Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây và nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với quy định không văn bản vào thời kỳ trước đây và quy định bằng văn bản cách đây không lâu, xác định rằng, khi tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ chết đều phải cử hành quốc tang. Kể từ quốc tang ông Hồ Chí Minh vào năm 1969, đến nay Việt Nam đã có rất nhiều quốc tang. Năm 2018 vừa qua, Việt Nam có 03 quốc tang(ông Phan Văn Khải, ông Đỗ Mười và ông Trần Đại Quang). Năm 2019 đi qua chưa được 4 tháng, Việt Nam đã có quốc tang ông Lê Đức Anh. Ngoài chuyện tốn kém về tiền bạc, các quốc tang ở Việt Nam làm xáo trộn nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt là đối với các hoạt động biểu diễn vốn được lên lịch từ lâu.
Theo một bài báo trên báo Người quan sát, tuy khai sinh ra nghi thức quốc tang nhưng người Anh rất thận trọng khi quyết định làm lễ quốc tang — việc làm quốc tang cho ai phải được Quốc hội phê duyệt.
Suốt hai thế kỷ 19 và 20 nước Anh chỉ làm quốc tang cho 9 người không thuộc Hoàng gia. Thế kỷ 19 có 5 người: hai công thần trong chiến tranh đánh bại Napoleon là Đô đốc hải quân, huân tước Lord Nelson (1758-1805) và công tước Duke of Wellington (1769-1852, nguyên soái lục quân, sau làm Thủ tướng); hai Thủ tướng: Lord Palmerston (1784-1865) tác giả chiến thuật “Ngoại giao pháo hạm” (Gunboat Diplomacy) và W.E. Gladstone (1809-1898) người 4 lần làm Thủ tướng; nhà khoa học vĩ đại Charles Darwin (1809-1882) cha đẻ Thuyết Tiến hóa.
Thế kỷ 20 có 4 người: Nguyên soái lục quân Frederick Roberts (mất 1914); Nam tước Edward Carson, Bộ trưởng Hải quân (mất 1935); Thủ tướng Winston Churchill (1874-1965), người kiên cường lãnh đạo nước Anh chống phát xít Đức thành công; Nguyên soái L.Louis Mountbatten (1900-1979), từng chỉ huy các trận đánh úp hải quân phát xít Đức ở Pháp và Na Uy, đập tan dự án làm bom nguyên tử của Hitler, cả hai ông này đều đã nghỉ hưu.
Ngay cả Hoàng Thái Hậu Elizabeth (tức Queen Elizabeth The Queen Mother) mẹ đương kim Nữ Hoàng Anh Elizabeth II, và bà Diana công nương xứ Wales khi mất cũng chỉ được hưởng nghi thức lễ tang của Hoàng gia mà không được làm quốc tang.
Cựu thủ tướng Anh, bà đầm thép nổi tiếng, Thatcher, trước khi chết đã trăng trối: “Đừng lãng phí tiền bạc vào tang lễ của tôi”. Theo di nguyện của bà đầm thép, chính phủ Anh không cử hành quốc tang.
Trung Quốc trong thời gian 1916-1949 đã làm quốc tang cho 29 người.
Trung Quốc từ thời 1949 đến nay chỉ cử hành quốc tang 9 lần là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Tống Khánh Linh, Đặng Tiểu Bình, ba nhà báo chết trong vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa vào Sứ quán Trung Quốc tại Belgrade ngày 7/5/1999, các đồng bào tử nạn trong 3 thiên tai: hai vụ động đất Vấn Xuyên, Ngọc Thụ và vụ lở bùn đá Châu Khúc.
Ở Mỹ, theo luật, tổng thống được cử hành quốc tang, nhưng đơn giản: di hài được quàn ở nhà quốc hội để mọi người đến viếng, và tổng thống đương nhiệm có quyền không đến viếng tổng thống quá cố. Quốc tang ở Mỹ phải thuận theo ý kiến của gia đình tổng thống, chính vì vậy, quốc tang ở Mỹ không rùm beng, không tốn kém.
Nước Đức Hitler từng làm quốc tang cho hai tên phát xít: Nguyên soái Erwin Johannes Eugen Rommel (1891-1944) do tham gia âm mưu ám sát Hitler mà bị buộc phải tự xử chết bằng thuốc độc, đổi lại, hắn được hưởng nghi thức quốc tang với cáo phó của Chính phủ là chết vì đột quỵ; Reinhard Tristan Eugen Heydrich (1904-1942), tác giả các vụ thảm sát khủng khiếp trong Thế chiến II, bị du kích người Tiệp Khắc bắn trọng thương rồi chết.
Ở Liên xô trước đây, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô: Lenin, Stalin, Brezhnev, Andropov và Chernenko đều được làm quốc tang, trong đó lễ tang Lenin, Stalin, Brezhnev có quy mô rất lớn, cả nước để tang nhiều ngày.
Indonesia từ năm 1960 đến nay chỉ cử hành 3 quốc tang. Ba lan thời hậu cộng sản chỉ cử hành 01 quốc tang. Brazil từ thế kỷ 20 đến nay chỉ cử hành 1 quốc tang giành cho tay đua xe hơi lừng danh Senna.
Nhưng nên nhớ rằng, quốc tang ở Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Ba Lan, Indonesia….chỉ quy định treo cờ rũ ở một số nơi, không ngăn cấm các hoạt động thể thao và biểu diễn đã được xếp lịch từ lâu. Nếu ngăn cấm các hoạt động này trong kỳ quốc tang, dân chúng không được thụ hưởng các giá trị tinh thần thì dân chúng sẽ biểu tình phản đối mạnh mẽ. Quyền dân to hơn quyền quan mà!
Chỉ với một ít dữ liệu như trên có thể nhận thấy, các quốc gia độc tài, các quốc gia ảnh hưởng chủ nghĩa phong kiến có nhiều quốc tang và thường được cử hành rình rang, rất tốn kém. Tệ hại nhất, quốc tang bắt buộc người dân phải buồn khi họ đang vui và muốn vui, cuộc sống bị xáo trộn dữ dội với việc các hoạt động thể thao và biểu diễn được ấn định từ lâu bỗng nhiên bị hủy bỏ.
Chính vì vậy, quốc hội các nước văn minh luôn cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề cử hành quốc tang để tránh xâm hại cuộc sống của nhân dân.
Chu Vĩnh Hải
NĐSVVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét