|
Không hiểu sao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương đã tồn tại quá nhiều năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên đảng ban hành “tiêu chuẩn cán bộ cấp cao” như vậy.
Cũng bởi thế, tính mục đích của Quy định 90 chỉ được biết với những nội dung còn khá chung chung của nó, trong khi dư luận xã hội lại quan tâm nhiều hơn hẳn về tính thực chất của bản quy định chưa có tiền lệ này.
Tuy vậy, những cuộc tranh luận của giới chuyên gia và giới quan sát dường như vẫn chưa đi đến một kết luận rõ ràng nào về mục đích thực sự của Quy định 90. Một trong những nhà quan sát chính trị là Giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội thuật lại rằng nhiều người đã hỏi nhau về mục đích của Quy định 90 rồi đưa ra lời đoán; nhưng đoán thì có thể đúng hoặc sai; không có giải thích rõ ràng và trung thực, thế là đã vô minh…
Sự “vô minh” như thế cũng có thể cho thấy Quy định 90 là một văn bản của đảng mà chỉ có… đảng hiểu, còn dân chẳng hiểu gì ráo trọi. Nếu quả thế, đảng văn này đã không thể “mang hơi thở nghị quyết vào thực tiễn” như đảng vẫn ra rả lặp tới lặp lui.
Hay đảng muốn tỏ ra “minh bạch”?
Nhưng lại có những minh họa gần nhất và trái ngược về “sức khỏe lãnh đạo cấp cao”: Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang. Cả hai nhân vật này đều chưa hề được đảng cho “công khai xuất hiện” tính đến nay.
Ở một chiều kích khác của vấn đề, nếu căn cứ vào bối cảnh ra đời của Quy định 90, chúng ta có thể nhận ra một ý nghĩa, hoặc hàm ý khác hơn là những nội dung chung chung và có vẻ giáo điều của nó.
“Tiêu chí đặc biệt” thời đại hội 12
Người ký và rất có thể chính là tác giả của “phát minh Quy định 90” là ông Nguyễn Phú Trọng. Với nhân vật này, nếu dư luận chung còn ví ông với hình ảnh “giáo làng” trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thì sau đại hội này cùng chiến thắng gần như tuyệt đối dành cho ông Trọng, dư luận xã hội đã từ ngạc nhiên đến có phần kinh ngạc, thậm chí một số chính trị gia còn dành cho ông Trọng một sự thán phục lần đầu tiên về “thủ pháp chính trị” của ông đã “nâng lên một tầm cao mới”.
Bối cảnh hậu đại hội 12, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2016 đến nay lại mang màu sắc tiền đại hội 12. Nghĩa là đảng vẫn phải xử lý cuộc khủng hoảng nội bộ, nạn tham nhũng trầm kha chỉ nặng thêm chứ không nhẹ đi, cùng cơn “binh lửa” mới toanh mà giờ đảng mới nhận ra: nạn cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Một trong những “tư tưởng gia” của đảng là ông Nhị Lê - Phó tổng biên tạp Tạp chí Cộng sản - mới đây đã phải thừa nhận là hiện thời có đến hàng trăm sứ quân.
Con số “hàng trăm” đó lại chiếm đến phân nửa số ủy viên trong Ban chấp hành trung ương. Tức có thể hiểu một nửa lãnh thổ quốc gia đã biến thành sứ quân, gấp gần một chục lần nạn 12 sứ quân thời tiền Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử Việt Nam.
Đây cũng là bối cảnh mà người đã được dư luận đánh giá là “lão luyện chính trị” như Nguyễn Phú Trọng không thể ban hành một Quy định 90 chỉ như một loại đảng văn bình thường, mà hẳn phải có thâm ý, và sâu xa.
Còn nhớ thời tiền đại hội 12. Sau Hội nghị trung ương 12 vào đầu tháng 10/2015 được coi là “bất phân thắng bại”, Hội nghị trung ương 13 lại càng mang tính gấp rút hơn khi chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12 của đảng cầm quyền. Đến lúc này đã xuất hiện vấn đề “tiêu chí đặc biệt” - nằm trong một văn bản của đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư đảng, và ông Tô Huy Rứa - Trưởng ban tổ chức trung ương - được coi là đồng tác giả. Một số trong những nội dung đáng chú ý của “tiêu chí đặc biệt” là nhân sự cấp cao không được để “người thân trục lợi” và không có “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”. Nếu “dính” phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên tổng bí thư tại đại hội 12.
Khi “tiêu chí đặc biệt” được nêu ra, rất nhiều dư luận đã cho rằng những điều kiện này về thực chất là nhằm loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua giành cái ghế tổng bí thư. Không biết luồng dư luận này “linh” đến mức nào, chỉ biết rằng đúng vào tháng 10/2015 đã xuất hiện một lá thư dài đến 9 trang A4 - được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng - giải trình trước Tổng bí thư và Bộ Chính trị về 12 điểm, trong đó có những nội dung liên quan đến tiêu chí “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”. Nhưng rốt cuộc, ông Dũng đã “dính” tiêu chí đặc biệt và do đó phải ngậm ngùi chia tay với chức vụ ứng viên tổng bí thư đảng…
Một chiến dịch “long trời lở đất”?
Còn giờ đây, câu chuyện “người thân trục lợi” đã được hóa thân vào chiến dịch “kiểm tra tài sản 1.000 quan chức” của Tổng bí thư Trọng.
Nếu “tiêu chí đặc biệt” về “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay” được ban hành ngay trước đại hội 12, Quy định 90 được công bố khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 10/2017 - như một thông tin mà Tổng bí thư Trọng có vẻ rất tự tin cho cử tri Hà Nội biết. Có thể cho rằng đây là một trong số hiếm hoi lần mà giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam chủ động thông tin cho “nhân dân” về lịch diễn ra hội nghị trung ương - một động thái có thể được hiểu như đã có sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trong đảng sau sự kiện “Thanh về”.
Nếu “tiêu chí đặc biệt” được coi là chỉ nhắm vào trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Quy định 90 có thể dành cho một cấp số nhân lớn hơn nhiều giới quan chức cao cấp thuộc chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Và nếu số lượng sứ quân lên đến hàng trăm, bài toán mà ông Trọng muốn giải có lẽ là phải thẳng tay loại trừ, hoặc “luân chuyển cán bộ”, hoặc vô hiệu hóa đến phân nửa Ban chấp hành trung ương, nếu không phải tại Hội nghị trung ương 6 thì cũng phải làm sau đó không lâu.
Không phải ngẫu nhiên mà từ quý đầu của năm 2017 đến nay đã rộ lên một số thông tin trên báo nhà nước và thông tin không chính thức trên mạng xã hội về tài sản dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là nhà đất, của “lãnh đạo cấp cao”. Những trường hợp vào “tầm ngắm” gần nhất như Ngô Văn Khánh - Phó tổng thanh tra chính phủ, Nguyễn Thị Kim Tiến - đầu ngành y tế và là bộ trưởng duy nhất không phải là “trung ủy”…
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội vào tháng Bảy năm 2017, lần đầu tiên đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải tán thán về nạn tham nhũng: “nguy cơ mất đảng, mất chế độ chứ không phải chuyện đùa!”.
Sự thừa nhận quá muộn màng trên của ông Trọng đã được “nâng hẳn lên một tầm cao mới”, nếu so với bối cảnh năm 2011 cũng là ông Trọng đã chỉ hàm ý mơn man về “sự tồn vong của chế độ”.
Một khả năng có thể là Quy định 90 của ông Trọng ra đời nhằm “chống tham nhũng” và “thay máu” Ban chấp hành trung ương trong tương lai gần, rất gần.
Nếu “chống tham nhũng” và “thay máu” đạt được một kết quả dù chỉ ở mức trung bình, đó là sẽ là cơ sở cực kỳ quan trọng để chiến dịch “nhất thể hóa” - được hiểu là người của đảng sẽ kiêm chức chính quyền ở nhiều địa phương - của ông Trọng sẽ có xác suất thành công cao hơn so với tình trạng ù lì chẳng “xử” được quan chức nào.
Liệu “chống tham nhũng”, “thay máu” và “nhất thể hóa” có trở thành một chiến dịch “long trời lở đất”?
Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh chống trả và bị mật vụ Tổng cục 2 đánh đập thô bạo thế nào sau khi bị tống lên xe bắt cóc?
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét