Ảnh hưởng gia tăng của quân đội lên thượng tầng chính trị Việt Nam - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Ảnh hưởng gia tăng của quân đội lên thượng tầng chính trị Việt Nam


Đảng cộng sản Việt Nam luôn duy trì vai trò quan yếu của quân đội. Tuy nhiên, vai trò của quân đội có lúc rõ mạnh, lúc giảm bớt qua từng thời kỳ, là nhận định của chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á, Viện Yusof Ishak ISEAS ở Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, trong bài nghiên cứu gần đây của ông có tên “Tầm ảnh hưởng của quân đội lại tăng lên ở Việt Nam” sau Đại Hội XIII.




Trả lời cuộc phỏng vấn với RFA, trước hết tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích vị thế Quân Đội Nhân Dân Việt Nam từ 2001 cho đến Đại Hội XIII năm 2021:


TS Lê Hồng Hiệp: Thực tế, Quân Đội Nhân Dân đã đóng một vai trò quan trọng trong môi trường chính trị Việt Nam, không những hiện tại mà từ trước tới nay, kể từ khi Đảng Cộng sản (ĐCS) lên nắm quyền.


Trong lịch sử, từ năm 1945 và qua các kỳ Đại hội khác nhau của ĐCS Việt Nam, các đại diện của quân đội thường có một số ghế nhất định được dành sẵn trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị. Số đại biểu này thường là có số lượng lớn hơn trong giai đoạn chiến tranh hoặc trong giai đoạn căng thẳng an ninh quốc gia, ví dụ những năm 1980 chẳng hạn.



Nếu nhìn vào số Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng trước đây thì chúng ta thấy trước 2001, tức trước Đại Hội IX, thông thường là ít nhất 2 đại biểu quân đội trong Bộ Chính trị. Nhưng có lẽ do sự thay đổi tình hình sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia, rồi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rồi tiến hành tập trung đổi mới thời kỳ 1986 đến nay, thì vấn đề an ninh quốc gia hay quốc phòng giảm bớt. Chính vì vậy tiếng nói cũng như mức độ đại diện của bên quân độ trong thượng tầng cấu trúc chính trị Việt Nam có sự giảm sút. Từ 2001 đến nay thường là chỉ có một đại diện quân đội được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), điều này được duy trì mãi cho tới Đại Hội XIII vừa rồi.


Thanh Trúc: Thưa Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, phải chăng ông muốn nói tới sự thay đổi sau Đại hội XIII, khi Thượng tướng Phan Văn Giang được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng, và Đại tướng Lương Cường có nền tảng Tổng cục trưởng Tổng Cục Chính trị, cũng được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ?


Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường là dấu hiệu cho thấy có sự “Tái gia tăng ảnh hưởng của Quân đội trong thượng tầng cấu trúc chính trị của Việt Nam”


Theo tôi thì có hai lý do cơ bản. Thứ nhất, căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng thời gian qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây, đã giúp làm tăng vai trò và tiếng nói của quân đội. Chúng ta đều biết bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc là là một trong những vấn đề nòng cốt trong tính chính danh của ĐCSVN. Chính vì vậy mỗi khi đất nước đối diện với các thách thức về quốc phòng về an ninh, hiện tại khi mà mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng thì tiếng nói và vai trò của quân đội sẽ gia tăng.


Tướng Phan Văn Giang kiểm tra đội danh dự trước chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tới Hà Nội hôm 11/5/2019. Reuters


Thứ hai, trong thời gian qua thì quân đội cũng có những sự đóng góp càng ngày càng tăng vào việc phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua các khu vực kinh tế quốc phòng vùng biên giới xa xôi. Thứ hai là thông qua các doanh nghiệp Nhà Nước do quân đội điều hành. Đặc biệt ở đây tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Viettel, một tập đoàn lớn có sự đóng góp quan trọng cho phát triển trong lãnh vực công nghệ cao. Báo chí cũng thường nhắc tới vai trò của Viettel là người đi đầu trong việc phát triển năng lực 5G chẳng hạn.


Đây là hai yếu tố có thể giúp cho vai trò của quân đội lên tới đỉnh điểm trong Đại Hội XIII, khi mà không chỉ là hai tướng được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu tiên trong 20 năm, mà đại diện quân độ trong Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng từ 20 người của Đại Hội XII đã tăng lên thành 23 trong Đại Hội XIII lần này.



Thanh Trúc: Xin ông phân tích thêm về điều ông đã nói trong bài nghiên cứu, vào khi Hà Nội tỏ dấu hiệu quan ngại về tình hình Biển Đông và an ninh nói chung, thì với tỷ lệ 12,8%, là khối đại biểu lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam sẽ củng cố vai trò và tiếng nói ít nhất trong vòng 5 năm tới?


TS Lê Hồng Hiệp: Ở đây có hai xu hướng. Một mặt thì khi mà tiếng nói của quân đội lớn hơn, mạnh hơn trong các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì có thể có xu hướng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn về mặt chính sách ứng phó với Trung Quốc. Mặt khác, có thể do bản chất của quân đội là trực tiếp tham gia việc chống lại các mối đe dọa trên thực địa, nên họ có thể làm mọi cách để làm sao có thể ngăn ngừa xung đột xảy ra. Tại vì bản thân quân đội, trong quá trình lịch sử, từng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc chiến tranh trước đây và cũng đã chịu nhiều tổn thất.


Thêm vào đó, hiện Việt Nam đang ưu tiên việc duy trì hòa bình, ổn định để phục vụ cho phát triển trong nước. Điều này sẽ dẫn tới xu hướng là phía quân đội có thể ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn về mặt chính sách nhưng trên thực địa thì lại mềm dẻo, kiên trì, kềm chế để làm sao có thể ngăn ngừa căng thẳng hay khủng hoảng leo thang thành xung đột. Điều này cũng dẫn tới chỉ trích từ một số nhà quan sát. Tuy nhiên, theo tôi, trong bối cảnh hiện tại thì có thể hiểu được cách tiếp cận như vậy. Trong thời gian tới, như tôi vừa nói, cách tiếp cận như vậy có thể tiếp tục được duy trì. Chính vì vậy có sự mâu thuẫn nhất định trong quan điểm cũng như cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông của Việt Nam nói chung cũng như phía quân đội nói riêng.


Thanh Trúc: Từ điều ông vừa trình bày thì xin được hỏi tiếp khi nâng tầm mức ảnh hưởng của quân đội bên trong Bộ Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN thì có gây trở ngại cho công cuộc cải tổ chính trị hay tiến trình đổi mới kinh tế mà Việt Nam vẫn nhắm tới?


TS Lê Hồng Hiệp : Từ năm 1986 đến nay thì chủ trương nhất quán của ĐCSVN là ưu tiên đổi mới kinh tế theo hướng thị trường. Còn đổi mới chính trị thì rất dè dặt theo xu hướng không phải để thúc đẩy tự do hóa hay dân chủ hóa mà là để nâng cao hiệu quả của bộ máy chính trị. Với sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội thì tôi nghĩ cách thức đấy sẽ được duy trì trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, như tôi đề cập trong bài, do nhận thức về an ninh được đề cao, cũng có thể có xu hướng là một số chính sách kinh tế sẽ được thay đổi theo hướng an ninh hóa. Có nghĩa rằng do những lo ngại về an ninh họ có thể đưa vào một số qui định để mà điều chỉnh các hoạt động kinh tế theo hướng đảm bảo an ninh quốc phòng.


Hình ảnh. Quân đội đứng canh bên ngoài nơi diễn ra Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP


Về mặt tổng thể thì điều này tôi nghĩ cũng hợp lý trong bối cảnh mà bên ngoài có thể lợi dụng hoạt động kinh tế đề thách thức hay phá hoại an ninh và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.


Tuy nhiên nếu chú trong quá mức vào mặt an ninh trong khi các mối đe dọa thực tế không lớn như người ta nghĩ, thì có thể dẫn đến tình trạng là các tư duy an ninh đấy sẽ chèn ép, hạn chế và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về lâu về dài.


Thanh Trúc: Xin tiến sĩ vui lòng cho một thí dụ rõ hơn?


TS Lê Hồng Hiệp: Tôi có thống kê trong Luật Đầu Tư 2020 thì cụm từ ‘quốc phòng’ được nhắc tới 12 lần, tức là gấp đôi so với Luật Đầu Tư 2014, nó phản ảnh cái tư duy an ninh hóa ngày càng tăng. Trong hoạt động kinh tế, đặc biết các dụ án có đầu tư nước ngoài hay việc mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, Luật quy định hoạt động ấy không phương hại an ninh quốc gia, quốc phòng, cần được xem xét thông qua bởi bên quân đội cũng như bên an ninh. Quy định này theo tôi hiểu cũng có một số phản ánh, phàn nàn của một số nhà đầu tư vì quá trình xin phép của họ bị trở ngại, bị ách tắc, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư và hoạt động phát triển kinh tế của Việt Nam.



Thanh Trúc: Việt Nam liệu có thể khắc phục những trở ngại vừa nêu mà có thể tránh gây ra tranh chấp, thưa Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp?


TS Lê Hồng Hiệp: Để mà khắc phục thì Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn, giúp định rõ thế nào gọi là các dự án kinh tế có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, khu vực đất đai nào cần phải xem xét, cần phải được sự phê duyệt từ Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An.


Làm sao mà đơn giản hóa, minh bạch hóa để quá trình cấp phép nhanh chóng và thuận lợi hơn. Còn nếu vẫn còn có sự mù mờ, các địa phương không biết cách thế nào để mà phân oại các dự án, thì sự trì trệ về lâu dài sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư, làm chậm tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Đấy là những tác động tương đối theo hướng không được tích cực trong vấn đề có sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội cũng như cái tư duy an ninh ngày càng chiếm ưu thế lớn hơn.


Thanh Trúc: Xin cảm ơn chuyên gia Đông Nam Á Lê Hồng Hiệp về bài phỏng vấn hôm nay.


   Mời xem thêm »



© Thanh Trúc
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad