Trong lời phát biểu khai mạc, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN), đã nhắc lại mục tiêu tôn chỉ hoạt động của mạng lưới.
“Được thành lập vào năm 1997, MLNQVN với tôn chỉ bảo vệ và thăng tiến quyền làm người cho đồng bào ở quê nhà, vào thời điểm đã có nhiều cá nhân và đoàn thể nhận ra rằng những phương thức đấu tranh bằng vũ lực không còn thích hợp, và nhân quyền phải là một mũi nhọn cần đẩy mạnh để giải trừ chế độ cộng sản độc tài toàn trị và xây dựng một nước Việt Nam nhân ái và tự do.”
“Mục tiêu của MLNQVN không phải là một điều gì mới lạ, mà chỉ là một cố gắng hiệu năng hóa các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền bằng cách phối hợp công tác của một số cá nhân và tổ chức người Việt trên toàn thế giới trong ba lãnh vực hoạt động: Thông tin và giáo dục, quốc tế vận, và quan trọng nhất là yểm trợ quốc nội,” ông nói.
Nói về cảm nghĩ khi nhìn lại chặng đường hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam suốt 20 năm qua, Tiến Sĩ Tùng cho rằng, “Trước tiên là thấy mình đã lớn lên được một chút. Hai mươi năm tuy không dài nhưng trong thời buổi này khi có nhiều đoàn thể chỉ duy trì hoạt động được 1-2 năm, thì mình cũng thấy tự hào khi mình đã đi được 20 năm. Đó là điều chúng tôi cảm thấy có nhiều cảm xúc nhất trong giai đoạn này, trong ngày hôm nay.”
Chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động Mạng Lưới Nhân Quyền, bà Jackie Bông-Wright, chủ tịch Hiệp Hội Cử Tri người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, cho biết, “Điều khó khăn là những việc mình làm rất chông gai, không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể tìm ra tin tức của những người ở trong tù hay những người ở bên Việt Nam. Thành ra mỗi năm khi chúng tôi viết ra một bản báo cáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chúng tôi phải tìm tỉ mỉ cho đúng sự thật, chúng tôi có những đường dây bên trong để tìm kiếm cho được những sự thật. Chính vì thế mà bản báo cáo đó là tiếng nói rất mạnh đối với chính quyền.”
Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang (phải) trao Giải Thưởng Nhân Quyền 2009 cho Mục Sư Nguyễn Công Chính (trái) nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập MLNQVN. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Trong khi đó, việc tìm kiếm người trẻ kế thừa, theo Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, chính là “điều ưu tư.”
Ông nói, “Điều đó rất là khó chứ không dễ, bởi vì những thế hệ trẻ lớn lên bên này chúng tôi không nói họ không để ý đến hiện tình đất nước, nhưng chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau chưa hoàn chỉnh. Do đó chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sao thuyết phục để cho họ thấy rằng việc đấu tranh nhân quyền trong nước là ưu tiên số một, hơn cả vấn đề phát triển kinh tế. Bởi vì chính trị chi phối cả đời sống con người chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế. Vì có đôi bạn trẻ ở đây nói rằng chỉ cần phát triển kinh tế thì vấn đề nhân quyền sẽ đến sau, nhưng chúng tôi nghĩ ngược lại, đối với người cộng sản chừng nào chế độ cộng sản còn thì không thể phát triển được. Đó là điều chúng tôi mong truyền đạt được cho thế hệ trẻ để mong họ thông cảm với. Có thể có nhiều suy nghĩ khác biệt, nhưng đó là suy nghĩ của chúng tôi.”
Là một trong những người đầu tiên khởi xướng việc thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, cũng là trưởng ban phối hợp đầu tiên, nhận xét về tình hình hoạt động của mạng lưới, “Hoạt động Mạng Lưới Nhân Quyền lúc đầu rất sôi nổi, rất nhiều người hăng hái. Nhưng vận động nhân quyền đòi hỏi sự kiên trì làm việc, cho nên đó là chuyện rất khó khăn cho nhiều người. Bởi nhiều người sau một thời gian tham gia họ không thể tiếp tục được vì họ mất đi cái hứng khởi, vì không thấy được kết quả một cách cụ thể.”
“Tuy nhiên với những người kiên trì làm việc, theo đuổi những công tác từ vận động địa phương cho đến vận động các dân biểu, thượng nghĩ sĩ, Bộ ngoại giao, Liên Hiệp Quốc, rồi Quốc Hội Âu Châu, chính phủ Úc, Canada… thì dần mới thấy là những công cuộc vận động như vậy đem lại kết quả, mình không thể nói hoàn toàn do mình, nhưng nhờ có những nỗ lực như vậy nên báo chí Việt Nam, quốc tế cùng quan tâm, họ lên tiếng, họ làm cho công cuộc của mình tăng gia hiệu năng, mạnh lên, tạo nên một sức mạnh. Nhiều người tham gia trong Mạng Lưới Nhân Quyền tóc đã bạc, hơn 90 tuổi mà vẫn còn làm việc, thì đó là phần thưởng tinh thần cho chúng tôi,” Giáo Sư Trang nói thêm.
Trước những thuận lợi và khó khăn đó, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới nhận định, “Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam bước qua năm thứ 21 trong tình hình đấu tranh nhân quyền trong nước đang có nhiều biến chuyển lớn với nhiều cơ may và thách thức. Trong vị thế tuy khiêm nhường của mình, MLNQVN cũng phải rà xét lại các phương thức hoạt động để thích ứng hoàn cảnh mới. Đó chính là nội dung thảo luận của Đại Hội Kỳ Thứ 13 này. Tôi ước mong quý anh chị thành viên MLNQ tham dự Đại Hội năm nay sẽ có những đóng góp thiết thực và hữu ích để có thể cùng với các đoàn thể đấu tranh bạn tiến gần hơn mục tiêu tối hậu của toàn dân, đó là một Việt Nam tự do và nhân ái.”
Tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới, Mục Sư Nguyễn Công Chính, người vừa thoát khỏi nhà tù Cộng Sản, bị trục xuất sang Hoa Kỳ, đã được nhận lại bằng tưởng lục cho giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2009 mà ông được chọn nhưng chưa có cơ hội nhận vào lúc đó.
Cũng trong buổi này, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã tri ân và tuyên dương những tổ chức, cá nhân có những đóng góp thiết thực cho mạng lưới trong thời gian qua, trong đó có Ban Tù Ca Xuân Điềm, Tập Thể Dân Quân Cán Chính San Diego, Luật Sư Đoàn Thanh Liêm và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Mời xem Video: Câu chuyện tình cha con giành vợ: Đỗ Thị Huyền Tâm, Nông Đức Mạnh và Nông Quốc Tuấn cho tới nghề kinh doanh BOT?
Ngọc Lan
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét