Cố tình hay… nhầm lẫn?
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản huy động cán bộ và nhân dân đi xem bóng đá bất chấp một số trận đấu U19 Quốc gia diễn ra trong giờ hành chính đã làm xôn xao dư luận.
Cụ thể, ngày 26/3, UBND tỉnh Kon Tum đã ra công văn số 547/UBND-VX về việc điều động cán bộ và nhân dân đến xem và cổ vũ các trận bóng đá U19 Quốc gia - Cúp Tôn hoa sen năm 2013.
Theo đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum tổ chức vòng chung kết giải bóng đá. Nhóm A gồm các đội Sông Lam - Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Khatoco Khánh Hòa và TĐCS Đồng Tháp sẽ thi đấu trên sân vận động tỉnh Kon Tum. Vì vậy, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các địa phương huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động của đơn vị tham dự bảo đảm số lượng người tại các trận đấu và chịu trách nhiệm quản lý lực lượng của từng đơn vị.
Công văn huy động ghi rõ số lượng cán bộ, nhân dân đixem bóng đá trong giờ hành chính.
|
Trả lời báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Tôi đang đi học nên không biết chuyện này. Sau khi thấy báo chí phản ánh, tôi đã gọi điện về cho Chánh văn phòng. Ở đây, phía Văn phòng UBND tỉnh đã có sự nhầm lẫn. Tôi đã nói với anh Chánh văn phòng là mai (29/3) phải đính chính đi, chứ ai lại làm thế này khiến người khác hiểu lầm. Trong giờ làm việc, ai cho phép được huy động cán bộ đi xem bóng đá. Chỉ có những trận ngoài giờ thì mới được đi xem thôi".
Lời giải thích của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khó lòng được chấp nhận bởi trong công văn 547/UBND-VX đã đóng dấu “khẩn” ký ngày 26/3, đã có sự chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước. Hơn nữa, theo thời gian các trận đấu và lịch “nghỉ làm, xem bóng đá” thể hiện việc điều động cán bộ các ban ngành đi xem từ 15h30 khi diễn ra các trận đấu chứ không thấy nói đi sau giờ làm việc.
Huy động lạm quyền
Trao đổi với PV , ĐBQH GS. Nguyễn Lân Dũng nhận định, đây là một “tối kiến” của UBND tỉnh Kon Tum.
“Tôi thấy sao mà cái công văn của tỉnh Kon Tum lại tương tự như công văn thời thuộc Pháp mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ghi lại trong truyện ngắn "Tinh thần thể dục": "Có lính huyện mang trát quan về làng/Quan tri huyện huyện X.X./Sức hương lý xã Ngũ Vọng tuân cử. Nay thừa lệnh tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ.
Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện. Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước thì lần này được miễn. Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách. Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng. Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu”.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, huy động người xem bóng đá là một "tối kiến" của tỉnh Kon Tum. |
“Bây giờ là thời nào mà các “quan tỉnh” lại hành dân như vậy? Đề nghị Tổng cục Thể dục thể thao hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem đây có phải là chủ trương của Tổng cục hay của Bộ không? Nếu không thì Tổng cục và Bộ phải có ý kiến ngay kẻo nhiều địa phương khác lại học theo "tối kiến" này thì nguy quá”, ông Nguyễn Lân Dũng ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa nhân học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho rằng, việc huy động cán bộ, người dân tham gia xem bóng đá là lạm quyền, gây ảnh hưởng đến công việc của cán bộ công chức và người dân.
“Cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan quân đội và công an là những người hưởng lương Nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm phải hoàn thành mọi công việc do đơn vị quả lý giao cho. Việc tổ chức bóng đá dù là UBND tỉnh phối hợp tổ chức cùng Liên đoàn bóng đá cũng không được quyền huy động họ tham gia. Vì việc tham gia xem bóng đá trong giờ hành chính là sai luật công chức do không hoàn thành công việc được giao trong ngày. Hơn nữa, việc xem bóng đá là quyền cá nhân của mọi người theo sở thích của họ, vì phải mua vé với giá tiền không rẻ so với thu nhập cán bộ hiện nay”.
PGS Nguyễn Văn Tiệp: UBND tỉnh Kon Tum huy động người xem bóng đá là lạm quyền. |
“Việc ra công văn đề nghị gần như bắt buộc các đơn vị tham gia như vậy UBND tỉnh đã lạm quyền với tư cách là một cơ quan công quyền của Nhà nước. Tình trạng lạm quyền ở các cơ quan nhà nước thường hay xảy ra, cần phải phê phán. Việc cán bộ, người dân có tham gia xem bóng đá hay không là tùy thuộc vào sở thích cũng như túi tiền của họ. Mặt khác cũng tùy thuộc vào việc tổ chức và trận đấu có tốt hay không để lôi cuốn người dân tham gia. Đó là công việc của ban tổ chức trận đấu và chỉ được quảng cáo theo luật quảng cáo hiện hành. Còn người dân tham gia hay không lại là việc khác.
Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, dân trí đã cao rồi mà “quan trí” còn thế này thì dân còn khổ mãi”, GS Nguyễn Văn Tiệp nhìn nhận.
Kiến thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét