Trịnh Xuân Thanh, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, nguyên đại biểu Quốc hội, trốn ra nước ngoài tháng 9/2016, bị truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế về tội «làm trái quy định Nhà Nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng», gây nên thua lỗ 3.300 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh trên báo chí Việt Nam. |
Theo tin của bộ Công an, ngày 31/7 vừa qua, Trịnh Xuân Thanh về nước, ra «đầu thú» tại cơ quan Cảnh sát điều tra tại Hà Nội.
Một tin rất ngắn của bộ Công an được các báo lề phải trong nước đưa lại, không có bình luận, cũng không có chi tiết nào được biết thêm.
Dư luận trong, ngoài nước đang bàn luận sôi nổi về vụ này, vì các cơ quan có trách nhiệm vẫn kín như bưng, làm cho xã hội có nhiều đồn đoán khác nhau.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra ?
Ông Thanh trong 10 tháng trốn ở nước ngoài là ở nước nào? Ông trở về nước do tự mình muốn đầu thú hay đã bị «bắt cóc» trên đất Đức, như theo tin của Thời Báo tiếng Việt ở Berlin? nhóm người bắt cóc ấy là ai? là nhân viên an ninh mật Việt Nam trên đất Đức? có phối hợp với phía Đức không? Trước khi về nước, ông Thanh có báo trước, «mặc cả» gì với cơ quan lãnh đạo Việt Nam không? Sự trở về nước của ông Thanh bí hiểm, cứ như «từ dưới lòng đất hiện lên» hay từ trên trời nhảy dù xuống, bất ngờ, không báo trước. Cũng có phán đoán, rằng ông đã chọn con đường «đầu thú» để mong được khoan hồng, theo như lời nhắn của thượng tướng Lê Quý Vượng, thứ trưởng Công An, từ tháng 11/2016.
Theo tôi phán đoán, đằng sau sự trở về «đầu thú» của Trịnh Xuân Thanh có nhiều tính toán, âm mưu tinh vi, thâm độc, độc đáo của cả 2 bên, một bên là Bộ Chính trị đương quyền do ông tổng Trọng lãnh đạo và một bên là Trịnh Xuân Thanh cùng gia đình và phe cánh.
Phía ông tổng Trọng và Bộ Chính trị và Bộ Công an rất lo những gì ông Thanh biết rõ trong vụ án này. Ông Thanh tất nhiên còn nhớ nhiều chuyện trong quản lý kinh tế ngành dầu khí một thời phát đạt rồi sạt nghiệp vì tham ô tập thể. Một mình ông Thanh không gây nổi sự thất thoát lên đến 3.300 tỷ đồng. Ông Thanh biết rất rõ những món tiền đã được ăn cắp bằng cách nào, và đã được chia nhau ra sao? Ông cũng biết rất tường tận quá trình xây dựng và quá trình phá sản của cơ sở lớn Dung Quất. Ông cũng biết rõ và từng kể vụ đầu tư của Trung Cộng ở Hà Tĩnh qua Công ty Formosa, mối quan hệ giữa ông Võ Kim Cự và ngài Tổng bí thư trong món quà tượng vàng.
Ông Tổng Trọng có thể lo sợ đến mất ngủ khi nghe yêu cầu của ông Thanh trong các tuyên bố trước đây là sẵn sàng về nước, tham gia phiên xử của tòa án, với điều kiện là xử công khai, có báo chí và các luật gia trong nước và quốc tế tham gia, theo luật pháp và công lý rõ ràng minh bạch.
Tôi phán đoán Bộ Chính trị đã chọn con đường thuyết phục ông Thanh qua bố ông Thanh, vốn là một cán bộ cao cấp của đảng, con ông Thanh là Trịnh Hùng Cường, giám đốc công ty Halico, rằng nếu trở về đầu thú thì sẽ khoan hồng một cách rộng rãi nhất, «đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy về,» đảm bảo không bị tù đày, tài sản có thể trên đại thể là nguyên, kể cả các ngôi nhà ở Hà Nội và biệt thự hảo hạng ở Tam Đảo. Ông có thể sẽ chỉ bị một án kỷ luật là «cảnh cáo ghi lý lịch công dân,» như nhiều quan chức khác, theo nền tư pháp đa tốc độ do Lénine sáng lập, xử tử hình mọi đảng viên chống đối mình, nhưng rộng rãi với những kẻ xu nịnh tham nhũng độc đoán.
Có thể ông Thanh đã suy nghĩ kỹ, tin ở lời hứa ngọt ngào của Bộ Chính Trị, chọn con đường đầu thú một cách thành khẩn, tự nguyện, có lợi cho gia đình lớn, nhỏ, có lợi cho cuộc sống phong lưu ổn định của mình từ nay về sau.
Nhưng … ngoài 2 bên nói trên, còn có công luận, còn có xã hội công dân, còn có dư luận quốc tế. Còn có hàng trăm blogger tự do, hàng chục vạn Facebooker tự do, hơn 60 tổ chức xã hội dân sự, còn có Hội nhà báo độc lập, có Văn đoàn độc lập và báo chí ở nước ngoài. Tất cả không thể chịu sự dàn xếp đen tối, đi đêm thâm độc sau lưng mình của 2 bên đều là tội phạm.
Tất cả các thành phần trên sẽ nhân danh nhân dân và dân tộc, kẻ bị thiệt hại lớn nhất trong các vụ án tham nhũng không sao kể xiết trong nhiều thập kỷ qua, sẽ cùng chung sức lên tiếng mạnh mẽ đòi các vụ án lớn phải được đưa ra xét xử công khai, dựa trên một nền tư pháp tiến bộ văn minh, có quan sát của báo chí và giới luật gia quốc tế.
Trịnh Xuân Thanh nếu như còn biết điều hay lẽ phải, giữ nguyên yêu cầu được xử án công khai, minh bạch, đúng luật, có quan sát quốc tế, sẽ được cả xã hội ngợi ca, tuy có thể tài sản bất chính của ông bị sung công một phần, nhưng vô giá là lương tâm ông thanh thản và ông được sự quý trọng của toàn xã hội Việt Nam và toàn thế giới văn minh.
Bùi Tín
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét