“Mồ cha không khóc, khóc đống mối” - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

“Mồ cha không khóc, khóc đống mối”


Xin lấy bài viết này thay một nén nhang dâng lên Đức Phật, Đức Thái hậu Ỷ Lan và các vị tiên hiền trong tâm linh người Việt vào ngày xuân năm Kỷ Hợi - 2019.

Loại bỏ những hiện tượng mê tín như “xin ấn thăng quan” hay “cúng sao giải hạn”, hoạt động lễ hội mùa xuân của người Việt tại các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh luôn là nét đẹp truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên lựa chọn đúng điểm du xuân không phải ai cũng biết, đặc biệt trong tình trạng xuất hiện những biến tướng “kinh doanh tâm linh” không chỉ tại các địa điểm mới xây dựng mà ngay tại một số di tích cổ.

Thời gian gần đây, một số doanh nhân đua nhau xây dựng các quần thể kiến trúc bao gồm chùa chiền kết hợp với nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí…

Các công trình mới xây lấn át các di tích cổ, hậu quả là người dân bỏ tiền đến thăm các công trình bê tông cốt thép hiện đại chứ không phải các di tích hàng nghìn năm tuổi, thậm chí nhiều người còn không biết có sự tồn tại của các di tích đó.

Hiện tượng này đã được cổ nhân đúc kết qua câu: “Mồ cha không khóc, khóc đống mối”.

Không chỉ có thế, muốn đến thăm các di tích nhà nước quản lý như Hoàng thành Thăng Long, Đại Nội tại cố đô Huế, Chùa Đồng Yên Tử,… du khách phải trả khá nhiều tiền.

Tại di tích Hoàng cung Huế vé vào cửa là 150.000 đồng/một người, lên chùa Đồng theo hướng Tây Yên Tử trẻ em phải mua vé 20.000 đồng, người lớn 40.000 đồng,…

Tại sao người nghèo, không có tiền thì không thể lên chùa lễ Phật, không thể chiêm ngưỡng các di sản văn hóa mà tổ tiên để lại cho con cháu?

Lỗi do cơ chế thị trường, do tầm nhìn hạn hẹp của những người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước hay còn đan xen, ẩn hiện lợi ích của một nhóm doanh nhân và quan chức?

Gần đây, thông tin về chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, chùa Ba Vàng,… xuất hiện với tần suất dày đặc trên truyền thông chính thống và mạng xã hội.

Người dân chỉ biết đến các địa danh với quy mô hoành tráng mà các đại gia vừa xây dựng chứ gần như không biết đến những ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng nghìn năm mà người ta dựa vào để đặt tên cho cụm công trình.

Cần phải xem đây là hiện tượng xâm phạm bản quyền sở hữu thương hiệu để kinh doanh.

Chùa Bái Đính, Tam Chúc (được xây dựng từ thời nhà Đinh),… là tên gọi các ngôi chùa cổ, thuộc sở hữu của toàn dân, những doanh nghiệp lấy tên các di tích ấy kinh doanh đã xin phép và được phép khai thác thương hiệu?

Nếu được phép thì họ có phải trả “tác quyền” về cho nhân dân?

Những người đi lễ chùa không biết, không tới chiêm bái tại các di tích tâm linh hàng nghìn năm tuổi không chỉ là lỗi của ngành Văn hóa trong việc bảo tồn, quảng bá di sản mà cũng còn vì tâm lý xô bồ, thích “kỷ lục” của không ít người tham gia lễ hội.

Điều nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc là truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước (cả ở trung ương lẫn địa phương) cũng như các cơ quan chuyên môn vẫn có những nhầm lẫn khiến du khách hoang mang về tính chân thực của không ít thông tin quảng bá các di tích văn hóa tâm linh.
Xin lấy ví dụ về một địa danh cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 15 km để minh chứng cho nhận định nêu trên, đó là cụm di tích lịch sử văn hóa Đình-Đền-Chùa làng Sủi (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

Tại đây có Đại Dương Sùng Phúc Tự, ngôi chùa được xây dựng từ trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về Thăng Long, có đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, đền thờ tướng quân Đào Liên Hoa, nhà lưu niệm thi nhân Cao Bá Quát,…

Giới thiệu về Đại Dương Sùng Phúc Tự, tác giả Hoàng Lan - Trường Nghiệp vụ Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ viết:

Chốn linh thiêng này đã được gia đình và các cấp chính quyền chọn để tổ chức lễ cầu siêu cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn”.

Thượng tọa Thích Thanh Phương trụ trì chùa Sủi là người được gia đình các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Trần Đại Quang mời tham gia cùng chư tăng lo phần nghi lễ tâm linh sau khi tạ thế…

Với bề dày lịch sử và uy tín như vậy, lại nằm ngay ở cửa ngõ thủ đô nghìn năm văn hiến song vẫn xuất hiện nhiều quan điểm, đánh giá trái chiều về địa danh lịch sử này.

Để giúp du khách và các tín đồ thiện tâm tìm về một địa chỉ văn hóa tâm linh đúng nghĩa, xin trích dẫn hai luồng quan điểm từ các cơ quan Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học.

Luồng quan điểm thứ nhất về quê hương và đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan:

Báo Hanoimoi.com.vn cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội năm 2006 đã có bài viết về cụm di tích làng Sủi như sau:

Sủi (Phú Thị - Gia Lâm) một làng quê cổ nhất Thăng Long - Hà Nội nằm bên dòng sông Thiên Đức Giang huyền thoại, hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc của vùng ven đô,…

Chùa Sủi tên là Đại Dương Tự, vốn là nơi Nguyên Phi Ỷ Lan về cầu tự, sinh được Thái tử Càn Đức, rồi cho xây lại từ năm 1115.

Sân đền có cái giếng cổ, bà Ỷ Lan về cầu tự tắm nước giếng này được dân gian lưu truyền đồng nhất với cô Tấm - nhân vật cổ tích thần kỳ trong truyện Tấm – Cám”. [1]


Đây là chiếc giếng cổ ở sân đình làng Sủi, tương truyền bà Ỷ Lan đã lấy nước giếng này tắm.

Nước trong giếng cổ này được rước về tắm tượng tại lễ hội đền – chùa Bà Tấm.

Phía sau, bên phải là nhà văn bia lưu danh các vị khoa bảng làng Sủi (ảnh tác giả cung cấp).

Thông tin trong bài viết cho thấy Làng Sủi (tên ngày nay là thôn Phú Thụy) là “làng quê cổ nhất Thăng Long - Hà Nội” và chùa Sủi là ngôi chùa được trùng tu vào năm 1115, nghĩa là đã được xây dựng nhiều năm trước đó.

Tương truyền năm 1066, Ỷ Lan phu nhân về đây cầu tự sau đó sinh hạ thái tử Càn Đức (trở thành vị vua thứ tư triều Lý là Hoàng đế Lý Nhân Tông), sau đó chùa được trùng tu vào năm 1115.

Đánh giá về chùa Sủi, Văn bia “Cúng Phật Sản bi” ghi niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) viết về chùa Sủi như sau: “Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Nam vậy, khách vãng lai không ai là không yêu mến”.

Về địa danh văn hóa tâm linh này có thể tìm thấy thông tin trong các sách chính sử như “Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Việt sử ký toàn thư”,…

Làng Sủi được xác định là mảnh đất mà người Việt cổ đã định cư từ hàng nghìn năm trước ở vùng đất châu thổ sông Hồng, thuộc trấn Kinh Bắc xưa.

Đây là một làng quê được xếp vào một trong 21 làng khoa bảng cả nước (có trên 10 tiến sĩ được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám), là mảnh đất “Nhất môn tam tiến sĩ; Đồng triều tứ thượng thư” (một nhà có ba tiến sĩ, cùng lúc có bốn vị thượng thư trong triều là các cụ Nguyễn Huy Nhuận, Đoàn Bá Dung, Cao Dương Trạc, Trịnh Bá Tường).

Báo điện tử Nhandan.com.vn, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Theo dáng rồng bay” đăng ngày 24/07/2010 viết:

Phú Thị xưa nổi tiếng là làng khoa bảng, làng văn chương; quê hương của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, của "Thánh văn" Cao Bá Quát.
Tên chữ của làng là Thổ Lỗi, tên nôm là Sủi. Trang Thổ Lỗi xưa thuộc trấn Kinh Bắc, nay là vùng đất ngoại thành Hà Nội”. [2]

Bài báo cũng cho hay:

“Vua Lý Thánh Tông trong một lần về chùa Dâu để cầu tự đã gặp người con gái quê xinh đẹp ở cầu Giàng. Nàng đứng tựa gốc lan hát rất hay.

Thuận ý thuận tình vua đưa bà về cung làm nguyên phi. Ít lâu sau Ỷ Lan về chùa Sủi quê mình để cầu tự và đã sinh Thái tử Càn Ðức, tức vua Lý Nhân Tông sau này”…

Bia danh nhân làng Sủi tại nhà bia trong quần thể di tích Đình – Đền – Chùa làng Sủi (ảnh tác giả). 

Cuốn sách điện tử nổi tiếng hàng đầu thế giới “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.org” viết về Nguyên Phi Ỷ Lan như sau: “Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (7 tháng 4 năm 1044) tại hương Thổ Lỗi.

Đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Phú Thị (Phú Thụy-NV) thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội”. [3]

Người viết cho rằng thông tin đăng trên các báo Hà Nội Mới, Nhân Dân và Bách khoa Toàn thư mở chắc chắn là những thông tin đã được kiểm chứng.

Đặc biệt là kết luận “Ỷ Lan về chùa Sủi quê mình để cầu tự” trên báo Nhân Dân, cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đâu là quê gốc nhân vật lịch sử nổi tiếng này.
Báo Kinhtedothi.vn cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu một phát hiện đáng chú ý:

Duy nhất ở đền thờ bà (Nguyên phi Ỷ Lan - NV) tại làng Sủi có bức tượng bà đội mũ có hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát”. [4]

Người viết tán thành quan điểm nêu trên không chỉ vì được đăng tải bởi những cơ quan truyền thông uy tín nhất cả nước mà còn vì những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng và các truyền thuyết dân gian lưu hành qua hàng nghìn năm đến tận hôm nay.

Luồng quan điểm thứ hai:

Bài viết “Đâu là làng quê của Nguyên phi Ỷ Lan?” đăng trên “Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” (VUSTA) nêu ý kiến của tác giả Lê Định, như sau:

Đền thờ bà Ỷ Lan nằm ở địa phận thôn Sóc, xã Dương Xá hiện nay, được xây dựng và hoàn thành vào khoảng tháng 3 năm Ất Mùi (1115).
Bà được tôn thờ ở nhiều nơi, nhưng đây là nơi thờ chính nên cũng được gọi là Đền Cả, gần đó là chùa Sùng Phúc, còn gọi là chùa Bà Tấm, là để chỉ Ỷ Lan”. [5]

Bài viết trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam:

Có rất nhiều nơi thờ Nguyên Phi Ỷ Lan. Nhưng đền chùa và đền thờ Ỷ Lan được xây dựng ở Dương Xá ngay chính trên quê hương Bà.
Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là Đền Bà Tấm hay đền Cả”. [6]

Bài viết trên Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm (từ năm 2013):

Lễ hội đền Bà Tấm trước đây được tổ chức ba ngày từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 2 âm lịch, hội có quy mô lớn, không phải chỉ có Dương Xá tổ chức mà cả tổng Dương Quang cũ (gồm 9 xã suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm- Hưng Yên) cùng tham dự”. [6]

Ý kiến từ ba nguồn nêu trên cần được thảo luận, làm rõ trên tinh thần tôn trọng ý kiến các tác giả nhưng vẫn phải bảo đảm khách quan, khoa học.

Thứ nhất, tác giả Lê Định đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc khi cho rằng chùa Bà Tấm là chùa Sùng Phúc bởi chùa này tên cổ là “Linh Nhân Tự Phúc Tự” thuộc xã Dương Xá, còn chùa Sùng Phúc tên cổ là Đại Dương Sùng Phúc Tự thuộc làng Sủi, xã Phú Thị.

Thứ hai, nhận định trên Vov.vn “đền thờ Ỷ Lan được xây dựng ở Dương Xá ngay chính trên quê hương Bà” có chỗ không rõ ràng, “quê hương” là khái niệm rất rộng, chẳng hạn Nghệ An là quê hương Hồ Chủ tịch, đó là cả một tỉnh chứ không phải một làng.

Nhìn rộng thì dải đất từ Như Quỳnh (Hưng Yên), Dương Xá đến Phú Thị (Gia Lâm) đều có thể coi là quê hương Nguyên phi Ỷ Lan song nếu nhìn hẹp, chính xác đến địa danh làng thì việc khẳng định “đền thờ Ỷ Lan được xây dựng ở Dương Xá ngay chính trên quê hương Bà” là kết luận không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm.

Để khẳng định vì sao tán thành ý kiến trên báo Hà Nội Mới và báo Nhân Dân “làng Sủi là quê (gốc) của Nguyên Phi Ỷ Lan” xin viện dẫn các nguồn tư liệu sau:

Thứ nhất, một thủ tục lưu truyền từ xa xưa, được chính những người cao tuổi xã Dương Xá và xã Phú Thị thừa nhận, đó là thủ tục rước nước từ Sủi về Dương Xá.

Trước khi khai hội tại khu di tích đền - chùa Bà Tấm, ban tổ chức cử người khiêng kiệu trên đó có chiếc chóe (chum, vại) lên lấy nước từ giếng cổ trong sân đình làng Sủi đưa lên kiệu rước về chùa Bà để tắm tượng, lau ngai thờ,... (gần đây Ban tổ chức lễ hội Dương Xá đã bỏ thủ tục này).

Sách “Lễ hội Việt Nam” do hai tác giả Phó Giáo sư Lê Trung Vũ và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý đồng chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành, viết về thủ tục rước nước tại lễ hội Dương Xá (trang 73) như sau:

Hội có rước nước từ trên Sủi (Phú Thị) với đám rước lớn gồm cả tổng Dương Quang xưa và các làng ăn lộc đền Bà Tấm” (tác giả Lê Hồng Lý).

Một số vùng ngày nay vẫn duy trì thủ tục chèo thuyền ra giữa sông Cái (sông Mẹ - sông Hồng) lấy nước trước khi mở hội như Hội đền Chèm.

Nước lấy về được dùng làm lễ “Mộc Dục” (tắm tượng) tại đình làng và để cúng.

Sau khi làm lễ Mộc Dục, nước được sử dụng để “tắm” các tượng thánh và bài vị trong đình.

Nước phải được lấy từ nguồn, đuốc phải được châm từ gốc.

Ngọn lửa tại các kỳ Thế vận hội bao giờ cũng được lấy từ ngọn núi Olympia tại Hy Lạp, ngọn đuốc được rước qua nhiều quốc gia đến nơi tổ chức Thế vận hội.

Bản thân thủ tục rước nước cho thấy kết luận “Đền Bà Tấm là đền Cả” có gì đó không phù hợp với tín ngưỡng “rước nước” hay “rước đuốc” của người Việt cũng như truyền thống quốc tế.

Vì chỉ có duy nhất một ngôi đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan tại làng Sủi tạc tượng bà “đội mũ có hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát”, như vậy phải chăng mọi tư liệu đều hướng chúng ta đến kết luận đền thờ bà Ỷ Lan tại làng Sủi mới là đền chính?

Thứ hai, lễ hội Bông Sòng tại làng Sủi.

Chính sử ghi rằng vị hoàng đế thứ ba triều Lý là Lý Thánh Tông đến 40 tuổi vẫn chưa có con nối dõi.
Vua sai quan thái giám Nguyễn Bông theo hầu Ỷ Lan phu nhân về cầu tự tại Đại Dương Sùng Phúc Tự (chùa Sủi ngày nay).

Thiền sư Đại Điên trụ trì chùa nhận thấy Nguyễn Bông có căn mạng Đế Vương mà kiếp số đã tận nên khuyên Bông đầu thai làm thái tử và hướng dẫn Bông cách thức đầu thai.

Bông nhận lời làm theo cách sư Đại Điên hướng dẫn, chờ ở nơi Ỷ Lan phu nhân tắm. Nguyễn Bông bị phát hiện và bị chém đầu.

Thời gian sau Ỷ Lan phu nhân sinh hạ hoàng tử, được Vua cha đặt tên là Càn Đức, Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần Phi.

Sau khi biết chuyện Nguyễn Bông đầu thai làm thái tử, Vua sai sứ giả về chùa giải oan cho Nguyễn Bông.

Dân làng mang rượu chào đón sứ giả và hô “Bồng Sòng” nghĩa là “sòng phẳng cho Bông” hay cũng là minh oan cho Bông.


Một video clip có tiêu đề “Lễ hội Bông Sòng, nét văn hóa của người Hà Nội cổ” đăng trên Youtube.com đã giới thiệu khá chi tiết lễ hội này, bạn đọc có thể tham khảo tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=rZlBRQl9Q5Y.

Tác giả Xuân Dương trong bài “Đôi điều trao đổi với bài "Phát hiện chấn động: Tấm, Cám có thật ở Bắc Ninh?" đăng ngày 22/2/2016 trên báo Giaoduc.net.vn đã có khá nhiều sưu tầm từ các nguồn chính sử cũng như dân gian về khu di tích này. [7]

Thứ ba, bài viết “Phú Thị - Làng cổ, làng khoa bảng” giới thiệu về lễ thức đọc “Tuyên văn mục lục” tại lễ hội làng Sủi như sau:

Đây là lễ thức độc đáo thường chỉ có ở các lễ hội của các làng quê có bề dày truyền thống văn học như Phú Thụy.

Đó là thi đọc "Mục lục", được tiến hành vào ngày 7 tháng ba. Tác giả của bài Mục lục này là Tiến sĩ Nguyễn Huy Cận.

Bài Mục lục gồm 90 câu, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Phần Hán viết dưới thể phú, phần Nôm chuyển thành thể thơ lục bát.

Nội dung của Mục lục diễn tả phong thổ, con người, nghề nghiệp, truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng, khuyên răn người làng nên chăm chỉ lao động, ăn ở kỉ cương, hiếu nghĩa...

Dưới đây là đoạn ca ngợi sự thành đạt về mặt khoa bảng và hoạn lộ vào giữa thế kỉ XVII - khi làng có bốn Thượng thư đồng triều, ba vị về trí sĩ”.

Triều đình sáu bộ Thượng thư;
Làng ta được bốn, từ xưa mấy làng?
Bầu hoa chén rượu cúc vàng
Ba quan hưu trí cẩm đường tiêu dao
Rừng nho nối gót vân tiêu
Trâm anh lần lượt biết bao nhiêu người.[8]

Đáng chú ý trong số 2557 tư liệu “Danh mục di tích lịch sử văn hóa” lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, tài liệu đánh số 900 là bài của tác giả Bùi Xuân Đính với tựa đề: Hệ thống bia ở cụm di tích đình - đền - chùa làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội), bài viết được đăng trong “Thông báo Hán Nôm học năm 2004”.

Bài viết giới thiệu hệ thống bia ở cụm di tích đình, đền chùa làng Sủi với 17 tấm bia, trong đó có 14 tấm bia chùa, đình và 3 bia từ đường. Công trình nghiên cứu này viết:

Trước hết, hệ thống bia là cứ liệu quan trọng và đáng tin cậy để lý giải vấn đề quê hương Nguyên phi Ỷ Lan (gắn với vấn đề “hương Thổ Lỗi” hay “hương Siêu Loại” - người phụ nữ nổi tiếng dưới triều vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.

Các bia số 3, 5, 7 khẳng định chùa Phú Thị có tên chữ là “Đại Dương Sùng Phúc tự”.

Điều này trùng hợp với ghi chép của Việt sử lược, cho phép kết luận, “Thổ Lỗi” là từ Hán - Việt được phiên âm từ “SLủi” hay “TLủi” hay “Sủi” là từ Việt cổ, do vậy, làng Phú Thị (làng Sủi) là trung tâm của hương Thổ Lỗi hay hương Siêu Loại thời Lý; Phú Thị lại có cả một hệ thống Đình - Đền - Chùa liên hoàn thờ Nguyên phi Ỷ Lan, cho nên, Phú Thị chính là quê hương của Bà”. [9]

Tài liệu thứ hai là công trình đánh số 939 của các tác giả Đinh Khắc Thuân, Bùi Xuân Đính, Lê Thị Thu Hà trong tuyển tập công trình giới thiệu “Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2002 – 2003 (trang  638-639).

Các tác giả liệt kê tại cụm di tích lịch sử văn hóa tâm linh này có:

17 bia đá, 1 khánh đá và 1 chuông đồng. Trong đó có 11 bia chùa, 1 bia từ chỉ, 2 bia đền thờ Ỷ Lan phu nhân, 1 bia chung về làng, 1 bia dòng họ và 1 bia danh nhân.
Tư liệu văn bia cho biết cụ thể về quy mô kiến trúc chùa trong từng thời kỳ lịch sử và nhiều mặt hoạt động tín ngưỡng văn hóa của làng”.

Mùa xuân đi lễ hội là tìm về cội nguồn dân tộc, tìm về những địa danh lịch sử đúng nghĩa chứ không phải những công trình bê tông cốt thép được xây dựng với mục đích kinh doanh tâm linh.

Thật đáng tiếc là những quảng cáo như “Ngôi chùa to nhất Đông Nam Á”, “Ngôi chùa lớn nhất thế giới sở hữu những kỷ lục Guinness”,… đã khiến rất nhiều người háo hức tìm đến mà không biết rằng chốn tâm linh vốn là nơi chay tịnh, thuần khiết.

Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho du khách, đặc biệt là các phật tử những thông tin chính xác về một địa chỉ văn hóa tâm linh đã có lịch sử hàng nghìn năm.

Xin lấy bài viết này thay một nén nhang dâng lên Đức Phật, Đức Thái hậu Ỷ Lan và các vị tiên hiền trong tâm linh người Việt vào ngày xuân năm Kỷ Hợi - 2019


Tiến sĩ Dương Xuân Thành
Giáo Dục
Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/90352/lang-c7893%3B-ben-song-thien-272%3B7913%3Bc
[2] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/6587002-.html
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%B6_Lan
[4] http://kinhtedothi.vn/ve-dep-kien-truc-cung-dinh-doc-dao-cua-den-ba-tam-286412.html
[5] http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Dau-la-lang-que-cua-Nguyen-phi-Y-Lan-19063.html
[6] https://vov.vn/du-lich/tham-den-ba-tam-nguyen-phi-y-lan-254914.vov
[7] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Doi-dieu-trao-doi-voi-bai-Phat-hien-chan-dong-Tam-Cam-co-that-o-Bac-Ninh-post165766.gd
[8] http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Phu-Thi-Lang-co-lang-khoa-bang-21071.html
[9] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=575&Catid=490

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad