Lao động chưa thành niên: hạn chế tình trạng bóc lột - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Lao động chưa thành niên: hạn chế tình trạng bóc lột


Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình các đại biểu Quốc hội thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV vừa được khai mạc ngày 21/10.

Lao động trẻ em ở nông thôn miền Bắc Việt Nam. 

Nhấp vào nút play (►) bên tay phải để nghe

Trong đó có quy định rõ lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời bổ sung một số điều luật quy định cho nhiều mức tuổi lao động như dưới 13 tuổi, từ 13-15 tuổi, và từ 15-18 tuổi.

Nên hay không nên?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Sài Gòn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ về các điều khoản mà luật Việt Nam quy định đối với lao động chưa thành niên hiện nay:

“Trước đây Luật Lao động có quy định thời giờ làm việc đối với trẻ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì không quá 8h/ngày và 40h/tuần, được làm việc ban đêm nhưng chỉ 1 số nghề, công việc. Còn dưới 15 tuổi thì không quá 4h/ngày và 20h/tuần, không được sử dụng làm thêm, làm việc ban đêm. Đối với lao động trẻ em dưới 15 tuổi, luật hiện hành cũng quy định thứ nhất là người sử dụng lao động khi tuyển dụng cần các điều kiện như chỉ tuyển dụng vào các công việc nhẹ, mà ‘công việc nhẹ’ này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ quy định cụ thể vì rất nhiều công việc; thứ hai là phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản, khi tuyển dụng phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền để họ xác nhận sức khỏe đó phù hợp với công việc.

Nếu như điều kiện đất nước phát triển mà mỗi gia đình đủ điều kiện để lo cho con cái thì đương nhiên 18 tuổi là đẹp nhất. Thế nhưng tình hình thực tế ở tại Việt Nam con còn nhỏ vẫn phải đồng ý cho nó đi làm để kiếm tiền, thậm chí còn bắt con đi làm.

- Võ Thị Cẩm Nhung
Đối với trẻ em dưới 15 tuổi thì cứ định kỳ 6 tháng 1 lần phải đi khám sức khỏe. Hàng năm phải báo cáo cho ngành Lao động thương binh những người dưới 15 tuổi về những công việc phải có an toàn vệ sinh lao động.

Đối với trẻ dưới 13 tuổi được làm trong nhà hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, chèo, cải lương, múa… hoặc những vận động viên năng khiếu như điền kinh, bóng bàn, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng…

Hiện hành cũng quy định danh mục sử dụng lao động từ 13-15 tuổi được làm các nghề truyền thống như dệt, làm trống và các nghề thủ công rất nhẹ nhàng.”


Trong đó, các điều khoản về lao động dưới 13 tuổi và từ 13-15 tuổi đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận vì nhiều người cho rằng tuổi này còn quá nhỏ để phải lao động.

Chúng tôi có trao đổi vấn đề này với bác sĩ Đinh Đức Long và được ông cho biết:

“Nếu góc độ y học thì cả thế giới tuổi đó là tuổi ăn học, tuổi nghỉ ngơi chứ không phải tuổi đi làm và pháp luật thì không khuyến khích. Còn ở góc độ xã hội, ví dụ bố mẹ không nuôi được, đẻ nhiều, không kiểm soát được, nhiều khi gia đình vì miếng cơm manh áo hoặc các cháu không thích học, chán học thì nó làm, mình không kiểm soát được, có biện pháp để chế tài không thì cái đấy là khó.”

Còn theo Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang dạy tại trường THPT Thường Tín ở Hà Nội lại cho rằng độ tuổi từ 13-15 tuổi có đi làm được hay không còn tùy thuộc vào từng địa phương:

“Ở các vùng miền núi đa số các cháu bỏ học, ở nhà kết hôn hoặc đi làm, số này đông lắm. Thế nhưng số này ở vùng nông thôn nó tự coi nó là trẻ em, ăn, học, chơi suốt ngày. Nên cũng khó có những quy định chung nào đó cho độ tuổi này, rất khó. Ngoài ra hoàn cảnh gia đình nào khá giả thì con cái không phải làm gì hết, gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì nó sẽ làm việc cật lực. Đó là những cái rất khó can thiệp cụ thể từng hoàn cảnh.”

Một bé trai lao động cùng cha tại thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Dưới góc nhìn chuyên môn, bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh Khánh Hòa cho rằng không chỉ riêng vào từng vùng miền như lời thầy Đỗ Việt Khoa nhận đinh mà đây là tình hình chung trong cả nước.

Vẫn theo bà Nhung, độ tuổi mà luật định được căn cứ trên tình hình thực tế của xã hội, điều kiện của trẻ em trong môi trường hiện tại cũng như gia đình. Bà cho biết không chỉ riêng bà mà tất cả mọi người ai cũng muốn trẻ em nằm trong độ tuổi 18, nhưng dù đã bàn bạc rất nhiều và muốn đưa tuổi lao động vào độ tuổi đấy nhưng vẫn chưa thể thực hiện được vì theo nghiên cứu thì thực tế Việt Nam chưa thể theo được các nước tiên tiến:

“Nếu như điều kiện đất nước phát triển mà mỗi gia đình đủ điều kiện để lo cho con cái thì đương nhiên 18 tuổi là đẹp nhất. Thế nhưng tình hình thực tế ở tại Việt Nam con còn nhỏ vẫn phải đồng ý cho nó đi làm để kiếm tiền, thậm chí còn bắt con đi làm. Nhưng bây giờ bảo họ phải chấp hành theo quy định của luật thì gia đình họ lấy gì sống? Mình có can thiệp nuôi được gia đình không? Có những cái mà luật phải tùy tình hình thực tế nên phải có những áp dụng cho phù hợp để người dân có thể thực thi mà không vi phạm quy định pháp luật.”

Cần điều chỉnh pháp luật

Trong buổi hội thảo tham vấn để thảo luận về sửa đổi Bộ luật Lao động được tổ chức vào ngày 7/10, bà Shelley Casey, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đồng tình với các sửa đổi được đề xuất, nhưng cho biết luật nên đưa ra định nghĩa về ‘công việc nhẹ’ dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và mô tả nó là công việc không gây rủi ro cho sức khỏe, phát triển thể chất hoặc thành tích học tập.

Ngoài ra, UNICEF cũng cho rằng Luật Lao động sửa đổi nên thêm điều cấm người chưa thành niên làm thêm giờ và làm đêm, vì hiện nay, dự thảo Bộ luật Lao động quy định người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Vẫn theo bà Shelley Casey, “Công nhân vị thành niên dễ bị lạm dụng. Do đó, nếu họ được phép làm việc, chính quyền cần phải đưa ra một số biện pháp an toàn.”

Đồng tình với quan điểm của UNICEF, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Luật Lao động sửa đổi cần bổ sung định nghĩa sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Ông giải thích:

Nếu góc độ y học thì cả thế giới tuổi đó là tuổi ăn học, tuổi nghỉ ngơi chứ không phải tuổi đi làm và pháp luật thì không khuyến khích. Còn ở góc độ xã hội, ví dụ bố mẹ không nuôi được, đẻ nhiều, không kiểm soát được, nhiều khi gia đình vì miếng cơm manh áo hoặc các cháu không thích học, chán học thì nó làm, mình không kiểm soát được.

- BS. Đinh Đức Long
“Định nghĩa này sẽ giúp tập hợp quy định hiện hành ngăn ngừa các tác động tiêu cực của lao động trẻ em cũng như phân biệt giữa trẻ em và trẻ em tham gia lao động phù hợp, giữa những kiểu trẻ em có thể được làm thuê và những công việc không được phép thuê trẻ em làm. Phải tạo ra một nơi làm việc an toàn, hòa nhập cho lao động chưa thành niên là ưu tiên số 1.”

Ngoài ra, theo Luật sư Hậu, cần phải xem lại bổ sung quy định, yêu cầu bắt buộc về an toàn lao động cho người chưa thành niên, đồng thời phải bảo vệ trẻ em không có hợp đồng chính thức phải đảm bảo mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, thầy Đỗ Việt Khoa cũng cho rằng cần nghiên cứu các độ tuổi và văn hóa Á Đông sao cho hợp lý, miễn sao có thể khuyến khích được người lao động sử dụng được sức lao động cho tốt và hạn chế được tình trạng bóc lột trẻ em, ngược đãi trẻ em.

Nhìn nhận lại thực tế những tháng gần đây có thể thấy, ngày 23/9 vừa qua, Công An Đà Nẵng cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, bị can và tạm giam 4 tháng đối với nhóm người Trung Quốc thuê các cô gái Việt Nam dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quay clip sex. Hay hàng loạt các tệ nạn chăn dắt trẻ em ăn xin bị báo chí vạch trần cũng phần nào phản ánh được sự bóc lột, ngược đãi đối với trẻ chưa đủ tuổi lao động vẫn đang diễn ra.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, tại Việt Nam có khoảng 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “lao động trẻ em có thể gây ra tổn hại rất lớn cho bản thân và toàn xã hội vì nó ngăn cản không cho trẻ được học hành và cản trở sự phát triển lành mạnh về tinh thần và các chương trình học tập cùng những ước mơ của các em”...


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad