Không sốc!
Còn giờ đây, sau một năm rưỡi cầm quyền của Donald Trump mà đã khá đủ thời gian để chứng thực về thái độ phớt lờ nhân quyền, có thể cho rằng sự hiện diện hay không có mặt của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng không vì thế ảnh hưởng quá nhiều đối với nhân quyền Việt Nam, dù rằng giới chóp bu của đảng Cộng sản ở Việt Nam có thể nhân việc rút lui của Mỹ khỏi UNHCR để xem đó là một cơ hội lớn để thoát khỏi chính phủ khó chịu nhất khi Mỹ thường xuyên chỉ trích và lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Thực tế của các cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong hai năm 2017 và 2018 đã chứng minh khá rõ về kết quả hết sức ít ỏi, nếu không nói là số 0, của những lần đàm phán này - xuất phát từ quan điểm của Trump xem nhân quyền chỉ là thứ yếu và chính thể Việt Nam lại nắm thóp được quan niệm đó.
Có thể tổng kết là kể từ thời chuyển giao quyền lực giữa Obama và Trump cho tới nay, những gì mà chính thể Việt Nam muốn làm và đã làm để đàn áp nhân quyền trong nước thì đã cơ bản xảy ra. Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức xã hội dân sự độc lập có nhiều hoạt động có kết quả liên quan đến phong trào phản đối Formosa ở các tỉnh miền Trung, đã bị nhà cầm quyền bắt bớ hều hết các thành viên lãnh đạo của tổ chức này. Đến mức có thể cho rằng ‘không còn ai để bắt thêm’ đối với hội này.
‘Chuyển giao’
Vào năm 2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thay vì đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên như trước đó, Mỹ đã tập trung “đối tác quân sự” với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông. Còn nhân quyền đang được Mỹ “chuyển giao” cho nghị viện châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng Sáu năm 2016, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất trước đó (năm 2009) về nhân quyền cũng của tổ chức này mà được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ năm 2017, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Việc chính quyền Việt Nam phải chấp nhận phóng thích nhân vật đối kháng nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài vào tháng Sáu năm 2018 càng cho thấy rõ hơn về điểm ngoặt, nếu không muốn nói là bước ngoặt, trong xu thế chính thể độc đảng ở Việt Nam buộc phải cởi nới nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam - một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ sau khi sang Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết ‘đến 1/11/2016, họ cho tôi gặp vợ tôi sau gần một năm bị tạm giam. Trong lần gặp đó, vợ tôi nói chính phủ Đức nói sẵn sàng tiếp nhận nếu gia đình tôi muốn đi. Vậy là gia đình tôi đã quyết định lựa chọn đi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức’. Đây là một xác nhận quan trọng cho thấy vai trò vận động cải thiện nhân quyền và thả tù nhân lương tâm của Nhà nước Đức đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, song trùng với thời gian mà Mỹ ‘chuyển giao’ vai trò đàm phán nhân quyền với Việt Nam cho EU.
Vẫn chế tài?
Sự kiện Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng Sáu năm 2018 càng làm những cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt, nếu còn được duy trì, sẽ càng mờ nhạt về ý nghĩa của nó.
Nhưng cơ chế chế tài vi phạm nhân quyền thì nhiều khả năng vẫn được Mỹ duy trì, chủ yếu đến từ Quốc hội Mỹ. Đó là Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 8/12/2016. Những động thái sốt ruột và cấp tập gần đây của nhiều nghị sĩ Mỹ đối với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho thấy Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu có thể được áp dụng vào một thời điểm nào đó trong năm 2018 hoặc năm 2019, áp dụng những biện pháp chế tài thích đáng của đạo luật này đối với giới quan chức Việt Nam. Theo đó, những quan chức vi phạm nhân quyền sẽ bị chế tài theo hai cách: thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội; thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam lại rất phổ biến. Những giới chức tham nhũng mà trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc người Mỹ và các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.
Hoa Kỳ và EU có khá đầy đủ ưu thế để thiết lập biện pháp chế tài nhân quyền trên cơ sở cán cân thương mại với Việt Nam.
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay và năm ngoái: vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017.
Bởi Việt Nam vẫn đang cần đến Mỹ và EU hơn bao giờ hết trên phương diện thương mại, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 40 - 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng; tương tự phải duy trì được số xuất siêu đến 25 tỷ USD hàng năm vào thị trường EU.
Nhưng khác với chiến thuật của EU vẫn còn trong giai đoạn ‘thuyết phục, vận động Việt Nam cải thiện nhân quyền’, Hoa Kỳ rất có thể đang chuyển nhanh sang giai đoạn chế tài, thẳng tay chế tài nhân quyền chứ không còn quá mềm mại như thời Tổng thống Obama trước đây.
Từ năm 2015 đến nay, Ủy hội Tự do tôn giáo Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đòi Chính phủ Hoa Kỳ phải đưa Việt Nam trở lại Danh sách CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). Nếu Việt Nam đã được Mỹ nhấc khỏi Danh sách này vào năm 2006, thì nay lại đang khá gần với triển vọng “tái hòa nhập” CPC. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm, sẽ càng dễ sa chân sụp đổ. Cơ chế cấm vận này cũng sẽ khiến con đường để Việt Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện thời, nếu không nói là vô vọng.
Cho dù Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính thể Việt Nam không phải vì thế mà sẽ nhận được nhiều hơn lời tán tụng ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền về con người’ và lợi ích kinh tế từ chính phủ các nước.
Một thực tế rất rõ ràng và trần trụi là từ khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ tháng Mười Một năm 2013 đến nay, chính thể độc đảng ở Việt Nam là ‘chỉ có tiếng, không có miếng’.
Liên tục và quá nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính thể Việt Nam, cộng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ mang tầm vóc quốc tế, đã khiến cả châu Âu kinh hãi trước ‘luật rừng’ mà giới quan chức và công an cộng sản đã hành xử hệt Bắc Hàn. Các cánh cửa của hiệp định TPP trước đây và EVFTA sau này liên tiếp đóng sập trước mũi những kẻ vừa đàn áp nhân quyền vừa vỗ ngực rao giảng đạo lý ‘quyền con người’.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét