‘Sunny Saigon’, ký ức đẹp về Sài Gòn năm 1967 qua ống kính một tình báo Mỹ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

‘Sunny Saigon’, ký ức đẹp về Sài Gòn năm 1967 qua ống kính một tình báo Mỹ


Cảnh chụp lúc vừa xuống sân bay của ông nội anh Aaron Tock. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

CHICAGO, Illinois – Những hình ảnh của Sài Gòn xưa lúc nào cũng nằm trong ký ức không chỉ của những người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ mà còn của những người Mỹ từng đến Việt Nam trong thời chiến tranh. Một người đàn ông nay ở tuổi 79, hiện sống ở Florida, “từng là một nhân viên tình báo,” thông qua cháu ngoại mình, là anh Aaron Tock, muốn chia sẻ với độc giả Người Việt những hình ảnh ở Sài Gòn mà ông đã từng chụp trong khoảng thời gian một năm làm việc tại đây.

Các bé gái vui cười khi thấy ông ngoại của anh Aaron Tock. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Anh Aaron Tock, một giáo viên dạy tiếng Anh đang sống ở Chicago, cho biết nhật báo Người Việt biết lý do vì sao ông ngoại anh lại muốn chia sẻ những bức hình này: “Tôi và ông nghĩ rằng những bức hình này có ý nghĩa rất lớn đối với những người Việt từng sống ở Sài Gòn nên chúng tôi muốn chia sẻ những bức hình này để họ nhớ lại những ký ức đó.”

Anh Tock cho biết anh từng đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và từng sống ở Trung Quốc hai năm để dạy tiếng Anh, nên những bức hình này rất có ý nghĩa với anh.

Sở thú ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Ông ngoại của anh, hiện đang sống ở Florida, vì muốn ẩn danh nên không trực tiếp nói chuyện với phóng viên Người Việt nên phải liên lạc qua anh Tock.

Ông cho biết tuy nhập ngũ, nhưng ông là “một nhân viên tình báo, không phải ra trận.” Ông kể qua email: “Tôi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn vào ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1966. Tôi đón xe taxi để đến khách sạn. Nơi này nhìn ra một con đường nhộn nhịp. Tôi rời khỏi Sài Gòn gần đúng một năm sau đó, vào ngày 12 Tháng Mười Hai năm 1967.”

Một cụ ông đạp xích lô. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Nói về vai trò của mình trong quân đội, ngoại của Tock chỉ cho biết ông “là một nhân viên tình báo, đi thu thập thông tin rồi viết báo cáo.” Ông cho biết mình không có quân phục và chưa dùng súng bao giờ.

“Tôi muốn thấy, muốn nghe được phản hồi của những người từng sống ở Sài Gòn và có ký ức sâu đậm về nơi này, sau khi họ thấy được những bức ảnh này,” ông chia sẻ lý do tại sao ông muốn thông qua người cháu của mình, chia sẻ những bức hình này đến những người từng gắn bó với Sài Gòn.

Khung cảnh yên bình của Sài Gòn vào năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Cũng theo ông, lý do ông chụp những bức hình này khi đó chỉ nhằm mục đích gửi kèm theo thư về Mỹ cho các cháu trai và cháu gái của ông để họ biết Sài Gòn là một nơi yên bình và gia đình không cần phải lo lắng về ông.

Trong một năm ở Sài Gòn của mình, ông ngoại của Tock thường hay đi chụp hình. Nhiều lúc ông chụp hình các em nhỏ, rồi hôm sau quay lại gặp các em để đưa tặng tấm hình đó. Vì sống ở đó một năm, ông trở nên rất quen thuộc với thành phố và rất thích chụp hình. Cũng chính vì thế, ý nghĩa của những bức hình này đối với ông là để ông nhớ lại những khung cảnh đẹp đẽ, yên bình của Sài Gòn trong khoảng thời gian mà ông còn ở đó.

Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Ông chia sẻ một kỷ niệm khó quên: “Nhiều lúc ra đường, bọn trẻ thấy tôi mặc thường phục nên cứ gọi tôi và đồng nghiệp là CIA.”

Một khu chợ nhộn nhịp ở Sài Gòn. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Tock cho biết, những bức hình này đã hơn 50 năm tuổi và anh đang có dự định biến những tấm hình này thành một quyển sách có tên “Sunny Saigon”. Như đã nói ở trên, anh và ông ngoại hy vọng những bức hình này sẽ gợi lên được những ký ức đẹp đẽ về Sài Gòn của những con người đã từng sinh sống ở thành phố này.

Anh Aaron Tock cầm những tấm hình Sài Gòn năm 1967 do ông ngoại mình chụp. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

Những tấm hình của ông ngoại anh Aaron Tock đã được anh đưa lên trang Facebook của “Sunny Saigon” và trang web http://sunnysaigonbook.com/ ai cũng có thể vào xem.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad