Giờ đây ông Phúc và chính phủ của ông ta phải đi năn nỉ khắp hết 28 quốc gia thành viên châu Âu để hầu mong có được hiệp định thương mại EVFTA càng sớm càng tốt.
Dù đã được ký vào tháng 12/2015, song cho tới nay số phận EVFTA vẫn chưa đâu vào đâu khiến giới lãnh đạo Việt Nam vẫn dài cổ ngóng trông. |
Trong bài viết về chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức đầu tháng này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20, David Hutt cho rằng nhà lãnh đạo cộng sản này có một động cơ rõ ràng ẩn sau sự hiện diện của ông ở trung tâm châu Âu. Đó là nỗ lực vận động hành lang để Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, hay EVFTA được thông qua.
Báo chí Việt nam khi tường thuật về các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo thế giới bên lề Hội Nghị G-20 trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean Claude Juncker đã khẳng định họ “ nhất trí cùng Việt Nam đẩy nhanh quá trình rà soát pháp lý để sớm ký chính thức EVFTA.” Trong khi đó cả hai vị này không lên tiếng công khai về cuộc hội đàm với ông Phúc.
Ông Phúc cũng đã cố gắng gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hoà lan Mark Rutte – Đức đối tác thương mại lớn thứ nhất và Hoà lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt nam nên theo David Hutt sự chọn lựa này là điều dễ hiểu khi tổng đầu tư và thương mại của Đức và Hoà lan với Việt nam lên đến 16,7 tỷ đô la.
Sau khi Mỹ rút lui ra khỏi TPP, Việt nam giờ đây nuôi hi vọng với EVFTA vì Âu châu là thị trường điện gia dụng, giày dép và may mặc lớn nhất của Việt nam sau Mỹ. Với việc ký kết EVFTA, và 0% thuế suất nhập khẩu vào châu Âu sẽ giúp cho nền kinh tế Việt nam tăng tốc theo như kỳ vọng của hiệp hội da giày Việt nam thì Việt nam tăng gấp đôi sản lượng và sẽ hoán ngôi Trung quốc để trở thành nước xuất khẩu giày lớn nhất vào năm 2025.
Tuy nhiên để tránh bị rắc rối như khi nhập khẩu hải sản và chống phá giá ở Mỹ, Việt nam cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để không phải xấu hổ như vậy. Bên cạnh đó với những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn và chất lượng của EU, nhiều doanh nghiệp Việt nam sẽ không có cơ hội xuất hàng vào thị trường này.
David Hutt viết rằng theo các nhà phân tích, với sự tan rã của TPP và mong muốn phòng ngừa sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam coi EVFTA là rất quan trọng vì bốn lý do chính.
Thứ nhất và có lẽ là Hà Nội rất cần nhà đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn và sản xuất năng lượng. Tại Châu Âu, ông Phúc liên tục nói về hiệp định khí hậu Paris, một sáng kiến chống biến đổi khí hậu được ký năm ngoái, và yêu cầu các đối tác Châu Âu giúp đỡ trong việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Đây là một lý do khó thuyết phục Âu châu khi Việt nam liên tục đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện lỗi thời và gây quá nhiều ô nhiễm của Trung quốc. Bên cạnh đó là việc chưa xử lý xong tình trạng ô nhiễm tại biển Miền Trung thì lại có động thái cho phép chôn vùi chất thải ở vùng biển Bình thuận. Ngoài ra, Việt nam được liệt kê vào danh sách 5 quốc gia gây ô nhiễm môi trường bậc nhất trong việc sử dụng bao nilon tuỳ tiện.
Thứ hai, Việt Nam tin rằng các nhà đầu tư châu Âu có thể sử dụng đất nước này như một bàn đạp để mở rộng sang phần còn lại của khu vực. Phát biểu tại Hoà Lan, ông Phúc nói rằng EVFTA sẽ cho phép EU và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) "tạo ra một mối liên kết kinh tế sâu rộng."
EU hiện không có hiệp định thương mại tự do với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do EU-Singapore (ESFTA) đã được thông qua vào năm 2014, các nhà phân tích tin rằng nó sẽ được phê chuẩn sau EVFTA. Đối với EU, EVFTA là bước đi đầu tiên hướng tới một hiệp định tự do thương mại với ASEAN.
Thứ ba, không giống như TPP, EVFTA không có bất kỳ yêu cầu nào cho chủ nghĩa tự do chính trị. Với TPP, chính phủ Việt Nam sẽ phải cho phép các công đoàn độc lập hoạt động, một sự cởi mở khiến chế độ độc tài lo lắng.
Nếu không có những yêu cầu như vậy chính phủ Việt Nam sẽ không mạnh mẽ tự do hoá môi trường chính trị để đổi lấy thương mại nhiều hơn, mặc dù EVFTA đang tư vấn cho những cải cách nhất định.
Tuy nhiên, có nhiều báo cáo rằng các nhóm vận động nhân quyền đang bắt đầu nắm bắt vấn đề và bắt đầu gây áp lực cho các nhà lập pháp châu Âu sửa đổi hiệp định để thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn về nhân quyền mà mẹ Nấm là một trường hợp được liên tục nhắc đến trong thời gian gần đây.
Thứ tư, một số nhà phân tích tin rằng phe cải cách trong Đảng Cộng sản cầm quyền ủng hộ TPP bởi vì buộc phải tự do hoá kinh tế nhanh hơn. Một số người tin rằng, EVFTA cũng sẽ thực hiện điều này, chủ yếu thông qua các quy định về minh bạch và công bằng trong các hợp đồng của chính phủ.
EVFTA cho phép các công ty của EU phải tham gia đấu thầu mua sắm công trong các điều kiện tương tự như các công ty Việt Nam. Một số hy vọng điều này sẽ buộc chính phủ phải hạn chế tham nhũng tràn lan trong các hợp đồng nhà nước, cũng như đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đang thua gây nạn xuất huyết tiền ở Việt nam.
Đã hết thời Việt nam có thể õng ẹo cho rằng, không ký hiệp định này thì ký hiệp định khác. Với yêu cầu mỗi quốc gia thành viên EU đều phải đồng ý với thoả thuận này, thì khả năng EVFTA có hiệu lực vào năm 2018 sẽ bị trì hoãn. Giờ đây ông Phúc và chính phủ của ông ta phải đi năn nỉ khắp hết 28 quốc gia thành viên châu Âu để hầu mong có được hiệp định thương mại EVFTA càng sớm càng tốt.
(Amsterdam, Hà Lan)
------------------------------------
* Tựa đề do VNTB đặt
Tựa đề gốc: Không có TPP, Việt nam mong đợi hiệp định thương mại với EU
(VNTB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét