Năng lực lãnh đạo và việc giải quyết tiếng ồn tại địa phương quản lý - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Năng lực lãnh đạo và việc giải quyết tiếng ồn tại địa phương quản lý


Ăn uống và hát karaoke tại nhà.



Vấn đề nóng

Tại buổi họp về tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn thành phố hôm 26 tháng Tư vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan đề nghị xử lý những người đứng đầu ở địa phương nếu không giải quyết được tiếng ồn trong thành phố.

Ông Hoan nhấn mạnh: “Qua kiểm tra, xử lý mà các đồng chí thiếu kiên quyết, thiếu chủ động, thiếu quyết tâm xử lý thì tôi đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ở phường là chủ tịch phường, ở quận là chủ tịch quận. Việc này nhỏ mà làm không xong thì không nên làm chủ tịch phường, chủ tịch quận. Chuyện nhỏ mà làm không xong thì sao làm chuyện lớn được.”


Một trong những dạng được gọi ‘ô nhiễm tiếng ồn’ là do các gia đình sử dụng máy hát karaoke di động một cách tràn lan, bất kể giờ giấc khiến nhiều người bức xúc. Viêc xử lý tiếng ồn là điều cần thiết phải làm, nhưng dường như phía Chính quyền chưa giải quyết được. Người dân vẫn phải ngày đêm chịu đựng và tự tìm cách bảo vệ mình.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường nhận định:

“Các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học…tác động đến sức khỏe con người đều được gọi là ô nhiễm. Tiếng ồn được coi là một yếu tố vật lý gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị lớn là một trong các vấn đề chính, vấn đề lớn.

Khi chất lượng cuộc sống cao hơn thì Chính phủ và các bộ, ngành có những yêu cầu khắt khe hơn thì có thể giải quyết được nhưng không thể trong một, hai năm mà xong. Người dân thì có nhiều cách để tự bảo vệ mình trước như che chắn nhà cửa, ra đường thì có thiết bị che tai…”


Tiếng ồn bây giờ là từ các phương tiện như xe máy, xe ô tô. Cái rất dở của người Việt là xe máy, xe ô tô bấm còi inh ỏi cả khi đang dừng đèn đỏ lẫn lúc đang kẹt xe. Làm sao người ta có thể tránh xe trong những tình huống như vậy? Đó là một thói quen rất xấu của người Việt Nam. - Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở TP.HCM


Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở TP.HCM, trình bày rõ thêm về các dạng gây ồn ở Việt Nam hiện nay:

“Tiếng ồn chủ yếu là từ các phương tiện giao thông. Khoảng 10 năm trước đây, các nhà máy còn xen lẫn với các khu dân cư. Bây giờ hầu hết đã được chuyển vào các khu công nghiệp rồi.

Tiếng ồn bây giờ là từ các phương tiện như xe máy, xe ô tô. Cái rất dở của người Việt là xe máy, xe ô tô bấm còi inh ỏi cả khi đang dừng đèn đỏ lẫn lúc đang kẹt xe. Làm sao người ta có thể tránh xe trong những tình huống như vậy? Đó là một thói quen rất xấu của người Việt Nam.”


Theo Tạp chí Sức khỏe và Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người. Tiếng ồn gây ra những rối loạn cơ thể như giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh đường tiêu hóa, nhược dương, rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, thay đổi chức năng miễn dịch, dị dạng thai nhi…


Trẻ em học tập trong những môi trường ồn ào sẽ bị nghèo nàn về từ ngữ cũng như kỹ năng nhận thức bị hạn chế, kỹ năng viết cũng bị hạn chế.

Giải pháp

Vào chiều 19 tháng Ba năm 2021, ông Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn. Theo đó, trong thời gian từ 25 tháng ba đến 30 tháng sáu, cả thành phố sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở. Cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm bắt đầu từ ngày 30 tháng sáu.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ có Công văn số 1207 đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bổ sung nội dung chấp hành các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư vào nội dung đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đại diện và quản lý doanh nghiệp hàng năm.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ nêu quan điểm của ông về giải pháp xử lý tiếng ồn trong các đô thị lớn:

“Giải pháp bây giờ là cấm, xử phạt và quy định thời gian. Đối với tiếng ồn do các nhà máy gây ra thì có rất nhiều cách giải quyết như che chắn, lắp đặt hệ thống chống ồn, bảo trì thiết bị để giữ tiếng ồn nhỏ. Tiếng ồn do giao thông thì khó hơn nhưng cũng có giải pháp, chẳng hạn như ráp thiết bị cho ống xả để giảm tiếng ồn. Xe nào ồn quá sẽ không cho lưu hành.

Bằng nhiều biện pháp trong quản lý có thể giảm tiếng ồn, nhưng giải pháp phải đồng bộ thì mới được, chứ chỉ về mặt kỹ thuật thì không đủ.

Thứ nhất là phải có quy định luật pháp nghiêm minh. Thứ hai là phải có chế tài, tức là kiểm tra, xử phạt. Thứ ba là nâng cao nhận thức cho người dân. Thứ tư là giải pháp liên quan kỹ thuật như tường chống ồn, hệ thống giảm thanh, che chắn…”


Bằng nhiều biện pháp trong quản lý có thể giảm tiếng ồn, nhưng giải pháp phải đồng bộ thì mới được, chứ chỉ về mặt kỹ thuật thì không đủ. - PGS-TS Phùng Chí Sỹ


Dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những quy định xử phạt hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép, nhưng dường như không hiệu quả. Đã có kiến nghị sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, bổ sung quy định về trang bị, phương tiện đo độ ồn cho lực lượng thanh tra chuyên ngành về môi trường.


Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 và Nghị định 167/2013 của Chính phủ không còn phù hợp do mức xử phạt quá nhẹ, chỉ từ 100.000-300.000 đồng cho một lần vi phạm, và chỉ xử phạt từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Các khung giờ khác đang bị bỏ ngỏ.

Thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong khoảng thời gian 40 ngày, từ ngày 10 tháng Ba đến ngày 19 tháng Tư năm 2021, có 1.061 tin phản ánh liên quan tiếng ồn. Điều đáng nói là có tình trạng thông tin của người phản ánh tiếng ồn bị tiết lộ cho hàng xóm, người sinh sống gần đó dù trước đó họ đã có yêu cầu bảo mật.

Với tư cách là một người dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Quang nêu ý kiến:

“Theo tôi, một khi trình độ dân trí kém thì phải có ‘roi vọt’. ‘Roi vọt’ có nghĩa là phải phạt nặng chứ không thể nói suông. Một mặt là phải tuyên truyền, giáo dục, Nói cho người ta hiểu để họ dần dần thay đổi thói quen xấu. Bên cạnh đó là phải chế tài. Ví dụ muốn hát karaoke thì vào nhà hát, đóng cửa lại. Nếu gây tiếng ồn sẽ bị phạt. Ngoài đường thì có những tấm pano tuyên truyền thật to với những câu nói ấn tượng tác động vào trực quan người dân.

Nói chung, đó là việc trong tầm tay chính quyền. Họ có đủ biện pháp để làm. Chỉ có điều là họ có làm hay không mà thôi.”


Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, vũ trường, quán bar,…; từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn; từ các hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát trong tiệc cưới, lễ tang,…; từ siêu thị, chợ, công viên…


   Mời xem thêm »



© Diễm Thi
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad