Đã tròn 1 năm kể từ ngày Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư đến Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc thanh tra làm rõ nghi án tham nhũng Mobifone mua AVG (ngày 28/7/2016), cho đến nay, các sai phạm đã quá rõ ràng, mức giá thẩm định cũng đã được xác định. Tuy vậy, các nhóm lợi ích đang chi phối mạnh Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ để trì hoãn việc công bố kết luận thanh tra. Chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên của Mobifone đã bị bỏ trống gần 2 tháng mặc dù Điều lệ có quy định phải bổ nhiệm Chủ tịch mới trong vòng 2 tháng kể từ khi Chủ tịch hiện tại bị miễn nhiệm.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐ thành viên Mobifone |
Hiện nay, mặc dù các sai phạm đã được xác định rất rõ và Hội đồng định giá đã đưa ra mức giá 800 tỷ cho AVG, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính vẫn đùn đẩy nhau về việc đưa ra kết luận cuối cùng về xác định giá trị của công ty AVG. Nhóm tác giả thấy cần phải tư vấn cho mấy ông quan chức tham tiền nhưng thiếu trách nhiệm và thiếu trung thực với Tổng bí thư và Thủ tướng nói trên như sau:
1. Định giá AVG theo phương pháp tài sản ròng (net asset):
Định giá theo phương pháp tài sản ròng là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách lấy tổng giá trị tài sản (cố định và lưu động) trừ đi tổng số nợ.
Vốn điều lệ của công ty AVG là 3.000 tỷ đồng. Công ty AVG chính thức tham gia kinh doanh truyền hình từ năm 2011. Trong số vốn 3.000 tỷ đồng này, Phạm Nhật Vũ đã tinh ma rút số vốn 2.400 tỷ đồng của AVG qua việc mua cổ phần của hai công ty Mai Lĩnh và An Viên BP ở mức cao chót vót, cao hơn 15 lần so với mệnh giá. Cho đến tháng 12 năm 2015, thời điểm Mobifone ký hợp đồng mua AVG, công ty AVG bị thua lỗ lũy kế là 1.500 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta có thể thấy là công ty AVG bị âm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng vào thời điểm này. AVG đúng là một xác chết, “cho cũng không ai nhận” như Dương Vũ đã nói tại bài 13 của loạt bài “Ai đã làm khánh kiệt đất nước?”.
Để có vốn lưu động để duy trì hoạt động, công ty AVG đã phải đi vay số tiền 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chính Mobifone phải đứng ra bảo lãnh cho công ty AVG vay lại số tiền 800 tỷ đồng từ Phạm Nhật Vũ vào tháng 5/2016, Phạm Nhật Vũ đã trích 800 tỷ này từ số tiền 8.900 tỷ mà Mobifone đã trả cho Phạm Nhật Vũ.
Việc Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone đưa 4 băng tần 700 Mhz vào định giá tài sản vô hình của AVG là rất bất hợp lý vì 4 băng tần này là tài nguyên quốc gia, bọn lợi ích nhóm đã nhập nhằng ở điểm này để “tâng” giá trị vô hình của AVG lên đến mức rất cao.
Căn cứ theo bảng tổng kết tài sản vào ngày 31/12/2015 của công ty AVG, tài sản cố định trong mảng truyền hình có giá trị là 600 tỷ đồng và tài sản cố định trong mảng truyền dẫn khoảng 200 tỷ đồng (AVG có mua lại mấy sợi cáp trên trục Bắc-Nam của TCT Đường sắt). Khi Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG ở mức giá 8.900 tỷ (tức là giá trị doanh nghiệp của AVG tại thời điểm mua bán là 9.400 tỷ) thì có nghĩa là Mobifone đã mua AVG ở mức khoảng 12 lần so với giá trị tài sản thực. So sánh với việc công ty chứng khoán Bản Việt định giá Mobifone để cổ phần hóa vào năm 2015, vốn điều lệ của Mobifone là 15.000 tỷ, Bản Việt định giá Mobifone là 60.000 tỷ đồng (gấp 4 lần giá trị tài sản). Một con cóc ghẻ được định giá 12 chấm và một con sư tử bị dìm hàng xuống 4 chấm, thì chỉ có bọn tư bản thân hữu luôn muốn “bán đắt cho Nhà nước và mua rẻ từ Nhà nước” mới làm được những việc táo tợn như vậy!
Do vậy, trong điều kiện công ty AVG bị âm vốn chủ sở hữu và vay nợ quá nửa so với vốn điều lệ, tài sản cố định rất ít ỏi, nếu định giá theo phương pháp tài sản ròng thì công ty AVG sẽ trị giá âm 1.100 tỷ đồng (mất hết vốn điều lệ, tổng số nợ là 1.700 đồng, tài sản cố định truyền hình và truyền dẫn là 800 tỷ đồng).
Nhóm Tài chính của Mobifone phải chịu trách nhiệm chính khi xác định mức giá trị doanh nghiệp của AVG theo phương pháp tài sản ròng lên đến 9.000 tỷ đồng!
2. Định giá AVG theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (discounted cash flow):
Phương pháp chiết khấu dòng tiền sẽ căn cứ trên việc dự báo sản lượng, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Khi sử dụng phương pháp này, các dự báo khác nhau (lạc quan, thận trọng) sẽ cho ra các kết quả đầu ra rất khác nhau.
Cần lưu ý, công ty AVG chỉ có 500 nghìn thuê bao truyền hình thực, chỉ chiếm 5% thị phần, kênh nội dung hoàn toàn không đặc sắc, giá đầu thu cao, phạm vi vùng phủ sóng hẹp, chất lượng kênh phát phụ thuộc vào thời tiết do công nghệ AVG là kênh vệ tinh, không phải truyền hình cáp… nên lợi thế cạnh tranh của công ty AVG trong thị trường truyền hình trả tiền là rất thấp.
Các công ty tài chính VCBS, MAX, ASC…đưa ra mức giá của công ty AVG trong phạm vi từ 11.000 tỷ đến 15.000 tỷ đồng là căn cứ trên số liệu đầu vào là kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2016-2020 cho Nhóm Kế hoạch Kinh doanh của Mobifone lập ra.
Việc Nhóm Kế hoạch kinh doanh của Mobifone đưa ra số liệu dự báo tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận của công ty AVG ở mức rất lạc quan (tăng trưởng đột biến vào năm 2018, 2019) là hoàn toàn không có sở cứ.
Lẽ ra, ở vai người đi mua và hoàn toàn có thể đàm phán mua AVG ở mức giá thấp, Nhóm Kế hoạch kinh doanh Mobifone phải đưa ra số liệu dự báo tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận của AVG ở mức thấp (căn cứ vào kết quả lỗ trung bình 300 tỷ/năm của công ty AVG trong giai đoạn 2013 đến 2015 và trên giả định công ty AVG tiếp tục kinh doanh truyền hình) thì họ lại đưa ra mức tăng trưởng cao (trên giả định Mobifone mua và hỗ trợ toàn diện cho AVG). Đây là điểm sai sót chết người của Nhóm Kế hoạch Kinh doanh Mobifone hay là điểm lừa dối lớn nhất của nhóm lợi ích trong vụ đại án tham nhũng này?
Nếu tính toán giá trị doanh nghiệp của công ty AVG theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (và với giả định công ty AVG tiếp tục kinh doanh truyền hình và tiếp tục thua lỗ trong giai đoạn 2016-2020 chứ không phải trong điều kiện Mobifone mua lại và bù chéo lợi nhuận sang) thì giá trị công ty AVG không quá 2.000 tỷ đồng.
3. Định giá công ty AVG theo phương pháp so sánh (benchmarking):
Gần đây, khi định giá VTV Cab để chuẩn bị cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị của VTV Cab là 4.200 tỷ đồng (theo phương pháp tài sản ròng) và 7.500 tỷ đồng (theo phương pháp chiết khấu dòng tiền). Nếu tính bình quân hai phương pháp thì VTV Cab có giá trị khoảng 5.800 tỷ
VTV Cab có tình hình tài chính lành mạnh, luôn có lãi qua các năm, không bị mất vốn. VTV Cab có số thuê bao khoảng 2.5 triệu (gấp 5 lần số thuê bao thật của AVG), VTV Cab có mạng truyền dẫn quang trên toàn quốc (trong khi AVG chỉ có vài sợi trên trục Bắc – Nam), VTV Cab có rất nhiều kênh nội dung đặc sắc (AVG có rất ít kênh và không có kênh độc quyền), VTV Cab bán đầu thu với giá rất thấp hoặc phát không cho khách hàng (đầu thu của AVG có giá rất cao: khoảng hơn 1 triệu đồng/đầu thu), doanh thu năm 2016 là 2.030 tỷ (gấp hơn 3 lần doanh thu thật của AVG), lợi nhuận trước thuế là 100 tỷ (năm 2016: AVG thực lỗ 120 tỷ nhưng Mobifone bù chéo lợi nhuận nên AVG trở thành lãi trước thuế 60 tỷ).
Như vậy, nếu so sánh AVG và VTV Cab theo phương pháp so sánh thì giá trị công ty AVG chỉ bằng khoảng bằng 1/3 giá trị của công ty VTV Cab, tức là giá trị công ty AVG chỉ ở mức khoảng 1.900 tỷ.
4. Mức giá bình quân của công ty AVG:
Nếu tính bình quân ba mức giá trị của công ty AVG theo ba phương pháp khác nhau (phương pháp tài sản ròng: âm 1.100 tỷ, phương pháp chiết khấu dòng tiền: dương 2.000 tỷ, phương pháp so sánh: dương 1.900 tỷ) thì giá trị của AVG chỉ vào khoảng 930 tỷ, tức là gần trùng hợp với mức giá 800 tỷ đồng mà Hội đồng định giá đã đưa ra vào cuối tháng 5.
Giá trị 95% của 930 tỷ là 880 tỷ đồng. Trong thực tế, Mobifone đã bỏ ra số tiền 8.900 tỷ để mua 95% cổ phần của công ty AVG. Như vậy, Nhà nước đã thất thoát số tiền khoảng 8.000 tỷ (nghe nói, Phạm Nhật Vũ chỉ được giữ lại có 3.000 tỷ).
Kết luận:
Thiệt hại của Nhà nước trong vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG là rất lớn: Nhà nước đã bị rút ruột ngay 8.000 tỷ đồng khi Mobifone xuống tiền mua AVG vào đầu năm 2016, lợi nhuận của Mobifone năm 2016 giảm 2.000 tỷ đồng so với năm 2015 (quay lại mức lợi nhuận của đúng 10 năm trước là năm 2006), ngoài ra thì Mobifone còn mất số tiền lãi ngân hàng 150 tỷ/năm từ số tiền đã bỏ ra để mua AVG.
Năm 2016, công ty AVG thực lỗ 160 tỷ nhưng lãnh đạo Mobifone đã quyết định bù chéo lợi nhuận (chỉ đạo 9 công ty kinh doanh khu vực phải ôm số lượng lớn thẻ truyền hình và đầu thu AVG, tập trung quảng cáo qua AVG mặc dù không có hiệu quả về hiệu ứng truyền thông, tăng tỷ lệ ăn chia dịch vụ GTGT cho AVG…) nên AVG đã trở thành lãi 60 tỷ; nửa đầu năm 2017, công ty AVG thực lỗ 60 tỷ nhưng lãnh đạo Mobifone lại bù chéo lợi nhuận nên AVG trở thành có lãi 3 tỷ…. Tình hình bù chéo lợi nhuận từ Mobifone sang công ty AVG sẽ còn diễn ra triền miên sang các năm tiếp theo khi con nghiện AVG không bao giờ “tự nó nuôi nó” và trọng tâm kinh doanh của Mobfone sẽ ngày càng lệch lạc sang mảng không có hiệu quả như truyền hình.
Đã hai năm nay, không có một nhà đầu tư nước ngoài nào như Vodafone, SingTel….đến thăm và làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông và Tổng Công ty Mobifone về cổ phần hóa Mobifone vì họ đang nghe ngóng tin kết luận thanh tra. Vụ việc Mobifone mua AVG đã làm giá trị của Mobifone giảm đi ít nhất là 1 tỷ USD khi cổ phần hóa (do Mobifone bỏ ra 65% vốn điều lệ để mua một tài sản không sinh lời).
Đã tròn một năm kể từ khi Tổng bí thư và Thủ tướng ra chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện việc Mobifone mua AVG và “chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khi thấy dấu hiệu vi phạm”, công tác công bố kết luận thanh tra đang bị đùn đẩy chậm chễ, vụ việc có dấu hiệu đang bị chìm xuồng, nhân dân cả nước đang rất sốt ruột (vì cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh thì đây là vụ án là Tổng bí thư đã tuyên bố “làm đến cùng” vào tháng 9 năm ngoái), cán bộ nhân viên Mobifone cũng đang rất tâm tư vì tương lai bất định. Do vậy, kính đề nghị Tổng bí thư và Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra ngay trong tháng 7 này!
Nguyễn Văn Tung
(Tiếng Dân)
____
Mời đọc lại: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: chuẩn bị công bố kết luận thanh tra (kỳ 20) (TD). – “Chưa thể công bố kết luận thanh tra MobiFone, TKV và PVC” (Tầm Nhìn). – Vì sao chưa thể công bố kết luận thanh tra MobiFone, TKV và PVC? (VnEconomy). – Vì sao chậm công bố kết luận thanh tra Mobifone mua AVG? (GT). – Mobifone, phần nổi của tảng băng trôi (RFA).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét