Các Facebooker quan ngại rằng mạng xã hội hàng đầu thế giới này đã “hợp tác với chính phủ CSVN, phản bội người dùng Việt Nam.”
Tính đến đêm 7 Tháng Bảy, đã có 2,500 chữ ký vào thỉnh nguyện thư “Đề nghị Facebook trả lời về Luật An Ninh Mạng Việt Nam” do Luật Khoa Tạp Chí khởi xướng trên website change.org.
Chính mối lo ngại này đã khiến hàng vạn Facebooker Việt Nam, nhất là giới hoạt động, đấu tranh dân chủ, làm cuộc “di tản” sang mạng xã hội Minds. Cho dù rằng những người “chuyển nhà” chỉ có niềm tin ban đầu rằng Minds “không khuất phục chính phủ CSVN về Luật An Ninh Mạng” chứ không biết được tương lai khi mạng xã hội này lớn mạnh thì sẽ thế nào.
Trong thỉnh nguyện thư, Luật Khoa Tạp Chí đề nghị Facebook trả lời một số câu hỏi “muộn nhất là ngày 12 Tháng Chín” – thời điểm đánh dấu ba tháng Luật An Ninh Mạng được Quốc Hội CSVN thông qua. Đồng thời, việc Facebook có trả lời những câu hỏi hay không “là một trong những yếu tố quan trọng để giới blogger Việt Nam cân nhắc có tiếp tục sử dụng Facebook nữa hay không.”
Một số câu hỏi đáng quan tâm trong văn bản nêu trên: “Facebook có cung cấp bất kỳ thông tin nào của người dùng Việt Nam cho chính phủ Việt Nam không? Facebook đã bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng cho bất kỳ công ty Việt Nam nào chưa?”
“Facebook có tuân thủ quy định của Luật An Ninh Mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không?”, theo thỉnh nguyện thư.
Người dân xem blog, Facebook, tin tức ngoài quán cà phê. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images) |
“Nếu Facebook có ý định tuân thủ Luật An Ninh Mạng, liệu Facebook có sẵn sàng công khai nội dung các yêu cầu của chính phủ Việt Nam và các phản hồi của Facebook đối với các yêu cầu đó như một phần của chính sách minh bạch của mình hay không?” thỉnh nguyện thư của Luật Khoa Tạp Chí viết.
Đến nay, Facebook vẫn giữ im lặng trước yêu cầu trả lời phỏng vấn từ các báo đài tiếng Việt về phản hồi trước Luật An Ninh Mạng. Gần như mọi câu hỏi về cáo buộc xóa post có nội dung “bất đồng chính kiến” đều được Facebook trả lời rằng họ “chỉ xóa các nội dung vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng.”
Hôm 15 Tháng Sáu, báo VNEconomy dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên thường trực Ủy Ban Quốc Phòng-An Ninh của Quốc Hội CSVN: “Google và Facebook chưa có ý kiến về Luật An Ninh Mạng. Nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng, đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của Luật An Ninh Mạng.”
Sau đó, người ta không thấy Facebook lên tiếng khẳng định hay phủ nhận phát ngôn của ông Hồng.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân: “Nhiều người trách cư dân mạng Việt Nam sao không đặt vấn đề thẳng với Facebook, đấu tranh với Facebook hoặc đàm phán với họ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một công ty tư nhân, và xin khẳng định là gặp Facebook dễ hơn nhiều so với gặp gỡ quan chức (kể cả đại biểu Quốc Hội CSVN). Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải ‘xin gặp’ và ‘cầu cạnh’ những kẻ mà chúng ta biết rõ là đã và đang hợp tác với các chính thể độc tài? Tại sao lại để các thế lực ác cấu kết với nhau để làm hại chúng ta?”
“Có lẽ nào người Việt Nam, ngoài việc run sợ trước nhà nước độc tài công an trị và mở miệng ra là ‘xin’ nó, lại còn phải sợ, xin xỏ, và cầu cạnh thêm các ông lớn trong nước như VinCom, Sun Group, Mường Thanh… và rồi cả ông lớn ở nước ngoài như Facebook, tương lai rất gần là Hoa Vi cũng nên? Kẻ nào hợp tác với độc tài, chúng ta hãy bất hợp tác với chúng,” bà Đoan Trang viết.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét