Các cơ quan báo chí, nhất là tổng biên tập, nếu được ông Thưởng đến thăm và giáo huấn, họ coi đó là vinh dự hiếm có trong đời. Sự việc ấy sẽ chễm chệ hoành tráng trên mặt báo. Ảnh ông Thưởng (đến thăm cơ quan báo) sẽ đóng khung treo ở phòng truyền thống cơ quan.
Đã thành lông lệ, thứ 3 hàng tuần, các cơ quan báo chí trung ương và của Hà Nôi lại tụ họp, địa điểm do Bộ 4T (Bộ Truyền thông – Thông tin) bố trí, để tiếp thu sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Bộ 4T. Đó là chưa kể, khi có sự kiện gây chấn động dư luận, 2 cơ quan nói trên (trước hết là tuyên giáo) ngay lập tức gọi điện cho cơ quan báo chí để chỉ đạo, thực chất là ra lệnh, hoặc là đồng loạt đưa tin, hoặc là đồng loạt im như hến.
Cái cách cầm tay chỉ việc như vậy được coi là chỉ đạo. Giới báo chí, kể cả một số TBT chưa mất hết đạo đức nghề nghiệp, tỏ ra khó chịu với cách chỉ đạo áp đặt như vậy. Thế nhưng, vì sự tồn tại của cơ quan báo chí, và nhất là vì sự sống còn của TBT, buộc họ phải nịnh đầm bằng cách nói ngược lương tâm.
Cách chỉ đạo của tuyên giáo, kiểu quản lý của Bộ 4T, tạo ra cảm giác mang tính nô lệ: Nếu họ lỏng tay, cả đàn báo chí quốc doanh sẽ sổng mất chuồng. Để thích ứng, báo chí phải tìm kế đối phó. Mọi quan hệ, kể cả vợ chồng, khi đã đối phó với nhau là chấm hết trung thực, chỉ còn sự lắt léo và giả dối.
Tốt hay xấu, thật hay giả, kiên định hay lắt léo, đó là sự đối lập, như lửa với nước, không xa lạ với tính người, thậm chí nằm trong tính người. Nó sẽ thế nào, tốt hay xấu, chưa hẳn thuộc về bản tính mà là bị chi phối bởi chế độ, bởi thể chế chính trị. Ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Người xưa nói vô cùng chí lý.
Báo chí cũng vậy. Nếu không bị chỉ đạo theo kiểu áp đặt, nếu được tự do nói đúng sự thật, nếu sự tồn tại của báo chí do thị trường quyết định, phải như vậy báo chí mới thật sự trở thành loại “ôxy” không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của dân chúng.
Cái mà báo chí quốc doanh Việt Nam mơ ước, thậm chí, với thể chế như đương thời, mãi mãi chỉ là giấc mơ, ở các nước tư bản trở thành việc làm thường ngày từ xa xưa. Các nước tư bản có cả rừng báo chí. Ở đó tuyệt nhiên không có Ban Tuyên giáo, đào đâu ra Bộ 4T.
Không có tuyên giáo, không có bộ 4T đứng trên đầu, nhưng báo chí các nước tư bản trở thành lực lượng chi phối, dẫn dắt dư luân quốc tế. Các hãng thông tấn hùng mạnh nhất thế giới, uy tín nhất hành tinh đều thuộc “phe” tư bản.
Cột trụ duy nhất và vững chắc nhất của báo chí tư bản là sự thật và sự thật. Đúng hay sai, thắng hay thua, sống hay chết, tùy thuộc sự thật, do sự thật quyết định.
Báo chí tư bản không ngại đối đầu với đảng cầm quyền. Họ có những loạt bài điều tra làm bay ghế quan chức đầu sỏ, kể cả thủ tướng, tổng thống…
Các nước tư bản có nhiều đảng phái. Báo chí không trở thành công cụ của đảng phái, mà chỉ là phương tiên truyền tải sự thật. Sự thật đứng trên các đảng phái.
Không bị chỉ đạo bởi đảng cầm quyền nhưng báo chí tư bản không lệch hướng, không bị “thế lực thù địch” lợi dụng lôi kéo. Báo chí tư bản trùng trùng điệp điệp như thế mà chẳng thấy tờ báo nào quay sang ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Không bị cấm nhưng tại sao báo chí tư bản không tô hồng cho chủ nghĩa cộng sản? Vấn đề là ở sự thật. Báo chí tư bản thừa sức phân định bóng tối với ánh sáng, tiếng nói của họ nhằm xóa bỏ bóng tối, làm cho ánh sáng thêm sáng hơn. Đó là lẽ sống của nhân loại. Báo chí tư bản thống trị dư luận thế giới bởi mục đích tối thượng của họ vì lẽ sống của nhân loại.
Giới lãnh đạo Việt Nam luôn vẽ ra giấc mơ: Đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành con rồng của khu vực. Làm giàu cho một quốc gia với trò chơi chữ là 2 kiểu chơi hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Dĩ nhiên, đã là con người, phải biết mơ ước, sống phải có hoài bão.
Báo chí Việt Nam có dám mơ ước, đến lúc nào đó, sánh vai báo chí tư bản? Đến bao giờ báo chí Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các hãng thông tấn hàng đầu thế giới của báo chí tư bản? Lẽ nào không dám mơ ước? Ai cấm mơ ước? Sự hùng mạnh với uy danh lẫy lừng của báo chí tư bản có căn nguyên bởi nhân tố chủ quan: Không bị chỉ đạo từ các đảng phái.
© Bá Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét