Dư án đập Luang Prang trên Mekong ở Lào. [Ảnh: Shutterstock]
- Việc xây đập bùng nổ ở Lào trong các thập niên gần đây – được tài trợ một phần bởi Trung Hoa, Malaysia và Thái Lan – khi họ kiếm tiền bằng nguồn năng lượng
- Nhưng các lo ngại về sinh thái, và ảnh hưởng đối với các cộng đồng địa phương, khiến cho những người vận động kêu gọi nghĩ lại việc tài trợ dự án đập Luang Prabang
Một nhóm dân sự Thái Lan đang yêu cầu các tổ chức tài chánh quốc gia ngưng cho vay trong việc xây cất dự án đập Luang Prabang dọc theo sông Mekong ở Lào, giữa các cảnh báo về nguy cơ môi trường tiêu cực của đập và tiềm năng dời cư nhiều gia đình trên sông và mất mát cuộc sống.
NGO Tài trợ Công bằng Thái Lan (Fair Finance Thailand) hồi đầu tháng đã kêu gọi một số tổ chức tài chánh, gồm có ngân hàng trung ương, ngưng cho vay cho đến khi một nghiên cứu khả thi được thực hiện về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ cho dự án, bắt đầu xây cất hồi năm ngoái, cũng như “ảnh hưởng xuyên biên giới”.
“Thái Lan không cần mua điện từ dự án,” nhóm cho biết trong một tuyên bố trong tuần trước. “Các tổ chức tài chánh Thái Lan sẽ đối mặt với nguy cơ liên quan đến môi trường, xã hội, địa chánh trị và tài chánh, nếu họ quyết định hỗ trợ dự án.”
Dự án đập Luang Prabang là dự án thủy điện mới nhất được Thái Lan tài trợ ở Lào và được phát triển bởi CH Karnchang, công ty của Thái Lan ở phía sau đập Xayaburi, cũng nằm ở Lào và bắt đầu hoạt động hồi cuối năm 2019. Các đối tác trong dự án gồm có công ty quốc doanh Điện Luang Prabang và Petro Vietnam Power, một công ty ở Hà Nội, Phairin Sohsai, nhà vận động của NGO International Rivers, là đồng minh của Fair Finance Thailand, cho biết.
Đập Luang Prabang, được mô phỏng từ đập Xayaburi, chỉ làm cho ảnh hưởng tiêu cực của các đập trên Mekong thêm tồi tệ, Phairin nói.
“Ảnh hưởng sinh thái của đập Xayaburi… là phù sa của sông bị chận lại đến nỗi Mekong biến thành xanh trong,” cô nói. Sông thường đục ngầu, một dấu hiệu của sự lành mạnh và mang chất dinh dưỡng xuống đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở miền nam Việt Nam.
“Các tỉnh của Thái Lan dọc theo Mekong cũng chịu hạn hán nặng nề vì mực nước thấp” do một số đập ở thượng lưu giữ lại dòng chảy, cô nói.
Thái lan cần điện
Thái Lan đã mua điện từ các đập của Lào trên 2 thập niên khi Lào cố gắng kiếm tiền từ nguồn năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng các dự án thủy điện ở Lào đã trở thành một đề tài gây tranh cãi trong những năm gần đây khi các cộng đồng dựa vào sông Mekong thường bị dời cư, nhiều lúc không được bồi thường, hay bị tước mất cuộc sống vì ảnh hưởng tiêu chực của việc xây đập.
Thái Lan đã có các thỏa thuận mua điện từ đập Xayaburi và Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, cùng với hàng chục thỏa thuận với các đập khác của nước nầy, mặc dù Cơ quan Phát điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) chưa đạt thỏa thuận với đập Luang Prabang.
Courtney Weatherbay, một phân tích viên của Trung tâm Stimson ở Washington, nói rằng các công ty Thái liên quan đến việc phát triển của khoảng 2/3 tổng công suất hiện nay của Lào, và rằng khoảng 60% điện từ các dự án thủy điện đại qui mô dự trù xuất cảng được bán cho Thái Lan.
Nhưng vì đại dịch coronavirus, làm cho GDP của Thái Lan giảm 6,1% hồi năm ngoái, nước nầy nay có thừa công suất và dự trữ, cô nói.
Sông Mekong dài 4.350 km và các phụ lưu hỗ trợ cho khoảng 70 triệu người từ Trung Hoa đến điểm cuối trong ĐBSCL ở Việt Nam, nhưng việc phát triển đập trong những năm gần đây đã đe dọa đến an ninh lương thực và hệ sinh thái. Tính đến năm 2019, 89 dự án thủy điện đã hoạt động dọc theo hạ lưu Mekong, 65 trong số đó ở Lào. Ba mươi đập khác đang được dự trù, theo Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một tổ chức liên chánh phủ dược thành lập bởi Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Danny Marks, một phụ tá giảng sư về chánh trị và chánh sách môi trường ở Đại học thành phố Dublin, nói nhu cầu điện phóng đại của Thái Lan và hầu hết các hoạt động kinh tế, nhất là trong vùng đô thị như Bangkok, đã có được với cái giá của cuộc sống và hệ sinh thái ở Lào.
“Sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và cuộc sống đã bị ảnh hưởng bất lợi,” Marks nói. “Nhiều người Lào, nhất là ở vùng nông thôn, chưa được hưởng lợi ích từ các đập mới,” và sự đóng góp của đập vào tăng trưởng GDP của Lào không cứu xét đến bất bình đẳng kinh tế và thiệt hại môi trường,” ông nói.
“Nhiều người Thái không biết hay không quan tâm về ảnh hưởng của các đập do Thái bảo trợ ở Lào,” Marks, đồng tác giả của nghiên cứu năm 2019 Mạch điện: bất công môi trường từ các khu mua sắm ở Bangkok đến các đập thủy điện ở Lào (Circuits of Power: environmental injustice from Bangkok’s shopping malls to Laos’ hydropower dams).
Người dân di chuyển dọc theo sông Mekong bằng thuyền ở Phnom Penh, Cambodia. [Ảnh: EPA-EFE]
Các cộng đồng Thái địa phương ở bắc và đông bắc, tuy nhiên, biết được cường độ của việc phát triển thủy điện trên Mekong, và đã đứng cùng phía với các NGOs trong việc chống lại vài dự án đập. Dự án đập Sanakham do Trung Hoa tài trợ đã bị chống đối mạnh mẽ bởi các cộng đồng Thái dọc theo sông Mekong vì nó nằm gần với Thái Lan. Nó chỉ cách tỉnh Loei ở vùng đông bắc một vài km.
Đập đang được phát triển bởi mợt chi nhánh của Phát Điện Quốc tế Datang (Datang International Power Generation), một công ty quốc doanh của Trung Hoa, và sẽ được hoàn tất vào năm 2028. Trong tháng 11, chánh phủ Thái nói rằng họ sẽ không mua điện của đập nếu việc điều hành của nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái Mekong.
Vào lúc đó, các đập ở Lào đã hoạt động nhiều tháng, nếu không phải nhiều tuần, cách nhau. Đập Xayaburi hoạt động trong tháng 10 năm 2019 và đập Don Sahong, được Mega First Corporation Berhad của Malaysia tài trợ, hoạt động trong tháng 1 năm 2020. Cả hai gặp phải sự chống đối của các cộng đồng dọc theo Mekong.
“Mặc dù xã hội dân sự đã tổ chức các sự kiện và biểu tình chống lại đập ở Lào, chánh phủ Lào vẫn không do dự và tiếp tục xây đập thủy điện,” Marks nói.
Đa dạng hóa điện
MRC đã cảnh báo rằng một vụ vỡ đập Luang Prabang, được dự trù hoạt động vào năm 2027, có thể đưa đến lũ lụt và thiệt hại nhân mạng ở thành phố Luang Prabang, một Khu Di sản Thế giới và địa điểm du lịch phổ biến chỉ cách đập 25 km về phía hạ lưu.
Để giảm nhẹ các ảnh hưởng môi trường và xã hội của các dự án đập ở Lào, Weatherby, phân tích viên của Trung tâm Stimson, đề nghị rằng “các đối tác phát triển quốc tế có thể cộng tác với Lào để xác định và đầu tư vào các lực chọn năng lượng tái tạo thay thế ít gây tranh cãi hơn các đập Mekong, để bổ sung cho việc sản xuất thủy điện hiện nay và đa dạng hóa “sự pha trộn điện” của Lào.
Weatherby nói, ngoài việc tìm nguồn năng lượng thay thế để giảm lệ thuộc vào năng lượng thủy điện, việc điều hành các đập khác nhau trên Mekong phải được quản lý tốt hơn.
“Chuỗi đập quan trọng của Trung Hoa trên thượng lưu Mekong có sức chứa khổng lồ - 2 đập lớn nhất, Xiaowan (Mạn Loan) và Nuozhadu (Nọa Trát Độ), có thể chứa khoảng 40 tỉ m3 nước, cô nói. “Có thêm nhiều đập chứa nước ở Lào, và cần phải minh bạch hơn về các chuỗi đập hoạt động trong Mekong.”
Trong tháng 1, Trong Hoa thông báo cho 4 quốc gia hạ lưu Mekong rằng lượng nước từ đập Jinghong (Cảnh Hồng), 1 trong 11 đập ở thượng lưu Mekong, sẽ được giới hạn theo sau một thỏa thuận hồi năm ngoái giữa Trung Hoa và MRC để chia sẻ dữ kiện mưa và mực nước.
Nhưng, Weatherby nói, “có thêm tin tức về hoạt động của chuỗi đập Trung Hoa ở thượng lưu sẽ giúp tiên đoán ảnh hưởng đối với các cộng đồng từ Tam giác Vàng đến Vientiane”.
© Jitsiree Thongnoi
Bình Yên Đông
lược dịch
Nguồn: Jitsiree Thongnoi - Thailand NGO seeks halt to Mekong dam project in Laos, as threat to Asean’s most vital waterway grows | South China Morning Post – 19 February 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét