Việt Nam nằm trong số hàng chục quốc gia mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề xuất thay đổi để hạn chế thị thực đối với sinh viên nhằm giảm thiểu “gian lận” và tăng cường “an ninh quốc gia.” Tại sao Việt Nam nằm trong danh sách này và sinh viên Việt Nam sẽ gặp những trở ngại gì nếu đề xuất này trở thành luật?
Theo đề xuất mới mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) mới công bố trên trang Công báo Chính phủ để lấy ý kiến công chúng, thị thực cho những sinh viên có quốc tịch hoặc được sinh ra ở 59 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi cùng một số nước Trung Đông và châu Á – bao gồm Việt Nam, sẽ bị hạn chế trong hai năm. Đối với phần lớn thị thực visa sinh viên nói chung, Bộ này đề xuất ấn định thị thực hết hạn sau 4 năm – cho dù nếu sinh viên đăng ký học trong một chương trình dài hơn hoặc cần thêm thời gian để hoàn thành và lấy được bằng.
Các nước trong danh sách này, theo DHS, hoặc là “tài trợ khủng bố” hoặc là có tỷ lệ công dân ở lại Mỹ quá thời gian thị thực từ 10% trở lên. Việt Nam nằm trong số các quốc gia, cùng với Philippines ở khu vực Đông Nam Á, có lượng người ở quá hạn visa đủ để DHS đưa vào đề xuất giới hạn thị thực 2 năm. Theo đó, các sinh viên sinh ra ở các quốc gia bị nêu tên dù đang sống ở các nước không nằm trong danh sách này vẫn bị áp dụng luật mới đề xuất khi xin học ở Mỹ.
Theo Luật sư Di trú Khanh Phạm, những thay đổi này chỉ áp dụng cho “visa du học.”
“Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng trước hết họ muốn hạn chế lại thời gian visa cho những người du học ở Mỹ,” LS Khanh nói với VOA. “Trước đây DHS cho visa theo thời gian học – vẫn học thì vẫn còn visa. Nhưng giờ đây họ chỉ cho thời gian ở tối đa 4 năm. Và nếu (đề xuất) này được áp dụng thì (sinh viên) chỉ được ở tối đa 4 năm và nếu họ muốn ở lại thêm phải xin sở di trú gia hạn (visa).”
F1 visa (cho sinh viên du học) rất là lỏng lẻo... Nhiều sinh viên lợi dụng ở rất là lâu, có lúc bằng cử nhân 4 năm mà họ có thể gia hạn đến 6-7 năm nên (DHS) đặt câu hỏi tại sao như vậy thôi. Charles Cường Nguyễn, GS Đại học Công giáo Hoa Kỳ CUA
Theo những thay đổi mới được DHS đề xuất, bất cứ ai thuộc diện trên muốn ở lại lâu hơn phải xin gia hạn hoặc xin cấp thị thực mới và điều đó, theo cựu Luật sư Di trú Aeron Reichlin-Melnick, nhận định trên trang Twitter cá nhân, không đảm bảo rằng yêu cầu gia hạn hoặc cấp thị thực mới của họ sẽ được chấp thuận.
Theo LS Khanh, hiện đang hành nghề ở Houston, Texas, Sở Di trú sẽ xem xét liệu trong thời gian học sinh viên “có tiến triển trong ngành học của họ hay không hay họ đang kéo dài thời gian” và nếu Sở Di trú “thấy họ kéo dài thời gian” thì có thể “bác đơn xin gia hạn đó.”
Việt Nam nằm trong danh sách những nước bị hạn chế thời gian thị thực tối đa 2 năm và theo LS Khanh, sinh viên du học từ Việt Nam cũng sẽ phải xin Sở Di trú gia hạn visa sau 2 năm đó.
Giáo sư Charles Cường Nguyễn, hiệu trưởng Trường Kỹ sư thuộc Đại học Catholic University of America, nói với VOA rằng ông không ngạc nhiên khi Việt Nam nằm trong danh sách các nước có số lượng người ở quá hạn thị thực trên 10% vì ông đã thấy nhiều sinh viên qua Mỹ học và muốn ở lại mặc dù ở trường CUA của ông chưa có trường hợp sinh viên Việt Nam nào vi phạm quy định này.
“F1 visa (cho sinh viên du học) rất là lỏng lẻo – cho theo điều kiện khi (sinh viên) còn ở Mỹ hợp pháp theo đơn I-20 (khi chứng minh là vẫn đang học trong trường) thì visa vẫn có giá trị,” GS Cường cho biết. “Nhiều sinh viên lợi dụng ở rất là lâu, có lúc bằng cử nhân 4 năm mà họ có thể gia hạn đến 6-7 năm nên (DHS) đặt câu hỏi tại sao như vậy thôi.”
Thông báo của DHS cho biết rằng bộ này cũng đề xuất yêu cầu ấn định thời gian thị thực cho cả những người đến Mỹ theo chương trình khách trao đổi và đại diện truyền thông thông tin nước ngoài để “khuyến khích việc tuân thủ chương trình” bên cạnh việc “giảm thiểu gian lận và tăng cường an ninh quốc gia.”
Sinh viên quốc tế chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ và sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội
DHS cho biết họ đã tiếp nhận hơn 2 triệu người nước ngoài vào Mỹ bằng thị thực sinh viên (F visa), khách trao đổi (J visa) và đại diện truyền thông thông tin nước ngoài (I visa) theo diện không định cư trong năm tài khoá 2018.
‘Vì an ninh quốc gia’
Chính sách này là “cần thiết,” theo DHS, vì theo quy định hiện hành, sinh viên có thể lưu trú ở Mỹ chừng nào họ có giấy tờ cho thấy họ đang tiếp tục học để lấy được bằng, mà bộ này cho là thời gian lưu trú không không xác định đó có thể “gây ra những rủi ro cho an ninh quốc gia.”
Đề xuất mới của DHS đưa ra một ví dụ về một sinh viên, không được xác định từ nước nào, đã lưu trú ở Mỹ bằng thị thực sinh viên từ năm 1991 để tham gia học ở trường dạy nhảy/múa. Tuy nhiên Bộ này không cho biết cụ thể có bao nhiêu sinh viên đã sử dụng thị thực dành cho sinh viên cách tương tự như vậy.
“Việc sửa đổi các quy định liên quan là rất quan trọng trong việc cải thiện các cơ chế giám sát chương trình; ngăn chặn đối thủ nước ngoài khai thác môi trường giáo dục của đất nước; và thực thi đúng đắn cũng như củng cố luật nhập cư của Hoa Kỳ,” quan chức cấp cao thứ hai của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Ken Cuccinelli, nói trong thông báo của DHS về những đề xuất mới được đăng trên trang web của bộ hôm 24/9.
“Những đề xuất này (DHS) muốn đưa ra để tăng cường an ninh của nước Mỹ,” GS Cường nhận định. “Từ trước đến giờ chính phủ Mỹ không đặt ra những câu hỏi tại sao (sinh viên) trễ trong ngày ra trường và bây giời theo chúng tôi biết những đề nghị này (DHS) đưa ra là muốn để củng cố thêm vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ mà thôi.”
Nếu những điều luật mới này qua thời điểm đóng góp ý kiến và trở thành luật thì chắc chắc sẽ “bị kiện và có lệnh tạm ngừng” vì hiện tại đã có nhiều luật sư và trường học lo ngại về những thay đổi đối với thời gian thị thực cho sinh viên do du học sinh là một “nguồn lợi tức cao”. Khanh Phạm, Luật sư Di trú
Theo GS Cường đề xuất này có thể làm một số sinh viên Việt Nam thấy khó khăn và không muốn đi du học ở Mỹ nữa vì Việt Nam trong danh sách bị hạn chế visa 2 năm ở Mỹ. Nhưng theo GS Cường, điều này không đáng lo ngại nếu sinh viên “đi học đàng hoàng và có lý do hợp lý.”
“Tôi nghĩ chính phủ Mỹ luôn dang tay để đón nhận các bạn từ Việt Nam qua,” GS Cường nói. “(DHS) làm cái này để an ninh quốc gia chặt chẽ hơn trước và có sự kiểm tra chặt chẽ hơn mà thôi chứ không phải là cố ý làm như vậy để không khuyến khích sinh viên qua (Mỹ) để học.”
Việt Nam nằm trong số các nước có số lượng lớn sinh viên học tập ở Mỹ, với mức tăng trong 17 năm liên tiếp và theo Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ IIE, có 24.392 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ trong niên học 2018-2019. Theo sứ quán Mỹ tại Hà Nội, sinh viên quốc tế chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ và sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ.
Hồi tháng 7 vừa qua, nhiều sinh viên quốc tế trong đó có Việt Nam đã đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Mỹ khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) thông báo cho họ có thể bị trục xuất nếu trường họ đang theo học chuyển sang dạy trực tuyến toàn bộ do ảnh hưởng của đại dịch COVID vào mùa thu này. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Trump sau đó đã bỏ quy định này khi vấp phải đơn kiện từ Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.
Đề xuất mới được DHS đưa ra hôm 25/9 đang được lấy ý kiến đến hết ngày 25/10 trên trang Công báo Chính phủ, thuộc trung tâm Lưu trữ quốc gia Mỹ, chuyên đăng tải các luật và đề xuất luật.
Không rõ những đề xuất mới này sẽ được trở thành luật khi nào trong thời gian của Chính quyền Tổng thống Trump và liệu sẽ được tiếp tục nếu một chính quyền mới tiếp quản sau cuộc bầu cử vào tháng sau hay không.
GS Cường cho rằng những đề xuất này chưa chắc đã thành luật. Còn LS Khanh nhận định rằng nếu những điều luật mới này qua thời điểm đóng góp ý kiến và trở thành luật thì chắc chắc sẽ “bị kiện và có lệnh tạm ngừng” vì hiện tại đã có nhiều luật sư và trường học lo ngại về những thay đổi đối với thời gian thị thực cho sinh viên do du học sinh là một “nguồn lợi tức cao” do đó sẽ dẫn đến việc Bộ Giáo dục Mỹ có thể v hành động để can thiệp.
© VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét