Vai trò của Trung Cộng trong hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Vai trò của Trung Cộng trong hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam


Từ xưa đến giờ, Công sản Việt Nam (CSVN) luôn luôn to giọng khoác lác rằng cuộc chiến chống Pháp, rồi sau đó chống Mỹ, là do họ tự lực cáng đáng “với sự giúp đỡ của các nước anh em”, chứ không hề có sự hiện diện hay cố vấn của “quân đội ngoại nhập”. Và chúng đã đạt được “chiến thắng to lớn, đánh bại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, do vận dụng tài tình chủ nghĩa Mác-Lê vào cuộc chiến tranh nhân dân…”. Vậy sự thực ra sao?

Trường Chinh, Hồ Tập Chương (HCM), Cố vấn Đại tướng Trần Canh (陈能). Trung tướng La Quý Ba (罗贵波), gốc Giang Tây, cố vấn trưởng, Đại sứ Trung Quốc tại Chiến khu Việt Bắc (Pắc Bó) năm 1950.

Sự kiện Pháp thất thủ trong trận Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954 đã đưa đến hội nghị Genève chia đôi nước Việt Nam, với Cộng sản cai trị miền Bắc và phe Quốc gia quản lý miền Nam. Trong hơn 30 năm sau đó, cả Trung Cộng (TC) lẫn CSVN đều dấu kín vai trò chủ đạo của TC qua sự viện trợ dồi dào cả về nhân sự lẫn khí tài quân sự trong cuộc chiến chống Pháp.

Vào năm 1990, Nhà xuất bản Giải Phóng Quân Nhân Dân tại Bắc Kinh ấn hành cuốn “Ghi chép thực về việc tham dự của Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc trong cuộc viện trợ VN chiến đấu chống Pháp”. Cuốn sách này đến năm 2002 lại được nhà xuất bản Lịch Sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc giản lược và in lại dưới tên “Hồi ký của những người trong cuộc: Ghi chép thực về việc đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”. Bản tiếng Việt là một tài liệu lưu hành nội bộ của đảng CSVN do Dương Danh Dy (cựu Bí thư Thứ Nhất của Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh) và Trần Hữu Nghĩa dịch và hiệu đính, xuất bản năm 2009.

Tập Hồi Ký này gồm 10 bài viết của sáu tác giả, ngoài La Quý Ba(1) là Trưởng Đoàn Cố Vấn Chính Trị, sau này là Đại sứ TC đầu tiên tại VN, năm người kia (Trương Quảng Hoa, Vu Hóa Thầm, Vương Nghiên Tuyền, Độc Kim Ba và Như Phụng Nhất) đều là những sĩ quan cao cấp trong Đoàn Cố Vấn Quân Sự (ĐCVQS) do TC gửi sang miền Bắc VN giúp CSVN từ tháng 8 năm 1950 đến trung tuần tháng 3 năm 1956. Những tiết lộ nêu ra trong bài viết này phần lớn được trích từ tập sách nói trên.

CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP

Tháng 9 năm 1949, Mao Trạch Đông chiếm hoàn toàn Hoa lục, đuổi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh (HCM) đã gửi đại diện sang gặp các cấp lãnh đạo TC để xin giúp đỡ và viện trợ. Tháng 1 năm 1950, TC là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tên nước do HCM đặt), và cử La Quý Ba, Ủy viên Dự Khuyết Trung Ương đảng CS Trung Quốc (CSTQ) bí mật sang Việt Nam với tư cách Trưởng Đoàn Cố Vấn Chính Trị, đại diện chính thức của đảng CSTQ để làm việc với Trung Ương đảng CSVN. La Quý Ba kể lại trong Hồi Ký rằng Thủ Tướng TC Lưu Thiếu Kỳ đã dặn dò ông ta :“… trước hoặc sau, những vấn đề quan trọng phải thỉnh thị, báo cáo với Mao Chủ tịch và Trung ương…”

Vào ngày 30/01/1950, đích thân HCM bí mật sang Bắc Kinh cầu viện, rồi từ đó sang Moscow diện kiến với Stalin, bấy giờ là trùm của CS Đệ Tam Quốc Tế, để trực tiếp nhận chỉ thị. Cùng thời gian đó, Mao Trạch Đông và Châu n Lai cũng sang Moscow để ký hiệp ước liên minh với Liên Xô, và được Stalin chỉ thị trong một cuộc họp của lãnh tụ cả ba nước, là TC sẽ phụ trách trực tiếp viện trợ giúp đỡ Việt Minh Cộng sản (VMCS) trong cuộc chiến tranh chống Pháp vì điều kiện địa lý thuận lợi hơn là Liên Xô xa xôi.

Sở dĩ TC sốt sắng giúp đỡ VMCS là vì muốn dùng VMCS để giữ gìn an ninh và kiểm soát vùng biên giới Việt-Trung làm vùng trái độn cho TC, vì sợ Pháp có thể sẽ giúp đỡ lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch quay trở lại tấn công CSTQ.

Ngày 17/02/1950, HCM cùng đi xe lửa với Mao Trạch Đông rời Moscow về Bắc Kinh để ký với TC một hiệp ước phòng thủ hỗ tương để bảo đảm an ninh vùng biên giới Hoa Việt. Theo Bob Seal (Military Online), một báo cáo của CIA nói rằng trong dịp này, HCM đã xin TC cử cán bộ sang VN để chỉ huy Quân Đội Nhân Dân ở cấp Trung đoàn và Tiểu đoàn, nhưng bị Mao từ chối, chỉ cử một Đoàn Cố Vấn quân sự sang giúp mà thôi. Điều này chứng tỏ lãnh đạo CSVN lúc bấy giờ không mấy tin tưởng vào khả năng quân sự của cấp chỉ huy Quân Đội Nhân Dân của chính họ. Cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1954, HCM còn qua Bắc Kinh thêm 3 lần và qua Moscow hai lần nữa để cầu viện.

Ngoài La Quý Ba là đại diện TC về mặt chính trị đã có mặt tại VN từ trung tuần tháng 1/1950, vào tháng 7/1950, một Đoàn Cố Vấn Quân Sự (ĐCVQS) gồm 281 người do tướng Vi Quốc Thanh(2) làm Đoàn trưởng, các tướng Đặng Dật Phàm, Mai Gia Sinh làm trợ thủ, đưa cán bộ xuống các đơn vị từ cấp Tiểu đoàn trở lên để cố vấn và huấn luyện cho bộ đội CSVN.

Trong những cuộc thảo luận giữa TC và CSVN, hai bên đều đồng thuận rằng để tạo thuận lợi cho việc viện trợ của TC, trước hết cần phải tổ chức một chiến dịch để giải tỏa áp lực Pháp ở vùng biên giới Việt-Trung, khai thông tuyến giao thông vận tải giữa hai nước, vì có thế vật tư viện trợ cho VN mới có thể được vận chuyển nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy, song song với ĐCVQS của Vi Quốc Thanh, TC đặc cử tướng Trần Canh(3) , đại diện cho Trung Ương đảng CS Trung Quốc sang VN để trực tiếp hỗ trợ và chỉ đạo cho CSVN tổ chức chiến dịch biên giới. Sau gần 3 tháng Trung Ương của hai đảng CS Trung Quốc và VN nghiên cứu và suy nghĩ trao đổi về sự chọn lựa mục tiêu tấn công giữa hai tỉnh Lào Cai và Cao Bằng, đích thân Mao Trạch Đông đã gửi điện văn cho Trung Ương đảng CSVN ra lệnh đánh Cao Bằng trước (theo La Quý Ba trong Hồi Ký).

Mới đầu, các cấp chỉ huy QĐND trong Chiến Dịch Biên Giới (CDBG) kể cả Võ Nguyên Giáp đều muốn tập trung tấn công thị xã Cao Bằng, nhưng Trần Canh bác bỏ và quyết định phải đánh Đông Khê trước. Cuộc tấn công Đông Khê diễn ra vào trung tuần tháng 9 năm 1950, sau 3 ngày thì bộ đội CS chiếm được Đông Khê, nhưng thiệt hại nặng. Trương Quảng Hoa thuật lại trong Hồi Ký rằng sau trận đánh, Trần Canh nói với Hồ Chí Minh: “Trận đánh Đông Khê… không phải là cuộc chiến đấu thành công. Quân ta thương vong hơn 500 người mà tiêu diệt không đầy 300 tên địch, cái giá quá lớn!”. Trong vòng 48 giờ sau khi trận đánh kết thúc, Trần Canh triệu tập một cuộc họp kiểm điểm với Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan chỉ huy CSVN, trong đó Canh nghiêm khắc chỉ trích các khuyết điểm của QĐND, như không tuân hành lệnh hành quân và trì trệ trong việc tấn công, cấp chỉ huy không dẫn đầu trong xung phong, liên lạc yếu kém, và hiện tượng báo cáo láo lên thượng cấp.

Vương Nghiên Tuyền tiết lộ trong Hồi Ký : “Sau khi kết thúc thắng lợi CDBG, có một đồng chí phụ trách trong Bộ Chỉ Huy Tiền Phương quân đội VN khi biểu thị cám ơn đồng chí Trần Canh, đã nói: ‘CDBG là sự chiến thắng của chỉ huy Trung Quốc, vũ khí đạn dược Trung Quốc, cung cấp hậu cần Trung Quốc, cộng với binh sĩ Việt Nam”.



Sau khi Hiệp định Đình Chiến được ký kết ngày 27/7/1953 chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, TC dốc toàn lực viện trợ và yểm trợ cho HCM và CSVN trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Pháp. Trận Điện Biên Phủ (ĐBP) kéo dài 57 ngày đêm, từ 13/3 cho đến khi quân Pháp đầu hàng vào ngày 07/5/1954, lót đường cho việc ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước VN. Cũng như trong CDBG trước đó, trận đánh quyết định này có sự cố vấn chỉ đạo tích cực của đảng CS Trung Quốc.

Thí dụ như việc Vi Quốc Thanh đề xuất cho QĐND đào hầm sâu vào sườn núi để bố trí pháo tránh bom, một kinh nghiệm TC đã học được trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mục Đại sử ký trong Hồi ký tiết lộ “vào ngày 29 tháng 8 năm 1953, Trung Ương đảng CS Trung Quốc đã gửi điện cho La Quý Ba, đưa ra kế hoạch chiến lược, đầu tiên tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng Bắc và Trung Lào, từng bước đẩy chiến trường xuống Nam Lào và Cao Miên, uy hiếp Saigon để tạo điều kiện, sau đó đánh lấy đồng bằng Bắc bộ Việt Nam…”, và “ngày 09/4/1954, Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc hai lần điện cho Vi Quốc Thanh, ra chỉ thị cụ thể đối với vấn đề chiến thuật công kích Điện Biên Phủ ”.

Nói tóm lại CDBG cũng như trận ĐBP đều được Trung Ương đảng CS Trung Quốc hoạch định kế hoạch chủ đạo, ĐCVQS phụ trách giám sát và đôn đốc, cung cấp huấn luyện, trang bị vũ khí, lương thực và vận chuyển cho bộ đội CSVN.

Điều đáng chú ý là trong quân sử của QĐND, cũng như trong hồi ký của VNG, không hề nhắc đến sự viện trợ quân nhu và khí giới của TC cũng như vai trò chủ động của tướng Vi Quốc Thanh và ĐCVQS trong trận ĐBP. Điếu này được giải thích bởi tướng Trần Canh trong tập Hồi Ký mà ông viết riêng (không được chọn đăng trong tập Ghi chép thực… này): “Khuyết điểm lớn nhất của CSVN là sự sợ hãi không dám nhận khuyết điểm. Họ thiếu tinh thần tự phê Bôn-sê-vích". Một lý do khác có thể là vì CSVN muốn duy trì hình ảnh của “QĐNDVN anh hùng”, của “Chủ tịch HCM vĩ đại” và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự”, nên lờ hẳn vai trò chủ đạo của TC.

CUỘC CHIẾN TRANH X M LĂNG MIỀN NAM VN

TC cũng là nguồn cung cấp lớn nhất về khí tài quân sự cho quân CS trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” do CSVN phát động, từ đầu thập niên 60 cho đến khi miền Nam VN mất vào tay CS năm 1975 sau khi Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH, cúp hoàn toàn quân viện.

Vào giữa năm 1965, khi Hoa Kỳ tăng cường dội bom miền Bắc, HCM đã hội kiến với Mao Trạch Đông và đích thân yêu cầu TC gửi lực lượng phòng không của TC sang Việt Nam để giúp CSVN bảo vệ thủ đô Hà Nội và lực lượng công binh để giúp củng cố sửa chữa hệ thống giao thông gồm đường xá, hoả xa và cầu cống của miền Bắc. Theo Chen Jian, tác giả cuốn sách "China's Involvement in the Vietnam War, 1964-69" do Cambridge University Press xuất bản năm 1995, vào tháng 6 năm 1965, Mao đã gửi sang Bắc VN 7 Sư đoàn Công Binh gồm 100,000 binh sĩ rải đều trên toàn miền Bắc để bảo trì và tu sửa những tuyến giao thông và tái xây dựng những cơ sở vật chất bị bom Mỹ làm hư hại.

Tháng 8 năm đó, Sư Đoàn 61 Phòng Không của TC từ Vân Nam di chuyển sang Yên Bái và Sư Đoàn 63 Phòng Không chuyển sang vùng Kép. Từ đó đến khi rút về Trung Quốc vào tháng 3 năm 1969, tổng cộng có 16 Sư Đoàn Phòng Không TC gồm 150,000 quân đã luân phiên sang Bắc VN phục vụ, cứ 6 tháng lại thay đổi một lần. Trước sau, tổng cộng số quân TC sang VN là 320,000. Ở thời điểm cao nhất vào năm 1967, 170 ngàn binh sĩ TC có mặt tại VN, và ước lượng có khoảng 3 tới 4 ngàn lính TC đã bị thiệt mạng bởi bom Mỹ trong thời gian phục vụ tại miền Bắc VN.

Trong giai đoạn cuối của chiến tranh VN , TC ào ạt cung cấp những vũ khí và phương tiện tối tân nhất cho CSVN, như xe tải, xe tăng, hỏa tiễn địa không, đại bác 130 ly không giật, súng cối 130 ly, hỏa tiễn phòng không cầm tay…vv, tất cả được cấp tốc chở vào miền Nam qua đường mòn HCM. Những phương tiện dồi dào do TC gửi sang đã giúp CSVN phát động cuộc tấn công lớn gồm 20 Sư đoàn trong Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị và An Lộc năm 1972, mặc dù đây là một thất bại quân sự thê thảm của quân CSVN với thiệt hại nặng nề gồm hơn 100 ngàn quân thiệt mạng và 450 xe tăng bị phá hủy. Sau đó, TC không những đã mau chóng tái trang bị cho CSVN những khí tài quân sự đã bị thiệt hại, mà còn tăng thêm mức viện trợ quân sự trong những năm 73, 74, nhờ vậy mà CSVN có đủ lực để phát động cuộc tổng tấn công vào đầu năm 1975 và sau cùng chiếm trọn miền Nam trước sự tan rã của QLVNCH bởi không còn khí giới để chiến đấu.

Nói tóm lại, trong cả hai cuộc chiến tranh cận đại tại VN: cuộc chiến chống Pháp 1950-1954 và cuộc chiến xâm lăng miền Nam 1960-1975, Trung Cộng đóng một vai trò hết sức quan trọng, vừa là nguồn viện trợ chính của các khí tài quân sự, vừa cung cấp huấn luyện, cố vấn trận địa, và thậm chí trong cuộc chiến chống Pháp, đã giữ vai trò chỉ đạo chiến tranh, trực tiếp vẽ kế hoạch và điều động lực lượng quân sự của CSVN.

Trung thành với truyền thống dối trá lươn lẹo cố hữu, CSVN luôn rêu rao về “tính độc lập của QĐNDVN anh hùng, không nhờ cậy lực lượng quân sự ngoại nhập”. Họ đã tự tô vẽ cho mình một hình ảnh kiêu hùng để lừa bịp nhân dân VN và dư luận thế giới. Tập “Hồi Ký: Ghi chép thực…” đã giúp chúng ta hiểu được sự thực rằng CSVN trước sau chỉ là một chư hầu của TC, tuyệt đối tuân theo chỉ thị của đàn anh. Sự thực này hoàn toàn phù hợp với hiện tượng CSVN bán nước trắng trợn cho TC mà chúng ta thấy đang xẩy ra hiện nay, và nguy cơ mất nước VN trước mắt, nếu CSVN còn tồn tại.

Xin cám ơn BS Phạm Hữu Trác và ông Trần Giao Thủy là những người đã có công sưu tầm những tài liệu và hình ảnh về cuộc chiến tranh chống Pháp, đăng trên tập san Truyền Thông số Hạ-Thu 2009 mà tôi đã sử dụng để viết bài này.


© Nguyễn Mạnh Tiến
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
Chú thích:

(1)La Quý Ba (1908-1995) gia nhập đảng CS Trung Quốc từ năm 1927, từng tham gia cuộc Vạn Lý Trường Chinh vào tháng 10 năm 1934, Tư Lệnh Mặt Trận Vùng Biên Cương Miền Nam Shanxi-Suiyuan trong “Chiến dịch 100 Trung đoàn” năm 1940, Tổng Giám Đốc Văn Phòng Quân Ủy Trung Ương năm 1949, Ủy viên Dự khuyết của Đại Hội 8 Trung Ương đảng CS Trung Quốc.

(2)Vi Quốc Thanh (1913-1989) gia nhập Hồng quân năm 1929, vào đảng CS năm 1931, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy quân sự từ cấp Tiểu đoàn đến cấp Binh đoàn (Sư đoàn). Sau khi Hồng quâm chiếm hoàn toàn Hoa Lục, họ Vi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy Ban Quân Quản thành phố Phúc Châu (Fuzhou).

(3)Trần Canh (1903-1961) gia nhập đảng CS Trung quốc năm 1922, từng học trường Võ Bị Hoàng Phố và du học Liên Xô năm 1926 về ngành Khoa Học Quân Sự. Trong cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng, Trần Canh là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân đoàn 4, sau đó được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Vân Nam trước khi được Trung Ương đảng CS Trung Quốc cử sang VN để giúp HCM trong Chiến Dịch Biên Giới năm 1950. Năm 1951, Trần Canh sang Triều Tiên chỉ huy Chí nguyện quân TC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad