Quyết định của quốc hội được 423 trong tổng số 432 vị đại biểu, chiếm tỉ lệ gần 86%, bỏ phiếu tán thành. Như vậy, dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được quốc hội bàn thảo và biểu quyết trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu hoãn biểu quyết, hôm 10/6, nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã bùng phát để phản đối dự luật tại một loạt các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Mỹ Tho và Bình Thuận.
Nhiều người chia sẻ các bài viết và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhà chức trách đã bắt bớ một số người biểu tình, hoặc xô xát đã xảy ra tại các địa phương vừa nêu. Tuy nhiên, riêng cuộc biểu tình ở Bình Thuận đã trở thành bạo động kéo dài hơn một ngày, làm tê liệt quốc lộ 1 trong khi một số xe cộ, văn phòng của chính quyền địa phương bị đốt phá.
Theo báo chí trong nước, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hoãn dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng “nhân dân không hiểu đúng bản chất sự việc”, nên có hành động “quá khích”.
“Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh tin tưởng vào quyết định của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các dự án luật quan trọng Quốc hội luôn luôn lắng nghe góp ý của người dân”, bà Ngân nói, theo tin tức của nhà nước.
Một số nhà hoạt động nhận định rằng việc hoãn dự luật có thể chỉ là một “thắng lợi tạm thời” đối với người dân và là một “bước tạm lùi” của chính phủ khi vấp phải phản ứng gay gắt của công luận.
“Nó là động tác ‘rút củi đáy nồi,’” nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, người cũng là một nhà bất đồng chính kiến, viết trong một bình luận gửi cho VOA.
Ông Thụy nêu quan điểm: “Nhà cầm quyền sẽ tìm cách khác chứ không thể không có đặc khu. Thực tế cho thấy, đảng Cộng sản Việt Nam đã làm gì thì làm cho bằng được, dù sớm hay muộn, trừ khi họ nhận thấy nếu cố kỉnh, có thể đe dọa đến sự tồn vong của họ”.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét