Trong khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen thường tạo dựng hình ảnh ông ta như là người bảo vệ chủ quyền duy nhất của Campuchia, thì Trung Quốc đang xây dựng một hải cảng, một sân bay và một thành phố có diện tích trên 45.000 hectares ở Campuchia với sự cho phép công khai của vị Thủ tướng này.
Vào năm 2008, Tập đoàn Phát triển Thiên Tân của Trung Quốc (UDG) được cho thuê khoảng 20 % vùng duyên hải của vương quốc Campuchia trong vòng 99 năm với một cái giá rất khiêm tốn, chỉ 30 USD/hectare.
Hiệp hội Các công ty xây dựng Campuchia đã ước tính tổng chi phí của cái gọi là dự án “Vùng thí điểm” này lên đến 3.8 tỉ USD và một sân bay sắp được xây dựng để đón khoảng 10 triệu du khách/năm.
Với danh nghĩa là một khu du lịch mạo hiểm có tên là Dara Sakor Beachside Resort, trên nhiều phương diện, dự án này trông giống như là một thuộc địa của Trung Quốc. Chính phủ Campuchia mô tả dự án này mang lợi ích kinh tế cho người Campuchia, nhưng những người phản biện thì cho rằng dự án này đang định hình một nền kinh tế khép kín, chỉ dành riêng cho công nhân, các nhà tư bản và du khách Trung Quốc.
Số lượng đất đai cho thuê nhiều gấp ba lần hạn định được cho phép theo Luật Đất đai của Campuchia. Luật này giới hạn việc cho thuê đất ở mức trần là 10.000 hectares. Việc cho thuê đất này cũng bao gồm những vùng đất trước đây thuộc Công viên Quốc gia Botum Sakor, nhưng tư nhân đã được phép mua bán bởi một sắc luật do hoàng gia ban hành.
Cư dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường thường có những tranh chấp với công ty Trung Quốc này. Họ cho rằng UDG đã sử dụng quân cảnh Campuchia để cưỡng chế những người dân có tranh chấp với công ty Trung Quốc này. Theo một báo cáo của nhóm nhân quyền Licadho, một vài người dân địa phương nói rằng họ bị các lực lượng an ninh ép buộc phải rời bỏ đất đai của họ bằng việc (lực lượng an ninh) phá bỏ nhà cửa của người dân và đốt cháy toàn bộ.
UDG đã không phản hồi yêu cầu của Asia Times về những phàn nàn đối với dự án này, cũng như những cáo buộc về sự lạm dụng do các tổ chức phi chính phủ đưa ra.
Ông Hun Sen thường cho rằng đầu tư của Trung Quốc là chìa khóa cho sự triển kinh tế của Campuchia. Việc trừng trị thẳng tay các nhà bất đồng chính kiến gần đây và dẫn đến việc giải tán đảng đối lập chính đã đưa đến việc các quốc gia phương Tây hoặc là rút lui hoặc đe dọa hủy bỏ các khoản viện trợ cho Campuchia, vốn đóng góp một phần quan trọng đối với ngân sách quốc gia của Campuchia.
Bị cộng đồng quốc tế lên án nhiều về việc hướng đến một chủ nghĩa độc tài toàn trị, Hun Sen đã đáp trả rằng ông ta có thể luôn luôn dự vào sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc ngay cả khi bị phương Tây trừng phạt hoặc rút lại các khoản viện trợ và đầu tư.
Nhưng nếu dự án Koh Kong là một mô hình, Campuchia có thể phải hy sinh các lợi ích kinh tế lâu dài và có thể là ngay cả chủ quyền quốc gia, trong khi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng mạnh mẽ của họ để sử dụng Campuchia như một căn cứ cho những mục tiêu chiến lược to lớn hơn của họ ở Đông Nam Á và xa hơn.
Một báo cáo gần đây của C4ADS – một Nhóm phân tích bất vụ lợi của Mỹ, cảnh báo rằng có lẽ cảng Koh Kong là một phần trong một mưu đồ rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập những căn cứ hải quân vững chắc trong toàn khu vực.
Báo cáo mang tên “Những tham vọng được che dấu” (Harbored Ambitions) xem Koh Kong như là một trong ba ví dụ của kế hoạch nói trên vì quy mô đáng kể của nó.
Trong lúc UDG có vẻ bề ngoài giống như một công ty tư nhân của Trung Quốc, thì Báo cáo này chứng minh rằng các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc có những lợi ích liên đới trong dự án này, và thỉnh thoảng những viên chức này đã đến viếng thăm nơi này để nắm bắt tiến bộ của dự án.
Trương Cao Lệ (Phó Thủ tướng Trung Quốc – TĐAS chú thích), Chủ tịch của Ban điều hành Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, là người bảo trợ dự án này ngay từ lúc ban đầu. Nhưng, khi dự án Koh Kong rõ ràng là mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, thì lợi ích mà nó mang lại cho Campuchia là mờ nhạt hơn nhiều.
Báo cáo của C4ADS ghi nhận: “Trong khi sự phát triển (của dự án UDG Trung Quốc) tại tỉnh Koh Kong gia tăng triển vọng mang lại những lợi ích quốc gia và quốc tế cho Trung Quốc, thì nó lại gây ra những thiệt hại đối với người dân địa phương, môi trường và triển vọng lợi ích của Campuchia trong tương lai”.
Ông Bates Gill, giáo sư chuyên về các nghiên cứu an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc) nói rằng dự án Koh Kong “có những tiếng vọng quen thuộc của những dự án khác (mà Trung Quốc) thực hiện ở trong khu vực và trên thế giới”.
Vị giáo sư này cho rằng do các công ty Trung Quốc sử dụng người lao động Trung Quốc, nên các công ty này được hưởng lợi nhiều nhất, thay vì là quốc gia chủ nhà sẽ cùng hưởng lợi (win-win) trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng to lớn. “Các thực thể Trung Quốc có lợi nhuận lớn nhất”, Bates Gill nhận xét.
Gill nói rằng Trung Quốc có thể theo đuổi cả lợi ích kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng chiến lược đối với dự án Koh Kong, và hai mục tiêu này không loại trừ lẫn nhau. Ông nói thêm rằng: “Với ảnh hưởng sẵn có của Trung Quốc ở Campuchia, tôi không chắc rằng dự án cụ thể này sẽ có thể tạo thêm ảnh hưởng gì hoặc tạo ra khác biệt nhiều hơn”.
Theo báo cáo của những người phản biện thì UDG đã có sự thay hình đổi dạng từ một công ty Trung Quốc sang một công ty Campuchia và ngược lại (shape-shifting) để bảo đảm quyền thuê đất đai. Lúc ban đầu UDG của Trung Quốc đăng ký hoạt động như một công ty nước ngoài, trước khi chuyển đổi thành một UDG Campuchia để đảm bảo việc thuê đất. Rồi thì nó chuyển đổi trở lại để thành một công ty thuộc sỡ hữu của người Trung Quốc trong một thời gian ngắn sau đó.
Nhà phân tích an ninh Carl Thayer (Úc) nói rằng dự án này phù hợp với đường lối của các dự án khác thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) như cảng Hambantota ở Sri Lanka, hay cá cơ sở quân sự ở Djibouti và việc thuê mướn phương tiện cảng tại Darwin ở miền Bắc nước Úc trong vòng 99 năm.
Carl Thayer nhận định rằng hiện tại cảng Koh Kong không có ảnh hưởng lớn nhưng ảnh hưởng của nó sẽ được gia tăng một khi con kênh đào Kra mà Trung Quốc đang muốn làm trên đất Thái Lan, sẽ rút ngắn và thay đổi hành trình của các con đường vận chuyển bằng đường biển từ Trung Đông đến châu Á.
Từ lâu Trung Quốc đang cố gắng giải quyết cái gọi là “Tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malacca” (Malacca dilemma), một điểm chốt chặn (Chokepoint) giữa Malaysia và Indonesia, có khả năng bị khóa lại bởi Hải quân Hoa Kỳ và các cường quốc đối địch khác với Trung Quốc khi có xung đột xảy ra.
Một khối lượng hàng nhập cảng và xuất cảng rất lớn, bao gồm khoảng 80 % số dầu nhập cảng vào Trung Quốc sẽ đi qua eo biển chật hẹp này. Một giải pháp được đề nghị cho “tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc” là đào một con kênh (Kra) xuyên qua lãnh thổ Thái Lan, và nếu con kênh này được xây dựng thì cảng Koh Kong sẽ giữ vị trí chiến lược.
Dù con việc đào con kênh ở Thái Lan được đề cập lần đầu tiên vào thế kỷ thứ XVI, thì nó vẫn được coi là một ý nghĩ viễn vông, nhưng nhà phân tích Thayer cho rằng “Trung Quốc có rất nhiều tiền để trang trải” và các điều kiện thỏa thuận với Campuchia quá thuận lợi và việc thiết lập một thành lũy vững chắc trong tương lai tại khu vực này là rất có ý nghĩa đối với Trung Quốc. Ông nói rằng: “Tiền Trung Quốc đang chảy vào bất kỳ nơi nào có thể [ở trong khu vực]”. Ông Thayer nói thêm rằng “Lập căn cứ quân sự tại Koh Kong thì không có ý nghĩa” vì nó “chịu sự dòm ngó”.
Nhận định mang tính khiêu khích nhất trong báo cáo của C4ADS là cảng Koh Kong sẽ đủ sâu cho các tàu hộ tống và các khu trục hạm ra vào và (nơi này) có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự (của Trung Quốc) trong tương lai.
Báo cáo ghi nhận rằng chưa có bằng chứng nào về việc này, nhưng hoạt động “du lịch” của dự án này đang tạo ra một thành phố tự trị của người Trung Quốc trên đất Campuchia, hơn là một khu nghỉ mát.
Báo cáo cho rằng “Hiện nay, kế hoạch tổng thể mà ‘vùng thí điểm’ đang hướng đến là tạo dựng một khu kinh tế gần như hoàn chỉnh với các trung tâm chữa trị y tế, chung cư, khu nghỉ dưỡng và khách sạn, cơ sở sản xuất, cảng nước sâu và sân bay quốc tế”.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, cho rằng Trung Quốc muốn sử dụng tất cả bất cứ cơ hội nào có thể để có được lợi thế chiến lược ở trong khu vực. Bà nói rằng: “Trung Quốc đang đầu tư ở nhiều cảng biển (ở nước ngoài), đa phần đều phục vụ cho mục đích thương mại. (Nhưng) nếu có những cơ hội sử dụng chúng vào mục đích quân sự, thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ làm điều đó”.
Cựu lãnh tụ đối lập Campuchia (Sam Rainsy) bị lưu đày đã xem việc giao dịch Koh Kong như là một bằng chứng để lên án Hun Sen đang bán đứng quyền lợi quốc gia. “Ông ta (Hun Sen) vi hiến và vi phạm Hiệp định Paris 1991 với chính sách bí mật trao quyền kiểm soát lãnh thổ Campuchia cho một cường quốc nước ngoài”. Rainsy viết trong một e-mail gởi cho Asia Times.
Trong lúc Trung Quốc và Campuchia mưu toan phô trương việc phát triển và đầu tư ở Koh Kong như là một hợp tác “Win-Win” (đôi bên cùng thắng), thì Rainsy cho rằng đó thực sự là một “Win-Win-Lose” (thắng-thắng-thua). Theo đó, các nhà đầu tư Trung Quốc và các viên chức Campuchia là những kẻ “thắng” còn nhân dân Campuchia là “người thua đậm”.
Alejandro Gonzalez-Davidson, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Mẹ Thiên Nhiên nhất trí rằng dự án này không đem lại lợi ích cho người dân Campuchia. Tổ chức Mẹ Thiên Nhiên hoạt động ở nhiều nơi tại tình Koh Kong, nơi trước đây có nhiều tài nguyên thiên nhiên và được bảo vệ, nhưng nay đã bị chiếm đoạt bởi các quan chức địa phương.
Năm 2017, hai nhà hoạt động đã bị bắt vì đã tố giác những thiệt hại do việc hút cát ở trong tỉnh Koh Kong, trong khi Gonzalez-Davidson, một người mang quốc tịch Tây Ban Nha có 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã bị trục xuất khỏi Campuchia vào năm 2015 bởi một mệnh lệnh của Hun Sen, yêu cầu Gonzalez-Davidson, hoặc là phải tự rời khỏi Campuchia, hoặc sẽ bị trục xuất.
Gonzalez-Davidson nói rằng ban đầu chính phủ Campuchia phô trương rằng việc đầu tư của Trung Quốc vào Koh Kong là một dự án sẽ mang lại hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương và sẽ biến Koh Kong thành một “Hong Kong của Campuchia” (Gonzalez-Davidson gọi đây là một quả lừa). Thay vào đó nhiều người dân địa phương bị trục xuất khỏi vùng này và cuộc sống họ đã bị huỷ hoại.
Gonzalez-Davidson nói rằng: “Điều này rất có thể có nghĩa là chủ quyền và độc lập của Campuchia trong tương lai sẽ bị đe dọa, còn đối với các cộng đồng dân cư địa phương bị buộc phải rời khỏi đất đai của mình thì đơn giản hơn: đất đai và các tài nguyên xung quanh của họ đã bị đánh cắp bởi sự lừa đảo, bạo hành và gian lận”.
Tác giả: Andrew Nachemson
Người dịch: Trần Đức Anh Sơn
Nguồn: A Chinese colony takes shape in Cambodia - Andrew Nachemson. Asia Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét