Đến giờ, Bộ Công an đã trả về cho Sơn La 25 sinh viên sĩ quan (SVSQ) đang học tại: Học viện Cảnh sát nhân dân (16 SVSQ), Học viện An ninh nhân dân (7 SVSQ), Đại học Phòng cháy Chữa cháy (2 SVSQ) vì đã đủ bằng chứng để kết luận ba trường này đã tuyển lộn, nhận lầm những học sinh gian lận điểm. 55% (25/44) học sinh dính líu đến gian lận điểm chỉ nhằm trở thành sĩ quan “công an nhân dân” là tỉ lệ đáng ngẫm nghĩ (1).
Có một yếu tố khác cũng cần phải lưu ý: Do Bộ Quốc phòng không cho biết cụ thể số SVSQ của các học viện, đại học thuộc quân đội bị trả về địa phương cũng do tuyển lộn, nhận lầm những học sinh gian lận điểm, song theo báo chí Việt Nam, con số đó cũng không hề nhỏ. Sau khi sửa bài – nâng điểm bùng lên thành scandal, nhiều “Thủ khoa”, “Á khoa” của các trường đại học thuộc quân đội không làm thủ tục nhập học (2).
***
Ai cũng biết, học viện hay đại học không phải là chỗ để chơi, chơi chán, bước ra sẽ có một tấm bằng lận lưng. Nền tảng về học vấn không đủ vững, học lực không đạt yêu cầu, không thể đeo bám theo chương trình, nói gì đến tốt nghiệp. Thành ra gian lận điểm thi không đơn thuần chỉ để trở thành SVSQ của các học viện, đại học thuộc ngành công an, quân đội. Gian lận điểm thi là để tốt nghiệp, để trở thành sĩ quan “công an nhân dân”, sĩ quan “quân đội nhân dân”.
Cần phải làm rõ, tại sao cả phụ huynh lẫn những học sinh mà học lực chỉ có thể giúp đạt điểm thi ba môn xét tuyển ở mức 0,45/30, 1/30 lại đủ tự tin để tham gia hoạt động gian lận điểm để vào các học viện, đại học thuộc ngành công an, quân đội? Thậm chí ngạo mạn tới mức sửa bài - nâng điểm nhằm trở thành những “Thủ khoa” của Học viện Cảnh sát nhân dân, “Thủ khoa” của Học viện Hậu cần, “Thủ khoa” của Sĩ quan Lục quân 1?…
Trong vòng mười năm gần đây, các học viện, đại học của công an và quân đội đột nhiên trở thành mục tiêu của nhiều học sinh và phụ huynh, đặc biệt là học sinh và phụ huynh cư trú ở các tỉnh phía Bắc. Lý do đầu tiên là nếu theo học tại những học viện, đại học này, sinh viên đã không phải đóng học phí lại còn được biệt đãi về ăn, ở, được chu cấp những chi phí như mặc, sinh hoạt phí,… Chưa kể khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay lập tức.
Lý do thứ hai là sĩ quan “công an nhân dân” và sĩ quan “quân đội nhân dân” rõ ràng là những công việc có thể tìm kiếm bổng lộc từ vô số đặc quyền, đặc lợi. Thực tế cho thấy, “công an nhân dân” lẫn “quân đội nhân dân” đã và đang cố gắng nâng cao giá trị của mình thông qua hoạt động tuyển sinh vào hệ thống học viện, đại học của mình. Phải chăng đã đến lúc “công an nhân dân”, “quân đội nhân dân” đề cao học vấn, học lực?
Có vẻ là như vậy song không phải vậy!
Những người am tường lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đã từng nêu thắc mắc: Tại sao đa số học sinh mà quá trình học tập tại bậc trung học cho thấy học lực thật sự xuất sắc, không chọn các học viện, đại học của công an, quân đội nhưng cuối cùng, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của những học sinh này thường là kém hơn, may lắm mới ngang ngửa điểm thi tốt nghiệp của những học sinh vốn dĩ học hành làng nhàng nhưng xin dự tuyển vào các học viện, đại học của công an, quân đội?
Scandal sửa bài – nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang,… góp phần trả lời cho những thắc mắc vừa kể. Rõ ràng đó là một… phong trào. Đó cũng là lý do nhiều người am tường lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam yêu cầu tổ chức thẩm định bài thi của các Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm trước 2018. Yêu cầu này cho dù hữu lý nhưng bất khả thi vì thẩm định đại trà sẽ ngốn nhiều thời gian, công sức, kể cả tiền bạc.
Tuy nhiên, do đa số học sinh dính líu đến gian lận thi cử cùng xin dự tuyển vào các học viện, đại học của công an, quân đội, thành ra tổ chức thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm trước 2018 của những SVSQ đang theo học tại tất cả học viện, đại học của công an, quân đội lại là điều hết sức cần thiết. Toàn bộ hoạt động của bảy học viện, đại học thuộc ngành công an và 19 học viện, đại học của quân đội được duy trì bằng ngân sách.
Dân chúng không chỉ đóng thuế để công an, quân đội vận hành 26 học viện, đại học đó. Dân chúng còn phải đóng thuế để trả chi phí ăn, ở, mặc, kể cả sinh hoạt phí cho vài chục ngàn SVSQ đang theo học tại các học viện, đại học đó. Sẽ hết sức vô lý khi thường dân vừa phải đóng thuế để nuôi những SVSQ mà họ nghi ngờ bất xứng từ học lực tới hạnh kiểm, vừa phải thắt lưng, buộc bụng để nuôi con cái của mình học đại học, sinh viên các đại học khác phải vừa học, vừa làm thêm để đi cho xong con đường học vấn.
Không ai biết mỗi năm, công quỹ chi bao nhiêu cho 26 học viện, đại học của công an, quân đội nhưng kết quả điều tra scandal sửa bài – nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 buộc người ta phải thắc mắc: 26 học viện, đại học của công an, quân đội đào tạo thế nào mà phụ huynh của những học sinh, học lực vốn chỉ có thể đạt 0,45/30 điểm, 1/30 điểm,… tự tin con họ có thể tốt nghiệp những học viện, đại học này để “chạy”?
Các học viện, đại học của công an cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật. Các học viện, đại học của quân đội cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ lãnh thổ quốc gia, độc lập dân tộc. Nếu các học viện, đại học này chỉ là túi chứa, lò sản xuất những cá nhân khiếm khuyết cả về học vấn lẫn nhận thức, tư cách thì lấy gì bảo đảm cho quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ công lý, công bằng xã hội?
Nếu thật sự có trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, thậc sự tha thiết với mục tiêu “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, giới lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ cần phải yêu cầu lãnh đạo ngành công an và quân đội thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm trước 2018 của những SVSQ đang theo học tại tất cả học viện, đại học của công an, quân đội. Thật sự tôn trọng dân chúng thì phải như thế. Phải như thế mới sòng phẳng về quyền và trách nhiệm.
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét