Mối đe doạ từ các căn cứ quân sự bên ngoài của Trung Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Mối đe doạ từ các căn cứ quân sự bên ngoài của Trung Quốc


Hình chụp hôm 1/8/2017: Quân đội Trung Quốc dự lễ khai trương căn cứ quân sự của TQ ở Djibouti, Châu Phi. AFP

Mới đây quân đội Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một cầu tàu dài hơn 330 m tại căn cứ hải quân nước ngoài duy nhất của họ ở Djibouti bên bờ eo biển Bab el-Mandeb thuộc Đông Phi.

Việc hiện đại hóa cảng này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp nhận các tàu sân bay cũng như phục vụ các tàu đổ bộ tấn công đa năng Type 075 mới, sẽ sớm chiếm vị trí then chốt trong các hoạt động trên bộ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Đồng thời, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một bến tàu hoặc cầu cảng thứ hai để gia tăng khả năng cho căn cứ hải quân của mình.

Tất cả các hoạt động này có khả năng cho phép Hải quân PLA triển khai sức mạnh của mình bên ngoài các khu vực hoạt động truyền thống ở Biển Đông và biển Hoa Đông, qua đó nâng cao đáng kể vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.



Công cụ gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu

Trung Quốc đang thảo luận về các phương án xây dựng và vận hành căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của nước này trên toàn thế giới. Họ không chỉ tính đến vị thế của mình trong tương lai, mà còn tính đến các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng khu vực.

Nền tảng để PLA mở rộng sự hiện diện ở các quốc gia khác là mạng lưới logistics thương mại, được các công ty tư nhân và nhà nước của Trung Quốc xây dựng thông qua việc thực hiện các dự án của riêng của họ, hoặc qua việc mua sắm, thuê dài hạn và sử dụng chung các cảng biển, sân bay và cơ sở vật chất sẵn có.

Nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu do Hải quân PLA gánh vác, do đó họ có cơ hội tiến hành các hoạt động bên ngoài phạm vi truyền thống, vốn tương đối gần bờ biển Trung Quốc.

Trung Quốc cần các căn cứ ở nước ngoài chủ yếu để đảm bảo an ninh cho các tuyến thương mại đường biển và chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Điều này tạo ra mối liên kết không thể tránh khỏi giữa hiện diện quân sự của Bắc Kinh với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Hình minh hoạ. Binh lính TQ tham lực lượng gìn giữ hoà bình của UN ở Châu Phi. AFP

Ngoài ra, các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài còn có chức năng hỗ trợ hậu cần cho hoạt động chống cướp biển, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình và các sứ mệnh nhân đạo, bao gồm cứu trợ thiên tai và các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh như sơ tán dân thường và cứu hộ.

Mục đích của tất cả những điều này là nhằm nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, và về lâu dài sẽ cho phép Bắc Kinh gia tăng sức ảnh hưởng trên thế giới.

Trung Quốc đã chính thức thành lập căn cứ ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti vào tháng 8/2017, với chi phí xây dựng ban đầu khoảng 590 triệu USD. Căn cứ này do Hải quân PLA vận hành với mục đích chính là hỗ trợ hậu cần cho quân đội Trung Quốc ở vịnh Aden và Biển Đỏ, cũng như phục vụ các hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo ở châu Phi.

Vị trí chiến lược của căn cứ hải quân này mang lại cho Trung Quốc chỗ đứng vững chắc ở Tây Ấn Độ Dương. Như vậy, Bắc Kinh đang tìm cách bảo vệ các tuyến vận tải thương mại chính, vốn vận chuyển phần lớn năng lượng nhập khẩu và hàng hóa của Trung Quốc trên biển.

Sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc ở Djibouti, trong trường hợp cần thiết, sẽ gia tăng đáng kể khả năng của Bắc Kinh trong việc bảo vệ các khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng trong khu vực, cũng như đảm bảo an ninh cho khoảng một triệu công dân Trung Quốc ở lục địa châu Phi và 500.000 người khác ở Trung Đông.

Căn cứ tiếp theo sẽ nằm ở đâu?

Kể từ khi Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở Djibouti, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Trung Quốc đã cố gắng suy đoán xem thành trì chiến lược tiếp theo của Bắc Kinh ở nước ngoài sẽ nằm ở đâu.



Một báo cáo đặc biệt năm 2020 của quân đội Mỹ đã liệt kê các khu vực có khả năng trở thành nơi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện. Theo tài liệu này, Trung Quốc có khả năng cân nhắc đặt các căn cứ hậu cần của PLA ở Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan. Trung Quốc được cho là đã tìm cách xây dựng căn cứ ở Namibia, Vanuatu và quần đảo Solomon, nhưng Campuchia mới là nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất của giới quan sát.

Tháng 7/2019, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh được cho là đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, và hiệp ước này sẽ tự động gia hạn 10 năm một lần. Đổi lại, Trung Quốc cam kết hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Campuchia, mà vì lẽ đó, trong nửa cuối năm 2020, một số công trình kỹ thuật và tòa nhà do Mỹ và Australia xây dựng đã bị phá bỏ, bao gồm cả trụ sở chỉ huy chiến thuật của Ủy ban An ninh hàng hải quốc gia.

Cả Trung Quốc và Campuchia đều kịch liệt phủ nhận việc họ ký thỏa thuận cho phép Hải quân PLA tiếp cận căn cứ Ream. Chính quyền Hun Sen cũng đề cập đến việc Hiến pháp Campuchia nghiêm cấm việc triển khai binh sĩ nước ngoài ở trong nước.

Một cơ sở hậu cần khác của PLA ở Campuchia có lẽ là dự án du lịch Dara Sakor trị giá 3,8 tỷ USD vào năm 2016 trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chính phủ Campuchia đã ký hợp đồng cho thuê đất thời hạn 99 năm với Tập đoàn phát triển liên hiệp Thiên Tân của Trung Quốc đối với khoảng 20% bờ biển Campuchia thuộc tỉnh Koh Kong ở miền Nam nước này.

Sau đó, phần lớn dự án đã bị đình chỉ, ngoại trừ việc xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor với đường băng dài 3 km. Theo nhận định của một số chuyên gia, các cơ sở này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng cho mục đích riêng của họ trong tương lai.

Công trường xây dựng sân bay do Tập đoàn Union Development Group của Trung Quốc thực hiện ở Botum Sakor, tỉnh Koh Kong, Campuchia. Reuters

Mối nghi ngờ càng có cơ sở khi xét tới sự hợp tác ngày càng tăng giữa quân đội hai nước, cũng như việc Campuchia dần xa rời phương Tây như để phản ứng trước những lời chỉ trích thường xuyên về dân chủ và nhân quyền. Trong những năm gần đây, Chính quyền Hun Sen đã hủy bỏ các chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ, hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự Angkor Sentinel với Mỹ và tiến hành các cuộc tập trận tương tự mang tên Rồng Vàng với Trung Quốc.

Mặc dù hiện tại không có bằng chứng rõ ràng nào về sự hiện diện của PLA tại căn cứ Ream hoặc các địa điểm dân sự ở Dara Sakor, nhưng không thể loại trừ khả năng này trong tương lai, đặc biệt là khi xét tới các khoản nợ Trung Quốc ngày càng tăng của Campuchia và việc Phnom Penh ngày càng dấn sâu vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Campuchia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, nằm án ngữ phía Tây và Tây Nam của Việt Nam, phía Đông của Thái Lan; giáp hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông; vừa thông ra biển, vừa án ngữ đường thủy huyết mạch của khu vực Đông Nam Á lục địa; có cảng nước sâu Shihanoukville nằm trong đường hàng hải chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Do vậy, Campuchia được coi là viên ngọc trai thứ hai trong “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc, nhằm kết nối đặc khu hành chính Hồng Kông với Sudan qua Ấn Độ Dương và giúp Trung Quốc tiếp cận Vịnh Thái Lan, Biển Đông một cách thuận tiện nhất. Việc chi phối Campuchia mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về chính trị và quốc phòng, an ninh. Với sự có mặt ở Campuchia, Trung Quốc có thể nắm giữ một địa bàn chiến lược, làm hạn chế sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ, Nhật Bản đối với khu vực trong bối cảnh sự ủng hộ của các nước này đối với Philippines và Việt Nam gây ra những thách thức đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời, góp phần gia tăng sức ép đối với Việt Nam từ hướng Tây Nam trong trường hợp quan hệ Trung Quốc - Việt Nam căng thẳng.



Ngoài ra, nằm ở trung tâm của Đông Nam Á lục địa, cảng Sihanoukville của Campuchia được mệnh danh là một căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng để triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực vịnh Thái Lan và eo biển Malacca; có thể triển khai căn cứ hậu cần, bảo đảm xăng dầu cho ba hạm đội hiện tại để kiểm soát vùng Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khu vực sân bay Kampong Chohnang có thể giúp kiểm soát không quân ở khu vực, tạo thành tiền phương phòng thủ từ xa cho Trung Quốc. Các căn cứ không quân và sân bay của Campuchia có thể phát huy vai trò trong trường hợp Trung Quốc thiếu khả năng tiếp dầu trên không để kiểm soát vùng trời trên biển. Chi phối được Campuchia, Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ quân sự của quốc gia này can dự vào ASEAN, đe doạ khu vực này.

   Mời xem thêm »


© Lê Ngọc Thiết
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad