Sau khi kết thúc cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, cho biết, trong một cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến sự hợp tác chặt chẽ, dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung:
“Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát”.
Phát triển kinh tế nhanh qua mở cửa và cải cách
Sự mở cửa kinh tế của Việt Nam và đường lối cải cách bền bỉ đã dẫn đến một sự phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và lớn lao trong hai thập kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng trên 8% liên tục trong những năm gần đây. Động cơ tăng trưởng chủ yếu là ngành xuất khẩu được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và sức tiêu thụ nội địa tăng lên.
Với chủ đích, Việt Nam đã mở cửa để tăng cường hội nhập vào thị trường thế giới. Một bước quan trọng theo hướng này là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mà mới đây việc phê chuẩn và thông qua đã bị EU hoãn lại vì Việt Nam không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết:
“Việt Nam là một đối tác quan trọng đối với chúng tôi ở Đông Nam Á. Đất nước này đã thực hiện các bước quan trọng về việc mở cửa kinh tế trong những năm gần đây và đã đi vào con đường cải cách. Do đó, chúng tôi cũng thúc đẩy cho việc kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam”.
Mặc dù thế, nhưng trên thực tế không thể nào hiệp định được ký kết trước cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu vào cuối tháng 5 này, sớm nhất cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 hiệp định mới có thể được phê chuẩn và thông qua và chắc chắn là còn tùy thuộc vào sự cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Điểm đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas dùng chữ “kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam”, như vậy là rất có thể xảy ra việc EU và Việt Nam sẽ tái đàm phán Hiệp định này. Nếu đúng thế thì thời gian còn kéo dài lâu hơn nữa.
Nỗ lực cho đa phương, thương mại tự do và bảo vệ khí hậu
Đồng thời Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào cộng đồng quốc tế. Hiện tại Việt Nam đang ứng cử một vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc vào năm 2020/21. Giống như Đức, Việt Nam cũng nỗ lực đa phương, thương mại tự do và bảo vệ khí hậu. Trong các lĩnh vực này có khả năng hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước.
Tạo quan hệ đối tác chiến lược có thực chất
Năm 2011 Việt Nam và Đức đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược để cùng nhau theo đuổi lợi ích của 2 nước. Quan hệ đối tác này đã bị phía Đức đình chỉ do những khác biệt nghiêm trọng, đặc biệt là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh vào mùa hè năm 2017 tại Berlin.
Trong cuộc hội đàm, hai Ngoại trưởng đã thảo luận về việc quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức có thể được điều chỉnh như thế nào và làm sao có được thực chất. Sự hỗ trợ của Đức hiện đại hóa Việt Nam, chẳng hạn như thông qua đối thoại thường xuyên về nhà nước pháp quyền và thảo luận về tình hình nhân quyền, là những yếu tố trung tâm của Chính phủ Liên bang Đức.
Nói chuyện với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức
Cùng ngày 20.02.2019 Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, ông Peter Altmaier đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Berlin. Bộ trưởng 2 nước nói chuyện về việc làm sâu sắc và tăng cường quan hệ song phương.
Bộ trưởng Altmaier nói: “Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Đức trong khu vực ASEAN, và một số công ty Đức đã hoạt động ở Việt Nam trong nhiều năm, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế và tạo việc làm và chỗ học nghề. Do đó năm nay tôi sẽ cùng với một đoàn doanh nghiệp tới Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để bàn thảo”.
Năm 2013, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã khởi động một dự án kiểu mẫu “Đào tạo thanh niên từ Việt Nam trở thành điều dưỡng viên chăm sóc người già” để chống lại tình trạng thiếu điều dưỡng viên ở Đức. 350 học viên Việt Nam đã đến Đức thông qua chương trình này. Trên cơ sở kinh nghiệm tốt, chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác cho các ngành nghề chăm sóc sức khỏe khác.
Trao đổi thương mại giữa hai nước Đức và Việt Nam lên tới 13,8 tỷ Euro trong năm 2018, trong đó 9,7 tỷ Euro là hàng nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ euro do xuất khẩu của Đức sang Việt Nam.
Hiếu Bá Linh
ThoiBade
Nguồn:
– Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức: https://www.auswaertiges-amt.de/de/newsroom/maas-minh/2191476
– Bản tin của của Bộ Ngoại giao Đức: https://www.auswaertiges-amt.de/de/aussenpolitik/laender/vietnam-node/aussenminister-maas-trifft-vietnamesischen-aussenminister-pham/2191416
– Thông cáo báo chí của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức: https://www.bmwi.de/Redaktion/DE/Pressemitteilungen/2019/20190220-altmaier-spricht-mit-dem-aussenminister-phambinh-minhin-berlin.html
– Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức: https://www.auswaertiges-amt.de/de/newsroom/maas-minh/2191476
– Bản tin của của Bộ Ngoại giao Đức: https://www.auswaertiges-amt.de/de/aussenpolitik/laender/vietnam-node/aussenminister-maas-trifft-vietnamesischen-aussenminister-pham/2191416
– Thông cáo báo chí của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức: https://www.bmwi.de/Redaktion/DE/Pressemitteilungen/2019/20190220-altmaier-spricht-mit-dem-aussenminister-phambinh-minhin-berlin.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét