Trung Quốc “bắt nạt” các công ty dầu khí trên Biển Đông như thế nào? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Trung Quốc “bắt nạt” các công ty dầu khí trên Biển Đông như thế nào?


Trung Quốc “bắt nạt” các công ty dầu khí trên Biển Đông như thế nào?

Sự kiện chính phủ Việt Nam dừng dự án Cá Rồng Đỏ, một dự án dầu khí quan trọng ở biển Đông, do áp lực từ Trung Quốc đang làm nóng lại các tranh luận về tranh chấp biển Đông tại Việt Nam.

Có thể điểm qua một số dữ kiện cơ bản của vụ việc:

Dự án mỏ khí Cá Rồng Đỏ là dự án mỏ sâu của Việt Nam nằm ngoài khơi biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km.

Mỏ này được cho là gồm 12 cụm giếng, và sẽ cung ứng 25.000-30.000 thùng dầu/ngày và 60 triệu m3 khí/ngày. Tổng giá trị hợp đồng của dự án này có thể lên đến 1,2 tỷ đô la.

Công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) và các đối tác đã đầu tư sẵn sàng cho việc khai thác dự án Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên theo tin tức trong ngành dầu khí mới đây, ngày 23/03/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã yêu cầu Repsol ngừng khai thác.

Việc ngừng khai thác này có thể khiến cho Repsol và các đối tác thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư.

Hiện chưa rõ ràng là Bộ Chính trị Việt Nam sẽ quyết định dừng hay chấm dứt hoàn toàn dự án này.

Thực sự, chuyện Trung Quốc dùng sức ép để ngăn cản việc khai thác dầu khí trên các vùng biển thuộc biển Đông vốn đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và nhiều nước khác là chuyện đã diễn ra từ lâu.

Và Trung Quốc nhiều khi không cần gián tiếp ép Việt Nam buộc các công ty nước ngoài ngừng làm ăn.

Nếu bạn đọc đang tìm một tài liệu hay một cuốn sách giúp hiểu sâu rộng về những chiêu trò dùng sức ép như thế của Trung Quốc trên biển Đông, có thể tìm ngay đến cuốn  “Biển Nam Trung Hoa: Tranh Giành Quyền Lực Ở Châu Á của nhà báo, nhà nghiên cứu người Anh Bill Hayton.

Nhà nghiên cứu Bill Hayton trong một buổi thuyết trình về tranh chấp biển Đông – Ảnh: Yale

Hayton tốt nghiệp Đại học Cambridge, và là một phóng viên quốc tế lâu năm của kênh tin tức BBC. Ông đặc biệt tập trung vào khu vực Đông Nam Á và đã viết hai cuốn sách nói riêng về chính trị Việt Nam.

Những gì ông đã viết và nhận xét đủ mức “gây tranh cãi” để chính quyền Việt Nam cấm ông nhập cảnh vào Việt Nam năm 2012.

Trong hơn 300 trang sách đầy ắp thông tin nghiên cứu của “Biển Nam Trung Hoa…”, người đọc bắt gặp một giọng văn báo chí vừa khá cuốn hút, vừa cung cấp các tường thuật chi tiết, hệ thống, và khá rõ ràng về cuộc tranh chấp chủ quyền biển Đông.

Tác giả nhìn cuộc tranh chấp một cách công tâm (không thiên vị bên nào) và bằng nhiều lăng kính: lịch sử, pháp luật, ngoại giao v.v.

Nhưng lăng kính thú vị nhất có lẽ là lăng kính “trinh thám doanh nghiệp” khá sống động mà bạn đọc sẽ được cùng Café Luật Khoa nhìn qua trong trích đoạn dưới đây.

Nhưng lăng kính thú vị nhất có lẽ là lăng kính “trinh thám doanh nghiệp” khá sống động mà bạn đọc sẽ được cùng Café Luật Khoa nhìn qua trong trích đoạn dưới đây.

Trích đoạn Biển Nam Trung Hoa: Tranh Giành Quyền Lực Ở Châu Á” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia) – Nhà xuất bản Đại học Yale 2014 – Tác giả: Bill Hayton

Luật Khoa trích đoạn và dịch từ sách gốc bản tiếng Anh (cách dòng do người trích, hình minh họa không thuộc nội dung trong sách)


“… BP [British Petroleum – Dầu khí Anh Quốc] đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1989 nhưng phải mất đến cả thập niên trước khi trở thành một trong những công ty quốc tế làm ra được tiền tại đây.

Năm 2006, khí đốt của BP được dùng để tạo ra một phần ba lượng điện năng của Việt Nam. Và còn nhiều khí đốt nữa sẽ được khai thác bởi vì công ty này lúc đó có quyền khai thác trên hai lô khác đang được thăm dò. BP đã “ngồi chờ” trên hai lô này hàng năm trời, chờ đợi thời điểm họ cảm thấy chắc rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức nhu cầu để đảm bảo phải mở rộng sản xuất điện, và theo đó là khí đốt.

Năm 2007, khi Việt Nam vừa trở thành thành viên Tổ chức Thương Mại Quốc tế (World Trade Organisation – WTO) và các nhà đầu tư tên tuổi bắt đầu đổ xô đến nước này, thì BP mới sẵn sàng để gắn bó lâu dài.

Tháng 3/2007, BP công bố kế hoạch phát triển hai mỏ khí trên Lô 5.2 rồi họ hoặc là nối chúng với ống dẫn sẵn có, hoặc là đã lắp ống dẫn mới. Một nhà máy điện khác được lên kế hoạch xây dựng trên bờ để biến khí đốt thành điện năng cho đất nước và thành tiền cho BP. Thời gian dự án không nói rõ nhưng đối tác của BP là PetroVietnam gợi mở rằng khí đốt sẽ có từ năm 2011.

Cũng trong khoảng năm 2007, Đại sứ Trung Quốc tại Australia, bà Fu Ying [Phó Oánh] đang lên những kế hoạch riêng của bà ta trong lúc chuẩn bị nhận một vị trí mới tại London.

Bà Phó từng có ít nhiều qua lại trong quá khứ với BP.

Năm 2000, khi BP công bố kế hoạch phát triển Lô 6.1, bà đang là giám đốc Phòng Châu Á Vụ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo một nguồn tin cao cấp bên trong BP, bà Phó đã nhiều lần bày tỏ rất mạnh mẽ cho lãnh đạo BP tại Bắc Kinh và Đông Nam Á biết đòi hỏi của Trung Quốc rằng BP phải dừng dự án này vì nó xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Hồi năm 2000, Giám đốc điều hành BP là John Browne, một người dày dặn kinh nghiệm chiến trận tại các vùng “tiền phương”.

Ông Browne đơn giản phớt lờ các phản đối của bà Phó và dự án Lô 6.1 vẫn đã tiếp diễn.

Nhưng vào ngày 1 tháng 5 năm 2007, ông Browne từ chức tại BP sau một vụ bê bối cá nhân. Người thay thế ông ta là Tony Hayward.

Bà Phó Oánh tới London vào ngày 10 tháng 4 năm 2007. Cùng ngày, Bắc Kinh bắc đầu tỏ ra hiếu chiến trong một thế trận mới với BP.

Trả lời một câu hỏi “mớm bài” từ một phóng viên truyền hình quốc gia Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang [Tần Cương] tuyên bố, “Các động thái mới của Việt Nam là bất hợp pháp và vô căn cứ… không có lợi cho sự ổn định của khu vực biển Nam Trung Hoa.”

Lạ lùng là cái lô mà Bắc Kinh đang phàn nàn – Lô 5.2 – lại nằm sâu trong vùng biển Việt Nam hơn chính Lô 6.1 mà BP đang vận hành.

Không hề gì: đây là một cơ hội cho bà Phó Oánh trả thù.

Một trong những điều đầu tiên bà ta làm khi vừa mở valy hành lý ở London là đòi gặp lãnh đạo mới nhậm chức của BP, Tony Hayward.

BP biết khá rõ chuyện gì sẽ tới. Họ cho gọi các lãnh đạo cao cấp từ Việt Nam sang London để chuẩn bị bàn bạc. Các lãnh đạo BP tại Việt Nam trình bày lý lẽ mạnh mẽ cho việc BP phải tiếp tục dự án rồi để cho Hayward và nhóm của ông ta xử lý phần còn lại.

Tính tới năm 2007, BP là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc. Danh mục đầu tư lên đến 4.2 triệu đô la Mỹ của BP tại Trung Quốc bao gồm các nhà máy hóa dầu, các cơ sở khai thác khí đốt xa bờ, 800 trạm xăng dầu và 30% cổ phần trong trạm tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Trung Quốc, cùng nhiều hạng mục khác.

Bà Phó Oánh biết rõ những điều trên và vào ngày 18 tháng 5 năm 2007, bà ta dùng chúng trong các buổi họp mặt tại tổng hành dinh BP. Bà ta đưa ra các phản đối của mình dành cho hoạt động của BP trên các vùng biển đang tranh chấp, và sau đó, theo một nguồn tin bên trong BP, đã đưa ra hai cảnh báo chi tiết: đầu tiên, nếu BP tiến hành dự án Lô 5.2, nhà chức trách Trung Quốc sẽ xem xét lại các hợp đồng đang có với BP; thứ hai, Trung Quốc sẽ không đảm bảo an toàn cho nhân viên của BP làm việc trong các vùng tranh chấp.

Đó có vẻ là một lời đe dọa thẳng thừng dành cho cả công việc kinh doanh lẫn tính mạng các nhân viên tham gia dò tìm và sản xuất dầu khí của BP.

Không có kinh nghiệm làm việc với các chính thể “du côn” (roughhouse) như người tiền nhiệm của mình, Hayward đã sửng sốt. Ông ta thỏa thuận với bà Phó – BP sẽ tiếp tục hoạt động Lô 6.1 nhưng sẽ ngừng các hoạt động tại Lô 5.2.

Bà Phó đã trả thù thành công.

Phó Oánh – Tony Hayward: không phải một cuộc đấu tay đôi – Ảnh: asiamedia.lmu.edu, investigatemagazine.co.nz

Đó là mớ bòng bong mà Gretchen Watkins [giám đốc BP Việt Nam mới nhậm chức vào năm 2007] thừa hưởng khi bà ta tới Vũng Tàu hai tuần sau đó.

BP ký kết hợp đồng với PetroVietnam (đại diện cho chính quyền Việt Nam) trong khi công ty Mỹ ConocoPhillips thì tiến hành khảo sát và thăm dò trong Lô 5.2.

Nhìn từ các điện tín ngoại giao của Mỹ mà Wikileaks để lộ thì có vẻ là BP đã không hề cho các đối tác của họ biết thỏa thuận của Hayward với bà Phó Oánh cho tới ngày 8 tháng 6 năm 2007 khi BP hủy bỏ kế hoạch công tác trong năm 2007.

Cả ConocoPhillips và PetroVietnam đều không để cho BP thoát. Watkins tự thấy rằng bà ta hoàn toàn không có năng lực đối đầu với một cơn bão pháp lý và địa chính trị thế này.

Ngày 13 tháng 6 năm 2007, tin tức bắt đầu lộ ra ngoài rằng BP đã tạm dừng việc khảo sát địa chấn mà họ đã lên kế hoạch. Trong hai ngày sau đó, ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là ông Michael Marine đã gặp cả ngài Đại sứ Anh và đại diện công ty ConocoPhillips.

Trong tường thuật về các buổi gặp này (do Wikileaks công bố), ConocoPhillips phàn nàn rằng PetroVietnam đang đòi hỏi họ phải hoàn thành hợp đồng công tác bất kể việc BP đã tạm dừng. Đại sứ Anh ông Robert Gordon thì nói với ông Marine rằng Anh quốc đang gửi một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao sang đàm phán với chính phủ Việt Nam.

Với việc BP phải lùi bước trước sức ép của Trung Quốc, ConocoPhillips không còn lựa chọn nào ngoài việc bước theo đuôi. Họ cũng có lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc, cho dù nhỏ hơn, bao gồm mỏ khí đốt Xijiang phía Nam Hong Kong và nhà máy Peng Lai ở Vịnh Bột Hải.

Ngửi mùi chiến thắng, Bắc Kinh mở rộng chiến dịch.

Cũng trong tháng 6 năm 2007, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phàn nàn với chính phủ Nhật Bản về các hoạt động của một tổ hợp bao gồm công ty dầu khí Idemitsu, Nippon Oil và Teikoku Oil vốn lúc đó đang lên kế hoạch thăm dò địa chất trong các Lô 5.1b và 5.1c (cạnh các lô của BP).

Theo một tường trình của Đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo cũng được để lộ từ Wikileaks, chính phủ Nhật Bản chọn phương án không làm gắt với Bắc Kinh và vào tháng 7 năm 2007, tổ hợp Nhật Bản tạm dừng các kế hoạch của họ.

Khoảng đầu tháng 8 năm 2007, các lãnh đạo công ty Chevron được triệu tập lên Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington và bị bảo phải dừng việc khai thác của công ty này tại Lô 122 ở Việt Nam. Thông điệp này được lập lại một cách còn mạnh mẽ hơn trong một buổi họp ở Bắc Kinh vào tuần tiếp theo sau đó.

Đòi hỏi này nhìn qua là thấy quá quắt. Lô 122 nằm ngay sát bờ biển Việt Nam và rõ ràng trên thềm lục địa nước này.

Tuy nhiên Chevron vừa mới ký một thỏa thuận lớn với [công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc] PetroChina để được nhượng quyền cung cấp khí đốt tại tỉnh Tứ Xuyên. Họ có rất nhiều thứ để mất. Chevron tạm dừng hoạt động tại Lô 122 ngay trong tháng 8 năm 2007.

Ngày 8 tháng 9 năm 2007, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston gửi một lá thư cho một công ty dầu khí khác là Pogo yêu cầu họ dừng hoạt động ở Lô 124, nằm cách Lô 122 khoảng 50km về phía Nam.

Bà Phó Oánh rõ ràng là rất hài lòng với BP bởi vì vào ngày 31 tháng 8 năm 2007, bà ta đã có một chuyến thăm đặc biệt tới khu chế biến dầu khí trong bờ tên Wytch Farm của BP, nằm ở miền nam nước Anh. Tại đây, bà Phó đề xuất rằng ‘cả hai bên có thể trao đổi hợp tác nhiều hơn nữa’.

Khá khác lạ cho một chuyến thăm tỉnh lẻ, người tiếp bà Phó là ông John Hughes, giám đốc phụ trách Châu Á Thái Bình Dương của BP. Ông ta đặc biệt đề cập đến hy vọng của BP rằng họ sẽ ‘tiến hành hợp tác chiến lược với các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc’.

Bản đồ các lô dầu khí của Việt Nam. Dự án Cá Rồng Đỏ nằm ở Lô 07/03 màu vàng – Ảnh: BBC

Nhưng Bắc Kinh vẫn chưa tha cho BP. Bước tiếp theo của Trunq Quốc là dùng công ty này để thao túng ép chính quyền Việt Nam phải nhường nhịn chủ quyền.

Theo một nguồn tin nội bộ cao cấp từ BP, chính phủ Trung Quốc đã ‘đề xuất’ rằng BP tạo điều kiện cho việc thương lượng giữa Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) và PetroVietnam về việc hợp tác khai thác tại Lô 5.2 và Lô 5.3 bên cạnh.

Động cơ của CNOOC vừa là lợi nhuận vừa là chính trị: chủ tịch của CNOOC lúc đó là Fu Chengyu [Phó Thành Ngọc] là người có tham vọng lớn.

Tổng hành dinh CNOOC tại Bắc Kinh nằm ngay đối diện văn phòng thượng cấp của bà Phó Oánh, Bộ Ngoại giao, bên kia giao lộ đường Triều Dương Môn.

Trong các năm 2007 và 2008, phe trục Phó – Phó có vẻ như là hai mặt của cùng một thứ chính sách.

Đó thực ra đã là lần thứ hai CNOOC ép BP làm “bà mai” cho họ: đã có một lần trước vào năm 2003.

Hồi đó, BP giới thiệu CNOOC cho PetroVietnam rồi tránh sang một bên. PetroVietnam bèn lịch sự thảo luận chung chung với CNOOC trong vài tháng cho đến khi PetroVietnam nói rõ với CNOOC rằng CNOOC sẽ được hoan nghênh như là một đối tác kinh doanh, nhưng không đời nào CNOOC sẽ trở thành bên được quản lý chung các lô dầu khí vốn là của Việt Nam.

Khi CNOOC trở lại sân khấu vào năm 2007, ông Phó Thành Ngọc có một mục tiêu chi tiết: một phần chia chác trong các Lô 5.2 và 5.3.

Giống như thỏa thuận mà Randall Thompson [lãnh đạo công ty dầu khí Mỹ Crestone] đã từng đưa ra cho Trung Quốc 15 năm trước đó, thỏa thuận CNOOC muốn phải là một cuộc dàn xếp dưới vỏ bọc ‘hợp tác khai thác’ (joint development) vốn sẽ gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc với các khoáng sản trong khu vực tranh chấp.

Lần này thì BP không được phép trốn tránh cuộc đàm phán. Họ sẽ bị sử dụng trên thực tế như một cánh tay của chính sách ngoại giao Trung Quốc.

Giới lãnh đạo BP tại London dưới quyền Tony Hayward có vẻ là đã mù tịt lịch sử và cơ cấu địa chính trị trong tình huống tại biển Nam Trung Hoa.

BP tiếp tục công việc trên cơ sở rằng đây sẽ chỉ là một liên doanh (joint venture) khác, rằng CNOOC có thể bán phần chia của họ bằng một thỏa thuận thương mại, và rằng các tranh chấp chủ quyền có thể được khoán hết cho các chính phủ xử lý riêng.

BP đã không hề nhận ra rằng họ đang nằm giữa một tranh chấp chủ quyền.

BP, người khổng lồ Anh “ngây thơ”? – Ảnh: curacaochronicle.com

Trong hơn một năm trời, Gretchen Watkins và các lãnh đạo BP khác bay ra bay vào giữa Hà Nội và Bắc Kinh để chuyển thông điệp qua lại giữa giới quan chức lãnh đạo ngành dầu khí của hai nước.

BP đề nghị sẽ phát triển các dự án trong các lĩnh vực mới hơn, các dự án vốn sẽ mang lại lợi ích qua lại cho cả hai bên, và họ đã cho rằng một thỏa thuận có thể đạt được.

BP thậm chí còn đổi tên chức vụ của Watkins sang thành Tổng giám đốc BP phụ trách Việt Nam, đồng thời phụ trách Thăm Dò và Sản Xuất tại khu vực Trung Quốc.

Không lạ gì khi chả có tiến triển nào.

Việt Nam không buông chủ quyền còn CNOOC thì không hứng thú với một thỏa thuận thương mại.

Nhưng phải vài tháng sau thì Hayward và nhóm của ông ta cuối cùng mới hiểu vấn đề. Lúc đó họ đang quan tâm đến các triển vọng lớn đang được mở ra ở Vịnh Mexico. Với họ, Đông Nam Á chỉ là một màn phụ.

Watkins và giám đốc khu vực của BP cố tìm cách thoát ra. Họ biết rằng họ không thể thực hiện được các trách nhiệm hợp đồng bao gồm việc hoàn thành thăm dò địa chấn trước khi hết năm 2008.

Đầu năm 2008, BP và ConocoPhillips lặng lẽ trao lại quyền điều hành (operatorship) trong Lô 5.2 và 5.3 cho PetroVietnam. Hai công ty nước ngoài này tiếp tục nắm một số quyền lợi liên quan đến hai Lô kia, nhưng dàn xếp mới cho phép họ tránh việc phải gửi tàu thuyền của mình đến các vùng biển tranh chấp.

Ngày 13 tháng 5 năm 2008, Watkins thông báo cho Đại sứ Hoa Kỳ mới được bổ nhiệm là ông Michael Michalak về các dàn xếp trên. Bà Watkins bảo ông Michalak rằng BP và ConocoPhillips không có kế hoạch thông báo cho chính phủ Trung Quốc về việc thay đổi bên chủ điều hành.

Hai tuần sau đó, chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sản ông Nông Đức Mạnh thăm Bắc Kinh ba ngày.

Đi cùng ông Mạnh là chủ tịch PetroVietnam. Ông này đã có hội đàm riêng với chủ tịch Phó Thành Ngọc của CNOOC. Ông Phó sau đó thăm Hà Nội để bàn tiếp với PetroVietnam nhưng vẫn không có tiến triển.

Tháng 7 năm 2008 có tin tức lộ ra về việc PetroVietnam tiến hành khảo sát. Tuy nhiên Trung Quốc lúc đó đang quá chú tâm với Olympic Bắc Kinh sắp diễn ra nên đã không có động thái gì.

Bà Watkins thì đã chịu hết nổi.

Việc phát triển mỏ dầu khí bị ngưng trệ trong khi bà ta không có kỹ năng cần thiết cho việc thương lượng địa chính trị. Sự nghiệp của bà ta tại BP Việt Nam đang chẳng đi đâu cả. Thế nên tháng 7 năm 2008, Watkins đổi từ một chức vụ tầm trung trong một công ty khổng lồ sang một chức vụ lớn hơn tại một công ty tương đối tí hon. Watkins về làm Phó giám đốc Sản xuất Dầu khí Quốc tế của Marathon Oil, một công ty ít phải giải quyết các tranh chấp chủ quyền hơn.

Người kế nhiệm Watkins là một người Mỹ khác, Luke Keller, một cựu chủ tịch tại một công ty con của BP là Atlantic Richfield. Luke đã có nhiều năm kinh nghiệm tranh cãi với chính quyền bang Texas và với chính quyền nước Azerbaijan.

Đến lúc này thì BP đã nhận ra rằng trò chơi đã hết và cuối tháng 11 năm 2008 họ thông báo cho PetroVietnam. BP muốn rút lui. Họ lặng lẽ trao lại phần sở hữu tại các Lô 5.2 và 5.3 cho PetroVietnam miễn phí và cũng bỏ qua luôn khoản 200 triệu đô họ đã đầu tư tại đây.

Quyết định này buộc ConocoPhillips phải làm điều tương tự vào tháng 12 cùng năm.

Bà Phó Oánh đã có chiến thắng cuối cùng.

Một giàn khoan dầu trên biển – Ảnh: ibtimes.com

BP liệu có thể đã hành xử theo cách khác?

Kinh nghiệm của một công ty dầu khí khác – công ty dầu khí lớn nhất thế giới – gợi mở rằng họ có thể.

ExxonMobil cũng bị nhà chức trách Trung Quốc đe dọa – nhưng họ đã phớt lờ.

Qua nhiều năm, ExxonMonil không thành công bằng BP trong việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Khoản đầu tư đáng để ý nhất của họ là 22,5% cổ phần trong một dự án lọc và chế biến hóa dầu ở Phúc Kiến.

Lãnh sự Hoa Kỳ tại địa phương ghi chú rằng dự án này liên quan đến “các mối quan hệ và vốn chính trị tiềm năng có thể được trao cho chính quyền Trung Quốc” hơn là bất cứ đóng góp quan trọng nào của ExxonMobil.

Ngay cả vị trí dự án này, chỉ nằm ngay gần biển giáp Đài Loan, cũng đã được xem là một phương tiện giành lợi thế ngoại giao với Hoa Kỳ, trong trường hợp có một khủng hoảng khác diễn ra giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

ExxonMobil cũng có bài tẩy của họ. Trung Quốc đang khao khát tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của họ và ExxonMobil thì đang phát triển một dự án lớn ở phía đông bắc Trung Quốc, trên hòn đảo Sakhalin thuộc Nga.

Đối tác Nga của ExxonMobil là Gazprom muốn bán khí đốt trong nội địa trong khi ExxonMobil lại muốn xuất khẩu. Bắc Kinh không muốn đẩy Exxon đi đến chỗ quá xa lánh họ.

Cũng quan trọng, và hoàn toàn tương phản với các công ty dầu khí Anh hay Nhật Bản, chính là việc ExxonMobil có thể dựa vào chính phủ Mỹ để gây sức ép lên nhà chức trách Trung Quốc.

Tháng 1 năm 2008, một lãnh đạo công tác thăm dò mới bay sang Việt Nam: Russ Berkoben. Ông ta đã có 32 năm làm cho ExxonMobil, bao gồm một thời gian làm thăm dò ở Trung Quốc.

Không lâu sau đó, ExxonMobil ký một biên bản ghi nhớ (memorandum of understanding) với PetroVietnam để khai thác Lô 156 và 159.

Hai lô này là hai lô nằm xa bờ nhất mà Việt Nam từng cho thuê.

Góc Đông Nam của Lô 159 cách bờ biển Việt Nam đến 500km. Vậy là nằm ngày trong vùng biển tranh chấp.

ExxonMobil cũng có các thương lượng thực sự với chính quyền Việt Nam để thuê Lô 117, 118, và 119 ngoài khơi vùng biển miền Trung.

Ngày 20 tháng 7 năm 2008, phóng viên Greg Torode của tờ báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đóng tại Hong King đưa tin rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Washington đã cảnh báo ExxonMobil rằng triển vọng kinh doanh của họ tại Trung Hoa đại lục đang gặp rủi ro.

Nguồn tin của Torode là một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama, người lúc đó vừa được báo tin bởi một lãnh đạo ExxonMobil.

Cuối tháng 8 năm 2008, Trung Quốc có vẻ nghiêm trọng hơn.

Liên doanh nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá 1 tỷ đô la tại Hong Kong của ExxonMobil bị hủy bỏ không báo trước.

Giới lãnh đạo ExxonMobil nói với giới ngoại giao Mỹ rằng họ không cho rằng Việt Nam là lý do – liên doanh đó đã bị phản đối mãnh liệt bởi các nhà hoạt động môi trường địa phương – tuy nhiên có vẻ là Trung Quốc đang hiện thực hóa các lời đe dọa của họ.

Trớ trêu là ExxonMobil lại bị chính quyền Việt Nam trừng phạt bởi vì chính quyền Việt Nam bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt.

ExxonMobil đã thương lượng hơn cả năm trời với PetroVietnam về bốn Lô (129 đến 132, nằm ở khoảng giữa Lô 156 đến 159 và bờ biển) nhưng tháng 10 năm 2008 PetroVietnam lại trao hợp đồng cho Gazprom của Nga.

Berkoben nói với Đại sứ Michalak rằng PetroVietnam sợ là ExxonMobil sẽ không chịu nổi sức ép từ Bắc Kinh.

Tháng 7 năm 2008, giới ngoại giao Nga thông báo cho giới ngoại giao Mỹ rằng Trung Quốc không hề gây sức ép với các công ty Nga – chắc rằng nhà chức trách Việt Nam cũng đã được cho biết điều đó.

Repsol chỉ là “nạn nhân” mới nhất trong một loạt các “nạn nhân” của Trung Quốc tại biển Đông? – Ảnh: thestraitstime.com

ExxonMobil không phải là công ty duy nhất phớt lờ sự ép buộc từ Trung Quốc.

Công ty năng lượng Ấn Độ ONGC Videsh (từng là đối tác của BP tại Lô 6.1 và cũng là bên thuê các Lô 127 và 128), công ty KNOC của Hàn Quốc và một số công ty nhỏ hơn vốn không có lợi ích lớn tại Trung Quốc – như công ty Premier của Anh và Talisman của Canada – cũng đều phớt lờ Trung Quốc.

Bắc Kinh tìm các cách khác để gây sức ép.

Tháng 10 năm 2007, Mike Bruce, giám đốc tài chính của Pearl Energy tại Singapore, nhận được một cú điện thoại từ Đại sứ quán Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao nói với Bruce rằng công ty của ông đang thăm dò trái phép trên lãnh hải Trung Quốc. Nhà ngoại giao đó cũng mời ông ta lên Đại sứ quán nói chuyện.

Bruce từ chối và mời ngược lại nhà ngoại giao đến gặp ông ta.

Vài ngày sau, một phái đoàn có mặt và thông báo cho công ty Pearl Energy rằng họ có một tàu thăm dò đang làm việc tại Lô 6.94 vốn nằm gần như bao quanh Lô 6.1 của BP).

Bruce kể lại rằng, họ ‘đe dọa sẽ gây sức ép với chính quyền Singapore vì Pearl đang nằm trên sàn chứng khoán Singapore’.

Lúc này Bruce bèn thông báo rằng Pearl thực ra không còn nằm trên sàn chứng khoán Singapore nữa vì công ty này đã được mua lại bởi một công ty khác là Aabar Energy đến từ Abu Dhabi [Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất] từ một năm trước đó.

Đám ngoại giao Trung Quốc sa sầm mặt mày. ‘Ồ, thế thì khác rồi,’ người phụ nữ dẫn đầu đoàn ngoại giao nói.

Sau đó, công ty Pearl không còn nghe gì từ đoàn Trung Quốc nữa.

Đầu năm 2009, công ty duy nhất có lợi ích tại Trung Quốc mà vẫn còn khảo sát ngoài khơi Việt Nam là ExxonMobil.

Ngày 30 tháng 6 năm 2009, ExxonMobil ký kết một hợp đồng chia sẻ sản xuất với PetroVietnam đối với hai nhóm Lô (Lô 156 đến 159 tại vùng đông nam hoang dã, và Lô 117, 118, 119 ngoài khơi Đà Nẵng). Hợp đồng này khiến ExxonMobil trở thành bên thuê nhiều diện tích ngoài khơi của Việt Nam nhất.

Tuần trước đó, Russ Berkoben đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để giải thích rằng lễ ký kết sẽ được tổ chức ‘lặng lẽ’ để tránh chọc giận Trung Quốc.

Berkoben thú nhận rằng ông không rõ phản ứng của Trung Quốc sẽ là thế nào, nhưng ông nói ExxonMobil ‘sẵn sàng nếu Trung Quốc phản ứng’.

Những nỗ lực của Berkoben được tưởng thưởng vào hơn một năm rưỡi sau. Tháng 10 năm 2011, khi ExxonMobil tìm thấy một trữ lượng khí đốt có tiềm năng lớn tại Lô 118. Việc thăm dò vẫn tiếp tục tại các lô khác.

Một nhà máy ExxonMobil ở Mỹ – Ảnh: Washington Post.com

Ngoại trừ ExxonMobil, tất cả các công ty dầu khí khác đều đã phải chọn lựa giữa việc hoạt động ở Trung Quốc hay là hoạt động ở vùng biển đang bị các nước tranh chấp này.

ConocoPhillips đã bỏ Lô 5.2 và 5.3 vào tháng 12 năm 2008 nhưng vẫn còn cổ phần trong hai lô khác nằm sát bờ biển Việt Nam, cách xa khỏi mọi vấn đề với Trung Quốc. Tháng 2 năm 2012, ConocoPhillips hoàn toàn rời bỏ Việt Nam để tập trung vào các dự án có lời hơn.

Chevron vẫn giữ 20% cổ phần tại Lô 122 nhưng đã dừng mọi hoạt động tại đó cho đến khi họ bán hết cổ phần vào đầu năm 2013.

Điều đó có vẻ đã làm hài lòng Bắc Kinh vì vào năm 2010, Chevron đã được mua cổ phần trong ba mỏ dầu tại phần phía bắc của biển Nam Trung Hoa, ngoài khơi đảo Hải Nam.

Tại thời điểm viết sách này, giữa năm 2014, có tin rằng Chevron đang cố gắng bán hết các cổ phần tại Việt Nam – hai lô ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam, gần biên giới biển với Indonesia và Malaysia.

BP vẫn kinh doanh tại Việt Nam với hoạt động chuyển đổi khí đốt sang điện năng của họ từ Lô 6.1. Nhưng đến tháng 7 năm 2010, mỏ vàng Vịnh Mexico của Tony Hayward biến thành thảm họa.

BP cần gấp 30 tỷ đô la để trả bồi thường sau vụ tràn dầu và nổ giàn khoan Deepwater Horizon.

Ngày 18 tháng 10 năm 2010, BP bán hết cổ phần tại Việt Nam và Venezuela cho liên doanh với Nga của họ là TNK-BP để lấy về 1.8 tỷ đô la.

Chắc rằng BP đã cảm thấy rằng người Nga có thể chịu nổi nhiệt.

BP có một nhiệm vụ khác cho tài năng của Luke Keller. Ông ta được bổ nhiệm Phó giám đốc phụ trách Tổ Chức Phục Hồi Vùng Vịnh của BP – giúp giải quyết đống hỗn độn ở Vịnh Mexico.

Vài tuần trước khi bán tốc bán tháo, vào ngày 21 tháng 9 năm 2010, Tony Hayward đã gặp lại bà Phó Oánh. Sau những thành công của mình tại London, bà ta đã được bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hayward đã dắt theo người sẽ kế nhiệm ông ta là Bob Dudley. Đó là một trong những công tác cuối cùng cho BP của Hayward. Chín ngày sau đó, ông ta không còn là Tổng giám đốc BP nữa…”

Bìa cuốn sách “Biển Nam Trung Hoa: Tranh Giành Quyền Lực Ở Châu Á” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia) – Ảnh: Amazon.com


Cafe Luật Khoa
Luật Khoa
Tìm đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad