30 tháng 4 và tâm tình người Việt - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

30 tháng 4 và tâm tình người Việt


Hình minh họa: 30 tháng 4 và tâm tình người Việt


Tôi không muốn nhắc đến cái mốc này trên nghĩa yêu thương, hạnh phúc hay thù hận, đau khổ, may mắn, tự do hay đày đọa, ngục tù nữa. Bởi chuyện này người khác đã nói nhiều, đau khổ nhiều, hạnh phúc, hí hửng trên nỗi đau của đồng loại cũng nhiều, nhắc thêm nữa, chỉ tổ thêm buồn thôi. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là tâm tình, tâm tính người Việt trước mốc sự kiện lịch sử này. Và, trên hết là do đâu dẫn đến mốc sự kiện này (xét trên góc độ tâm tình/tâm tính) và người Việt cho đến lúc này, là tuýp người như thế nào?


Thực tình, nói về người Việt (trong đó gồm người viết bài này và rất nhiều anh chị em bằng hữu), có thể nói rằng người Việt khá đặc biệt, đặc biệt bởi có thể tốt đến mức cuối cùng và xấu đến mức tận đáy cũng trong cùng một con người, đặc biệt vì có thể bao dung, vị tha và thanh liêm đến mức không thể nào hơn nhưng cũng tham lam vô độ, bất chấp và sẵn sàng ung dung trên nỗi đau đồng loại cũng chính trong một con người, đặc biệt đến mức có thể làm thánh nhân và kẻ giết người trong chốc lát.



Sở dĩ người Việt trở nên như vậy bởi người Việt thiếu hẳn khả năng trung tính. Và cứ nhìn vào bất kì nơi nào, lĩnh vực nào, chỉ cần có một người thành công, có uy tín trong lĩnh vực đó thì bạn có thể tin chắc rằng đó là một người Việt giữ được khả năng trung tính. Với người Việt, khả năng trung tính như một thứ của báu trời đất ban cho, trong khi đó, với các dân tộc khác, khả năng trung tính có sẵn trong máu.


Người Việt thiếu khả năng trung tính nên luôn hướng đến một thứ gì đó vượt ngoài chính mình, khả năng kiềm chế hay khả năng giữ thăng bằng tâm lý, tư tưởng, tình cảm rất kém. Chính vì kém các khả năng trên nên người ta có thể nóng giận, thậm chí đạp đổ một cách dễ dàng và dễ bị dỗ ngọt. Một khi dễ bị dỗ ngọt thì khả năng phản phé xuất hiện, người ta sẵn sàng bỏ qua mọi ràng buộc về lòng trung thành và danh dự, lý tưởng để nghe theo một ai đó rỉ tai dỗ ngọt về một tương lai tốt hơn thực tại. Chính vì vậy mà không ít người vợ Việt sẵn sàng bỏ chồng con đi theo đàn ông Trung Quốc, theo đàn ông giàu có, không ít người làm nhân viên sẵn sàng bỏ ông chủ từng một thời vào sinh ra tử với mình, thậm chí cứu mạng gia đình mình, và ngược lại, không ít ông chủ sẵn sàng ném nhân viên của mình ra ngoài lề quyền lợi một khi mọi thứ đã có trong tay. Nói xa hơn một chút, không ít người Việt đã ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản mặc dù họ chưa biết gì về Cộng sản và trả giá cho việc này là sau 30 tháng 4 năm 1975, họ đã sáng mắt, tá hỏa nhận ra mình sai lầm, nhưng chuyện đã quá muộn màng.


Mãi cho đến bây giờ, sự mất trung tính của người Việt không những chắng giảm bớt mà con tăng cao, do cơn gió vật dục, do những trận gió xã hội hóa và do những trận gió quyền lực xô dạt mọi thứ. Người Việt đi từ chỗ mất trung tính với người khác đến chỗ mất trung tính với bản thân và máu mủ, ruột thịt. Người Việt sẵn sàng bán đồng loại mình cho kẻ giết người lấy nội tạng, người Việt mang thai đi bán con, người Việt giết anh em, ruột thịt chỉ vì mấy tấc đất xê dịch… Khi nói đến những cái xấu, sự ghê rợn, dường như không thiếu ở người Việt. Thế nhưng khi nói đến lòng bao dung, chia sẻ với đồng loại, người Việt cũng không thiếu. Lấy đợt dịch Covid-19 và những đợt thiên tai, lũ lụt trong nhiều thập kỉ qua để đánh giá, có thể nói rằng hiếm có quốc gia nào, dân tộc nào có tình đồng loại hơn người Việt, tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của người Việt khiến cho thế giới ngỡ ngàng và cảm phục.



Nghiệt nỗi, cái gì tốt đẹp thì nhắc tới người Việt mà cái gì xấu xa cũng nhắc tới người Việt đầu tiên. Đây là bi kịch của một dân tộc. Một dân tộc cần được giải phóng đúng nghĩa về mặt tư tưởng và nhân tính nhưng tiếc thay, cả hai mặt này chưa bao giờ được giải phóng mà luôn chịu trận qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỉ, mọi thứ chỉ là ước mơ và quyền lực bao giờ cũng thuộc về tay kẻ biết khéo léo dụ dỗ. Kết cục là Việt Nam càng lúc càng lún sâu vào văn minh hái lượm trong một bộ dạng hiện đại và năng động. Vì sao?


Bởi cho đến lúc này, sự phát triển thái quá về vật dục trong các chương trình phát triển nóng, bất chấp tài nguyên, môi trường, cảnh quan và lịch sử đã nhanh chóng đẩy dân tộc vào guồng máy phát triển với tốc độ chóng mặt để truy tìm vật chất, thủ đắc vật chất và đạp lên nhau, chống cự nhau, tị nạnh nhau, thậm chí tiêu diệt nhau để thủ đắc vật chất. Vật chất được xem là thước đo giá trị xã hội của cá nhân và tập thể. Một người có văn hóa không bằng một người có xe hơi, một nhà hiền triết không bằng cái móng tay của kẻ có tiền, đó là phép đối đãi hiện thời. Và điều này nhanh chóng đẩy xã hội đến thứ văn minh hái lượm, thay vì ngày xưa người ta hái lượm tự nhiên thì bây giờ hái lượm vật dục thông qua công nghệ và kĩ nghệ. Tính người bị giảm thiểu, và tính người càng giảm thiểu bao nhiêu thì danh nghĩa dân chủ, văn minh, tự do và tiến bộ càng bị lạm dụng, mượn làm bình phong bấy nhiêu.


Con người, đặc biệt con người Việt Nam, cho đến lúc này, gồm cả trong nước và bên ngoài, dường như quen với lối hành xử văn minh hái lượm hơn là lối hành xử của văn minh công nghệ tiến bộ, của thứ văn hóa đỉnh cao mà con người đang cố vượt chạm. Bởi phát triển nóng, mọi công trình hay dự án đều dựa vào lợi nhuận, cho dù đó là lợi nhuận ảo và dựa vào quyền lực phe cánh, lợi ích nhóm để tiến hành nên nó đương nhiên đạp qua mọi lý lẽ, đạp qua mọi sự hiểu biết về nhân tính và đạp qua mọi giá trị lương tri để đạt mục đích. Nếu xét về vật dục, nhìn mọi thứ hào nhoáng mà nó thủ đắc sẽ khiến người ta mất tự tin về thân phận nhưng nhìn về căn cốt, tâm hồn hay tư tưởng thì nó chẳng khác gì khối bê tông vô tri, vô nghĩa.



Khi chính sách kinh tế vĩ mô luôn cổ súy cho thứ văn minh hái lượm và đánh đổi nó bằng các giá trị vật dục, giá trị tinh thần và lương tri dần bị triệt tiêu, thì đương nhiên, khả năng giữ trung tính của con người cũng sẽ dần mất đi, thậm chí bị tổn thương trầm trọng, dẫn đến tình trạng biến thái tập thể về mặt tâm hồn. Và những gì đang diễn ra trên đất nước này đã chứng minh điều đó. Và, ngày 30 tháng 4, phải chăng là cái ngày nhắc cho dân tộc này nhớ đến một câu chuyện khác, một tình tự khác về sự mất trung tính của tập thể và bản thân? Bởi mất khả năng trung tính nên thù hận không bao giờ dứt bỏ được, bởi mất khả năng trung tính nên sự hí hửng, tự kiêu tự đại về một thứ chiến thắng ảo giác chẳng bao giờ rời xa. Và hố thẳm của thù hận ngày càng giãn rộng giữa lòng một dân tộc đã đánh mất khả năng trung tính?!


Câu chuyện còn rất dài, một lát cắt nhỏ chỉ thêm buồn, nhưng dẫu sao cũng chấp nhận nhìn vào sự buồn của mình mà… may ra!


   Mời xem thêm »



© Viết Từ Sài Gòn
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad