Nội dung có ý nghĩa, dùng để nói chuyện luân lý và giáo dục, chuyện cụ thể; tiện lợi và dễ nhớ vì dù ý tưởng dài dòng cao siêu đến đâu vẫn được gói trọn trong vài chữ, tối đa khoảng 14 chữ và bốn mệnh đề. Dù đơn giản, thường được nói đến thành quen thuộc và được truyền qua nhiều đời do đó không còn biết tác giả là ai, nhưng nói chung, tục-ngữ có tính thẩm-mỹ và nghệ thuật, trở thành đề tài nghiên cứu về ngôn-ngữ và văn-bản học.
Khởi đầu là những ý tưởng, nhận xét đơn sơ, về những sự việc hay vật cụ thể, đơn giản, về sau trở nên xâu xa, triết lý, và thường lưỡng hoặc đa nghĩa. Nói khác đi, tục-ngữ là toàn bộ những kiến thức và túi khôn người xưa đã để lại cho con cháu, một kho tàng tích lũy từ nhiều thế kỷ, một số thông-điệp về nhân-sinh, vũ trụ. Tổ tiên Việt-Nam ta một mặt đã tranh đấu, chống chọi với thiên nhiên và thù-địch (Hán, Hoa, Mông-Cổ, Mãn Thanh, Chiêm, Xiêm, Pháp, v.v.) và để lại cho chúng ta hôm nay một giang sơn gấm vóc, mặt khác đã để lại một gia tài ngôn-ngữ về cách ăn nói, lời nói, xử thế, về học làm người, luân lý, những hiểu biết và ký-ức tập thể về nhiều địa hạt như thiên văn, chiêm-tinh, canh nông, lý-số, phong tục, v.v.
Về thời tiết, thiên văn, canh nông (một số đa nghĩa có mục đích luân lý): "được mùa lúa, úa mùa cau / được mùa cau đau mùa lúa"; "hớp Đông nhay nháy, gà gáy thì mưa"; "trăng mờ, tốt lúa nỏ; trăng tỏ, tốt lúa sâu"; "tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão"; "rau nào sâu ấy"; "nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt"; "không có lửa sao có khói"; "đêm tháng Năm, chưa nằm đã sáng", " thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau", v.v.
Về kinh nghiệm sống và tâm lý con người : "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"; "bố dòng lấy được gái tơ / đêm nằm mê mẩn như Ngô được vàng"; "trai tơ lấy phải nạ-dòng / như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu"; "nhất nước, nhì phân, ba cần, bốn giống"; "đàn bà cạn lòng như đĩa / đàn ông bạc nghĩa như vôi"; "thứ nhất đau đẻ, thứ nhì ngứa ghẻ, hờn ghen"; "gái chồng rẫy chẳng chứng nọ thì tật kia", v.v.
Trước hết, cần phân biệt tục-ngữ với thành-ngữ, câu đố và ca-dao. Thành-Ngữ là những cụm từ, lời để nói, có chức năng của từ (chứ không bao giờ là câu) để được xử-dụng trong diễn-văn, để nói lên một ý, một mục-đích nhắm tới; cụm-từ có sẵn nhưng ý và phát-ngôn thì phải chờ người xử-dụng chúng lồng vào, sáng tạo, như "anh hùng rơm", "khôn nhà dại chợ", "da ngựa bọc thây", v.v.. Trong khi đó, tục-ngữ là những câu nói hoặc cụm-từ tự phát ngôn với đầy đủ ý-nghĩa đã có sẵn, như ... cỗ đã dọn, diễn văn đã soạn, dù về hình thức có khi cũng giống như thành-ngữ, những cụm danh từ, động từ (tấc đất, tấc vàng). Còn Câu Đố thì nhắm cuộc chơi hơn thua, giải trí, sinh hoạt tập thể; và cũng như tục ngữ., câu đố thuộc phần trí tuệ, dựa vào quan sát, thông minh. Có một số câu đố xuất phát từ tục ngữ nhưng ngược lại, không hề có tục ngữ gốc từ câu đố!
Với Ca Dao (và phong-dao), sự so sánh đôi khi khó hơn, nhưng có thể nói một cách tổng quát, ca-dao thường trữ tình, kể lể dài dòng, trong khi tục-ngữ thiên về lý-trí, dạy khôn, có nội-dung triết lý, tư tưởng. Tục-ngữ khởi đầu là những cụm từ có nghĩa, những câu, nhưng rồi với thời gian truyền tụng và ảnh hưởng của ca-dao đã dùng hình-thức câu lục bát và thay đổi kết cấu, như "bầu ơi thương lấy bí cùng / tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "mấy đời bánh đúc có xương / mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng", v.v. Một số nhà biên khảo đã nhập chung tục ngữ với câu đố, thành ngữ, là không đúng đắn, khiến đánh giá sai giá-trị và nội-dung đặc-thù của tục-ngữ.
Một số tục-ngữ xuất phát từ các tác phẩm văn học hoặc dân gian như truyện Kiều, Lục Vân Tiên, ... và ngược lại, tục ngữ được đem vào văn thơ cũng như ca dao và ngôn ngữ nói. "Thoa này bắt được hư không / Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về" và "Ở đây tai vách mạch rừng" là Nguyễn Du đem tục-ngữ vào truyện Kiều trong khi câu "thương người như thể thương thân" vốn xuất phát từ tập Gia Huấn Ca.
Về ngôn-ngữ học, tục-ngữ là những lời ăn tiếng nói, những câu nói thường có ý nghĩa, tức là câu mà cũng có thể được xem như là những "tác-phẩm", những thông-điệp nghệ-thuật. Tức la,ø tục-ngữ có những đặc điểm về cấu trúc, về nghệ thuật và có những diễn văn đa nghĩa.
Tục-ngữ hàm chứa triết-lý dân-tộc, phản ánh tâm thức Việt-Nam, và được lưu-truyền từ đời này sang đời khác, miền đất này sang miền khác. Nếuhuyền thoại, truyền thuyết tạo nên tâm-điểm căn bản văn-hóa dân tộc và hồn con người Việt Nam thì toàn thể tục ngữ là cẩm nang bí quyết, là một "cuốn từ-điển" tiền nhân đã tích lũy theo thời gian và để lại cho con cháu. Ở đây, chúng tôi xin bàn về nền tảng và nội-dung triết-lý dân tộc qua tục-ngữ với hai phần chính : triết-lý văn-hóa và triết-lý sống, hai triết-lý nồng cốt Việt-Nam.
1. Triết-lý văn-hóa :
1. Trước hết, tục-ngữ là kho tàng kiến thức và khôn ngoan về lẽ Trời, về dịch lý, đạo làm người, ... Người ta vẫn hay nói đến chuyện khôn dại như là phần chính của toàn bộ tục-ngữ. Cái khôn thường trực trong tục-ngữ : "đi một ngày đàng, học một sàng khôn" và "khôn ngoan chẳng đọ thật thà" là cái nên, còn "khôn nhà dại chợ" thì không nên. Rồi "khôn sống, bống chết", "khôn ra miệng, dại ra tay" hay "làm đầy tớ người khôn, hơn thầy người dại", "khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương / dở dở ương ương tổ cho người ta ghét", "to đầu mà dại, bé dái mà khôn", v.v. Chuyện khôn dại tức nói đến cái biết sống. Khi biết sống, biết suy xét, phán đoán thì ra tay, hành động mới hiệu quả. Từ đó có nhiều tục-ngữ về đề tài khuyến học như : "dao có mài có sắc, người có học mới khôn".
Khôn ngoan và hiểu biết là lý tưởng, là chuyện nên, nhưng có những hoàn cảnh, con người ta phải biết nhún nhường - như hoàn cảnh nước Việt Nam nhỏ bên cạnh đại quốc như Trung Hoa: "ai nhất thì tôi thứ nhì / ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba; "sông sâu, sào ngắn khôn dò / người khôn ít nói, khôn đo tấc lòng". Cái khôn còn có khôn thật lòng với khôn để trục lợi hay gian xảo : "khôn ngoan chẳng đọ thật thà / lửa thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy".
Nhưng cuộc đời có những hoàn cảnh khó khăn thì lúc đó,cái khôn trở thành đáng tiếc, "cái khó bó cái khôn" và hiển nhiên còn có định mệnh : "chẻ vỏ vẫn thua vận đỏ", "chạy trời không khỏi nắng" ! Nói định mệnh để ... hy vọng, vì "ai giầu ba họ, ai khó ba đời"!
2. Tục-ngữ là cả một kho tàng lý-sự đương nhiên, chân-lý từ kinh-nghiệm : "mạnh được, yếu thua", "một sự nhịn, chín sự lành". Muốn khôn ngoan, thì phải ôn cố tri tân; có hiểu rõ nguyên do gốc ngọn, liên hệ việc này việc khác thì mới nhận chân, biết được việc hôm nay phải đương đầu !
3. Vì "đất có lề, quê có thói", nên lại có lời khuyên khôn khéo trong việc làng: "lệnh làng nào làng ấy đánh / thánh làng nào làng ấy thờ". Hơn nữa, "phép vua thua lệ làng" - nói lên tinh thần xã-thôn tự trị. Làng là một tổ chức tự trị, một đơn vị cơ-bản của xã hội Việt Nam, trên có vua nhưng dưới phải đến làng - chứ không bao giờ trực tiếp đến dân đinh, cá nhân ! Nội bộ tổ chức xã hội thì : "sống lâu lên lão làng", ... Hôn nhân cũng nhắm người cùng làng : "ruộng giữa đồng, chồng giữa làng". Nhưng trai tráng thì có lúc cũng phải nhắm xa hơn, "sống ở làng, sang ở nước". Tục-ngữ như vậy còn cho ta biết về phong tục Việt-Nam, có hay mà cũng có dở : "cao nấm, ấm mồ", "một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp ", hay về phép tắc ở đời "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" !
4. Tục-ngữ còn có một nội dung lịch-sử, cho biết về một số hiện tượng lịch-sử và xã hội: "con dại cái mang", "miếng trầu là đầu câu chuyện", "ăn lông ở lỗ", "con đóng khố, bố ở truồng", v.v. Cả ghi lại dấu vết chế độ mẫu-hệ : "lệnh ông không bằng cồng bà". Chuyện tang thương và chịu đựng của người dân thì cũng không mới lạ gì. Người dân xưa cũng như nay, thường là nạn nhân của mọi tranh hùng, chiến tranh, thay đổi triều đại hoặc lãnh đạo : "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết"! Tục-ngữ còn ghi lại những nơi địa linh nhân kiệt hay nổi tiếng về trai cách mạng gái đảm đang: " trai Cầu Vồng, Yên Thế; gái Nội Duệ, Cầu Lim", hay những sản phẩm đặc biệt điïa-phương: "dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần; nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét", v.v.
5. Triết lý làm người, đóng góp trong việc xây-dựng nhân-cách con người Việt-Nam trong đó dựng nhà giữ nước là chính : "đã sinh ra kiếp đàn ông / đèo cao núi thẳm sông cùng quản chi", "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Phải biết tạo thời cơ, vượt trở ngại: "nương gió phất cờ", "theo gió phất cờ"và "sống đục sao bằng thác trong"! Tục-ngữ, khi cần, khích lệ tinh thần chiến đấu, dù trong hoàn cảnh "trứng chọi với đá" vì nếu đá là xâm lược thì "trời không dung đất không tha". Vả lại, ta "không đội trời chung" với kẻ thù, kẻ xâm lược!
Tục-ngữ dạy con người phải luôn ăn ở phúc đức: "làm phúc cũng như làm giàu", "đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ", đời cha làm việc phúc đức thì đời sau con cháu sẽ được sướng, "thật thà là cha quỷ quái". Sống thì siêng năng, cần kiệm, "làm khi lành để dành khi đau" và làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, "oan oan tương báo"!
Tục-ngữ còn rèn dạy tính tình, chí khí, vạch đường đi cho con người : "đây ta như cây giữa rừng / ai lay không chuyển ai rung không dời". Làm sao để "chín người yêu hơn mười người ghét", và đã là người quân tử thì "cát bay vàng lại ra vàng, những người quân tử dạ càng đinh ninh" cũng như không nên đặt nặng chuyện vật chất mà mất tư cách : "đói cho sạch, rách cho thơm" và "giấy rách giữ lấy lề"!
Phải liều mình, can đảm, phải ra tay, đừng quá chần chừ "được ăn cả ngã về không", vì "được làm vua thua làm giặc", và "thua keo này bày keo khác". Ở đời người ta quý phục những kẻ tự sức mà thành công gầy dựng cơ nghiệp "nước lã mà vã nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan"!
Con người là sáng tạo, là đầu mối. Con người đáng quý vì lẽ "người sống, đống vàng", "người làm ra của, của không làm ra người", "người là vàng, của là ngãi". Con người quý hơn của cải vật chất dù cần để sống, nhưng đến một trình độ nào đó hoặc giai đoạn cuộc đời, thì vật chất trở trành phù du !
6. Tình yêu tổ quốc luôn đặt nặng, đừng vì một lý do gì mà "cõng rắn cắn gà nhà", mà mê đồ ngoại, vì "gánh vàng đi đổ sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương", ... hay phản trắc "nối giáo cho giặc", chạy theo kẻ thù hôm trước "ăn một miếng, tiếng muôn đời" những kẻ này "thăm ván, bán thuyền", trước "chống Cộng" đi chụp nón cối cho người, sau trở cờ chạy theo kẻ thù để kiếm ăn hoặc vì lợi riêng, nhiều khi rồi ra cũng chỉ là "theo voi hít bã mía"! Thật vậy, "thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết là người có nhân" và cũng nhờ thế mới biết "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" ngay trong việc … yêu nước!
Lòng ái quốc, yêu quê hương đất tổ rất quan trọng, trong hoàn cảnh một dân tộc luôn bị xâm lăng như Việt-Nam, nếu vì hoàn cảnh phải ly hương, người Việt luôn sống trong tình huống "chim Việt cành Nam","ngựa Hồ gió bấc", hướng về quê mẹ mà lòng trăm nỗi !
Tục-ngữ dạy thương yêu đồng bào, người cùng giống nòi, vì "máu chảy ruột mềm", vì "môi hở răng lạnh", rồi khi có trắc trở thì "một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ", ... Nếu vì nước vì dân mà vua phải chết "trẫm chết thì trạng cũng già", do đó người chung cảnh ngộ, số phận thì phải chung chịu phần số, đừng trách móc hoặc ... phản thùng, quen thói "áo cứ tràng, làng cứ xã" không dám tự nhận tôi cũng có trách nhiệm làm tôi mất nước !
7. Trong xã hội xưa, chuyện học là con đường duy nhất để tiến thân, hành thế, do đó nhiều câu tục-ngữ khuyến học. "Khôn dại" là đề tài hay trở lại nhất (như đã trình bày ở trên) và tục-ngữ thường đề cao giới sĩ : "một kho tàng không bằng một nang chữ" và chữ nghĩa thánh hiền được thời xưa trân quý: "một chữ thánh, một gánh vàng". Phải tu tập để có căn bản, nếu hãy còn "cắn cơm không vỡ" thì phải tiếp tục, đừng ra đời vội! Phải luôn cố gắng "hữu chí cánh thành", đừng nản chí, và "học bất như hành" cũng như không nên có thói "ăn thật làm giả". Ngoài chuyện luyện kinh sử, học văn, luân lý bình dân còn dạy thanh niên "văn ôn, võ luyện" để thành con người toàn vẹn rường cột cho nước nhà, và nếu "học tài thi phận", học chữ không thành thì học nghề khác, "ruộng bề bề không bằng nghể trong tay", vì sau sĩ còn nông công thương là những ngành thiết yếu cho xã hội, đất nước!
2. Triết-lý sống
Tục-ngữ là một tổng kết những kinh nghiệm sống, là một triết lý nhân sinh về sống ở đời, giữa những con người khác, một nghệ-thuật xử thế và làm người. Một kho luân lý dân-gian, qua đó phản chiếu tinh thần của cả một dân tộc. Luân lý, triết lý nhân-sinh này song hành với tư tưởng luân lý Nho giáo chính thức của triều đình, chính trường.
1. Kho tàng luân lý của tục-ngữ căn bản dạy con người đức tính cần cù, lạc quan : "còn nước, còn tát"; "có công mài sắt có ngày nên kim". Phải luyện tập để "chân cứng đá mềm" đối chọi với mọi hoàn cảnh. Tục-ngữ đề cao đức thanh liêm: "tốt danh hơn lành áo"; "đói cho sạch, rách cho thơm", đừng "bán gia tài mua danh phận", vì miếng ăn dễ thành miếng nhục và cũng dễ thay đổi con người, "no nên bụt, đói nên ma", v.v.
Thứ nữa, luyện tinh thần thực tế: "có thực mới vực được đạo"; "nhất sĩ nhì nông / hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ". Nói thực tế có khi để an ủi: "con vua thì lại làm vua ..." hay "cá lớn nuốt cá bé", v.v. Nếu làm ăn, hợp tác thì luôn nhớ phải "buôn tàu buôn bè không bằng dè miệng", để tránh những thái độ chỉ gây thiệt hại cho mình vốn phận thua thấp như "buôn chung với đức Ông" vậy!
2. Luân lý gia-đình, gia tộc: Người Việt sống trước hết là sống trong gia đình, gia tộc. Cá nhân không thật sự hiện hữu vì đã hòa tan trong gia tộc, cá nhân vô nghĩa nếu không là thành phần của một gia tộc, đơn vị cơ bản của đất nước - tên họ cũng phát xuất từ căn bản gia tộc! Do đó người ta phải luôn nhớ công ơn tổ tiên hy sinh gầy dựng mới có ngày hôm nay "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhớ nguồn", ... Không chỉ riêng tổ một gia đình, mà của cả tập thể dân tộc "chim tìm tổ, người tìm tông" - một khía cạnh văn hóa mà cộng đồng hải ngoại vì hoàn cảnh lịch-sử và chính trị, xã hội "sẩy đàn tan nghé" sẽ phải đối đầu trong những năm và thế kỷ tới, khi mà các thế hệ con cháu sống hội nhập với xã hội mới xa dần cộng đồng và đất nước gốc. Tục-ngữ đã có câu đoán trước "ở đâu âu đấy" hay "bồi ở, lở đi", và không ai có thể đoán được các thế hệ sau này có còn khuynh hướng "ta về ta tắm ao ta"?
Nền tảng của xã hội Việt-Nam là gia đình, tục-ngữ nhắc nhở đạo lý làm người qua công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục : "công cha như núi Thái Sơn / nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", "mẹ con, một lần da đến ruột ", v.v. Người trên lúc nào cũng thương yêu và hy sinh cho người dưới, cha mẹ cũng vậy với con cái, còn ngược lại chuyện con cái và người dưới thương cha mẹ và người trên thì ít hơn, đó là lý do người ta nói "nước mắt chảy xuôi". "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu". Đấy là đạo-lý Việt-Nam trước khi đón nhận luân lý Nho giáo về tu thân trị quốc bình thiên hạ! Riêng câu tục ngữ này còn nhắm chống mê tín dị đoan, chống những thầy pháp, thầy số.
Nhưng muốn có nền nếp như vậy, phải bắt đầu dạy trẻ ngay từ thuở bé và liên tục đến trưởng thành vì "bé không vin, cả gẩy cành" và "đánh cho chết cái nết không chừa"! Dạy con dù vậy không phải là chuyện dễ, nên tục-ngữ cũng có những phán đoán : "Con hư tại mẹ / cháu hư tại bà"; "cha nào / con nấy"; "trứng mà đòi khôn hơn vịt". Rồi mình đối xử với cha mẹ mình ra sao, thì con cái mình sẽ đối xử với minh như vậy : "bắc cầu mà noi, ai bắc cầu mà lội"!
Tục-ngữ dạy ta quý trọng họ hàng và phải có tinh thần gia tộc "bà con vì tổ-tiên, không phải vì tiền vì gạo", nhưng tránh lạm dụng, ỷ lại, kiểu "một người làm quan, cả họ được nhờ" đưa đến hủ hóa, tham nhũng và mất ... tất cả! Ngược lại, phải hiếu-thuận, thương yêu đùm bọc người thân "chị ngã, em nâng", "máu mô thâm thịt nấy", dù có họ xa, vì "máu loãng còn hơn nước lã", "một giọt máu đào hơn ao nước lã" và "họ chín đời còn hơn người dưng", nhất là ở vào những tình huống khó khăn hay hoạn nạn thì "tay đứt ruột xót", tay hay ruột đều cùng một chi-thể!
3. Tình huynh đệ cùng chung máu mủ phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, "anh em như chân như tay", "anh em hiền thật là hiền / bởi một đồng tiền nên mất lòng nhau", cho nên mới có lời khuyên "anh em chém nhau bằng xống, không ai chém nhau bằng lưỡi" - người xưa dạy anh em có bất bình với nhau thì dùng lưng con dao mà chém lấy lệ cho đã tức, chứ đừng dùng lưỡi dao mà giết nhau thật; lời khuyên còn tính thời sự có thể áp dụng cho người Việt ở hải ngoại. Vì "anh em khinh trước, làng nước khinh sau" - lời khuyên còn áp dụng được cho ngoài nước anh em đồng nhóm, đồng đảng phái và cả người đồng hương với nhau tha hồ ẩu đả cho người bản xứ và trong nước cười chê (dĩ nhiên trong nước cũng không hơn gì)!
Như vậy, so với người Trung Hoa, con người Việt Nam nặng tình gia-đình hơn là gia tộc đại-gia-đình kiểu các bang, và cũng nhẹ trọng nam khinh nữ hơn!
4. Từ giáo dục gia đình đi ra triết-lý xã hội :
Tình bằng hữu rất quan trọng và cần thiết cho con người. Do đó nên "ăn bớt bát, nói bớt lời" để giữ tình huynh đệ, tình đồng bào và giữ đoàn kết, nên "ăn có nhai, nói có nghĩ", tránh tranh luận bôi bẩn nhau trên báo chí, truyền thông, và "ăn cây nào rào cây ấy" chớ đừng "ăn cây táo rào cây soan đào".
Tục-ngữ dạy đoàn kết để còn lo chuyện chung bảo vệ đất nước: "một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", ... Người xưa đã răn dạy "chim không đánh chim cùng một tổ / trâu một chuồng, đâu có húc nhau" và "khôn ngoan đối đáp người ngoài / gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ... ". Ngay trong gia-đình mà đã "thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn" - dĩ nhiên vẫn hơn là "việc người thì sáng, việc nhà thì quáng" ! Cũng như tránh những thói xấu ích kỷ "ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi", hay gian xảo "gió chiều nào che chiều ấy" (khác với "nương gió phất cờ").
5. Làm việc cộng-đồng, tập thể, nếu đã là thiện nguyện, "ăn cơm nhà vác ngà voi","ăn cơm nhà thổi tù-và hàng tổng" là chuyện hy-sinh, thì phải biết tránh những cảnh "ăn trên ngồi trốc","bắt cá hai tay", "ăn xổi ở thì". Đừng háo danh hoặc tham quyền cố vị vì miếng đỉnh chung, vì muốn được gọi là ông này ông nọ - thường là hão huyền, vớt vát, "một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp", và có khi mất tiền vì danh hư vốn phù du, "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"! Mà đã dấn thân thì phải biết quyền biến, biết "cờ đến tay ai người nấy phất". Cũng đừng tị-nạnh nhau "giữ nhau từng miếng" mà không làm tới nơi tới chốn hay bỏ lơi chuyện làng nước lấy cớ "cha chung không ai khóc" hay "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Thay vào đó, phải tìm cách ra tay, đóng góp phần của mỗi người dù nhỏ bé vì "góp gió thành bão", "kiến tha lâu đầy tổ"! Như vậy những thái độ "vạch áo cho người xem lưng", "xui nguyên dục bị", "đánh trống bỏ dùi" hoặc "đánh trống lảng" là phải tránh. Khi chuyện chung gặp biến, đừng "ba chân bốn cẳng" chạy trốn, chê đám người "cá mè một lứa" hay có thói "cả vú lấp miệng em" để tránh gánh việc chung, vì biết đâu "cháy thành vạ lây", có chết thì cũng chết ... chùm! Vậy làm việc chung là tiếp thừa công trình, thành công của người trước, "người trước bắc cầu, kẻ sau theo dõi" mà đi, nhưng nếu có thất bại thì cũng phải biết học kinh nghiệm "cái trước đau, cái sau rái"!
6. Đã làm việc chung tức phải tránh chuyện nói xuông, "mẹ hát con khen hay", "ông nói gà bà nói vịt" và già miệng "đa ngôn đa quá", mà không hề ra tay hoặc làm lợi cho việc nước hay hy sinh cho tập thể! Cũng không nên ác độc "khẩu Phật tâm xà", "tiếng bấc tiếng chì", "bới bèo ra bọ". Thật vậy, "quá mù ra mưa" và "lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng". Người léo lận thì lưỡi tàn độc : "lưỡi mềm độc quá đuôi ong" hoặc "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Mà một lời nói công chính bao giờ cũng được welcome đón nhận: "một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng"; "khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời", một lời tốt được trân quý vì "lời nói, đọi máu" cơ mà, và ai lại chẳng biết "yêu nhau lắm cắn nhau đau"!
Tránh chuyện "nồi da xáo thịt", gây gỗ, phá phách nhau bất kể việc chung, tránh thói "nhờ gió bẻ măng" lợi dụng cơ hội hoặc tình thế lộn xộn, chia rẽ (ví dụ cụ thể ở nhiều cộng đồng người Việt ngoài nước), cũng như không được có thói bất trung, phản trắc "ăn cháo đái bát", "ăn mật trả gừng" hay ngu ngơ "trỏ đường cho hươu chạy", "dạy khỉ leo cây", hay tệ bạc "cầm khoán bẻ măng", "đem con bỏ chợ", "chưa qua cầu đã cất nhịp" hoặc "ăn cướp cơm chim" của giới trẻ hơn - bị "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"; mà phải nhớ luật tự nhiên "tre già, măng mọc" nên biết lúc rút lui hoặc nhường … micro cho người trẻ, và tránh những chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", tự ái, mà hỏng chuyện chung ! Nói that, thì cổ nhân lại đã nhắc nhở "trung ngôn nghịch nhĩ", biết làm sao giờ? Tránh làm xấu tập thể cộng đồng vì "con sâu làm rầu nồi canh, một người làm đĩ xấu danh đàn bà", mà phải biết tự giác, tự sửa, làm gương cho người khác, vì nếu "chân mình thì lấm mê mê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người" làm sao được!
Khi tranh luận "ăn miếng trả miếng" hoặc cả khi chống nhau, nên tránh những thái độ và lời nói không cao thượng, không tương xứng: "Chửi cha không bằng pha tiếng"; "ăn đây nói đó"; "ăn ốc nói mò", cả chửi bới nhiều, lâu, vì "ăn lắm thì hết miếng ngon, nói lắm thì hết lời khôn, hóa rồ" dù có hậu ý ... bán báo, kiếm lợi nhuận riêng.
Ngược lại, sống là phải biết hội nhập, tức biết "nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc", "liệu cơm mà gắp mắm"! Có hội nhập chính trị, xã hội như đối với cộng đồng người Việt hải ngoại chẳng hạn, thì chuyện tập thể mới dễ thành công, được chính quyền bản xứ nghe và cả phục vụ, đáp ứng!
7. Sốùng ở đời, phải biết ơn, đừng "được chim bẻ ná, được cá quên nơm". Đoàn kết hoặc cư xử tốt với mọi người, kể cả người dưới, tránh cảnh "cạn tàu ráo máng" mà tố nhau, đem cả chuyện đời tư hoặc lúc còn "tâm đầu ý hợp" ra để bêu xấu ... "bạn"! Thầy học ngày xưa được tôn trọng, kính mến, biết ơn: "không thầy đố mày làm nên", "thờ thầy mới được làm thầy", "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", v.v.
Tư cách, danh dự là những mối lo của người xưa : "trâu chết để da, người ta chết để tiếng"; "cá lên khỏi nước cá khô, làm thân con gái lõa lồ ai khen?", vì "tốt gỗ còn hơn tốt sơn, xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người" và "chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu". Và tục-ngữ cũng khuyên không nên thề độc kiểu "chết đuối đọi đèn", v.v.
Như vậy, tục-ngữ là một chức năng sinh hoạt trí thức, tiêu biểu cho tư duy của dân-tộc. Một loại triết lý công-dân, một nền luân-lý dân gian, một nền đạo lý làm người, một kim chỉ nam cho mọi người về nền tảng xã hội, gia đình, trong đó tình tự dân tộc cũng như gia tộc được chú trọng; tất cả để gầy dựng, xây đắp, nhắm lâu dài, tích cực. Tục-ngữ như phương tiện để sống còn của dân tộc Việt Nam. Do đó những khôn ngoan, kiến thức truyền đạt ở tục-ngữ có tính thực tế, cụ-thể và cần thiết hơn là ca-dao và các truyền khẩu bình dân khác. Nếu có tình cảm thì cũng đã được lý luận phối trí lại, thành thử lý ở tục ngữ rốt cùng không cứng ngắc như kinh điển Nho học. Ngược lại, các huyền thoại và truyền kỳ thì lại cho một chân dung khác về gia tài văn hóa của người Việt, về hình nhi thượng, về lập quốc, ... - chúng tôi có thể trở lại trong một dịp khác.
Tục-ngữ là một thể-loại thuần túy Việt-Nam - Trung Quốc có hai thể-loại tương đương nhưng ít phổ thông: Minh tức lời ghi trên chỗ ngồi để dạy bảo, khuyên răn, thường 4, 5 chữ (2); và Trâmthường 4 chữ, dùng để răn dạy. Cách gieo vận ở tục ngữ ta không cần thiết, nhưng nếu có, thì khác hẳn thi ca ảnh hưởng thơ chữ Hán : tục ngữ thường dùng cước-vận tức vần ở cuối câu trên có thể vần với câu dưới ở trong hoặc giữa câu (yêu vận). Âm vận dù đa dạng hay đơn giản, đều là đặc biệt của ngôn-ngữ Việt Nam. Về nội dung, tục ngữ cũng là của riêng dân tộc Việt Nam. Do đó muốn tìm hiểu hồn dân-tộc không thể bỏ qua kho-tàng này được, qua đó chứng tỏ tiền nhân ta đã có một khối hiểu biết và kinh nghiệm và luân lý khác với luân lý và triết lý chính thức Nho giáo, không khắc nghiệt, hình thức - theo nghĩa ước lệ và khuôn mẫu! Nhờ vậy mà đất nước và dân tộc ta sống còn và sống mạnh cho đến hôm nay sau những chiến tranh, xâm lược, từ ngoài và phân tranh, chia rẽ ngay trong nội bộ.
Xử dụng tục-ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, nhất là ở ngoài nước, một mặt sống như người Việt, và mặt khác làm sống và truyền thừa văn-hóa Việt-Nam cho người khác và cho các thế hệ sau!
Nguyễn Vy Khanh
Blog VOA
Chú thích:
1- Ngạn-ngữ : lời nói của người xưa
2- Một thí dụ: Bài ghi trên chỗ ngồi của Thôi Tử Ngọc :
"Người xấu chớ nên nói
Mình hay chớ nên khen
Làm ân chớ nên nhớ
Chịu ân chớ nên quên..."
(Phan Kế Bính, dịch theo nguyên điệu.Việt Hán Văn Khảo (Sài Gòn : Mặc Lâm tb, 1970), tr. 38).
1- Ngạn-ngữ : lời nói của người xưa
2- Một thí dụ: Bài ghi trên chỗ ngồi của Thôi Tử Ngọc :
"Người xấu chớ nên nói
Mình hay chớ nên khen
Làm ân chớ nên nhớ
Chịu ân chớ nên quên..."
(Phan Kế Bính, dịch theo nguyên điệu.Việt Hán Văn Khảo (Sài Gòn : Mặc Lâm tb, 1970), tr. 38).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét