Năm 35 tuổi ông được nhà vua chỉ định thi hành một trọng trách, đó là mang quân đi bình định vùng Thanh-Nghệ. Sau khi sứ mệnh to lớn ấy thành công mỹ mãn, tướng Lý Thường Kiệt trở thành vị tể tướng của triều đình với toàn quyền về hành chánh và quân sự.
Khi nghe tin nước Tàu đang toan tính đánh chiếm Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó), ông khuyên vua Lý Nhân Tông, một ấu quân mới lên ngôi, nên đánh phủ đầu để triệt tiêu ý đồ xâm lăng của nước Tàu. Với sự ủy nhiệm của nhà vua, tể tướng Lý Thường Kiệt và quân sĩ đánh phá ba châu lớn của nước Tàu ở sát biên thùy Việt Nam – châu Ung thuộc tỉnh Quảng Tây, châu Khâm và châu Liêm thuộc tỉnh Quảng Đông.
Ở bất cứ nơi nào Lý tể tướng và binh sĩ đặt chân đến, ông đều cho phổ biến những “đại cáo” kết tội Vương An Thạch (tể tướng Tàu) áp bức dân Tàu, và tuyên bố quân của vua nước Việt đến để chặn đứng chính sách cai trị ác độc mới ban hành của Vương An Thạch.
Vô cùng tức giận, Vương An Thạch ra lệnh một đạo binh lớn – dưới quyền vài tướng lãnh, cùng với quân lính của hai đồng minh Chiêm Thành và Chân Lạp hỗ trợ – xâm lược Đại Việt. Binh sĩ dưới quyền chỉ huy của tướng Lý Thường Kiệt giao tranh dữ dội với quân Tàu ven sông Như Nguyệt ở phía bắc Thăng Long. Trong vòng một tháng, hai bên đều thiệt hại quân số nặng nề.
Để cho binh sĩ lên tinh thần chiến đấu, một buổi tối Lý Thường Kiệt cho một người vào trong một đền bên bờ phía nam của sông Như Nguyệt để ngâm vang bốn câu thơ mà tể tướng Lý đã sáng tác bằng chữ Hán. Nghe xong bốn câu thơ uy nghiêm huyền bí đó, địch quân sợ hãi đến nỗi phải tan hàng bỏ chạy khỏi chiến trường.
Qua bốn câu xác quyết ngắn gọn và hùng dũng, bài tứ tuyệt này của Lý Thường Kiêt có thể được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Đại Việt, khẳng định đất nước của dân Việt hoàn toàn độc lập với quốc gia hàng xóm gian manh phía bắc.
Dưới đây, xin được vinh danh bản tuyên ngôn độc lập đó bằng cách trình bày bài tứ tuyệt oai phong của Lý Thường Kiệt qua bốn thứ văn tự : (1) Hán tự phồn thể nguyên tác, (2) Hán-Việt viết theo quốc ngữ, (3) Việt ngữ, và (4) Anh ngữ. Mục đích của điều này là để cho người Tàu biết Hán tự phồn thể và những người ngoại quốc khác sử dụng tiếng Anh như một “lingua franca” hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của bản tuyên ngôn lịch sử này của dân Việt chúng ta:
南國山河
南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛
NAM QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam, quyền vua Nam
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm
Giặc bay trái mệnh đòi xâm chiếm
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham
(Bản dịch của Nguyễn ĐăngThục)
THE SOUTHERN LAND
The Southern Emperor rules the Southern Land
Our destiny is writ in Heaven’s Book
How dare ye bandits trespass on our soil
Ye shall meet your undoing at our hands
(Translation by Huỳnh Sanh Thông)
Diễn Đàn Thế Kỷ
THƯ TỊCH
DeFrancis, John (ed) (1996). ABC Chinese-English Dictionary.Honolulu: University of Hawaii Press.
Huỳnh Sanh Thông (1996). An Anthology of Vietnamese Poems. New Haven, CT: Yale University Press.
Nguyễn Đăng Thục (1967). Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Saigon: Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam Sử Lược. Saigon: Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
DeFrancis, John (ed) (1996). ABC Chinese-English Dictionary.Honolulu: University of Hawaii Press.
Huỳnh Sanh Thông (1996). An Anthology of Vietnamese Poems. New Haven, CT: Yale University Press.
Nguyễn Đăng Thục (1967). Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Saigon: Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam Sử Lược. Saigon: Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét