Đi chợ, vào siêu thị ở Thủ đô Viêng Chăn, tôi hiểu ra ngay vấn đề. Trong cùng lúc, người Lào tư duy giá cả bằng 4 loại tiền tệ, không cần làm phép tính quy đổi. Mua nhà mua xe bằng USD, hàng hóa buôn bán bằng đồng Bath Thái, tiêu dùng hàng ngày bằng Kíp Lào và giao lưu thương mại với người Việt bằng tiền Việt. Tôi thầm nghĩ: "Chính trị là cơm áo của nhân dân (Nguyễn Hữu Hồng Minh), quả thật người Lào quan tâm, am hiểu chính trị hơn hẳn người Việt.
Những năm sau đó, tôi đã từng mừng khi thấy dân Việt mình nhiều người cũng dán mắt vào TV trong các kỳ họp Quốc hội, các kỳ Đại hội Đảng. Sự quan tâm đến thời tiết chính trị sẽ là bước đầu tiên của tiến trình phát triển dân chủ xã hội. Học tập người Lào là một tín hiệu tích cực cho dân chủ đất nước tôi chuyển mình.
Tôi đã tuyệt vọng vì có vẻ không phải thế. Cái được bàn luận công khai, đông đảo và rôm rả nhất, nếu không phải là sự lên xuống của ai đó trong bộ máy quyền lực thì chỉ còn là những phát biểu hớ hênh, vô phèng, lệch lạc – cả do vô tình lẫn do nhận thức, hiểu biết – của một số quan chức hoặc của một số đại biểu quốc hội. Quá nhiều. Hẳn nhiều người vẫn nhớ: tào lao bá láp kiểu ông nghị Hoàng Hữu Phước, bà nghị Đặng Thị Hoàng Yến…Sắt đá, xa thực tế kiểu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Và ngay gần đây, những phát biểu kéo lùi lịch sử, báng bổ văn minh liên quan đến ngành luật.
Đã thành thông lệ, mỗi kỳ hội nghị lại nảy nòi ra một vài chuyện khôi hài, thành đề tài đàm tiếu khắp hang cùng ngõ hẻm. Nó thu hút hết mọi quan tâm, bàn luận, khiến người dân quên phứt mọi chủ trương, chính sách khác đang được Quốc hội thảo luận – đó mới đích thực là quốc kế dân sinh!
Xác định cần có điều luật riêng giành cho tội "nói xấu lãnh đạo", một đại biểu Quốc Hội đã có vẻ xem "lãnh đạo" là một bộ phận cao hơn hẳn mọi công dân khác mà luật pháp hiện tại đã xác tín quyền bình đẳng. Nghe, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Đó là một phát biểu kéo lùi lịch sử quay về thời phong kiến phân phong, với đặc quyền đặc lợi giành cho giai cấp thống trị.
Ý hướng đó càng được khẳng định thêm, khi cũng chính giữa Quốc hội, đại biểu có thể công khai dùng những từ "đại nghịch, bất trung", vốn dĩ là những tội danh chỉ nằm trong các bộ luật của nền quân chủ phong kiến, đã vĩnh viễn bị loại khỏi luật pháp Việt Nam kể từ ngày có hiến pháp Dân chủ Cộng Hòa, từ 1946.
Tuy không mang quan hệ thân phận – tử phận (quan hệ cha - con, thầy - trò, chủ - tớ, theo quan niệm phong kiến), nhưng quan hệ giữa thân chủ - luật sư, bệnh nhân - bác sĩ… cũng có điểm ràng buộc gần tương đồng, nếu xét về hai mặt nghĩa vụ và đạo đức. Trong đó, trách nhiệm cao nhất của luật sư là bảo vệ quyền lợi và bí mật của thân chủ. Đi ngược là trái đạo đức, là kéo lùi văn minh. Không hiểu sao giữa Quốc hội lập pháp, một đề xuất như thế vẫn được ông khai phát biểu, còn khiên cưỡng biện minh là "vì quyền lợi quốc gia, dân tộc"?
Phản động là gì, nếu không phải là phát ngôn, hành động kéo lùi lịch sử và cản trở hoặc đi ngược sự phát triển của văn minh? Nói xằng khi trà dư tửu hậu, giữa đời sống thường nhật của bách tính lê dân còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội, có thể còn bị chế tài, hà tất chuyện đó lại có thể xảy ra trong không khí đại nghị nghiêm túc của diễn đàn Quốc hội, nơi mà những điều được đưa ra tranh luận, bàn bạc sau đó đều có thể được quy chuẩn thành luật pháp?
Tất nhiên cũng ngay giữa nghị trường, những ý kiến này đã bị các đại biểu khác phản biện gay gắt. Nhưng là dân, tôi vẫn hoang mang. Là cử tri, tôi cứ lo lắng. Lẽ ra những điều sai lệch như thế không thể được phép diễn ra tại diễn đàn Quốc hội.
E rằng một ngày nào đó, luật sư sẽ ra tòa với mối quan tâm lớn nhất là bảo vệ chính bản thân để đừng vướng vào tội không tố giác tội phạm. Nếu không, trong mọi phiên tòa, luật sư đều có thể bị biến thành bị cáo. Khi đó, tư pháp liệu có còn là một khái miệm tròn vành rõ chữ ?
Tự tin, nhưng tôi vẫn băn khoăn và không hề ngạc nhiên, nếu stt này bị ai đó liệt phạm vào tội…nói xấu lãnh đạo đang bị/được đề xuất. Lo…gần chết!
(FB Nguyễn Hồng Lam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét