Phán đoán từ bình luận về chính sách đối ngoại được đưa ra và sử dụng ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nghĩ Biển Đông là bờ biển nằm ở phía Đông nước Mỹ. Mọi hành động của Trung Quốc ở vùng lãnh hải tranh chấp đều được phân tích như thể nó là mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống còn của Mỹ.
Không có nghi ngờ gì về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng biển xa bờ của họ đã gây ra sự lo lắng nhiều hơn trong khu vực. “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra làm cơ sở cho các yêu sách của họ, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả những khu vực mà các nước láng giềng [của Trung Quốc] đã tuyên bố chủ quyền như Việt Nam và Philippines.
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc thừa biết lợi ích của Hoa Kỳ không hề bị đe dọa. Cuộc tranh luận gay gắt giữa những người quan tâm đến chính trị ở Washington cho thấy, các bãi đá ngầm và những đảo nhỏ ít quan trọng hơn là sự không chắc chắn của một nước Mỹ đang vật lộn để cân nhắc tới sự vượt trội thời hậu Đệ Nhị Thế Chiến của mình, giờ bị một nước Trung Quốc đang trỗi dậy tranh giành. Sẽ tốt hơn nếu chỉ đơn giản là có một cuộc đàm phán cởi mở.
Đúng vậy, tầm quan trọng của các tuyến đường biển trên Biển Đông, trong đó 3,4 ngàn tỷ đô hàng hoá được vận chuyển qua lại hàng năm không phải là phóng đại. Nhưng những tuyến đường biển đó chưa bao giờ bị đe dọa một cách nghiêm trọng (trong thời bình), khi lợi ích kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được chia sẻ, qua dòng chảy thương mại không bị gián đoạn.
Về mặt lịch sử, các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông bị giới hạn và nhất quán kể từ khi chiếc tàu cao tốc đầu tiên có tên Empress of China (Hoàng hậu Trung Quốc) đi tới Canton (nay là Quảng Châu) năm 1784. Hoa Kỳ luôn tìm kiếm tự do hàng hải – ngày nay gồm cả trên không – và cơ hội thương mại ở châu Á.
Tự do hàng hải phản ánh lợi ích quan trọng mà Hoa Kỳ nếu cần, có thể và nên bảo vệ một cách đơn phương. Để đạt được mục đích đó, các cuộc tập trận của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông nên được tăng cường, phối hợp với các đồng minh và các đối tác chiến lược, nhằm nhấn mạnh tiếp tục sự hiện diện và cam kết của Hoa Kỳ.
Hoạt động quyết đoán của hải quân Mỹ dưới thời chính quyền Trump tuần rồi (ngày 10/8) ở gần đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát là ví dụ điển hình về sự quyết tâm và sự hiện diện liên tục như thế. Mặc dù Trung Quốc phản đối quyết liệt, nhưng cuối cùng, các chiến lược như vậy mới có thể có tác động sít sao đến các hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc đang sẵn sàng và có thể đi xa hơn Hoa Kỳ, khi điều đó đã được thấy rõ qua các sự kiện thay đổi trên mặt đất.
Người dân trong khu vực đang quan sát những tuyên bố của Bắc Kinh về các mỏm đá và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, thấy rõ rằng Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ cản trở. Họ đã hiểu rằng, thực tế của sự không cân xứng về lợi ích địa chính trị tương ứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Lợi ích của Bắc Kinh ở Biển Đông là bản chất chính trị và chiến lược. Mục đích việc xây đảo nhằm khẳng định chủ quyền để đáp trả lại “thế kỷ của sự sỉ nhục”, nó trở thành yếu tố quan trọng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Về mặt chiến lược, Trung Quốc đang đẩy mạnh chu vi phòng ngự và tăng cường sự thống trị hàng hải của mình trong khu vực.
Nhưng đối với Hoa Kỳ thì Biển Đông chỉ là một phần trong mối quan hệ rộng lớn và phức tạp hơn với Trung Quốc. Các chính sách ưu tiên của cựu Tổng thống Barack Obama đối với Trung Quốc là hiệp ước về biến đổi khí hậu ở Paris và đối phó hạt nhân ở Iran; còn các chính sách ưu tiên của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc là vấn đề Triều Tiên và thương mại. Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào sự xuất hiện của Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN hồi tuần trước. Mặc dù cuộc họp được tổ chức một năm sau khi tòa án quốc tế The Hague bác bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng vấn đề chiếm lĩnh các cuộc thảo luận lại là Bắc Hàn. Tranh chấp kéo dài ở biển Đông lại là vấn đề thứ yếu, và chủ tịch [ASEAN] tuyên bố, chỉ “một số nước thành viên” đã bày tỏ “mối quan ngại” về Biển Đông.
Trung Quốc biết rằng chính quyền của ông Trump thiếu một chiến lược toàn diện đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dù thiếu sót về mặt thực thi, nhưng “sự xoay trục châu Á” của chính quyền Tổng thống Obama đã hợp nhất toàn diện các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế của một chiến lược toàn diện trong khu vực. Ngược lại, sự từ chối của chính quyền hiện tại đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải khó khăn chiến đấu mới có, đã gây ra một cú sốc chiến lược và là một cú giáng vào uy tín của Hoa Kỳ. Điều đó đã làm cho các dự án của Trung Quốc kiểu như sáng kiến Vành Đai và Con Đường, và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á không bị ngăn cản. Giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiểu được sự yếu kém của Hoa Kỳ đã làm cho Trung Quốc bạo dạn hơn.
Thậm chí khi đối mặt với những cảnh báo của chính quyền Obama chống lại sự thay đổi đơn phương và ủng hộ cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Bắc Kinh đã xem nhẹ ngoại giao của Hoa Kỳ, bất chấp những phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực The Hague chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và sự thay đổi hiện trạng.
Một cách chính xác, người Trung Quốc đánh cược rằng, miễn là các tuyến đường hàng hải không bị đe dọa, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận rủi ro gây chiến với một nước sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ vì mấy mỏm đá và các rạn san hô mà họ không đòi chủ quyền, chỉ để bảo vệ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), công ước mà họ sẽ không bao giờ phê chuẩn. Sự vắng mặt của Washington trong các hội đồng quản trị ở UNCLOS, làm cho Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy phần lớn sự diễn giải không có thật của họ về phía hiệp ước.
Bắc Kinh thực hiện vài bước đi trước Washington trong việc củng cố các sự kiện mới trên cơ sở mà họ đã tạo ra ở Biển Đông. Trung Quốc đã âm thầm điều đình với ASEAN Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Bắc Kinh đã công bố các dự án viện trợ và đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào Philippines và hiện đã đồng ý khai thác năng lượng chung với Manila, vô hiệu hóa đồng minh Mỹ một cách hiệu quả. Tương tự như vậy, Bắc Kinh đã công bố cho vay và đầu tư vào Malaysia hơn 30 tỷ USD, cũng như tăng cường các mối quan hệ quân sự với Kuala Lumpur và Thái Lan. Nếu ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử không ràng buộc và yếu ớt, khẳng định các thực tế mới, Hoa Kỳ sẽ không có nhiều sự lựa chọn, mà sẽ phải ủng hộ nó (Bộ Quy tắc Ứng xử).
Trung Quốc dường như đã học được từ sự quan sát “bẫy Thucydidean”, rằng các cường quốc lớn “làm những điều họ có thể”. Trong phiên họp ASEAN năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ôn Dương Khiết Trì, nói với các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp, rằng “Trung Quốc là một nước lớn, và các nước khác là nước nhỏ – và đó là thực tế”. Các quy tắc có thể bị phá vỡ hoặc bỏ qua bởi các cường quốc lớn, nếu lợi ích của họ bị sai khiến, và Bắc Kinh cũng cho thấy cách tiếp cận riêng tương tự với trật tự dựa trên luật pháp giống như các cường quốc khác làm.
Trò phục hồi lãnh thổ của Trung Quốc là điều phiền nhiễu. Nhưng dù chúng ta có thích hay không thì Trung Quốc cũng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Đến lúc Hoa Kỳ cần đặt câu hỏi chiến lược lớn về thời đại của chúng ta: Nó tồn tại thế nào với vai trò của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương? Tương tự, Bắc Kinh cần quên niềm hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ lờ đi và trả lời câu hỏi quan trọng: Vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực như thế nào để Trung Quốc có thể sống với họ?
Mời xem Video: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Là sự thỏa thuận của Việt - Đức để "Trịnh Xuân Thanh vượt biên về Việt Nam đầu thú"?
Dần dần, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải học cách nhận ra những lợi ích tương đối mà họ phải có và những thứ mà họ chọn nên có. Đó là chìa khóa để tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích và tạm ước cho mối quan hệ Mỹ-Trung trong thế kỷ 21.
Những quan điểm trình bày trong bài viết này là của riêng tác giả, không đại diện cho quan điểm hay các chính sách của Hội đồng Đại Tây Dương hoặc trường Đại học Quốc phòng.
Tác giả: Robert A. Manning và James Przystup
Dịch giả: Trúc Lam
Tiếng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét