Vì vậy bên vui mừng Việt cộng (Đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam) đã coi ngày 30-4-1975 là ngày “Đại thắng” và hàng năm thường ăn mừng với hình thức và mức độ “hoành tráng” tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu tuyên truyền chính trị đòi hỏi; song cường độ nhiệt thành dường như giảm dần theo thời gian. Vì sao vậy? Qua bài này, người viết muốn trả lời phần nào cho câu hỏi này.
I - CỘNG THẮNG, THẮNG AI, THẮNG CÁI GÌ, THẮNG ĐỂ LÀM GÌ?
Cộng thắng Quốc, cướp được chính quyền quốc gia ở nửa nước Miền Nam, để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Đó là mục tiêu chiến lược được Đại Hội Toàn đảng Cộng sản Việt Nam (ngụy trang Đảng Lao Động Việt Nam) lần thứ III họp từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 ở Hà Nội. Tham dự đại hội có tất cả là 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 50.000 đảng viên lúc bấy giờ. Ông Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch đảng, Lê Duẩn được bầu là Bí thư Thứ nhất. Nghị quyết của Đại Hội này đã hạ quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc làm hậu phương lớn để “giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
II - VIỆT CỘNG ĐÃ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC THẾ NÀO ĐỂ THẮNG?
1 - Việt cộng đã thành đạt hai mục tiêu thắng Việt Quốc, cướp được chính quyền Quốc gia Nam Việt Nam. Thành quả này có được nhờ các yếu tố chủ quan và khách quan sau đây:
- Chủ quan (về phía Việt cộng) trong chiến tranh, Việt cộng đã huy động, tận dụng được nhân lực, tài lực nhân dân Miền Bắc và lôi kéo được một số ít nhân dân Miền Nam lao vào cuộc chiến, nhờ vững về tổ chức, giỏi về tuyên truyền lừa mị nhân dân và quốc tế, đi kèm bạo lực, khủng bố cưỡng bách tận tình.
Vững về tổ chức vì chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản.Những người lãnh đạo chính quyền, quân đội CSBV hầu hết tập trung tâm lực vào cuộc chiến với quyết tâm chiến thắng. Việt cộng giỏi tuyên truyền lừa mị khi dùng chiêu bài “ngụy dân tộc” (từ thời kháng chiến chống Pháp) để phát động chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam dưới ngọn cờ “Chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc”, để kích động lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân. Đối với những người dân nào biết được ý đồ này, không tin vào những sự tuyên truyền dôi trá của Việt cộng, nhưng vẫn phải tham gia cuộc chiến, không thể có sự chọn lựa nào khác. Vì nếu không họ sẽ bị các công cụ bảo vệ “ nền chuyên chính vô sản” như công an, quân đội, pháp trường nghiền nát hay bị chế độ tem phiếu hộ khẩu xiết chặt dạ dày…(*)
- Khách quan (về phía Việt quốc) do phải thực hiện một chế độ dân chủ pháp trị phôi thai trong khung cảnh chiến tranh nên có nhiều kẽ hở để Việt cộng lợi dụng dân chủ cài cấy người vào nội bộ chính quyền các cấp, dân sự cũng như quân sự và các tôn giáo, tổ chức dân sự lỏng lẻo. Đồng thời, tìm cách mê hoặc, lôi kéo tuổi trẻ, thanh niên, sinh viên học sinh vào các phong trào “chống Mỹ cứu nước” gây bất ổn triền miên xã hội Miền Nam.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, là đã có nhiều vấn đề ngay trong các cấp lãnh đạo của chính quyền Miền Nam, liên quan đến quyền lực và sự dựa dẫm vào Hoa Kỳ. Đồng thời, mặt trận tuyên truyền cũng là nơi thể hiện sự yếu kém của chính quyền miền Nam, không củng cố và làm sáng tỏ được vai trò chính thống của chính quyền và “Chính nghĩa quốc gia, dân tộc, dân chủ” trong nhân dân và trên trường quốc tế; nên đã bị “ngụy nghĩa cộng sản, phi dân tộc, phản dân chủ” giật mất chính nghĩa để biến thành “bên thua cuộc” một cách phi lý, bất công gây uất hận cho bên “Việt quốc” là thế.
- Nhận định: Cộng có thắng Quốc thật không?
Sự thật, khách quan và công bình hơn, như chúng tôi đã trình bày trên diễn đàn này một số bài viết về thực chất chiến tranh Việt Nam. Rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu); với bốn bên Liên Xô và Trung quốc, bên Hoa Kỳ và đồng minh (Ngoại chiến); bên Việt cộng và bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nhưng khác ý đồ, lợi ích của các bên tham chiến muốn thành đạt qua cuộc chiến thường gọi chung là cuộc “Chiến tranh Việt Nam”. Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy theo ý nghĩa thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, thông qua cuộc chiền tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe XHCN. Hay nói cách khác một cách cụ thể là bên Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên Việt cộng cũng đã thắng bên Việt quốc trong “cuộc chiến tranh quốc-cộng” tại Việt Nam ( thắng một giai đoạn của cuộc “Nội chiến ý thức thức hệ Quốc-Cộng”, hai giai đoạn kia là “Tiền chiến tranh Quốc-Cộng” (1930-1954) và “hậu chiến tranh Quốc-Cộng” từ 1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).
Thế nhưng như chúng tôi đã đưa ra nhận định nhiều lần, rằng đó chỉ là “chiến thắng biểu kiến” (coi vậy chứ không phải vậy)). Vì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho hai bên nội chiến Quốc-Cộng; cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một “thắng lợi thật” của phe XHCN trong đó có “bên thắng cuộc” Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975
Thực tế hợp luận lý (logic) phải là phe xã hội chủ nghĩa, cụ thể là các cường quốc cộng sản hàng đầu như Liên Xô, Trung Quốc, phải tìm mọi cách và dồn mọi nỗ lực chi viện tối đa cho chế độ cộng sản Việt Nam vượt qua những khó khăn hậu chiến, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển đến cường thịnh. Ðể làm gì? – Ðể phát huy thắng lợi Việt Nam nhằm lôi kéo, mời chào các nước nghèo đói, chậm tiến trong vùng hãy noi gương Việt Nam, lao vào “một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc…” để đạt mục tiêu lật đổ các chính quyền tư sản, xóa bỏ “các chế độ người bóc lột người” để thay thế bằng các chế độ “Xã hội chủ nghĩa”; rằng hãy theo gương Việt Nam, để trong “Chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng” sẽ được trợ giúp tối đa về vũ khí, lương thực để đánh thắng các chính quyền “phản động”; và sau chiến tranh cũng sẽ được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác viện trợ ồ ạt, vô điều kiện trong “tinh thần quốc tế vô sản”, để cùng nhau thực hiện cuộc cách mạng vô sản toàn cầu, xây dựng thành công “xã hội xã hội chủ nghĩa” tại mỗi nước, tiến tới xã hội viên mãn toàn cầu: “Xã hội cộng sản” với đỉnh cao là “Thiên đường Cộng sản” trong viễn tưởng!
Thế nhưng thực tế trái ngược là, chỉ sau trên dưới 15 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc (1975- 1991), Liên Xô và toàn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quốc tế sụp đổ, chỉ còn sót lại bốn nước trong đó có Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sao?
Nay thì thực tế ngày càng cho thêm dữ kiện đầy đủ để mọi người Việt Nam có thể đi đến thống nhất nhận định, rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất chỉ là cuộc nội chiến ý thức hệ do các cường quốc phát động và tiến hành trên đất nước Việt Nam, thông qua các cá nhân, tập đòan bản xứ tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) làm công cụ, xô đẩy nhân dân Việt nam vào một cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn. Hậu quả bi thảm của cuộc chiến tranh này đất nước và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, sau khi ý đồ và lợi ích chiến lược trong vùng của các cường quốc đã đạt được thông qua cuộc chiến Việt Nam.
Và vì vậy, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt Cộng) đối với phe kia (Việt Quốc), mà chỉ vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc (Chiến lược toàn cầu mới) đã để cho chiến tranh Việt Nam đi đến kết thúc. Chính dân tộc Việt Nam, nhân dân hai miền Bắc-Nam mới là nạn nhân và là bên thua cuộc hoàn toàn. Thiết tưởng đã 44 năm qua rồi, thời gian đã quá đủ cho cả Việt Quốc và Việt Cộng chẳng nên tiếp tục tự hào về cuộc chiến ấy nữa, khi trong cuộc nội chiến “Nồi da xáo thịt” này, các bên đều bị ngoại bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời. Thực tế bây giờ là cả Việt Quốc và Việt Cộng cần cố gắng đẩy lùi quá khứ, hướng đến tương lai, để biết phải làm gì và cần làm gì hữu ích, có lợi nhất cho nhân dân và đất nước.
2 - Mục tiêu Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa đạt thì sao?
Đây là mục tiêu chiến lược thứ ba cũng là mục tiêu tối hậu mà Việt cộng vẫn chưa thành đạt, dù chiến tranh Việt Nam kết thúc đã 44 năm rồi (1975-2019).Việt cộng đã có một thời gian dài thử nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa của mình.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội là vì cái gì, sao chưa thành đạt, bao giờ hay sẽ không bao giờ thành đạt?
III - THAY LỜI KẾT
Chúng tôi dự định sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi trên qua một bài viết chi tiết khác dưới chủ đề: “44 năm Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội vì sự nghiệp cộng sản quốc tế, thành quả và triển vọng”. Đồng thời đi kèm với bài viết tựa đề “44 năm Việt quốc chống cộng vì tự do dân chủ cho đất nước, thành quả và triển vọng”.
Mục đích để bạn đọc so sánh thấy được trong giai đoạn cuối cùng của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (hậu chiến tranh Quốc-Cộng ) Việt cộng hay Việt quốc bên nào sẽ thành đạt mục tiêu tối hậu của mình:- Việt cộng có xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?-Việt Quốc có thành đạt mục tiêu dân chủ hóa đất nước- và cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng sẽ có cơ may chấm dứt khi nào và như thế nào?
Thiện Ý
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét