"Về mối đe dọa Bắc Triều Tiên này, tại cuộc họp chúng tôi đã đồng ý gia tăng áp lực và tăng cường năng lực của liên minh," Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói sau cuộc hội đàm với các quan chức cao cấp của Mỹ ở Washington.
Những lo ngại của Mỹ về chương trình phi đạn và bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã gia tăng trong những tuần gần đây. Bình Nhưỡng cho biết họ đang cân nhắc kế hoạch phóng phi đạn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, dù lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dường như đã hoãn lại quyết định này.
Tại một cuộc họp ở Washington hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và những người tương nhiệm Nhật Bản đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề Bắc Triều Tiên.
"Sau khi xét tới mối đe dọa Bắc Triều Tiên, cả bốn người chúng tôi xác nhận tầm quan trọng của cam kết không suy suyển của Mỹ đối với sự răn đe lâu dài," ông Onodera nói.
Ông Tillerson nói rằng Mỹ muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng chỉ khi việc này có ý nghĩa.
"Nỗ lực của chúng tôi là làm cho họ muốn tham gia vào các cuộc đàm phán nhưng tham gia vào các cuộc đàm phán với sự thông hiểu rằng những cuộc đàm phán này sẽ kết thúc khác đi với các cuộc đàm phán trong quá khứ," ông Tillerson nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng nước này sẽ phải đối mặt với "lửa và thịnh nộ" nếu đe doạ Mỹ, khiến Bắc Triều Tiên tuyên bố họ đang cân nhắc kế hoạch bắn phi đạn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cả hai nước đều đã bớt đi những lời lẽ gay gắt.
Nhật Bản dự định sẽ mở rộng vai trò của mình trong liên minh với Washington và "tăng cường khả năng phòng thủ trong khi Mỹ vẫn cam kết triển khai những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất đến Nhật Bản," Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói Nhật Bản sẽ củng cố tư thế phòng thủ để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và cung cấp 500 triệu đôla để giúp tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Á, nơi Trung Quốc đang theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn.
Bắc Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa nhắm mục tiêu vào Nhật Bản, nơi có khoảng 54.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú, cũng như là Hàn Quốc và Mỹ, bằng phi đạn của họ.
Phi đạn của Bắc Triều Tiên nhắm tới Guam sẽ phải bay qua Nhật Bản để vươn tới được mục tiêu, khiến Tokyo lo lắng rằng đầu đạn hạt nhân hoặc mảnh phi đạn có thể rơi vào lãnh thổ của họ.
Mời xem Video: Chưa rõ vì sao Chủ tịch Trần Đại Quang đã biến mất đi đâu khi ông về đến sân bay Nội Bài từ Nhật Bản?
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét