Câu chuyện cán bộ phường Văn Miếu (Hà Nội) sách nhiễu – đòi “ăn” của dân ngay trong ký giấy chứng tử vẫn đang nóng hổi.
Đúng như ông Giám đốc Sở Tư pháp, “cán bộ Hiếu” phường Văn Miếu quá vô cảm. Nhưng rõ ràng, “cán bộ Hiếu” là bình phong thế tội cho bà phó Chủ tịch phường Văn Miếu.
Việc xử lý triệt để nạn này, đúng như ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh là “xử nghiêm sai sót”. Nhưng nghiêm mức độ nào, nghiêm ở khía cạnh nào cũng cần được làm rõ.
“Cán bộ Hiếu” được liên tục nhắc tên, còn Phó chủ tịch phường thì lại bị đình chỉ công tác trong… 2 ngày cuối tuần, và câu “chửi dân” gắn liền với camera đã bị hỏng… giữa chừng.
Thế nên, dù nhấn mạnh, “tất cả các đơn vị toàn thành phố cần lấy đây là bài học”, nhưng rõ ràng, bài học đó cũng chỉ dành cho người yếu thế.
Vụ này cỏn con, vì so với tầm mức quốc gia, thì nó nhỏ bé, nhưng so với tính chất thể chế thì nó lại là một.
Và chính quyền sử dụng sự kiện này để “ghi điểm công luận”, sau màn bị chỉ trích bởi sự kiện đất đai ở Đồng Tâm.
Như đã nói trên, “nghiêm” về chỉ đạo, nhưng thực tế cho thấy, câu chuyện camera hỏng giữa chừng lại là một thói “tranh công, chối tội”.
Giá như camera biết nói năng thì đã khác, ít nhất nó cũng được hợp lý hóa bằng câu nói muôn thuở của thể chế là: đình chỉ công tác để điều tra.
Nhưng đằng này là cái máy, được lập trình ghi nhận và giám sát làm việc công bộc – một cách công chính, lại bị hỏng.
Cái hỏng vô cớ đó khiến chị Hoa (người phản ánh sự sách nhiễu của cán bộ phường Văn Miếu – Hà Nội) không còn muốn nói gì thêm, kể cả ý kiến về kết quả của đoàn kiểm tra. Bởi chị thừa biết, “kết quả” thanh kiểm tra sẽ là gì, và sau đó sẽ là gì (được vón cục vào trong cụm từ “đúng quy trình” hay “huề cả làng”).
Camera hỏng như dấu hiệu của sự “biết thân, biết phận” và “ngậm bồ hòn làm ngọt” của cái xứ sở thiên đường đầy những điều kỳ lạ. Và ở nơi đó, camera sống tuân thủ theo sự “chỉ đạo” của cán bộ.
Camera công chính nhưng giờ trở thành công bộc của cán bộ, biết “vâng-dạ-ạ-thưa”!
Và một camera với trí tuệ nhân tạo như thế càng cho thấy, thể chế vì dân nó ở hạng mức nào! Đó là sự “ngu dốt” trong mắt cán bộ, là sự “ngây thơ, chất phát” đối với chính quyền. Chỉ có khi hình ảnh của dân được phác họa như vậy thì mới có chuyện “trốn tội” một cách lươn lẹo và đầy thô bỏ như vậy.
Việt Nam vẫn là dân trí thấp trong mắt cán bộ ta. Và vì dân trí thấp nên camera mới có “tính người, tính giai cấp, tính đảng” trong đấy.
Câu chuyện của phường Văn Miếu, ngay giữa trung tâm Thủ đô của cả nước trở thành một câu chuyện tiếp theo của sự giả dối trong lòng một chế độ được cho là của dân – do dân – vì dân.
Dân có tin điều đó không? Không!! Họ đang mất dần niềm tin!!! Nhưng dường như, điều đó chưa bao giờ là sự bận tâm của “cán bộ”, hoặc nếu có, nó lại càng tạo thêm “động lực” để họ vơ vét thêm sức dân, của cải dân.
Kể cả giấy chứng tử!
Kỳ Lâm
(VNTB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét