Nhưng bây giờ, điều mộng ảo đó đang nhanh chóng biến thành hiện thực vì một lý do đơn giản: Trịnh Xuân Thanh ‘vô tình’ dính dáng với thể diện của Nhà nước Đức trong vụ Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017. Còn Đinh La Thăng thì không có được cái may mắn như thế khi ông ta phải tiếp tục chung sống với chính các đồng chí của mình mà không nhận được sự quan tâm hay can thiệp nào của quốc tế.
Vào mùa thu năm ngoái, khi Đinh La Thăng chính thức phải nếm mùi còng số 8 của Nguyễn Phú Trọng, chuỗi đàm phán giữa Đức và Việt Nam vẫn còn bế tắc, đến nỗi Viện Công tố Đức đã phải ra quyết định truy nã toàn châu Âu đối với Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh của Bộ Công an Việt Nam vì xác định ông Hưng trực tiếp tham gia vào đường dây vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Vào năm 2017, cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von “không xin được thì ăn cắp” đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức – Việt.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Đến tháng Mười Một năm 2017, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức trả lời VOA tiếng Việt rằng chính quyền Berlin “hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam” về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói: “Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược”…
Đó là lần đầu tiên người Đức – dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào – hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam.
Cũng khi đó đã phát ra một tín hiệu mơ hồ về một khả năng: nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách “cam kết” trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi hoàn thành mục tiêu xử có án nặng đối với Thanh như một ý nghĩa ‘rửa mặt’.
Đến tháng Năm năm 2018, vụ án song hợp đối nội – đối ngoại mang tên ‘Trịnh Xuân Thanh’ đã phát sinh một tình tiết thú vị và đánh đố: ngay trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh vào ngày 7/5/2018 tại Tòa án cấp cao Hà Nội, tòa thông báo nhận đơn rút kháng cáo kêu oan của Trịnh Xuân Thanh (với cả hai vụ án mà ông Thanh bị tuyên án sơ thẩm chung thân). Cùng lúc, con trai của ông Thanh cũng rút đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên (là biệt thự và xe sang do ông bà cho, được coi không liên quan đến cha).
Vì sao Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo? Phải chăng ông Thanh, sau khi đã mùi mẫn ‘xin lỗi bác tổng bí thư’ nhưng không được toại nguyện, đã chìm lòng chấp nhận bản án chung thân đến cuối đời? Hay việc rút đơn kháng cáo này đã được tác động bởi một chủ ý chính trị của đảng cầm quyền?
Vào đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do “trong thời gian tới đây”. Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.
Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.
Thật trớ trêu, cùng là những quan chức tham nhũng, nhưng số phận của Trịnh Xuân Thanh sẽ ‘đỏ’ hơn nhiều Đinh La Thăng. Nếu tiến trình đàm phán Đức – Việt liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh tiếp tục tiến triển, khả năng Trịnh Xuân Thanh được ‘tống xuất’ sang Đức trong nửa cuối năm 2018 là cao, để lại một Đinh La Thăng còm cõi trong nhà tù cộng sản với triết lý cực kỳ thấm thía ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’.
Thiền Lâm
Calitoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét