“Miếng mồi ngon” với giới kinh doanh địa ốc
Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư) hình thành vào thời điểm cả nước rộ trào lưu tìm kiếm các dự án bất động sản “gần gũi thiên nhiên”.
Chỉ ít tháng sau khi được thành lập từ việc liên kết một số hợp tác xã trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai, giữa năm 2006 Donacoop đã có công văn gửi cơ quan chức năng tỉnh và Ban Kinh tế Tỉnh ủy xin chủ trương lập dự án liên doanh đầu tư, dự án khu dân cư và khu du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai. Đầu năm 2007, Dona.Coop đã được UBND tỉnh này chấp thuận làm chủ đầu tư lập quy hoạch chung xây dựng xã Long Hưng tỷ lệ 1/5000. Cùng trong một ngày 22/10/2007, Dona.Coop và Chủ tịch UBND huyện Long Thành (khi đó Long Hưng chưa sáp nhập về TP Biên Hòa) có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch.
Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9/11/2007, Sở Xây dựng có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch. Bốn ngày sau, UBND Đồng Nai ban hành quyết định phê duyệt bản quy hoạch trên, theo đó, toàn bộ xã sẽ biến thành “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Có điều, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001 - 2010 được Thủ tướng phê duyệt, không hề có tên dự án xây khu đô thị mới ở Long Hưng.
Dona.Coop, đơn vị lập quy hoạch, sau đó cũng chính là đơn vị làm chủ đầu tư dự án. Năm 2008, “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng” chính thức được tỉnh Đồng Nai cấp phép cho ra đời diện tích gần 900 ha, chia thành bốn dự án thành phần: Dự án khu dân cư Long Hưng, Đồng Nai Waterfront, Aquacity, dự án cầu An Hòa – đường Hương lộ 2 và cầu đường Long Hưng – Phước Tân.
Trong các báo cáo của Dona.Coop, hồ sơ vụ việc và theo phản ánh của những người dân PLVN tiếp xúc đều cho thấy dự án không được lấy ý kiến người dân, các tổ chức chính trị xã hội, vi phạm quy định pháp luật.
Dự án này ra đời vào thời điểm khắp cả nước rộ lên trào lưu tìm kiếm các dự án bất động sản “gần gũi thiên nhiên”. Phải mở bản đồ vệ tinh quan sát mới thấy được vị trí địa lý đắc địa của xã Long Hưng, là “miếng mồi ngon” hứa hẹn “hốt bạc” cho giới kinh doanh địa ốc. Một mặt giáp sông Đồng Nai, chỉ bắc một cây cầu là sang đất TP HCM, những mặt khác bao bọc bởi những nhánh sông, giao thông thủy thuận lợi, khung cảnh hữu tình đặc trưng sông nước Nam bộ. Đường bộ thuận lợi không kém, có con đường hương lộ 2 đi xe dăm phút ra QL51. Khoảng cách từ xã tới cao tốc Long Thành – Dầu Giây chưa đầy 6km.
Bản thân Dona.Coop cũng luôn quảng bá nhấn mạnh đặc trưng mảnh đất Long Hưng, khi dùng khẩu hiệu thương mại (slogan) quảng cáo “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” là “kỳ quan vùng sông nước”.
Thực tế như vậy, thế nhưng khi trình bày với các cơ quan chức năng, Donacoop lại “kêu khổ”, cho rằng công cuộc san bằng vùng quê trù phú là “muôn vàn gian nan”. Trong một văn bản mới phát hành hồi tháng 2/2018, Dona.Coop cho rằng: “…Cách đây 10 năm, gần 900 ha toàn xã Long Hưng là vùng đất sình lầy, nhiễm phèn. Đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đất ngày càng nhiễm phèn nặng đến nỗi không thể canh tác nông nghiệp. Người dân phải sống, sinh hoạt bằng nước sông. Các điều kiện ăn ở vệ sinh vô cùng thiếu thốn. Đường, trường, trạm càng không có…”.
Nông dân Phan Văn Hoa (SN 1959, từng ngụ ấp An Xuân) phẫn nộ: “Họ bịa đặt trắng trợn”. Theo ông Hoa, đây từng là vùng đất nổi tiếng phì nhiêu, mỗi năm cấy ba vụ lúa, chưa từng biết nhiễm mặn, nhiễm phèn. Còn sình lầy, lịch sử cả vùng Nam bộ là đất trũng, là “bầu sữa” nuôi sống con người, đâu chỉ riêng Long Hưng. Điện, đường, trường, trạm địa phương trước kia đều có đủ.
Vị trí đắc địa của xã Long Hưng thể hiện trên bản đồ vệ tinh. (ảnh nhỏ) |
“Ăn cướp chứ đền bù gì”
Mười năm sau ngày bị ra những quyết định “xóa trắng”, vùng quê trù phú nay đã bị thu hồi cưỡng chế san lấp thành bãi trống mênh mông đất đỏ rợn mắt chờ phân lô bán nền, xây biệt thự bán cho các “đại gia”. Thế nhưng bên hương lộ 2, nơi những đoàn xe ben chở đất cát phục vụ dự án rầm rập chạy sáng tối, vẫn có những hộ dân kiên trì bám trụ, quyết không giao đất. Gia đình cụ Nguyễn Thị Thơ (SN 1934, ngụ khu 3, ấp Phước Hội), là một trường hợp như vậy.
Cụ Thơ trước khi chết đã ủy quyền lại cho con gái Đào Thị Ngọ (SN 1968), tiếp tục theo đuổi vụ việc, phản đối đền bù rẻ mạt. Dự án thu hồi của gia đình 562m2 đất, nhưng chỉ bồi thường… 327 ngàn đồng.
Cụ Thơ quê gốc Hải Dương, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp. Chồng cụ là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, hai cụ đưa gia đình về quê chồng Long Hưng sinh sống trên mảnh đất 1.164m2. Ngoài căn nhà 200m2 đã dựng, sau này hai cụ cắt đất cho ba người con lần lượt làm ba căn nhà. Người con trai còn lại sống chung nhà với cha mẹ.
“Chúng tôi làm nhà từ lúc chưa có quy hoạch mở rộng hương lộ 2, sinh sống ổn định. Rồi Donacoop tới”, bà Đào Thị Ngọ, con gái cụ Thơ kể lại. Gia đình nhận được thông báo bị thu hồi 562m2 đất cho dự án hương lộ 2 (một trong bốn dự án thành phần thuộc “Kỳ quan vùng sông nước” như đã nói trên). Số đất còn lại cũng sẽ bị thu hồi cho những dự án khác của Dona.Coop. Địa phương cho người “kiểm đếm bắt buộc”, phớt lờ dân phản đối.
Ông Đào Văn Thịnh, con trai cụ Thơ cho rằng: “Có sự mập mờ trong dự án mở rộng hương lộ 2. Trước khi Dona.Coop tới, địa phương từng cắm mốc ranh giới một lần và chúng tôi xây nhà không phạm vào ranh giới đó. Ban đầu hương lộ 2 chỉ được mở rộng 30m nhưng khi dự án của Donacoop hình thành, hương lộ 2 lại “lên quy hoạch”, mở rộng tới 60m”.
Càng bất ngờ hơn khi gia đình cụ Thơ nhận được thông báo nhận tiền đền bù. Trong giấy thông báo năm 2014 ghi rõ, 562m2 đất bị thu hồi được “đền bù”... 327 ngàn đồng. Giấy ghi rõ, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ bằng chữ là “Ba trăm hai mươi bảy ngàn đồng chẵn”. 562m2 và trên phần đất này có bốn căn nhà kiên cố, giá chỉ tương đương… một ngày công làm việc.
Ông Thịnh nói: “Chính quyền địa phương giải thích chuyện này rất mập mờ, mâu thuẫn. Mấy lần đi họp, cán bộ xã nói đất nhà tôi bị giải tỏa là đất trống, không có công trình. Nhưng khi ra văn bản thì buộc chúng tôi “phải tháo dỡ công trình để giao đất cho dự án”. Còn Chủ tịch UBND TP Biên Hòa khi đối thoại với gia đình tôi nói đây chỉ là tiền hỗ trợ chứ không phải bồi thường. Tôi hỏi vậy tiền bồi thường bao nhiêu, sao không giao, ông ta im lặng”.
Phương án tái định cư cho gia đình này cũng rất bất hợp lý. Trên đất có bốn hộ sinh sống, chứng cứ là bốn căn nhà riêng biệt. Thế nhưng bốn hộ với hơn 20 nhân khẩu chỉ nhận được… một lô đất tái định cư.
Ông Thịnh kể, từ ngày có dự án và quyết định thu hồi bất công nêu trên, mẹ ông suy sụp: “Bà cụ không ngủ được, đêm nào cũng lọ mọ đi khắp nhà rồi thở dài”. Cụ kể vợ chồng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho kháng chiến, góp phần giành độc lập cho đất nước, giành đất cho dân. Đất gia đình do Nhà nước cấp chứ hai cụ không lấn chiếm. “Đấy là ăn cướp chứ đền bù gì”, ông Thịnh thuật lại lời mẹ.
Bà cụ hơn 80 tuổi ôm đơn đi khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi, quyết giữ nhà. “Cả đời ba má kháng chiến, hết chống Pháp rồi chống Mỹ, được Nhà nước cấp cho mảnh đất nhưng cuối đời vẫn chưa yên ổn. Nếu lấy đất phục vụ mục đích công cộng, má gật đầu liền. Má hy sinh cả đời, hy sinh thêm chút nữa có đáng là bao. Nhưng chúng lấy đất phân lô bán nền, có chết má cũng không đồng tình”, ông Thịnh cho hay đó là một trong những lời nói cuối cùng trước khi chết của mẹ.
Ngày cuối cùng cụ Thơ làm việc được với chính quyền là ngày 23/3/2016. Hôm đó cụ mệt, ngất xỉu giữa chừng. Nhập viện, cụ qua đời không lâu sau đó. Ông Thịnh trầm ngâm: “Mẹ tôi đấu tranh cả đời, hết chống Pháp, chống Mỹ, rồi chống những cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho doanh nghiệp trục lợi làm giàu trên mồ hôi, xương máu của dân. Phút hấp hối, bà để lại di nguyện cho các con “phải tiếp tục đấu tranh”.
Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.
Nhóm PV
PLVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét