Làm sao để em không chết? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Làm sao để em không chết?


Viết bài này tặng cho những người bạn có con gái, hy vọng sẽ là một giải pháp hữu hiệu nếu người thân của bạn xảy ra trường hợp như Mỹ Duyên.

Cao Thị Mỹ Duyên. Hình Internet
Tám năm trước, mình được một người bạn thân, nữ, kể chuyện, muốn báo thù cho những cô gái bị đàn ông hại đời. Lúc đó mình mới 21 tuổi, chưa rành về luật và cơ chế quản lý xã hội. Nên mình chỉ hỏi bạn là “hội Phụ nữ lập ra để làm gì mà mày phải lo mấy chuyện đó”. Đến mấy hôm nay thấy mọi người share bài cô bé Điện Biên nhiều tới mức cứ mở Facebook lên là thấy. Nên lại nhớ tới cô bạn cũ. Viết đại viết đùa trăm dòng suy nghĩ cá nhân.

Chuyện công an: một tiền lệ không hay

Hiện tại không có luật nào ghi là mất tích 24h mới được trình báo công an cả. Thấy nghi là báo thôi. Có nhiều quan điểm cho rằng việc khen thưởng công an là đúng và cũng có quan điểm là không đúng. Mình đọc một bài so sánh vụ mất tiền ở trạm thu phí chỉ cần 16 tiếng để phá án. Còn vụ bé Duyên này thì mất 130 tiếng. Thấy cũng hay, nên dựa trên cơ sở bài đó để viết lại theo quan điểm của mình. Đồng thời đưa ra mấy giải pháp nhỏ.

Tìm tiền nhà nuớc và tìm mạng người dân có nhiều khác biệt. Đã vậy, không khám nghiệm kỹ, qua loa rồi cho chôn, rồi lại căn cứ theo lời khai nghi phạm rồi đào mộ người ta lên khám lại. Nghiệp vụ khám nghiệm tử thi có vấn đề nặng thì mới không xác định được việc bị hiếp dâm ngay từ đầu.

Mình vô tình xem được tấm hình tử thi, có mặc áo, nhưng còn lại chỉ có quần lót. Không có nghiệp vụ nhìn vào cũng đoán được 5-6 phần. Có nghiệp vụ mà chắc sợ ma nên khám có lệ cho xong. Sơ sơ để thấy việc đào mồ đào mả bất nhân thôi, chứ về công nghệ định vị điện thoại, trích xuất camera thì khỏi bàn tới. Ai cũng biết là dễ mà. Thậm chí Facebook của Mỹ mà giờ mình ngồi ở đâu đăng status này an ninh cũng biết chứ đừng nói mạng điện thoại là do nhà nước kiểm soát.

Cái tiền lệ mình nói ở đây là việc khen thưởng mấy anh công an. Nó không sai, nhưng không hay. Một vụ giết người nghiêm trọng khác với một vụ án khó.

Căn cứ vào những cuộc gọi gần nhất vào số điện thoại của nạn nhân, trích xuất camera, lên danh sách các đối tượng khả nghi, dấu vân tay, khám nghiệm tử thi… Có thể là khó với người dân, nhưng có nghiệp vụ và đào tạo thì không khó. Con chó nó hửi hơi người còn nhận ra được.

Nhưng giả thuyết mình đặt ra là: Có hay không chuyện công an ở các địa phương khác sẽ học hỏi vụ này để lập công?

Tính từ thời điểm bị bắt cóc tới thời điểm bị sát hại là 2 ngày. Có nghĩa là cô bé vẫn sống nếu nhà chức trách vào cuộc kịp thời. Chính vì chậm trễ nên vụ án trở nên nghiêm trọng, và công an được khen thưởng nhờ phá án nghiêm trọng. Đọc tới đây chắc các bạn hiểu ý mình rồi.

“Có hay không việc muốn được khen thuởng thì chỉ cần kéo dài thời gian phá án, ‘đợi’, ‘ngâm’ cho vụ án trở nên nghiêm trọng rồi mới vào cuộc?”

Mấy thằng sợ ma như mình thường có trí tưởng tượng rất tốt. Mình hỏi các bạn tưởng tượng cảnh con gái, bạn gái, vợ mình bị mất tích, báo công an thì trây ỳ. Trong khi người thân mình bị từng thằng xì ke, thằng tù thay nhau hiếp dâm. Đói, nhục, chết tức tưởi, rồi tìm ra cái xác khoả thân, rồi chôn, rồi đập mộ đào lên. Tưởng tượng đi coi chịu nổi không, coi nước mắt có trào ra không?

Phá án, bảo vệ an toàn của người dân và an ninh, trật tự xã hội là nhiệm vụ của họ, khen họ, không sai, nhưng không hay! Nếu cứ khen kiểu này, có ngày tới lượt người thân của bạn như vậy và họ sẽ được khen thưởng, được vỗ tay, được ăn mừng trên xác con bạn. Đó là chuyện công an.

Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội sinh viên ở đâu?

Nạn nhân là nữ, là sinh viên đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Vậy là có liên quan tới ít nhất 2 trong 3 cơ quan đoàn thể ở trên.

Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam mỗi năm nhận 155 tỉ từ ngân sách, là một tổ chức chính trị nhận tiền thuế của dân để bảo vệ phụ nữ. Họ đã ở đâu khi cô sinh viên này mất tích?

Đoàn Thanh niên CS HCM, Hội Sinh Viên VN cũng vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc, họ đã làm gì khi hội viên, đoàn viên của mình xảy ra chuyện?

Lan man rồi, quay lại cách giải quyết để không chết oan.

Mình thường đọc mấy vụ án và phân tích làm sao để xử lý trước khi nạn nhân bị giết, hiếp… Ở xã hội mình không giống xã hội Tây, nên mấy cơ quan chức năng cũng không giống. Ai cũng biết, giống như sinh viên mất xe, mất laptop hỏi mình làm sao kiếm. Có nghĩa là họ thừa biết báo CA cũng như không!

Đánh nhau thì đợi đánh xong mới tới, khác phường mà có giết nhau trước mặt CA cũng không xử lý. Thì biết vậy, giờ làm sao?

Trong ngắn hạn, cách xử lý duy nhất là báo CA. Nhưng báo CA phải biết cách thì họ mới xử lý nhanh. Nếu thấy đánh nhau, hoặc bị đánh nhau, gọi 113, nói: địa chỉ ABC đang có biểu tình, có mặt gần như ngay lập tức. Đọc giống mình đang đùa nhưng cái này mình viết dựa trên cơ sở phát biểu của bác Bộ Trưởng Tô Lâm chứ không viết bừa. Theo bác, thì ưu tiên số 1 của ngành CA là “chỉ biết còn đảng còn mình”. Cai gì liên quan tới quyền lợi trực tiếp thì nhanh lắm. Họ sẽ đến để tự cứu mình, vô tình: cứu bạn.

Nếu người thân mất tích: báo công an là nghi ngờ nó bị kẻ xấu kích động đi biểu tình. Nếu chưa áp phê thì nói là nghe “kẻ xấu gọi điện rủ nó đi khủng bố trụ sở nhà nuớc, tôi sợ quá nên báo các anh bắt nó về”. Báo tin giả, rồi nếu không có án hoặc người thân “chưa” bị gì thì cứ khai là do sợ người thân mình làm bậy, cùng lắm bị phạt hành chính. Còn hơn ngồi đợi phát hiện ra cái xác thì muộn rồi.

Trung hạn, khi cơ quan lập pháp và hành pháp còn nhiều lỗ hỏng thì các địa phương cần có nhiều hội nhóm thay trời hành đạo hơn. Cũng không loại trừ trường hợp phía CA bận quá, chậm xử lý. Cho nên việc thông qua quyền lập hội rất quan trọng. Các hội nhóm chỉ hoạt động hiệu quả khi được công khai và luật hoá. Như SG có hiệp sĩ đường phố vậy. Chỉ cần dân báo, là lập tức ra tay xử lý một cách hiệu quả và hợp pháp.

Phải có nhiều hội nhóm xã hội cùng hoạt động để hỗ trợ, phát triển những hội nhóm lỗi thời, kém hiệu quả như 3 tổ chức trên. Hoặc ít nhất là có thể gây áp lực từ đám đông để CA vào cuộc sớm. Điều này hoàn toàn làm được nếu có sự vận động, đồng lòng cùng nhau. Giống như VFF một thời không ra gì thì có VPF được lập ra để thúc đẩy bóng đá VN vậy.

Dài hạn, xã hội phải được chuẩn hoá trên nền tảng pháp luật, với cơ sở là bản hiến pháp được toàn dân phúc quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của quốc gia.

Công an phải hiểu rằng phá án là nhiệm vụ, chứ không đợi tới khen thuởng mới làm. Tiền thuế của người dân trả cho CA là để mua lại sự bảo vệ và sự đảm bảo về an ninh, an toàn cho người dân, cho xã hội chứ không phải để tìm bằng khen, để lên lon.

Các hội đoàn cũng phải hiểu rằng họ được lập ra, lãnh lương từ tiền thuế để làm gì. Càng nhiều hội đoàn được lập ra với cùng mục tiêu thì mới có sự cạnh tranh. Có cạnh tranh thì sẽ có sự chọn lọc, cái tốt sẽ được giữ lại, cái tệ sẽ bị đào thải.

***

Vụ này có nhiều vấn đề bên trong, phân tích sơ lại trên quan điểm và kiến thức của một sinh viên báo vừa rớt môn “tin và bản tin truyền hình” và sinh viên luật sắp học lại môn “luật dân sự” và “luật hình sự”. Do đó sẽ có nhiều sai sót.

Tự nhiên thấy phẫn nộ thì bấm điện thoại đại. Câu cú lộn xộn, từ ngữ mắc lỗi chính tả nhiều. Nếu có trái quan điểm hay sai trái gì, hy vọng mấy tiền bối thấy sai thì góp ý nhẹ nhàng, đừng ném đá. Sinh viên có nhà rồi, không cần góp thêm gạch xây nhà mới.

Hôm nay, mình xin lỗi cô gái Địên Biên, vì cũng là hội viên Hội Sinh viên, cũng là Đoàn viên giống em, nhưng chả làm được gì cho em, cho những người cùng hội, cùng đoàn.

Ngày mai, ngày mốt, và trọn cuộc đời này, mình sẽ không ngừng đấu tranh để bảo vệ những giá trị chân thiện mỹ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân thấp cổ bé họng. Và đó là một trong những lý do mà mình phải vừa học báo, vừa học luật. Dù có học lại thì cũng phải cố gắng không dừng lại.


FB Trần Anh Quân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad