vòng 20 phút sau đó.
Theo cựu thứ trưởng bộ Công An không muốn được nêu danh, Việt Nam không thể can thiệp để giảm án cho nghi phạm, nhưng Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ “phối hợp với bên Malaysia để trao đổi và thống nhất xem mình làm được gì”.
"Mình trao đổi với họ theo hiệp định 2 bên đã ký là một. Thứ hai là trao đổi với họ để bảo vệ quyền công dân mà có những cái pháp luật quốc tế quy định và mình phải bảo vệ quyền công dân theo quy định đó. Còn họ xử thì căn cứ vào pháp luật của họ để xử."
Luật sư có chuyên môn về hình sự Hà Huy Sơn nói với VOA Việt Ngữ rằng nhà nước Việt Nam cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ công dân của mình.
"Về mặt trách nhiệm của nhà nước, đối với công dân thì phía Việt Nam phải có sự phối hợp với bên Malaysia để làm sao bảo vệ quyền công dân để tránh bị oan sai trong luật pháp của họ."
Theo luật sư Hà Huy Sơn, công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài sẽ chịu chế tài của pháp luật ở đất nước đó. Nhưng về cấp độ ngoại giao, Việt Nam có thể can thiệp được.
"Can thiệp thì có thể can thiệp về vấn đề ngoại giao. Chuyện ngoại giao là cái gì đó là yếu tố ngoại trừ theo luật pháp thông thường. Theo những tập tục quốc tế thì nó cũng có những chuyện như thế xảy ra. Thì cái này tùy nghi theo quan hệ giữa 2 nước. Nó không theo luật pháp nữa."
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết chưa có một vụ án nào tương tự có sự liên can của một công dân Việt Nam trước đây và với việc càng ngày càng có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chính phủ Việt Nam cần phải có cách phổ biến tốt hơn về luật pháp cho công dân Việt. Luật sư này kêu gọi sự tôn trọng hơn nữa về vai trò pháp luật trong xã hội Việt Nam để người Việt ý thức hơn trong việc tuân thủ luật pháp dù trong nước hay ở nước ngoài.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét