Tô Văn Trường
Điều làm cho đảng viên và quần chúng khó hiểu là toàn văn dài 22 trang (khổ chữ 14), kể cả khi nói vo, vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không một lời nào liên hệ tới vụ Tiên Lãng, trong khi đây là sự kiện nóng bỏng nhất trong dư luận xã hội, một dẫn chứng sốt dẻo về tình trạng cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, đối nghịch với dân, là “thuốc thử” của Nghị quyết Trung ương 4 vào đời sống. Cho đến nay, chúng tôi cũng chưa cắt nghĩa được vì sao 3 vị trong “tứ trụ” không nói một lời nào về vụ Tiên Lãng!?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu ở Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa qua đã đặt câu hỏi: “Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả không đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí có chiều hướng nghiêm trọng hơn làm xói mòn niềm tin đối với Đảng?”.
Người đời thường nói bất cứ cái xấu nào đã đến tột cùng của nó thì tự nó sẽ phát sinh giảỉ pháp trị bệnh cho nó. Việc của Đảng là việc của quốc gia. Vận mệnh của đất nước, dân phải biết. Để tránh đi vào các vết “xe đổ” như trước đây về các nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đi vào cuộc sống, phải để cho đảng viên và người dân được tự do nói thật các suy nghĩ của mình, cùng nhau bàn bạc, thảo luận tìm rõ nguyên nhân thì mới hy vọng có thể trị được tận gốc của căn bệnh trầm kha xem ra đã nhờn thuốc!
Là đảng viên nhưng thực sự tôi không nhớ đã có bao nhiêu Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Lần này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nói rõ và đầy đủ hơn một cách công khai, khuấy động dư luận, còn các kỳ trước không giữ kín nhưng cũng không tuyên truyền rộng rãi bằng kỳ này.
Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Hồ Chủ Tịch đã dạy: ”Đối với với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ chính kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”. Phai nhạt lý tưởng và không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa được nêu lên hàng đầu, như vậy thì hầu hết đảng viên có trí tuệ thuộc loại này bởi vì không biết hình hài ưu việt của mô hình mà chúng ta đang theo đuổi là cái gì? như thế nào? Ai minh chứng đuợc đã có nước nào thành công? vv… Nghị quyết hoàn toàn không nói gì đến giáo điều, bảo thủ, đến tư duy và phong cách xa rời dân, thiếu tôn trọng dân, thậm chí đối nghịch với dân. Chợt nhớ ra nếu người nào mang bản chất giáo điều, bảo thủ, xa dân thì làm sao có thể nêu đó là khuyết điểm.
Người dân tự hỏi cán bộ, đảng viên bị xuống cấp nhiều về đạo đức và lối sống với những biểu hiện rõ nét nhất từ khi nào? Nhiều người cho rằng: Khi đất đai còn hoang hóa, giá trị trên thị trường chưa cao, ít ai chú ý, tiêu cực ít, tham nhũng chưa xuất hiện nhiều. Từ khi bung mở “phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, đồng thời với thị trường bất động sản rộ lên, đã xuất hiện đầu cơ, trục lợi. Đã là thị trường thì tự nó vẫn phát triển theo quy luật đương nhiên, nhưng hầu như trước sự chuyển đổi đó Đảng và Nhà nước lại có sự buông lỏng quản lý, thậm chí không ít cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên ngành, chuyên môn còn lợi dụng vai trò quản lý để “thị trường hóa” ngay trong công tác tổ chức, điều hành, lợi dụng chức vụ, quyền hành để chiếm dụng đất công, bao chiếm đất của dân, bồi hoàn giải tỏa với giá quá rẻ mạt như cướp không đất của dân. Không ít cán bộ bỏ bê việc công, khoán trắng cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn, còn bản thân thì đêm ngày chỉ lo chạy mánh, móc nối làm giàu trên thị trường bất động sán. Thị trường gắn với tiền tệ, đồng tiền đã làm phân hóa giàu nghèo rất nhanh, làm biến đổi nhân cách, đi đến mất nhân cách, làm đảo lộn các giá trị đạo đức, làm mất lòng dân, thậm chí gây phẫn uất, oan khốc đối với dân. Cũng từ đó hình thành các nhóm lợi ích, cục bộ, bản vị, chạy theo đồng tiền, coi tiền là trên hết, làm giàu bất chính, tha hóa lối sống, mất hết tư cách và tác phong của cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết TW lần thứ 4 đưa ra nhóm 4 giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong và gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả.”
Người dân nhận xét “Đảng viên nhan nhản, nhưng cộng sản được mấy người”. Nghe rất đau nhưng đó là sự thật. Giải pháp thực hiện trông chờ vào ý thức tự giác phê và tự phê chỉ là ảo tưởng. Trong 4 nhóm giải pháp, xem ra không thấy thành nhóm được, mà cái này vẫn chồng chéo cái kia. Ví dụ như khi đưa ra nhóm giải pháp thứ nhất: Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên. Thế thì cả 3 nhóm giải pháp sau cũng đều phải đưa vào nhóm 1, thì mới làm được. Muốn tự phê bình và phê bình cho đầy đủ, thấu đáo, cần phải nói đến giáo dục chính trị tư tưởng, chính sách, công tác tổ chức cán bộ, chất lượng sinh hoạt đảng. Không cần chẻ ra như thế, nghe thì nhiều giải pháp nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một. Hơn nữa, đây chưa phải là giải pháp, mà là nội dung cần tổ chức thực hiện, nội dung cần phân tích sâu.
Giải pháp gì thì cũng phải tập trung gỡ cho được những nút thắt đang bị rối, như: Tình trạng xa dân, mất dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội. Biểu hiện rõ nhất là các cấp lãnh đạo vẫn còn biểu hiện quan liêu, ít hiểu sâu thực tế xã hội, ít gần dân. Nạn tham nhũng quá lớn, không chỉ là chống tham nhũng chung chung, đơn thuần như hiện nay, mà phải trừng trị tham nhũng, kiên quyết làm rõ những vụ tham nhũng có tổ chức và không có tổ chức, đơn tuyến và đa tuyến. Qua đó, phải mạnh mẽ và dứt khoát sớm đưa ra xử lý trước pháp luật trong những vụ tham nhũng đã rõ, có biểu hiện rõ nét. Chờ kê khai tài sản thì không bao giờ qua kê khai mà phát hiện ra vụ việc, đối tượng tham nhũng. Phải bằng pháp luật, phải nhờ vào phát hiện, tố giác của quần chúng. Nguồn tài chính, tài sản sờ sờ ra đó, chính là chứng cứ. Nếu không kiên quyết xử lý những đảng viên là lãnh đạo về đảng, chính quyền, doanh nghiệp tham nhũng đã quá lớn thì không thể giải quyết được vấn đề gì.
Các chức danh có quyền lực cả trong hệ thống chính trị, các ngành, nghề liên quan đến đất đai, dự án, công trình, kinh doanh, đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu… mới là những nơi sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Kể cả những vị đã bị kỷ luật, nhưng không bị đưa ra xét xử, kỷ luật nhưng tránh được pháp luật, những cán bộ có chức có quyền “về hưu” hạ cánh an toàn cũng cần đưa vào diện xem xét để chống tham nhũng, trừng trị tham nhũng.
Điều làm cho đảng viên và quần chúng khó hiểu là toàn văn dài 22 trang (khổ chữ 14), kể cả khi nói vo, vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không một lời nào liên hệ tới vụ Tiên Lãng, trong khi đây là sự kiện nóng bỏng nhất trong dư luận xã hội, một dẫn chứng sốt dẻo về tình trạng cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, đối nghịch với dân, là “thuốc thử” của Nghị quyết Trung ương 4 vào đời sống. Cho đến nay, chúng tôi cũng chưa cắt nghĩa được vì sao 3 vị trong “tứ trụ” không nói một lời nào về vụ Tiên Lãng!?
Phê bình và tự phê bình phải công khai minh bạch trước dân, không theo kiểu đóng cửa bảo nhau. Riêng các ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải tự phê bình những khuyết điểm về đường lối chính sách, 10 năm nay kinh tế khủng hoảng, xã hội nhiều mặt đều xuống cấp. Đại hội XI thừa nhận có nhiều sai lầm và yếu kém, lòng tin của nhân dân giảm sút, chủ quyền quốc gia tiếp tục bị uy hiếp, thế nhưng không thấy có một vị lãnh đạo nào tự phê bình về tình trạng này? Vì sao? Tập thể Bộ Chính trị hay tập thể Ban chấp hành Trung ương cũng không tự phê bình như vậy, thậm chí còn đổ lỗi nhiều cho tình hình kinh tế thế giới, cho hoàn cảnh khách quan bên ngoài. Đã như thế còn có hiện tượng trấn áp bằng cách nhấn mạnh sự chống phá của các lực lượng thù địch, nhưng không nói rõ đó là ai, những kẻ nào? Khi kiểm điểm phải liên hệ khối tài sản hiện có về đất đai, nhà cửa, tiền bạc, tài khoản do mình hoặc người thân trong gia đình có đuợc thì bao nhiêu phần trăm thu nhập là chính đáng? Có lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu vén cá nhân, đưa những người thân vào các chức vụ không xứng đáng? Không thực hiện được công khai minh bạch trong phê bình và tự phê bình, Nghị quyết TW4 dễ biến thành hoặc là (a) "hòa cả làng" vì mơn mơn không ai dám phê bình thật đối với ai, (b) biến tướng thành nội bộ đấu đá lẫn nhau.
Phải tổ chức thành phong trào quần chúng rộng rãi, nhờ dân mạnh dạn, đồng tâm hiệp lực trong cuộc chỉnh đốn Đảng lần này. Phải kiên quyết, không nên đưa ra quan niệm cho rằng cần từng bước, từ từ, kiên trì. Đảng ta đặt ra yêu cầu cần chỉnh đốn cả nửa thế kỷ nay rồi, nay còn từ từ, kiên trì đến bao giờ? Thực trạng mất uy tín của Đảng lãnh đạo đối với nhân dân đã rõ, nhưng không thể không có lối ra. Trong bất kỳ khó khăn nào, khi có dân ủng hộ nhiệt tình, Đảng ta đều vượt qua. Thế nên, cần nhắc lại đúc kết đã thành chân lý: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay ”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”! Vững tin ở sức mạnh toàn dân, biết coi trọng “lấy dân làm gốc”, thực sự biết dựa vào dân, việc gì dù gian khó đến mấy cũng hoàn thành. Chỉ có những kẻ đã mất chất cộng sản, phản bội các nguyên tắc điều lệ Đảng, đi ngược lại lý tưởng, gây thù chuốc oán cho dân, bị dân khinh thường mới sợ phải đối thoại với nhân dân. Chỉ có dựa vào dân mới phát hiện, giải quyết nhanh chóng những mặt còn tồn tại, những yếu kém, thực sự khắc phục những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn, tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, thiết thực đưa Nghị quyết đúng đắn và hợp lòng dân vào cuộc sống.
Tô Văn Trường
Theo blog Vệ Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét