Bị Mỹ gắn nhãn ‘thao túng tiền tệ’, Việt Nam phản ứng ra sao và cần làm gì? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Bị Mỹ gắn nhãn ‘thao túng tiền tệ’, Việt Nam phản ứng ra sao và cần làm gì?


Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.


Hôm 17/12, Việt Nam lên tiếng nói rằng chính sách điều hành tỷ giá thời gian qua “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, biện hộ cho các chính sách kinh tế vĩ mô của Hà Nội mà Washington gọi là “thao túng tiền tệ.”


Phản ứng của Việt Nam


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện “nghiêm túc” các cam kết song phương với Mỹ lẫn các cam kết đa phương mà Việt Nam tham gia.


Trang Thanh Niên dẫn lời bà Hằng nói: “Đối với Mỹ, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ thương mại, kinh tế với nước này và luôn duy trì đối thoại, tham vấn để duy trì, hài hoà lợi ích hai bên. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ trên nguyên tắc cân bằng hài hoà lợi ích”.



Cũng hôm 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định “việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, theo trang VNExpress.


Cùng ngày, ngân hàng trung ương của Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.


Trước đó, hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Chiếu theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí nên bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ. Ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sỹ cũng bị xác định thao túng tiền tệ.


Chuyên gia kink tế Việt Nam, tiến sĩ Ngô Trí Long ở Hà Nội nêu nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh điều ngược lại.


“Họ nói thao túng tiền tệ thì những dấu hiệu của nó là gì? Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó”.


Kết quả điều tra của Bộ Tài chính Mỹ


Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đôla, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.


Báo cáo dài 69 trang vào tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đã đáp ứng đủ cả ba tiêu chí này.


“Việt Nam đáp ứng tất cả ba tiêu chí theo Đạo luật năm 2015 trong bốn quý tính cho đến tháng 6/2020”, báo cáo viết, dẫn chiếu Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015.


Vẫn theo báo cáo, “Việt Nam đã quản lý chặt chẽ giá trị tiền đồng so với giá trị tiền đôla ở mức định giá thấp từ năm 2016. Việt Nam đã áp dụng nhất quán chính sách này trong cả hai giai đoạn áp lực tăng giá và giảm giá”.


Báo cáo cho biết thêm: “Trong Báo cáo 5/2019, Việt Nam đã đáp ứng hai trong ba tiêu chí, đó là thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ; và đến tháng 1/2020, lại đáp ứng thêm một trong ba tiêu chí nữa”.



Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm rằng thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng so với năm trước trong nửa đầu năm 2020, giúp đẩy thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.


Lời khuyên cho Việt Nam


Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ khuyên rằng Việt Nam cần khẩn trương tăng cường khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để tạo điều kiện cho việc chuyển động lớn hơn trong tỷ giá hối đoái để phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, đồng thời giảm can thiệp và cho phép tăng giá hiệu quả thực sự của tỷ giá hối đoái. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch về quản lý ngoại hối, can thiệp, cũng như dự trữ ngoại tệ.


Khuyến nghị của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trích báo cáo 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.


“Việt Nam cũng cần nỗ lực để giảm đáng kể sự mất cân đối bên ngoài và củng cố nhu cầu trong nước bằng cách san bằng sân chơi cho khu vực tư nhân trong nước thông qua các biện pháp như cải thiện khả năng tiếp cận đất đai và tín dụng, giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, và cải thiện giám sát tài chính để giúp tạo điều kiện cho vay có hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ khuyến nghị.


Hoa Kỳ cũng đề nghị rằng Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với các công ty Hoa Kỳ và hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giảm mất cân bằng thương mại song phương.


Đọc thêm »



© An Hải
    VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad