Vạn lý trường thành trên mạng của Trung Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Vạn lý trường thành trên mạng của Trung Quốc


Hứa Kiện Tống - Hu Zi lược dịch

Ngân sách 2012 của Trung Quốc dành cho an ninh nội địa “giữ vững ổn định” lên tới 701.7 tỉ RMB (110 tỉ USD) lớn hơn cả ngân sách quốc phòng với 670.2 tỉ RMB (106 tỉ USD). Do đó những người hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc nói rằng hóa ra kẻ thù lớn nhất của chính quyền Trung Cộng chính là nhân dân Trung Quốc, mà không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ là Mỹ hay các nước đồng minh.

Để ổn định xã hội, ngoài những biện pháp duy trì trật tự an ninh xã hội thường thấy, Trung Quốc còn muốn khống chế một mặt trận quan trọng hơn. Mạng internet đã cung cấp một không gian rộng lớn cho những “ý kiến khác biệt” với tuyên truyền của nhà nước, bắt đầu từ năm 1994, Trung Quốc bắt đầu thắt chặt kiểm soát trên mạng, giới cầm quyền đã thực thi ít nhất 37 pháp lệnh, thông tư cũng như tăng thêm các vòng kim cô để khống chế.

Thỏa hiệp? Nguồn ảnh: asia.amateurtraveler.com
Trung Quốc bước đầu đã dựng nên “Vạn Lý Hỏa Thành - Great Firewall” vào năm 1998 với một hệ thống kiểm tra, giám sát và những bộ lọc thông tin để ngăn cách cư dân mạng trong nước với những “thông tin không hữu hảo” đối với chính quyền Trung Cộng.

Bắt đầu từ 2004, chính quyền Trung Cộng đã cho thành lập bộ phận giám sát mạng tại hơn 700 tỉnh thành khắp cả nước. Năm 2002 nghiên cứu phát triển thành công bộ lọc mới để ngăn chặn thông tin qua những từ khóa. Năm 2003 quy hoạch các công ty mạng vào một công ước mang tên “Công ước tự tôn trọng pháp luật của các công ty Internet Trung Quốc” với tất cả những tên tuổi lớn như Sina, Souhu, còn có cả Yahoo chi nhánh Trung Quốc…Những công ty ký vào công ước phải cam kết không phát tán tin tức phi pháp, cũng không được đăng tải, sáng tác những những văn kiện, thông tin có khả năng gây bất lợi cho sự ổn định của chính quyền.

Cũng từ 2003, với hơn 120.000 quán internet, có hơn một nửa phải đóng cửa thông qua các hoạt động trấn áp tự do ngôn luận trên mạng, một nửa còn lại thì được cài các phần mềm giám sát. Vậy nên năm 2009 mới xuất hiện cái thông tư quái đản làm nóng dư luận quy định máy tính bán ra được tặng kèm theo phần mềm “an toàn “tên là “Green Dam Youth Escort – 绿坝 – con đập xanh”
Năm 1998, Trung Quốc bắt đầu thực thi đề án với tên gọi “金盾工程 - Golden Shield”,năm 2003 đầu tư 800 triệu USD thành lập cơ quan nhà nước có tên gọi “Công trình tự động hóa thông tin cơ quan an ninh toàn quốc thuộc đề án Golden Shield”. Nó được hoàn thành vào năm 2006, giai đoạn 2 của công trình này vẫn đang được tiến hành ráo riết.

Golden Shield bao gồm những kỹ thuật nhận dạng ngôn ngữ, dùng để tự động giám sát nghe trộm nội dung các cuộc gọi điện thoại, xem trộm, cắt đứt các hoạt động trên mạng của người dùng, thậm chí có thể giám sát, ăn trộm nội dung thông tin từ các kết nối Bluetooth hay Wireless… (Chú thích: Các nguồn tin phương Tây cho rằng Vạn Lý Hỏa Thành là một công trình thuộc Golden Shield, tuy nhiên 2 chương trình này không phải cùng một Bộ điều hành. Golden Shield thuộc Bộ Công an quản lý, còn Great Firewall thì được cho là thuộc Bộ An ninh Quốc gia 国家安全部 và Bộ Trung ương Truyền thông中共中央宣傳部 quản lý)

Đội quân đánh thuê trên mạng

Theo nghiên cứu năm 2004 của Berkman Center thuộc đại học Harvard, trung tâm này đã thử nghiệm 203,217 trang web, trong đó có 18,931 (9.3%) đã bị khóa bởi hệ thống tường lửa của Trung Quốc. Dân mạng Trung Quốc vì muốn thoát ra khỏi bức tường, đã sử dụng các phần mềm tương tự như Freegate – 自由门 để vượt qua sự kiểm duyệt.

Lấy BBS làm ví dụ, ở đại học Bắc Kinh có giao diện diễn đàn tên là “rối như canh hẹ-一塌煳涂” thường bàn luận các vấn đề phủ bại của chính phủ cũng như thường có các ý kiến về dân chủ, nhân quyền, tới năm 2004 thì bị đóng cửa. Sau đó những diễn đàn có từ ngữ liên quan như “一塌 煳 涂” ” 煳涂” “一塌” “ytht” “yitahutu” đều bị đóng cửa bởi bộ lọc kiểm duyệt, đồng thời các trường đại học ở Trung Quốc cũng công bố cấm thảo luận tới vấn đề “rối như canh hẹ” này.
Để tiến tới việc gia tăng khống chế các diễn đàn BBS của các trường đại học, bộ giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu đổi các BBS thành nơi giao lưu của các thành viên trong trường với danh tính thật, đồng thời áp dụng BBS của đại học Thanh Hoa là “Thanh Đại Thủy Mộc” làm mẫu, sau đó chính quyền tiếp nhận quyền quản lý diễn đàn này. Với tình hình như vậy, những BBS của các trường đại học khác không còn cách nào hơn là đóng cửa.

Dùng máy móc kỹ thuật vào công cuộc kiểm soát thông tin nhằm giữ ổn định cho chế độ là không xuể, đơn giản vì thế giới mạng là không có biên giới, cho nên Trung Quốc cũng đầu tư một lướng lớn nhân lực vào cuộc chiến khống chế tự do trên mạng.

Tháng 6/2012,một nghiên cứu của đại học Harvard có tên “How Censorship in China Allows Government Criticism but Silences Collective Expression” đã chỉ ra: Chính phủ Trung Quốc đã huy động từ 20.000 tới 50.000 cảnh sát mạng cùng 250.000 tới 350.000 thành viên của “Ngũ Mao Đảng – Đảng 5 hào” sử dụng cho các chiến dịch trấn áp khống chế trên mạng.

Đội quân đánh thuê trên mạng. Nguồn ảnh: digitaltrends.com
Những thành phần được gọi là “đảng 5 hào” là tên gọi châm biếm của những “bình luận viên trên mạng” được chính phủ trả công cho công việc bút chiến. Mỗi còm (ý kiến - DCVOnline) trên mạng cho những bài văn có lợi cho chính quyền được trả công 5 hào (½ RMB). Công việc của họ là chuyên phát tán những bài văn bốc thơm đảng hoặc chĩa mũi dùi, phê bình những ý kiến hay bài văn bất đồng chính kiến, phản đối. Mục đích là để thế giới mạng đạt tới mức độ “hài hòa”.
Ngoài nhân lực giám sát trên những trang mạng, còn phối hợp chặt chẽ với bên an ninh. Ví dụ vụ scandal của Bạc Hy Lai hồi tháng 3 đã dấy lên những bình luận náo nhiệt trên mạng. Trung Quốc đã khóa chức năng bình luận của nhiều trang mạng lại, đồng thời bắt giữ hàng nghìn blogger có phát ngôn “ảnh hưởng ổn định xã hội”. Năm 2011 họ cũng đã ngăn chặn mọi tin tức về cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi và các nước Arab không những trên báo chí, truyền thông mạng mà còn cả email, tin nhắn điện thoại. Thậm chí những bào báo có chữ “hoa nhài” cũng bị cắt bỏ.

Như vậy có thể thấy chính phủ Trung Quốc không chỉ trấn áp những tiếng nói trong nước, nghiên cứu của Harvard còn cho thấy Trung Quốc cũng trấn áp những tiếng nói từ bên ngoài gồm cả trang web của nhật báo Apple ở Hongkong.

Trung Quốc đổ nhiều tiền của vào công cuộc theo dõi, ngăn chặn mạng internet, mục đích là để trấn áp bất cứ tiếng nói khác biệt với chính quyền của bất cứ ai trên không gian mạng. Một ví dụ là trang mạng có liên hệ mật thiết với phần lớn chúng ta là Facebook. Có thể bạn không tưởng tượng được mỗi ngày chúng ta đều cập nhật trạng thái mới nhất của bạn bè thì người Trung Quốc đa phần không biết gì về trang này. Chỉ có một số ít thông qua các phần mềm vượt tưởng lửa như Freegate để truy cập một cách chập chờn. Trung Quốc cũng có phiên bản sơn trại nội địa hóa của mình là Renren.com nhưng lại phải dùng danh tính thật để đăng kí, quy định này cũng đại diện cho chế độ kiểm duyệt mạng ở nước này.

Trung Quốc cũng giống như Taiwan thời trước với chế độ kiểm duyệt báo chí gắt gao, chính quyền muốn đăng tin nào thì dân chúng chỉ được xem cái đó. Trung Quốc hiện không chỉ kiểm soát bao chí trong nước, họ còn quyết định xem những hãng tin nào được phép vào nước này, như từ chối cho nhật báo Apple của Hongkong và Taiwan vào nước này, tất nhiên là đi kèm với việc ngăn chặn trang web của báo này trên mạng.



Nguồn: Vạn lý trường thành trên mạng của Trung Quốc. Hu Zi. Facebook.
Nguyên văn bài của Hứa Kiện Tống trên Thinking Taiwan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad