ĐTH đang vướng vào vào một vụ án thế kỷ của thế giới, bị truy tố trước toà án tại Malaysia về tội giết người, cụ thể ám sát Kim Jong Nam, anh trai của lãnh tụ trẻ Bắc Hàn Kim Jong Un. Tội danh “giết người” là tội danh xưa như lịch sử người.
ĐLT đang bị xét xử về tội ” cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tại hai vụ án. Một vụ án đã được xử sơ thẩm và ĐTL đã kháng cáo, một đang được xét xử và sắp tuyên án. Tội danh “cố ý làm trái..” được coi là “đặc sản” của pháp luật Việt nam, có từ thời kinh tế bao cập, không thấy nước nào khác có tội danh tương tự, ngay Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi 2017) cũng đã huỷ bỏ tội danh này. Theo thông lệ thế giới và chính luật pháp Việt nam, lẽ ra tội danh bị xoá bỏ không được áp dụng ngay khi luật xoá bỏ ban hành (hoặc ít nhất tại thời điểm luật có hiệu lực). Nhưng Quốc hội Việt nam lại quy định ngoại lệ, cho phép sau 1/1/2018 xét xử những người bị khởi tố trước ngày 1/1/2018 theo điều 165 BLHS 1999 về tội danh cố ý làm trái này. Bi kịch là ông Thăng với tư cách đại biểu Quốc hội thông qua quy định này.
Đoàn Thị Hương bị cảnh sát Malaysia bắt tháng 2/2017. Khi bị bắt, cô 28 tuồi, không có nghề nghiệp ổn định, dù thích làm diễn viên. Thời điểm đó, Đinh La Thăng vẫn là Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí Thư TP Hồ Chí Minh, ngôi sao chính trị đang lên của Việt nam.
Sau một số phiên toà thủ tục, đầu tháng 10/2017, ĐTH chính thức bị đưa ra xét xử tại toà án ở Malaysia, với cáo buộc giết người cùng một nữ nghi can khác người Indonesia. Lúc đó, ông ĐLT bị mất ghế trong Bộ Chính Trị, nhưng vấn còn là ông nghị và trong Ban Chấp hành TW Đảng CS Việt nam.
Phiên toà xử ĐTH đã kéo dài hơn dự tính, khi hai nghi can nữ và các luật sư của họ kiên quyết khẳng định các nghi can vô tội. Hai nghi can cho rằng không cố ý giết nạn nhân, mà bị lừa tham gia chương trình truyền hình “chơi khăm”, do một số người Bắc Hàn dàn dựng.
Đến tháng 12/2017, phiên toà xử ĐTH vẫn tiếp diễn, dù toà có dừng mấy lần. Hàng chục nhân chứng được thẩm vấn trước toà, các thẩm phán và luật sư đến tận phòng xét nghiệm về độc dược để kiểm chứng, chứng kiến việc hai nghi can diễn lại “diễn biến”. Cùng thời điểm đầu tháng 12/2017, ông ĐLT bị đình chỉ đại biểu quốc hội, uỷ viên trung ương Đảng và bị khởi tố bị can, bị bắt do liên quan trong hai vụ án “cố ý làm trái” cùng nhiều đồng sự cũ của ông tại tập đoàn dầu khí (PVN). Chỉ vài tuần sau ông ĐLT bị bắt, vụ án “cố ý làm trái” thứ nhất được xét xử, đầu năm 2018, khi Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) mới có hiệu lực. Nhiều quy định trong BLTTHS mới có vẻ có lợi cho các bị cáo và luật sư trong tranh tụng. Ông ĐLT kêu oan, các luật sư của ông tích cực bào chữa, chứng minh ông vô tội. Nhưng bên công tố kiên trì “giữ nguyên quan điểm, không tranh luận lại”. Kết quả phiên toà vụ “cố ý làm trái” thứ nhất, ông bị kết án 13 năm tù.
Trong khi đó, phiên toà vụ người đồng hương Nam Định ĐTH vẫn tiếp tục tại Malaysia. Các luật sư của hai nữ nghi can tiếp tục đưa ra những nhân chứng, bằng chứng chứng minh hai nghi can đúng là được mời chào tham gia chương trình hình chơi khăm, không có ý thức tham gia giết nạn nhân Kim Jong Nam. Toà tiếp tục triệu tập các nhân chứng, kể cả các cảnh sát tham gia điều tra vụ án, để làm rõ những tình tiết này.
Giữa tháng 3/2018, ông ĐLT và nhiều cộng sự cũ tại PVN tiếp tục ra toà, trong phiên toà thứ hai xử ông ĐLT (cùng các cộng sự) về “tội cố ý làm trái”. Ông ĐLT và các cộng sự bị cáo buộc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào ngân hàng Oceanbank (OJB) trái quy định và gây hậu quả nghiêm trọng là PVN mất vốn 800 tỷ đồng do ngân hàng nhà nước mua cổ phần OJB với giá bằng 0. Ông ĐLT và các luật sư của ông chứng minh ông không “cố ý làm trái”, mà việc góp vốn đều được Hội đồng thành viên PVN và Thủ tướng đồng ý, các cơ quan quản lý đã xem xét và không “tuýt còi”. Còn việc Ngân hàng Nhà nước mua OJB 0 đồng là sai, trái Luật, trái Hiến pháp. Một loạt các quan chức nhà nước được các luật sư đề nghị triệu tập đến Toà, nhưng chỉ có những vị đại diện đến đọc sẵn những văn bản, tài liệu. Thậm chí lý do có “tài liệu mật”, không được công khai tại phiên toà. Ông ĐLT bị công tố viên đề nghị mức án 18-19 năm tù. Các luật sư của ông ĐLT đề nghị tranh luận đến cùng, theo như BLTTHS mới, nhưng các công tố viên chỉ “lấp lửng” cho phải phép, lại đổ cho ĐLT ngoan cố, chối tội, chuyên quyền, độc đoán. Ông Đinh La Thăng phải kêu trời “hãy đối xử bị cáo như đối xử số phận một con người”.
Trong khi đó, phiên toà tại Malaysia xử hai nữ nghi can, trong đó có ĐTH vẫn diễn ra kịch tính. Sếp cảnh sát điều tra vụ này bị triệu tập đến toà, bị luật sư thẩm vấn trước toà, phải thừa nhận những sai sót. Luật sư của ĐTH tiếp tục đưa ra những bằng chứng cho sự vô tội của cô, như lời khai của một người Việt đã giới thiệu cô cho một người Bắc Hàn tại Hà nội để làm diễn viên một chương trình truyền hình thực tế, một số băng video cho thấy cô đã đóng trong một số chương trình truyền hình, một người đàn ông Việt đã thừa nhận, ông đã bị cô ĐTH “chơi khăm” và được giải thích do đóng truyền hình ngay trước khi vụ án ám sát Kim Jong Nam xảy ra. Các luật sư chứng minh, ĐTH khai đúng sự thật với cảnh sát, còn cảnh sát đã thu thập không đầy đủ để xác minh lời khai của cô, có định kiến với cô, không khách quan, công bằng.
Cho đến giờ chúng ta chưa biết Toà Malaysia xử ĐTH thế nào, cũng như chưa biết kết cục phiên toà thứ hai về tội “cố ý làm trái” xử ĐLT. Nhưng có một điều chắc chắn, ông ĐLT (và các luật sư của ông) ao ước được những quyền tranh tụng bình đẳng, mà đồng hương của ông (và các luật sư của cô) có trong phiên toà xử ĐTH tại Malaysia.
Đoàn Thị Hương và Đinh La Thăng, cần được bình đẳng như nhau trước toà!
Ls Trần Vũ Hả
FB Trần Vũ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét