Ít nhất hàng chục người chết và mất tích
Trong mấy ngày qua, thêm một lần nữa hình ảnh khu vực miền Trung bị ngập trắng được loan tải khắp các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.
Những con số thiệt hại về nhân mạng và tài sản được cập nhật liên tục. Tính đến chiều ngày 14/10, đã có ít nhất gần 50 người chết và mất tích. Riêng tại Thừa Thiên-Huế, có 4 người chết và 29 người vẫn mất tích sau vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thuỷ điện Rào Trăng 3.
Thông tin từ Uỷ ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia cho biết sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3, tại huyện Phong Điền, vào hôm 12/10, khiến 10 công nhân nhà máy bị chôn vùi và 40 công nhân khác đã được di chuyển tới gần thuỷ điện Rào Trăng 4 an toàn hơn nhưng hoàn toàn không thể ra bên ngoài do sạt lở đất.
Một diễn biến đáng chú ý là đoàn cứu hộ, cứu nạn gồm 21 cán bộ và chiến sĩ đến huyện Phong Điền để hỗ trợ trong vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3. Thế nhưng, vào nửa đêm tối hôm 12/10, đoàn lại bị tai nạn do núi và đất đá sạt lở khiến 13 người mất tích, gồm 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương.
Ý kiến của dư luận
Đài RFA ghi nhận tình trạng thiên tai, lũ lụt xảy ra hàng năm luôn đe dọa đất nước và người dân Việt Nam. Đặc biệt, khu vực miền Trung mỗi khi bị bão lụt thường rất nghiêm trọng, bởi do ảnh hưởng của nạn phá rừng và việc xả nước từ các đập thủy điện.
Điều đáng nói trong năm nay là trong bối cảnh lũ lụt như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM lại đang diễn ra các hoạt động rất rầm rộ trong việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Dân chúng đang rất bức xúc bởi vì trong khi người dân ở khắp nơi bị tình hình lũ lụt đe dọa như vậy mà Đại hội Đảng các cấp tổ chức rất là xa hoa và rất lãng phí. Điều đó càng làm cho tình hình lũ lụt càng thêm trầm trọng và làm ray rứt rất nhiều người có suy nghĩ về đất nước -Blogger Nguyễn Lân Thắng
Nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng, từng rất xông xáo trong công việc giúp đỡ cho các nạn nhân trong những đợt bão lụt trước đây, vào tối ngày 14/10 lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông trong lần bão lụt miền Trung năm 2020.
“Điều đáng nói trong năm nay là trong bối cảnh lũ lụt như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM lại đang diễn ra các hoạt động rất rầm rộ trong việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Dân chúng đang rất bức xúc bởi vì trong khi người dân ở khắp nơi bị tình hình lũ lụt đe dọa như vậy mà Đại hội Đảng các cấp tổ chức rất là xa hoa và rất lãng phí. Điều đó càng làm cho tình hình lũ lụt càng thêm trầm trọng và làm ray rứt rất nhiều người có suy nghĩ về đất nước.”
Điều mà blogger Nguyễn Lân Thắng vừa chia sẻ cũng được cộng đồng cư dân mạng đồng loạt chỉ trích Chính quyền Việt Nam, sau khi được xem hình ảnh của một người chồng-người cha ở Huế khóc ròng và quỳ lạy con nước dữ đã cuốn trôi vợ mình trong lúc ngồi xuồng đi sinh con.
Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh giải thích với RFA về sự phẫn nộ của cộng đồng:
“Thật ra khi nhà nước thu thuế thì trong đó phải có quỹ phúc lợi cho xã hội và cái quỹ phúc lợi đó để làm đường xá ở vùng xa, làm nhà cửa cho người nghèo và đặc biệt về chính sách y tế và cứu hộ. Bão lụt thì năm nào cũng có cho nên phao cứu hộ cho người dân ở vùng cao hay ở vùng bị bão lũ và những đội cứu hộ chuyên nghiệp mà nếu như không hoang phí vào việc xây dựng cổng chào, tượng đài hay chào mừng Đại hội Đảng thì tiền ngân sách dư khả năng để làm những chuyện đó. Mỗi huyện, mỗi tỉnh có đội cứu hộ chuyên nghiệp thì rất dễ và điều đó thì không ai không nghĩ tới. Bởi vì người ta không lo cho dân nên người ta không nghĩ ra điều đó.”
Một ví dụ điển hình, hồi tháng 7/2020, dư luận trong nước đón nhận thông tin Chính quyền thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trích ngân sách số tiền gần 7 tỷ đồng để xây dựng cổng chào cao 13 mét. Và truyền thông trong nước cho biết đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà nhiều địa phương xây dựng cổng chào tiền tỷ, mặc dù ngân sách bị hạn hẹp. Hay vào cuối tháng 8, Đảng ủy tỉnh Quảng Bình thông báo chi ngân sách hơn 2 tỷ đồng để mua cặp đựng tài liệu cho khách mời và đại biểu tham dự Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ XVII.
Công tác cứu hộ, cứu nạn không hiệu quả?
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2019, diễn ra hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, thiệt hại do thiên tai năm ngoái ở Việt Nam được báo cáo có 133 người chết và mất tích, về kinh tế bị thiệt hại trên 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu được ghi nhận là giảm thiểu nhiều so với năm 2018, ước tính lên đến 20.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 5/2020, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra ở Việt Nam được ước tính xấp xỉ 3.200 tỷ đồng.
Và, cũng tại hội nghị này, báo cáo đưa ra kết quả cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Riêng trong năm 2019, Chính phủ Hà Nội đã chi ra trên 10.300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý hệ thống đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân.
Đối với tình trạng bão lụt đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực miền Trung hiện tại, một số cơ quan báo chí nhà nước, như Báo Thanh Niên Online kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng dành cho bà con miền Trung. Thế nhưng, một vài ý kiến trên trang fanpage chia sẻ rằng trong tình hình chung khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nên có thể sự giúp đỡ sẽ bị hạn chế so với những năm trước đây.
Trước hết không phải là chuyện giúp đỡ cho người dân, mà chính quyền phải có trách nhiệm là phải có ngân sách dành cho chuyện này. Nhưng họ lại vô trách nhiệm rồi. Và bây giờ, tiếng nói của người dân và áp lực của dư luận thì tôi nghĩ cũng chẳng thay đổi gì hết. Phòng, chống bão lũ, thiên tai thì nhà nước chỉ hô hào, tuyên truyền là chính còn đi vào phòng, chống thực sự thì không có. Chưa nói là chính họ cho phép làm thủy điện, làm mọi thứ như phá rừng…dẫn đến hậu quả gây ra lũ lụt, thiên tai. Cho nên, không hy vọng chi vào việc cải thiện bởi vì họ không có cái tâm. Họ làm chỉ để tuyên truyền và không thực tâm lo cho dân -Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng về những sự kêu gọi hảo tâm với tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong đợt bão lụt miền Trung năm nay, theo ghi nhận của ông sẽ như thế nào cũng như bản thân ông sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện đi giúp đỡ bà con miền Trung lần này hay không. Blogger Nguyễn Lân Thắng bày tỏ với RFA:
“Trước bối cảnh đó, thực ra trong suy nghĩ thì tôi cũng rất muốn góp sức bằng công việc cụ thể nào đó trong việc trợ giúp bà con. Nhưng quả thật là những thiên tai mà chúng ta nhìn thấy thì thật ra là nhân tai, là do sự quản lý yếu kém của hệ thống nhà nước này đối với thiên nhiên, đối với môi trường; đặc biệt trong việc xây dựng ồ ạt thủy điện. Do đó, trong bối cảnh cấp bách này thì việc cứu người thì tôi cũng không phản đối nhưng tôi cho rằng có những việc quan trọng hơn là việc phải làm sao phải để cho xã hội thay đổi và nhận thức của người dân thay đổi, mong muốn một nền chính trị thật sự ‘vì dân-do dân’ chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu ở ngoài đường. Đấy mới là việc quan trọng. Tôi nghĩ hôm nay giúp được người này, ngày mai giúp được người kia nhưng nguyên nhân gốc rễ của tất cả những thảm họa đó mà không xử lý thì đất nước vẫn cứ ngập lụt như vậy thôi.”
Trả lời câu hỏi liệu rằng Chính phủ Hà Nội sẽ lắng nghe hay không, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trình bày quan điểm cá nhân của ông:
“Trước hết không phải là chuyện giúp đỡ cho người dân, mà chính quyền phải có trách nhiệm là phải có ngân sách dành cho chuyện này. Nhưng họ lại vô trách nhiệm rồi. Và bây giờ, tiếng nói của người dân và áp lực của dư luận thì tôi nghĩ cũng chẳng thay đổi gì hết. Phòng, chống bão lũ, thiên tai thì nhà nước chỉ hô hào, tuyên truyền là chính còn đi vào phòng, chống thực sự thì không có. Chưa nói là chính họ cho phép làm thủy điện, làm mọi thứ như phá rừng…dẫn đến hậu quả gây ra lũ lụt, thiên tai. Cho nên, không hy vọng chi vào việc cải thiện bởi vì họ không có cái tâm. Họ làm chỉ để tuyên truyền và không thực tâm lo cho dân.”
Báo giới quốc nội, hồi năm 2019, dẫn lời của PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết ước tính năm 2010, diện tích đất-rừng bị mất do xây dựng công trình thủy điện ở Việt Nam vào khoảng 2.760km2; đến năm 2015, diện tích rừng bị mất lên đến hơn 5.300km2; và đến năm 2020 sẽ là trên 6.520km2. Và, theo thống kê cho thấy rừng bị tàn phá dẫn đến lũ lụt, lũ quét và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Tiến sĩ Lê Bắc Huỳnh nói rằng “các thủy điện khi lấn chiếm đất rừng thì phải trồng bù rừng. Nhưng, đất đâu mà trồng nữa?”
© RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét