Trong status mà ông Khoa đặt tên là “Toàn thể và bộ phận”, ông Khoa viết như thế này:
Tôi yêu thể chế này vì nó cao thượng.
Tôi yêu dân tộc tôi vì đó là một dân tộc nhân hậu và kiên cường.
Từ khi tôi biết suy nghĩ đến nay thì thấy không có thể chế nào được như thế. Chỉ có thể chế này mới nâng được vị và thế của đất nước ta lên cao, mới làm cho cả thế giới phải ca ngợi nó, kinh ngạc vì nó.
Nói cái thể chế này là cao thượng vì nó không nuôi thù hận, không tạo ra những triều đại theo kiểu cha truyền con nối. Hồ Chí Minh, có thể nói là người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến khi người qua đời thì cũng chẳng có con cháu hay người trong “hoàng tộc” nào kế tục, các chủ tịch nước tiếp theo là cụ Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thọ,Trường Chinh, Võ Chí Công, Lê Đức Anh… đến ngày nay là ông Nguyễn Phú Trọng. Những “khai quốc công thần” như ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… chẳng có một người nào trong “hoàng tộc” được truyền ngôi, một khi đã viên tịch thì sự nghiệp lại chuyển giao cho người khác. Miễn là những người kế tục phải trung thành với sự nghiệp của những vị tiền bối và phải được đại đa số nhân dân tín nhiệm.
Còn dân tộc ta? Có bao nhiêu dân tộc trên cõi đời này lại nhân hậu và kiên cường như dân tộc Việt Nam? Trước hết, nói về tính nhân hậu. Dân tộc này đã từng chịu đựng những đau khổ mà dân tộc khác gây ra cho mình, cũng như thể chế này, chúng ta không nuôi thù hận. Để rồi đến ngày nay, chúng ta mở lòng, giang rộng đôi tay đón bè bạn, hận thù thì chẳng quên đâu song không cần nhớ những ai trước kia đã từng là cựu thù. Ngay đối với những người trong nước lầm lạc thì cũng chẳng có chuyện trả thù, “tắm máu”, “rút móng chân móng tay” bởi những người chiến thắng như người ta bịa đặt. Tất cả đều là con dân một nước, lại sống hòa hợp với nhau, trừ một số ít cố nuôi hận thù và một số ít cố tình phá hoại.
Dân tộc ta là một dân tộc kiên cường. Chẳng cần nói ra thì ai cũng biết. Chỉ cần bất kỳ kẻ nào muốn đầu độc dân tộc này thì ý chí kiên cường lại bùng lên, bình thường là một dân tộc giàu lòng nhân hậu, khi cần cả dân tộc sẽ trở thành sóng trào cuốn phăng kẻ xâm lược.
Những ai chưa quên lịch sử nước nhà thì không thể chối bỏ điều đó.
Đó là cái toàn thể của một thể chế, của một dân tộc. Cái đẹp của thể chế nước ta, của dân tộc ta là cái đẹp về tâm hồn. Một cô gái đẹp phải là một cô gái có tâm hồn cao thượng, có tấm lòng nhân hậu. Tuy bề ngoài của cô còn những khiếm khuyết. Đó là cái bộ phận, cái khiếm khuyết của bộ phận không thể khỏa lấp cái đẹp của toàn thể.
Cái toàn thể thì đẹp rồi, tuy nhiên vẫn có thể có những cái bộ phận xấu xí. Đó là những kẻ tham nhũng vật chất và quyền lực; những kẻ vi phạm luật pháp, những kẻ lưu manh trộm cướp và giết người, và cả những kẻ cố tình phá hoại sự nghiệp của dân tộc. Đó là những ung nhọt, tuy không làm sụp đổ một thể chế nhưng nó đủ làm cho những thân thể lành mạnh ngứa ngáy, khó chịu.
Chỉ một hiện tượng là gian lận thi cử ở mấy tỉnh vừa qua, báo Thanh Niên đã làm cho dư luận tưởng rằng, việc đó còn diễn ra ở nhiều nơi nữa, bằng cái tiêu đề: “Gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Xin hỏi, nếu các ông biết còn phần chìm nữa sao không nói ra để người ta xử lý? Một câu vậy thôi đủ làm cho lòng dân không yên, tạo ra sự nghi ngờ đối với cả thể chế. Chỉ một đề tài xảy ra ở trong nước thì báo chí khai thác từ tuần này sang tuần khác, song cũng cùng một sự việc đó (có khi nghiêm trọng hơn) xảy ra ở nước khác thì báo chí của ta chẳng đặng đừng phải nói đến, song chỉ nói qua loa. Vậy đó là gì, tôi chắc mọi người sẽ có cách đánh giá khác nhau về thái độ đó của những người làm báo.
Ngày nay nhà nước đang diệt trừ những thứ đó, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đang chữa trị những vết thương để có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Song lại có nhiều kẻ, cứ muốn lấy cái lưỡi bẩn thỉu của mình liếm láp vào những ung nhọt đó để nó tiếp tục bị nhiễm trùng, để không bao giờ lành được. Chúng khoét sâu, chúng nghiêm trọng hóa một vấn đề chưa hẳn là thật sự nghiêm trọng. Chúng gợi mở cho dân chúng lòng nghi kỵ vào thể chế vào xã hội.
Chỉ nêu một vài sự việc vậy thôi đủ thấy nhà nước ta còn nhân đạo quá. Phải dùng những phương thuốc mạnh hơn mới chữa trị được những ung nhọt hiện nay. Mong lắm thay (1)!
***
Sau đó, ông Nguyễn Huy Cường, một trong những người bạn của ông Khoa trên mạng xã hội đã giới thiệu lại tâm sự của ông Khoa trên trang facebook của ông Cường, kèm nhận định riêng của ông Cường. Nhận định đó như thế này:
Thứ nhất, xin khẳng định bằng danh dự con người, rằng tôi cũng chung với ông một ý tưởng, là muốn cho đất nước này được ổn định và phát triển. Tôi phát biểu ở nhiều diễn đàn và ở ngay hàng trăm bài báo “Lề phải” hoặc trên mạng xã hội, cũng minh chứng cho ý tưởng này. Ai đó nghi ngờ tôi là khác thế, là hạn chế trong nhận thức của họ, ta miễn bàn.
Thứ hai: Tôi tóm lược chủ ý của ông, hy vọng là chính xác: Ông cho rằng chế độ này toàn những điều tốt đẹp. Những tiêu cực nếu có, chỉ là “tiểu tiết”, nó là hành vi của “Một số ít” người, là nhỏ nhặt, không đáng chấp. Trong vấn đề này, tôi thẳng thắn đánh giá: Một là ông tuổi cao, không có điều kiện tiếp cận với cuộc sống nhiều vấn đề hiện nay. Hai là ông bị “giới hạn nào đó” nên không thấy, không biết.
Thứ ba: Trong các trình bày, ông nêu con số 60% ý kiến trên mạng xã hội là bông lơn, vô trách nhiệm, là “hiệu ứng đám đông” v.v… Vâng. Tôi nhất trí với ông luôn.
Vâng, thưa ông, nhưng với 40% còn lại, là hàng chục triệu người, đã khẳng khái lên tiếng, phân tich khoa học, khách quan, phát biểu có trách nhiệm nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước mà ở tuyến thông tin chính thống vì nhiều vấn đề, không nêu nhằm giúp đảng, nhà nước điều chỉnh những bất hợp lý và thực tế, xã hội được như ngày nay. Cuộc sống có nhiều tiến bộ là một phần nhờ nhân tố này. Câu hỏi đặt ra và mời ông không lẩn tránh trả lời: Sao ông chỉ chỉ trích số người nằm trong 60% kia mà không đối diện với hàng chục triệu ý kiến trong cái 40% còn lại!
Thứ tư: Hiện theo con số chính thức, vài năm qua, đảng, pháp luật đã phải xử lý, tống cổ ra khỏi đội ngũ hoặc cho vào nhà giam hàng chục ngàn đảng viên, cán bộ từ cấp Bộ trưởng trở xuống, thì đây là “Hiện tương” hay là “|Vấn đề” ?. là “số ít” hay đã là biểu hiện băng hoại của một lực lượng đông đảo cán bộ, đảng viên đang phá hoại kinh tế, chính trị của đất nước này?
Xin trình bày với ông nguyên văn một dòng tin trên cổng thông tin của Chính phủ như sau “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã kiểm tra 7.511 tổ chức đảng cấp dưới và 23.511 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm... Riêng UBKT Trung ương đã kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 32 đảng viên diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị”.
Đó ngay trong diện Trung ương quản lý đã có tới 32 “Đồng chí” vi phạm phải xử lý, với con số 23.511 đảng viên nêu trên, thưa ông Khoa, đó là “toàn thể hay bộ phận?”.
Thứ năm: Câu hỏi lớn nhất, nếu ông không trả lời tôi hy vọng sẽ có rất nhiều người trả lời thay ông. Rằng: Bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ kiểu như ông, có nghĩa là cái gì tốt đẹp nhất, cho là “Công” của đảng hết. Cái gì tiêu cực, kể cả Bộ trưởng tiêu cực, kể cả Ủy viên trung ương đảng tiêu cực, phạm pháp đẩy hết về phía “Địch”. Kiểu bảo vệ đó có đạt được mục đích không? Liệu nó có làm hại cho chế độ (2)?
***
Tính đến tối ngày thứ sáu 26 tháng 4, trên trang facebook của ông Khoa có 165 người sử dụng các biểu tượng để bày tỏ cảm xúc của họ về tâm sự vừa kể. Trong đó có 138 người “thích”, 25 người “yêu”, 1 người “giận” và 1 người “khóc”. Trong 38 người tham gia bình luận, có 36 người tán thành, khen hay nhưng có hai người nêu ra những nhận định hoặc thắc mắc rất cụ thể. Nguyễn Nam cho rằng, Việt Nam hiện nay độc lập 100%. Tự do 50% và Dân chủ… 0%. Tuy khen ông Khoa “viết hay” nhưng Quoc Phi Ho cho rằng, những tư liệu ông Khoa công bố đều “dựa trên sự thật đã được bọn ‘Mỹ và tay sai’ công khai nên rất cụ thể”. Quoc Phi Ho khuyến khích ông Khoa công bố “các tư liệu về thời kỳ diễn ra Hội nghị Geneve, gần nhất là Thành Đô và các văn kiện của đảng CSVN, đảng cộng sản Trung Quốc,… thì bài ông Khoa sẽ hay hơn nhiều.
Ông Khoa không trả lời Nguyen Nam. Đối với Quoc Phi Ho (theo tự giới thiệu trên facebook thì đang sống tại Hà Nội), ông Khoa cám ơn và ngỏ lời xin những tài liệu mà Quoc Phi Ho gợi ý tìm hiểu, nghiên cứu để viết vừa vì ông… không có, vừa vì ông tin rằng, vị trí của Quoc Phi Ho trước đây chắc chắn có nhiều tài liệu.
Cho dù nêu vấn đề sau ông Khoa năm ngày nhưng những ý kiến mà ông Cường đưa ra để tranh luận với tâm sự của ông Khoa có tới 423 người sử dụng các biểu tượng để bày tỏ cảm xúc của họ với những nhận định và chất vấn mà ông Cường dành cho ông Khoa. Trong số này có 337 người thích, 138 người “thích”, 45 người “cười”, 19 người “ngạc nhiên”, 16 người “yêu”, và 7 người “khóc”. Số người tham gia bình luận về những nhận định và chất vấn mà ông Cường dành cho ông Khoa đông gấp bốn lần số người tham gia bình luận về tâm sự của ông Khoa. Đáng lưu ý là không có ai trong số 142 người tham gia bình luận tán thành tâm sự của ông Khoa. Gần như tất cả cùng cho rằng ông Khoa lẩm cẩm, điển hình của một giai đoạn nhồi sọ. Có không ít facebooker nhận xét như Hang Tang: Ông Khoa là bô lão kiên định mà đảng rất cần còn dân rất sợ.
Cũng có những facebooker như Nguyen Qui Tri sang thăm facebook của ông Khoa, thử đọc một số status và bình luận rồi bảo rằng đã hiểu được tại sao Việt Nam như hiện nay. Đó là vì còn quá nhiều người suy nghĩ như ông Khoa. Manh Nguyen Tien giải thích đó là kết quả của những người vì nhiều lý do vẫn chỉ có một kênh thông tin duy nhất là VTV và đó cũng là điều bất hạnh cho cả họ lẫn xứ sở. Có những facebooker như Thuy Anh Nguyen Thi than “hãi” vì bây giờ, ngay cả báo đảng cũng không dám ca ngợi sự tươi đẹp của chế độ như ông Khoa. Minh Cận cũng thấy như vậy nên dự đoán: Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, mà đọc xong tâm sự của ông Khoa chắc cũng bụm miệng cười và văng tục: “Đ.M! Tao nói vậy mà lão già ấy cũng tin!”.
Có bao nhiêu phần trăm người Việt thật sự nghĩ như ông Khoa? Câu hỏi ấy đã được nêu ra nhiều lần trong cuộc thảo luận về tâm sự của ông Khoa trên trang facebook của ông Nguyễn Huy Cường. Thanh Hoa phỏng đoán, số người tin hết tâm sự của ông Khoa có lẽ không quá 20% nhưng tin một phần trong số những tâm sự của ông Khoa có thể hơn 50% vì số không có cơ hội tiếp xúc với thông tin đa chiều vẫn còn rất đông. Trần Trung không tin lắm vào phỏng đoán này vì ngay cả những viên chức làm công tác tư tưởng cũng chưa chắc đã tin vào những điều họ nói bởi họ “chỉ nói vì bổn phận của họ thôi”. Dung Phamngoc cũng nghĩ như vậy: Viết vậy nhưng chưa hẳn là vậy và ví dụ mới nhất, rõ nhất là trường hợp Trương Minh Tuấn, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, vừa viết sách dạy dỗ chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vừa nhận hối lộ…
***
Từ tâm sự của ông Khoa, phản ứng của ông Cường và bình luận của nhiều người đã tham gia trên hai trang facebook như vừa tóm lược, bạn nghĩ gì, nhất là khi sắp tròn 44 năm thống nhất đất nước nhưng nhân tâm rõ ràng là càng ngày càng ly tán? Hãy chia sẻ với Thiên hạ luận để chúng tacùng luận trong tuần tới.
Khi nêu tâm sự của ông Khoa như một vấn đề để cùng thảo luận, facebooker Nguyễn Huy Cường, có một lưu ý mà chúng tôi tán thành và mong độc giả chấp nhận: Đó là không báng bổ, chửi bới nhau mà thuyết phục nhau bằng lý lẽ. Biết đâu nhờ đó mà giúp người khác điều chỉnh được nhận thức.
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét