Thơ và người dịch - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Thơ và người dịch


Bảo Như

Có những câu thơ làm người ta nhớ mãi. Với tôi thì đó là câu thơ “Lòng ta chôn một khối tình, tình trong giây phút mà thành thiên thu” dù rằng lúc “bắt gặp” nó tôi còn là nhi đồng, chẳng để ý gì đến thơ và chưa biết … yêu là gì. Tôi vẫn nhớ đọc được câu thơ đó khi mới khoảng mười tuổi, trên trang đầu, tách biệt sau cái tựa truyện và trước phần vào truyện, một tiểu thuyết của Khái Hưng. Mãi đến mấy mươi năm sau, tôi mới lò dò tìm ra được đó là từ bài thơ Pháp Un Secret của Felix Arvers, cũng là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông. Nếu Khái Hưng chỉ dịch một cách đơn giản và chính xác từ nguyên tác “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère: Un amour éternel en un moment conçu.” Có nghĩa “Tâm hồn tôi có một bí mật, bí ẩn của đời tôi: Một tình yêu vĩnh cửu đã chớm nở trong một giây phút.” Tin chắc là tôi đã chẳng nhớ câu dịch sát nghĩa này được đến ngày hôm sau. Vậy mới biết Khái Hưng đã thành công (và cũng xứng đáng) không kém gì Felix Arvers.
 
Chân dung Félix Arvers.
Nguồn ảnh: Wikipedia

Theo Francis R. Jones, giáo sư ngôn ngữ của Newcastle University, Anh Quốc, đồng thời là dịch giả của mười tập thơ từ các ngôn ngữ của vùng Đông Âu, thơ là thể loại quý giá trong cách diễn tả của nhân loại, và thơ cũng là những nguyên bản thử thách nhất đối với các người dịch thuật.

Tôi đã hiểu kinh nghiệm này. Đôi khi cảm xúc tôi có làm thơ và đôi lần hứng thú với một bài thơ ngoại quốc nào đó cũng dịch nó sang tiếng Việt, tạm ổn. Vì vậy tôi không nhận được ra được rằng công việc dịch thơ đòi hỏi người dịch ngoài tài làm thơ phải làm chủ ngôn ngữ muốn chuyển dịch như tiếng mẹ đẻ vậy. Cho đến một ngày, một người bạn Mỹ yêu cầu tôi dịch lại một bài thơ của tôi cho bà hiểu. Tôi chợt nhận ra rằng, với số năm sống ở Mỹ lâu hơn ở Việt Nam, với cuốn tự điển dày cộm để chọn chữ, tôi vẫn không thể chuyển dịch bài thơ của chính tôi cho “ra hồn” được.

Jennifer Liddy một thi sĩ và tác giả chuyên nghiệp, đã làm công việc chuyển dịch nhiều bài thơ của người Argentines sang Anh ngữ hiện sống tại Nhật và làm việc cho Bộ Giáo Dục Nhật Bản, tin rằng

“Dịch một bài thơ gần như là sáng tác thơ, phải cảm được những điều muốn nói, và phải rất chú tâm. Nên dịch thơ không thể là một công việc/job vì có hàng ngàn công việc dễ dàng hơn với thù lao cao hơn, nhưng dịch được thơ có hào quang riêng của nó: Chia sẻ văn hóa, vinh danh người thi sĩ, và nhắc nhở rằng chúng ta có thể vượt qua những biên giới ngôn ngữ.”

Bà đưa "phương pháp" rất kỳ công của bà, tóm lược như sau:

1. Đọc đi đọc lại bài thơ, cho tới khi quen thuộc trơn tru với các từ ngữ. Làm như vậy ta sẽ cảm được vần điệu của nó, lúc cách khoảng, lúc ngừng, lúc nhịp, làn cảm xúc. Chép tay lại bài thơ và copy thành 10 bản. Dán chúng ở những nơi quen thuộc như: nhà tắm, tủ bếp, tủ lạnh …. Nhìn những bản này thường sẽ làm bạn quen với ngữ pháp của bài thơ, đâu là chỗ các tính từ, chỗ nghỉ giữa các thì động từ…

2. Biết về tác giả bài thơ, đặt câu hỏi về bài thơ, cảm nghĩ khi viết bài thơ và ý nghĩa của nó, có phần hình tượng hay ngôn ngữ nào lập lại? Có điểm nào liên quan tới cuộc sống thật, quan niệm về thơ của thi sĩ. Hiểu biết càng nhiều về người thơ càng giúp ích cho bản thơ dịch.

3. Hướng tới nét duyên dáng tự nhiên. Không bám sát từng câu chữ, người đọc thưởng thức ý thơ, chứ không dò từng chữ xem có được dịch sát hay không.

4. Software của PC hay tự điển có thể giúp hiểu nghĩa, tìm từ, nhưng nói theo lối ẩn dụ, chúng chỉ giúp cho việc lắp ráp những mẩu xương, ngừơi dịch mới chính là người đặt trái tim, sức sống, qua ngôn ngữ, vào những mảnh xương đó.

5. Dịch xong bài thơ, bạn nên để yên ít ngày, thậm chí cả tuần, trứoc khi duyệt lại. Để thời giờ nghĩ đến chuyện khác với ngôn ngữ riêng mình. Rồi trở lại bài thơ sẽ thấy những điểm khúc mắc hay những điểm vừa ý.

Trong khi đó, Đinh Linh, một thi sĩ gốc Việt, sinh trưởng ở Mỹ từ năm 12 tuổi, cũng từng chuyển dịch nhiều bài thơ Việt sang Anh, lại nêu quan điểm về lối dịch thơ của ông, trong một bức thư cho bạn như sau:

“Tôi đã dịch rất nhiều thơ Việt sang tiếng Anh và thơ Mỹ sang tiếng Việt. Theo tôi, việc đầu tiên của người dịch là phải dịch sát nghĩa. Sau đó, người dịch phải trung thành với giọng, nhịp của nguyên bản. Dịch giả cũng nên tôn trọng cú pháp của nguyên bản nữa, không nên xáo trộn chấm, phảy... Còn có giữ được vần không, theo tôi không quan trọng lắm. Vì đạt được hai mục tiêu trên, sát nghĩa và sát giọng, thì đã khó lắm rồi. Tôi không phải đối phó với vấn đề này lắm vì phần đông những thơ tôi dịch là thơ tự do.

Phần đông những thơ vần Anh ngữ có 10 âm, 5 nhịp, vần ở chữ cuối. Thơ vần Việt Nam thì phần đông là lục bát, vần ở cuối và giữa câu. Theo tôi, điều tối kị là “Việt hoá” một câu thơ ngoại quốc, dịch sonnet thành lục bát chẳng hạn. Một trách nhiệm của người dịch là làm phong phú ngôn ngữ. Người dịch luôn luôn nên giới thiệu những cách viết lạ vào ngôn ngữ mình.”

So sánh quan điểm của hai dịch giả về thơ này, xem ra khá đối nghịch. Khó có thể kết luận đúng sai, nhưng từ kinh nghiệm đầu đời của tôi với bài thơ Un Secret do Khái Hưng dịch, tôi biết nếu Khái Hưng không phạm vào “điều tối kị” của Đinh Linh (dịch sonnet thành lục bát), bài thơ đã không đi vào lòng tôi sớm và dài lâu tới vậy. Tôi cho rằng nếu “trung thành” với cú pháp và “giọng,” từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sẽ đánh mất sức sống của bài thơ, nhất là khi ngôn ngữ nguyên bản thường xa lạ với người đọc. Đặt nhẹ vần điệu (sau cú pháp) cũng làm mất tính “thơ” của bản dịch.

Nhân đây xin nêu một bản thơ dịch của Đinh Linh trong bài Chửa Hoang của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, làm ví dụ cho một thất bại.


An Unplanned Pregnancy

My giving in yielded this mess.
Don't you realize my anguish?
Although destiny never raised its head,
There's a stroke across the willow tree.
It's a century-long bond, remember?
This loveload I'll be lugging.
Whatever the world's opinions,
To have child, without husband,
Is a very nice feat.


Chửa Hoang

Cả nể cho nên hóa dở dang.
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đành nẩy nét ngang.
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch.
Không có nhưng mà có mới ngoan.



Nhà văn Khái Hưng, ảnh chụp thời trẻ tại Sa
 Pa Ảnh:Nguồn: ảnh của gia đình Khái Hưng

Bản dịch hoàn toàn thiếu vắng giọng trào phúng, và cách chơi chữ thâm thúy của nữ sĩ. Người viết không nghĩ có thể đòi hỏi dịch giả nào làm tốt hơn với lối thơ có một không hai của bà chúa Nôm, thêm vào cách chơi chữ không thể tìm được tương đồng trong ngôn ngữ khác, tuy nhiên, theo thiển ý, nếu không chuyển được tứ thơ và tính cách của lời thơ thì không nên dịch, dù với mục đích phổ biến văn hóa, vì sẽ nhận lại những khái niệm sai lạc. Giảng nghĩa nôm na bằng văn nói với bạn bè thì có thể.

Bỏ qua những đối nghịch trong quan niệm về dịch thơ, tôi tin rằng điều kiện chung cho một bài thơ dịch thành công là người dịch cũng phải là thi sĩ, cảm được bài thơ và thẩm thấu với ngôn ngữ thứ hai như tiếng mẹ đẻ. Cả ba yếu tố đều quan trọng ngang nhau, và lý do tôi gặp khó khăn dịch bài thơ của chính tôi cho người bạn Mỹ, vì tôi thiếu yếu tố thứ ba này. Anh ngữ vẫn không là "tiếng nước tôi" dù tôi hiểu, nói, viết và giao tiếp bằng Anh ngữ hàng ngày.

Cho nên khi được người bạn thiết chuyển dịch giúp bài thơ của tôi sang Anh ngữ, chỉ cần đọc bản dịch, tôi hiều mình thật rất may mắn khi có được một soul mate đúng nghĩa. Ngoài tài năng, nếu không “tâm giao” chị nhất định không diễn dịch được như thế. Viết đến đây, tôi thầm cám ơn chị, cám ơn cơ duyên đã cho tôi một tình bạn quý báu. Xin chia sẻ với bạn đọc bài thơ của chúng tôi. Nếu các bạn muốn thử nghiệm cách dịch thơ, hãy khoan đọc bản tiếng Anh, chọn vài câu bạn thích thú và thử dịch xem có ... bí như chính tác giả của nó không?


Những Con Sóng

Có những con sóng lặng lẽ ra khơi biển động
Ôm trong lòng sóng hoài bão giục thủy triều dâng
Trời Nam u uất, sóng réo
Tàu gieo tang tóc trên Biển Đông
Kìa dân mất đất không đừơng sống
Thù trong cấu kết với ngoại bang

Từ đó những con sóng ngầm dâng khát vọng
Không sống an nhiên, theo tiếng Nước gọi, dòng máu tự hào
Mặc khơi hung hãn, cơn cuồng bão
Như bạo quyền lang sói đang đảo điên
Tù ngục lao lung, lòng kiên vững không hề chao

Mẹ ơi lau nước mắt đừng khóc
Dân tộc mình bất khuất không thể mất
Đoàn con lớp lớp, những con sóng, dấn thân xa bờ …


Waves after waves…

The waves ripple out silently
To troubled waters, out to sea,
Bearing in their heart full of pride
The hope of rising to high tide …
Under the Nam’s troubled sky,
The ocean waves roar and cry:
“Han invaders tread the Eastern Sea,
Spreading terror, calamity…
People have lost their livelihood,
They lost their land, went without food…
And all to curse some insiders
Subservient to the invaders!”
From little waves’ undercurrent
Pent up angers burst out ocean:
The Nation calls us of one blood,
Garner our souls, waves into flood...
No gale tempest, no stormy sea,
No oppressor, no tyranny,
No jail wall, no brutality,
Can sway us in our destiny…
So dry your tears, oh dear Mother,
Your children stand, never falter,
Proud, and upright, brave and steadfast,
Thence forever, our Nation lasts…
Waves after waves, we, your children
Advance from shore to the open.


By TL


© DCVOnline



“Un Secret” của Felix Arves được viết theo thể Sonnet của Tây phương gồm 14 câu, niêm luật khắt khe. Xem nguyên bản và các bản dịch khác nhau tại đây.

Nguồn:
- http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7&rb=07
- http://www.writing-world.com/poetry/liddy.shtml
- http://wordswithoutborders.org/contributor/francis-r.-jones


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad