Rồi sẽ còn gì với núi sông? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Rồi sẽ còn gì với núi sông?


Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế Việt Nam

Theo Thông tấn xã Việt Nam thì Thủ tướng Việt Nam vừa lên tiếng hoan nghênh bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế trong nội các của ông Phúc – vì chủ động xin rút lại hồ sơ đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (1).

Tuy bà Tiến giải thích bà làm như thế là để dành thời gian cho công tác quản lý, điều hành ngành y tế nước nhà và ông Phúc nhấn mạnh, ông rất… cảm kích về… nghĩa cử đó nhưng qua những thông tin do Bộ Giáo dục – Đào tạo mới loan báo thì chuyện tưởng vậy song… không phải vậy.

Nếu bà Tiến không xin rút lại hồ sơ đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì bà cũng không được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng học hàm “Giáo sư”. Những bằng chứng mà bà đã nộp cho hội đồng nhằm chứng tỏ bà có tham gia giảng dạy – một trong những tiêu chí để xem xét, phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư - đã được Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo kết luận là… “chưa chuẩn xác” (2).

Thế nhưng trong cái rủi luôn có cái… may! Bà Tiến không… lẻ loi!

Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo xác định, trong số 1.226 tân Giáo sư và tân Phó Giáo sư của năm 2017, từng được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận hồi cuối năm ngoái có 95 trường hợp bị cho là đáng ngờ. Hiện đã đủ cơ sở để xác định 41/95 trường hợp bị cho là đáng ngờ không hội đủ tiêu chuẩn về giảng dạy như bà Tiến và có tới 30/41 là viên chức như bà Tiến.

***

Tiếc một điều là đến lúc này, ngoài bà Tiến, Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ hài tên, chỉ mặt thêm một viên chức đã dùng hồ sơ “chưa chuẩn xác” để gạt Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước: Ông Trương Xuân Cừ - Phó Ban Chỉ đạo khu vực Tây Bắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (3).

Thêm một điều nữa cũng rất đáng để lấy làm tiếc là sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tạo ra trận bão “Giáo sư, Phó Giáo sư”, khiến Thủ tướng Việt Nam phải chỉ đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo thanh tra, Thanh tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo không nhìn ngó gì đến tâm bão: Dư luận về hồ sơ xin công nhận học hàm Giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, bất kể ông Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư của Đại học Toulouse – Pháp, liên tục công bố kết quả nhiều cuộc khảo sát với vô số chi tiết cho thấy, giống như bà Tiến, dường như ông Nhạ cũng đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước những bằng chứng “chưa chuẩn xác”, nhằm chứng tỏ ông có tham gia nghiên cứu và vì các nghiên cứu ấy được học giới nước ngoài quan tâm nên đã được một số tạp chí khoa học xuất bản bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chọn - giới thiệu.

***

Tại Việt Nam, “Giáo sư”, “Phó Giáo sư” là một thứ… thế giá tầm vóc quốc gia vì chúng là học hàm do hệ thống công quyền trao tặng cho những người vừa được xem như tiên phong về học vấn, trụ cột trong lĩnh vực khoa học nào đó, vừa đã có những đóng góp đáng kể cho giáo dục – đào tạo tại Việt Nam.

Cũng tại Việt Nam, “Giáo sư”, “Phó Giáo sư” là một trong những thứ khiến thiên hạ dè bỉu vì đủ thứ bất cập. Sự dè bỉu ấy dài, mạnh tới mức cuối cùng, nhà nước phải cam kết… chấn chỉnh để “nâng cao chất lượng của đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư”. Trước khi các biện pháp chấn chỉnh có hiệu lực thực thi, cuối năm 2017, số lượng cá nhân được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đủ tiêu chuẩn để phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đột nhiên vượt qua mức hàng… ngàn!

Thế nhưng đời có những chuyện khó ngờ. Cả những cá nhân xin phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư lẫn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đều không dè mức độ phản ứng của công chúng lại dữ dội tới như vậy, thành ra, dẫu khẳng định đã thẩm xét cẩn thận, kỹ lưỡng, “đúng qui trình” nhưng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đành ngậm ngùi “xét lại” hàng trăm cá nhân mà chính họ vừa công nhận là hoàn toàn xứng đáng. Đây chính là lý do khiến tờ Tuổi Trẻ nhận định, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước không thể vô can (4).

Lối đặt vấn đề của tờ Tuổi Trẻ tưởng như sòng phẳng nhưng xét cho đến cùng lại có nhiều điểm không… thỏa đáng!

Ví dụ, nếu truy cứu trách nhiệm các thành viên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì có thể bỏ qua trách nhiệm hình sự của 41 cá nhân vừa bị hội đồng này xóa tên trong danh sách 1.226 tân Giáo sư và tân Phó Giáo sư vì đã nộp cho hội đồng những hồ sơ “chưa chuẩn xác” và có thể bỏ qua trách nhiệm hình sự của những trường đại học, những viện nghiên cứu đã tham gia trong việc tạo ra những hồ sơ “chưa chuẩn xác” ấy, trong khi Luật Hình sự của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn xem hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là tội phạm hay không?

Ví dụ, nếu đã xác định Giáo sư phải hội đủ các tiêu chuẩn đã được đặt định (chẳng hạn đã giảng dạy bao nhiêu giờ ở bậc đại học trở lên, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp về chuyên môn bằng tiếng Anh, phải có ít nhất hai bài được các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus chọn đăng, phải có công trình khoa học) và đã quyết định xóa tên bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế, ông Trương Xuân Cừ - Phó Ban Chỉ đạo khu vực Tây Bắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, khỏi danh sách tân Giáo sư thì có thu hồi học hàm Giáo sư của những viên chức cao cấp khác như ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước hay không?

Trong trường hợp không… tiện thu hồi thì vì có sự tồn tại của hai loại Giáo sư, Phó Giáo sư được nhà nước phong tặng học hàm theo hai bộ tiêu chuẩn khác nhau, có nên đặt thêm qui định rằng, trên danh thiếp, trong giới thiệu, dứt khoát phải chú thích “Giáo sư sau chấn chỉnh”, “Phó Giáo sư sau chấn chỉnh” để giúp “đồng đội, đồng chí, đồng bào” dễ phân biệt với những “Giáo sư trước chấn chỉnh” và “Phó Giáo sư trước chấn chỉnh” hay không? Thắc mắc này thoạt nghe thì có vẻ tầm phào nhưng đừng quên rằng, trên thực tế, trước nay, một số cá nhân có học vị Tiến sĩ luôn luôn nhấn mạnh họ là “Tiến sĩ Khoa học – TSKH” vì không muốn bị đồng hóa với những cá nhân vốn là Phó Tiến sĩ, theo qui định, sau một đêm trở thành Tiến sĩ!

***

Nhiều thế hệ người Việt vẫn nhắc đến “Đi thi tự vịnh” của Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858). Hành trạng của vị quan gắn liền với khai hoang, lập ấp ở Thái Bình, Ninh Bình, giúp Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị, Tự Đức trị an, chống ngoại xâm, khiến suy tư “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” của ông tạo cảm hứng cho hết lớp hậu sinh này đến lớp hậu sinh khác nối chí tiền nhân dùi mài kinh sử, cứu nước, giúp đời.

Tiếc là vật đổi, sao dời, nảy nòi một lớp hậu sinh dẫu cũng tâm niệm “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” nhưng chỉ chuyên chú giương danh bằng học… tắt.

Bao giờ học hàm, học vị ở Việt Nam thôi làm người ta bĩu môi, cười cợt rồi chảy nước mắt?

Không biết, song chắc là còn lâu, bất kể thực tế đã chứng minh học tắt để giương danh chỉ lưu lại tiếng nhơ muôn thưở!

Trân Văn
Blog VOA
Chú thích:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad