“...Phong trào dân chủ cần một cuộc thảo luận rốt ráo và thẳng thắn để đạt tới đồng thuận nếu không muốn bị chia rẽ và tê liệt vào lúc mà lịch sử đang có dấu hiệu sắp sang trang...”
Kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 do 72 nhân sĩ chủ xướng, gọi tắt là Kiến nghị 72 theo yêu cầu của chính các vị này, đã được hơn 5000 người ký tên ủng hộ vào lúc bài này được viết ra. Đó là một kết quả tích cực, tương tự như Tuyên Ngôn 8406 trước đây, trong đó một số đông đảo người Việt Nam đã công khai lên tiếng muốn chấm dứt độc quyền của ĐCSVN.
Kiến nghị 72 đã chia rẽ các bạn tôi thành hai phe, một phe ủng hộ và một phe không ủng hộ. Điều đáng nói cả hai phe đều có những nhận định gần như nhau.
Trước hết là về hiến pháp.
Hiến pháp là hợp đồng sống chung của một dân tộc. Nó xác định chúng ta muốn sống với nhau như thế nào và xây dựng với nhau tương lai chung nào. Nó có thể được viết thành văn bản hay không nhưng nó bao giờ cũng là điều quan trọng nhất đối với một quốc gia. Từ đó có ít nhất hai hệ luận.
Hệ luận thứ nhất là mọi người Việt Nam phải có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau khi thảo luận về hiến pháp. Không được có tiếng nói tương đương với bị loại bỏ, chỉ có tiếng nói phụ họa tương đương với bị khinh bỉ và áp bức. Như vậy thảo luận về hiến pháp là quyền trên đó ta không thể nhân nhượng. Không thể có quan hệ xin-cho. Không ai có thể chối cãi một thực tế là đảng cộng sản có bạo lực và đã dựa vào bạo lực này để tước đoạt nhiều quyền cơ bản của nhân dân, cư xử không khác một lực lượng chiếm đóng. Chúng ta không thể phủ nhận thực trạng đáng phẫn nộ này trong khi chưa thay đổi được nó, nhưng không phủ nhận không có nghĩa là chấp nhận. Trên hiến pháp không thể có vấn đề yêu cầu và kiến nghị. Một bản lên tiếng chung phù hợp hơn. Vả lại chúng ta đều biết rằng ban lãnh đạo cộng sản sẽ bỏ ngoài tai tất cả.
Hệ luận thứ hai là hiến pháp không phải là một văn bản mà ta có thể viết ra sau một vài ngày tìm hiểu và suy nghĩ. Tại mọi nước dân chủ phát triển, như nước Pháp nơi tôi đang sống, đều có những chuyên gia về luật hiến pháp. Tôi được biết một vài người trong họ. Đó là những người sau khi dành hàng chục năm để học hỏi và nghiên cứu về luật hiến pháp đã dành phần còn lại của đời mình để quan sát ảnh hưởng của từng chọn lựa của hiến pháp trên xã hội và rút kinh nghiệm. Tuy vậy họ rất thận trọng khi nói về hiến pháp. Đọc qua bảy kiến nghị và nhất là bản Dự Thảo Hiến Pháp 2013 người ta có thể thấy rõ là sự thận trọng đó đã vắng mặt trong Kiến nghị 72. Bản kiến nghị đã có thể soạn thảo một cách ngắn gọn và thuyết phục hơn.
Có những điều dù rất quan trọng cũng không cần và không nên đưa vào hiến pháp vì chỉ là những vấn đề hoặc thủ tục hoặc của một giai đoạn.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều tối cần thiết. Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã là những người đầu tiên sau ngày 30/04/1975 chủ trương lập trường này và đã gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kiên định. Vấn đề quan trọng đến nỗi chúng tôi đã đề nghị một đạo luật được biểu quyết qua trưng cầu dân ý. Chúng tôi chỉ có thể hoan nghênh những ai chủ trương hòa giải dân tộc. Nhưng dầu sao đó cũng chỉ là vấn đề của một giai đoạn lịch sử chứ không phải là một điều để đưa vào hiến pháp.
Thủ tục bầu cử cũng thế, chỉ nên là đối tượng của một luật bầu cử chứ không phải là của hiến pháp vì có những điều bắt buộc phải thay đổi, thí dụ như sau một cải tổ hành chính cần thiết, và không thể sửa đổi hiến pháp quá thường xuyên. Vả lại cách bầu cử quốc hội trong dự thảo hiến pháp này cũng không ổn. Thí dụ như qui định phải thu thập đủ 10.000 chữ ký ủng hộ để được ra ứng cử là quá đáng, gần như là một sự cấm đoán cho những người không có hàng tỷ đồng để vận động. Hay qui định hễ một sắc tộc thiểu số nào có quá 20% dân số trong một tỉnh thì phải có một thượng nghị sĩ trong khi mỗi tỉnh chỉ có hai thượng nghị sĩ. Làm thế nào để xác định sắc tộc –vĩnh viễn từ thế hệ này qua thế hệ khác hay có thể thay đổi?- của mỗi người? Không dễ, không cần và không nên. Trong một hệ thống bầu cử lương thiện và tự do một cộng đồng đông đảo, dù sắc tộc hay tôn giáo hay văn hóa, tự nhiên có trọng lượng.
Đó chỉ là vài thí dụ điển hình.
Và bên cạnh những điều đúng Dự Thảo Hiến Pháp 2013 của Kiến nghị 72 cũng có những chọn lựa rất vội vã.
Chế độ tổng thống được đưa ra như một lẽ tự nhiên. Do một tình cờ lịch sử hai nước dân chủ mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất là Mỹ và Pháp lại cũng là hai nước dân chủ phát triển duy nhất trên thế giới theo chế độ tổng thống. Từ đó nảy sinh ra một phản xạ quen thuộc của trí thức Việt Nam là nghĩ ngay tới chế độ tổng thống khi nói về dân chủ, dù đây là một chế độ vừa dở vừa nguy hiểm. Nó rất dễ đưa tới tham nhũng và độc tài, hoặc xung đột bế tắc giữa lập pháp và hành pháp. Chế độ tổng thống của Pháp được tất cả các chuyên gia hiến pháp đánh giá là một sai lầm to lớn của tướng De Gaulle. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới mà chế độ tổng thống đã thành công, nhưng đó chủ yếu là nhờ hai yếu tố: một xã hội dân sự vốn rất mạnh từ thời lập quốc và một tổ chức tản quyền rất dứt khoát. Trong trường hợp một nước nghèo, chưa có truyền thống dân chủ, xã hội dân sự còn rất yếu, lại tập trung quyền hành như Việt Nam chế độ tổng thống gần như chắc chắn đưa tới độc tài và tham nhũng. Vả lại chính chúng ta cũng đang nếm hương vị đầu tiên của một chế độ tổng thống với ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều quyền lực hơn cả bộ chính trị đảng cộng sản. Ai hài lòng?
Một thiếu sót lớn khác của Kiến nghị 72 là không hề nói đến tản quyền. Các chính quyền địa phương, mà đơn vị cơ sở là xã theo dự thảo hiến pháp của kiến nghị, chỉ có những quyền hành chính không đáng kể. Mặc nhiên Kiến nghị 72 chấp nhận mô hình tập quyền trung ương. Trái với một thành kiến sai nhưng khá lan tràn tại Việt Nam, công thức tập quyền trung ương không bảo đảm thống nhất đất nước mà còn đưa tới chênh lệch giữa các vùng và tệ sứ quân như ta có thể đã bắt đầu thấy. Tản quyền là xu hướng áp đảo của thời đại này và là kết luận của hơn hai thế kỷ thử nghiệm dân chủ. Thật đáng ngạc nhiên khi nhóm Kiến nghị 72 không biết đến. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi họ đồng thời cũng đề nghị một quốc hội gồm hai viện (với một thượng nghị viện trong đó mỗi tỉnh đều có hai đại biểu dù dân số khác nhau). Tại sao phải có hai viện? Thực ra thượng viện chỉ có ở những nước tản quyền và có mục đích để các địa phương dù trọng lượng kinh tế và dân số khác nhau vẫn có được tiếng nói ngang nhau trong một số trường hợp. Thượng viện, có thể gọi là viện lãnh thổ, chỉ có lý do hiện hữu ở những nước tản quyền. Không có tản quyền thì thượng viện vô nghĩa và vô ích.
Thể chế chính trị, chính quyền trung ương cũng như các chính quyền địa phương, là những đề tài quan trọng và phức tạp vượt khuôn khổ của bài này. Tôi sẽ đề nghị một số tài liệu để độc giả có thể tham khảo (1). Những nhận xét trên đây chỉ có mục đích minh họa một nhận định: hiến pháp là điều rất hệ trọng cần được nghiên cứu và thảo luận đến nơi đến chốn. Không thể vội vã viết ra một hiến pháp.
Còn một điểm khác được đưa ra không kèm theo giải thích nhưng rất cần được thảo luận vì những nhận thức và tư duy mà nó chứa đựng. Kiến nghi 72 chủ trương trở lại với quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, giữ nguyên cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bản Tiến Quân Ca làm quốc ca. Một cách ngắn gọn họ chủ trương trở lại với những biểu tượng của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chế độ của miền Bắc trước đây và của cả nước từ tháng 4-1975 đến tháng 7-1976. Đây không phải là lần đầu tiên mà đề nghị này được đưa ra.
Nhưng chế độ VNDCCH có gì là tốt để đáng được lập lại? Đó là chế độ ngay khi thành lập năm 1945 đã thẳng tay tàn sát hàng trăm ngàn người yêu nước trong các đảng phái quốc gia chỉ vì họ không phải là người cộng sản. Đó cũng là chế độ đã giết hại 172.008 người (2) trong đợt Cải Cách Ruộng Đất 1955-1956; theo định nghĩa quốc tế đây là một tội ác đối với nhân loại (3); đã khủng bố văn nghệ sĩ – như trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm- làm thui chột trí tuệ và óc sáng tạo; đã quyết định cuộc nội chiến Nam - Bắc làm sáu triệu người bị chết và tàn phế. Đó là chế độ đã dìm cả miền Bắc trong một cảnh nghèo khổ cùng cực cho tới 1975. Đó cũng là chế độ đã ký công hàm 14/9/1958 gián tiếp nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa. Và đó cũng là chế độ đã thi hành chính sách hạ nhục và bỏ tù tập thể đối với miền Nam sau ngày 30/4/1975. Đó là một chế độ khủng bố độc hại. Trên nhiều mặt nó còn không bằng, hay tệ hơn tùy cách nhìn, chế độ cộng sản hiện nay. Có gì là xứng đáng và chính đáng?
Danh xưng "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" tự nó cũng đã sai về ngữ pháp. Nó là sản phẩm của một giai đoạn trong đó ảnh hưởng Hán văn trong tiếng Việt còn nặng khiến nhiều người đặt tính từ trước danh từ. Ngày nay tiếng Việt đã phát triển nhiều rồi và đã thoát khỏi ảnh hưởng của tiếng Hán, người ta nói Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam chứ không ai nói Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nữa. Có thể duy trì một sai lầm ngữ pháp ngay trong quốc hiệu không?
Hơn nữa cụm từ "dân chủ cộng hòa" cũng không vô tư. Cũng như cụm từ "dân chủ nhân dân" nó có nghĩa là dân chủ kiểu Stalin và là một khái niệm được các chế độ cộng sản chế tạo ra và sử dụng trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh để phản bác cái mà họ gọi là "dân chủ tư bản", nghĩa là dân chủ như cả thế giới hiểu hiện nay mà nhóm Kiến Nghị 72 cũng muốn đạt tới. Nhóm Kiến Nghị 72 hình như không biết điều này. Không những đề nghị quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bản "Dự thảo hiến pháp 2013" của nhóm trong điều 1 còn xác định Việt Nam là một nước "dân chủ cộng hòa". Về điểm này bản "Dự thảo sửa đối hiến pháp 1992" của chính quyền cộng sản còn tỏ ra cảnh giác hơn, nó chỉ nói "nước CHXHCNVN là một nước dân chủ".
Còn cờ đỏ sao vàng? Cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam trước đây nó đã phủ lên quan tài của hàng triệu người trong đó có những người rất lương thiện, rất yêu nước và rất đáng quí trọng. Nhưng cờ đỏ là biểu tượng của các chế độ cộng sản. Nếu đã đồng ý từ giã chủ nghĩa cộng sản để xây dựng dân chủ thì có lý do gì để giữ cờ đỏ? Phong trào dân chủ đã khổ sở với "phe cờ vàng", liệu trong tương lai nó có khổ sở vì "phe cờ đỏ" không?
Vấn đề nền tảng là chúng ta quan niệm hòa giải dân tộc như thế nào. Hòa giải dân tộc chủ yếu là hàn gắn những vết thương của cuộc nội chiến và những đổ vỡ do những biện pháp phân biệt đối xử sau ngày 30/4/1975 của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hòa giải dân tộc có nghĩa lý gì khi vẫn áp đặt sự tôn vinh chế độ VNDCCH? Đó chỉ là hòa giải trịch thượng kiểu "các anh phải chấp nhận quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca của chúng tôi vì chúng tôi đã chiến thắng; và vì chúng tôi đã chiến thắng nên chúng tôi hoàn toàn đúng, các anh hoàn toàn sai". Một đề nghị hòa giải như thế chẳng hòa giải được với ai mà chỉ như thêm sự thóa mạ vào vết thương, to add insult to injury như một thành ngữ tiếng Anh. Càng khó chấp nhận vì nó không đúng. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ tồi dở, nhưng chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một chế độ gian ác. Mà có đúng là "chúng tôi" đã chiến thắng không, hay tất cả chúng ta đều chỉ là những nạn nhân bị lôi kéo vào một thảm kịch? Tại sao không nhìn nhau như những người anh em bình đẳng?
Các bạn tôi ủng hộ Kiến Nghị 72 lý luận rằng dù sao đây cũng là một thái độ dũng cảm, bởi vì một số đông đảo những người đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản đã công khai kêu gọi bỏ điều 4 và đề nghị một chế độ dân chủ thực sự, dù không hoàn chỉnh. Họ chỉ đúng một phần thôi. Xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều trong những năm qua, không phải do thiện chí dân chủ hóa của chính quyền, trái lại đàn áp đã tăng hẳn mức độ thô bạo trong thời gian gần đây, mà do hậu quả tự nhiên của sự tiếp xúc với thế giới và do sự phát triển của các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại. Một thế hệ mới đã nhâp cuộc và sự phản kháng cũng như đồng thuận dân chủ đã lên một mức độ mới. Trước đây những lập trường như trở lại với quốc hiệu VNDCCH, với tên đảng Lao Động, làm đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh v.v. dù rất hời hợt về lý luận cũng còn có tác dụng nói lên sự sai lầm của chế độ và kích thích sự phản biện. Nhưng ngày nay còn có người Việt Nam nào cần được động viên như vậy? Những lập luận này đi rất sau mức độ đồng thuận hiện nay của cuộc vận động dân chủ và còn có thể có tác dụng ngược là đem lại cho chế độ, và những người đang cầm quyền, một sự chính đáng lịch sử mà thực ra họ không có. Sự dũng cảm cũng chỉ ở mức độ giới hạn vì chính quyền đã tuyên bố cho phép đóng góp mọi ý kiến, kể cả ý kiến bỏ điều 4. Vả lại phần lớn các vị này cũng đã nghỉ hưu và không còn gì để mất. Khi nói tới sự dũng cảm chúng ta nên trước hết nghĩ đến những người đã dám đứng thẳng lên dõng dạc đòi tự do và dân chủ dù đã phải trả những giá rất nặng. Sự quyến luyến với chế độ VNDCCH chắc chắn là không đến từ một suy luận nghiêm chỉnh nào mà chỉ vì các vị của Kiến nghị 72 đã trưởng thành trong chế độ này và thấy ở đó một phần của chính mình. Nhưng sự dũng cảm thực sự cần có để có thể hòa giải dân tộc và cùng bắt tay nhau xây dựng dân chủ chính là sự dũng cảm để vuợt lên trên chính mình và quá khứ của mình để cùng nhau quả quyết nhìn về phía trước. Sự dũng cảm này vẫn chưa thể hiện trong Kiến Nghị 72.
Cuối cùng thì ích lợi thực sự của Kiến Nghị 72 có lẽ là một báo động. Còn rất nhiều ngộ nhận trên những điểm rất cơ bản, về mức độ đoạn tuyệt với quá khứ phải có để hòa giải dân tộc, về những khái niệm chính trị, cũng như về những chọn lựa cho tương lai. Phong trào dân chủ cần một cuộc thảo luận rốt ráo và thẳng thắn để đạt tới đồng thuận nếu không muốn bị chia rẽ và tê liệt vào lúc mà lịch sử đang có dấu hiệu sắp sang trang.
© Nguyễn Gia Kiểng
(tháng 02/2013)
______________________
(1) Nhân dịp thảo luận về hiếp pháp tôi đã yêu cầu ban biên tập Thông Luận cho đăng lại ba bài tham luận ngắn sau đây như những ý kiến để thảo luận:
- Chế độ chính trị cho một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên – Dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên- 2001
- Phản xạ tổng thống - Tổ Quốc Ăn Năn, Nguyễn Gia Kiểng – 2000
- Hiến pháp, chuyện của các luật sư? - Tổ Quốc Ăn Năn, Nguyễn Gia Kiểng - 2000
(2) Đặng Phong –Lich sử kinh tế Việt Nam - tập II, chương 3 –NXB Lao Động, 2002
(3) Tòa án quốc tế Nuremberg năm 1945 xử tội ác Quốc Xã Đức, tiếp nối tuyên ngôn chung của Anh, Pháp và Nga năm 1915, định nghĩa "tội ác đối với nhân loại" là bao gồm các hành vi giết hại, tiêu diệt, nô lệ hóa, lưu đày… đối với thường dân vì những lý do chính trị, tôn giáo, chủng
Theo eThongLuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét