Dường như chính khách nằm trong số ‘tứ trụ’ trên của đảng Cộng sản Việt Nam có duyên với nước Nhật, ít ra liên quan đến rất nhiều đồn đoán về việc ông ta đi chữa bệnh ở Nhật vào hai thời điểm tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018.
Hai lần ‘biến mất’
Trong hai sự kiện được cả giới truyền thông quốc tế chú ý vì sự ‘biến mất’ của Trần Đại Quang ở trên nhưng lại không được hệ thống tuyên giáo và báo đảng Việt Nam công bố, chỉ có lần đầu tiên ông Quang ‘biến mất’ vào năm 2017 là có một chút tin tức. Khi đó, Giáo sư Phạm Gia Khải - một thành viên của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương - nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã “sang Nhật điều trị bệnh”, tuy nhiên “không có thành viên nào của Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương đi theo”.
Nhưng điều kỳ lạ là trong cả hai lần ‘biến mất’ trên, đã không có bất kỳ một xác nhận chính thức nào từ phía các bệnh viện hoặc Bộ Y tế Nhật Bản về việc ông Quang đến các cơ sở y tế của nước này để chữa bệnh. Chính một tờ báo lớn của Nhật là Nikkey đã xác nhận việc ‘Trần Đại Quang không có ở Nhật’ vào thời gian tháng Bảy và tháng Tám năm 2017.
Có lẽ bài báo mang tính khẳng định của Nikkey về hành tung của Trần Đại Quang có thể khả tín đến mức ngay sau đó một số dư luận đã đặt ra dấu hỏi: nếu không ở Nhật thì ông Trần Đại Quang đã ở đâu trong khoảng thời gian từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám năm 2017? Và ở đâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng Tư năm 2018 đến sát Hội nghị trung ương 7 vào đầu tháng Năm? Việc một số nguồn tin trong nước cho biết ‘Trần Đại Quang đi Nhật chữa bệnh’ liệu chỉ là dạng thông tin ngây thơ, không nắm rõ thực chất vấn đề, hay là một thủ đoạn tung thông tin giả để đánh lạc hướng dư luận, nhằm phục vụ cho một ý đồ chính trị nào đó, hoặc cụ thể hơn là một dàn xếp chính trị nào đó?
Nhưng dù là những lần ‘biến mất’ của Trần Đại Quang xảy ra một cách ngẫu nhiên hay theo một ý đồ chính trị, hoặc được giả định như một thuyết âm mưu chính trị, thì điều thú vị rờn rợn là cuối cùng - trong cả hai lần vào năm 2017 và 2018 - ông Quang vẫn ‘tái xuất giang hồ’ mà không ‘đi luôn’ như một số đồn đoán trước đó.
Hai lần ‘tái xuất’
Vào cuối tháng Tám năm 2017, sau khoảng một tháng ‘biến mất’, Trần Đại Quang đã xuất hiện trở lại với gương mặt xanh xao và hốc hác khiến dư luận một lần nữa, kể từ sau vụ scandal chấn động ‘Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh’ vào giữa năm 2015, người ta nghi rằng hình ảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang đang tái xuất không phải là thật.
Song khác nhiều với vụ tướng Phùng Quang Thanh không nói gì cả, không tiếp xúc riêng và chỉ xuất hiện rất ít vào năm 2015 khi trở lại Hà Nội, Trần Đại Quang lại có khá nhiều cuộc làm việc trong nội bộ đảng và gặp gỡ giới chức ngoại giao nước ngoài - được thông tin bởi các tờ báo đảng, kể cả Quân Đội Nhân Dân là tờ mà chỉ hãn hữu mới viết rằng Trần Đại Quang là ‘thống lĩnh các lực lượng vũ trang’, còn thông thường chỉ vắn tắt là ‘đại tướng, chủ tịch nước’.
Sau Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 mà chỉ thấy hình ảnh Nguyễn Phú Trọng tràn ngập trên báo đảng, đến tháng Mười Một cùng năm, Trần Đại Quang từ ngôi sao mờ đã bất chợt tỏa sáng trong sự kiện Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC tổ chức tại thủ phủ miền Trung của Việt Nam là Đà Nẵng. Khi đó, người ta liên tiếp thấy ông Quang hiện ra trong cùng hình ảnh với các nguyên thủ quốc gia như Putin của Nga, Trump của Mỹ, Tập Cận Bình của Trung Quốc…, nhưng lại không thấy Nguyễn Phú Trọng đâu.
Chỉ sau đó ông Trọng mới ‘tỏa sáng’, nhưng lại là bên lề Hội nghị APEC: cuộc gặp của nhân vật này với Tập Cận Bình tại Hà nội ngay sau hội nghị này mà Nhân Dân - “cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam” - đã đăng một bản tin với tựa đề kỳ quặc: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia “quyền lực” rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của “tứ trụ” trong việc tiếp “Trăm” (phiên sang tiếng Anh là Trump).
Sự kỳ quặc của tựa đề trên cũng bởi đây là một tựa đề hiếm có, cứ như thể nếu không ghi rõ ra sự phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ Chính trị thì người đọc và dư luận quần chúng nhân dân sẽ không thể biết được ai là người có vai trò ra sao, nhất là ai mới là người có vai trò chủ chốt trong việc tiếp “Trăm”.
Có lẽ sự lục đục trong đảng đã biến thành cao trào chỉ một tháng sau sự kiện Hội nghị APEC: vào đầu tháng Mười Hai năm 2017, song trùng với vụ Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ đạo bắt Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và truy nã Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, một lần nữa nhân vật Trần Đại Quang mờ nhạt hẳn đi.
Trong những tháng sau đó, người ta không thấy ông Quang xuất hiện nhiều. Rồi có tin là căn bệnh ‘ung thư máu’ của ông tái phát.
Để đến sát Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2017, dư luận một lần nữa ồn ã về sự ‘biến mất’ của Trần Đại Quang, nhưng vào lần này còn tô đậm hơn: ông Quang sẽ phải ‘nghỉ’.
Song tại Hội nghị trung ương 7, Trần Đại Quang vẫn xuất hiện, thậm chí còn ngồi bên cạnh Nguyễn Phú Trọng và là người điều hành phiên hai mạc của hội nghị này.
Điều gì đã xảy ra?
Hoặc bí mật nào bị che giấu?
Người ta còn nói đến một ‘phép màu’ đã đưa Trần Đại Quang trở lại quyền lực, trong khi tưởng như ông Quang đã thật sự biến mất khỏi chính trường.
Có lần thứ ba?
Như một quy luật đã thành hình vào các năm 2017 vào 2018 - vào năm trước là sự kiện APEC sau Hội nghị trung ương 6, còn vào năm nay là chuyến công du Nhật Bản - được chào đón bằng 21 phát đại bác và được đón tiếp với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia - sau Hội nghị trung ương 7, Trần Đại Quang ‘biến mất’ trước một hội nghị trung ương rồi lại xuất hiện sau hội nghị trung ương đó.
Điều gì đã xảy ra và bí mật nào đã choáng ngợp cả không gian chính trị thẫm tối trong buổi hoàng hôn triều đại cộng sản?
Nhưng còn Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền - dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2018 - thì sao? Liệu trước hội nghị này Trần Đại Quang sẽ lại ‘biến mất’ theo quy luật?
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét